BTĐKT - Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đạt 39,25%, trong đó có hơn 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi. Mặc dù đã vượt 1,42% mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, nhưng sau 15 năm thực hiện Luật BHXH (Luật số 71/2006/QH11, thực hiện BHXH tự nguyện từ 1/1/2008), số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất khiêm tốn đã ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh tuổi già của một bộ phận lớn dân cư sau này.
Cần chính sách toàn diện, đồng bộ cho người tham gia bảo hiểm
Đặc biệt, người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức còn lớn, lại chưa nhiều người tham gia BHXH tự nguyện là việc cần phải tháo gỡ.
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp có tính chất chiến lược và tổng thể quan trọng nhất là phát triển mạnh nền kinh tế thị trường để phát triển mạnh khu vực chính thức, giảm mạnh khu vực phi chính thức để lao động khu vực này chuyển sang khu vực chính thức và có quan hệ lao động để đảm bảo an sinh xã hội, BHXH cho người lao động.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện cũng là cách để tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện. Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất thêm chế độ trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện mức 2.000.000 đồng từ ngân sách Nhà nước, bên cạnh chế độ lương hưu, tử tuất.
Đánh giá chế độ này rất tốt đối với những người lao động trong độ tuổi sinh sản, nhưng GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng không nên quy định “cứng” mức hưởng vì có thể dẫn đến nguy cơ có thể phải sửa đổi, điều chỉnh luật. GS.TS Giang Thanh Long đồng thời nhấn mạnh, về lâu dài, vẫn phải nghiên cứu và ban hành các chế độ BHXH ngắn hạn như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với nhóm người lao động phi chính thức để làm tăng tính hấp dẫn của chính sách và đảm bảo công bằng trong việc đóng góp và hưởng thụ các quyền lợi BHXH. “Qua khảo sát với lao động khu vực phi chính thức cho thấy, ngoài chế độ lâu dài là hưu trí, tử tuất thì người lao động rất mong muốn được hưởng các chế độ sát sườn: Bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản… Vì vậy gói BHXH ngắn hạn dần dần phải mở ra”, GS.TS Giang Thanh Long nêu quan điểm.
Ngoài ra, để nâng cao tỷ lệ lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, GS.TS Giang Thanh Long cho rằng, đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề để người lao động tham gia thị trường lao động bền vững; khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động… là một trong những động lực rất quan trọng.
TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh, để mang lại lợi ích tối đa cho người lao động khu vực phi chính thức, cần có chính sách đồng bộ, toàn diện hơn như: Thúc đẩy chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm bền vững cho người lao động, hỗ trợ cho người lao động vay vốn phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình… Có như vậy, lao động mới có cơ hội để lao động để tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh những giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng, rất cần nâng cao nhận thức của người dân, người lao động để họ tham gia BHXH tự nguyện. Điều quan trọng là công tác tuyên truyền phải làm rõ lợi ích của chính sách. Cùng với đó, phải tạo cơ hội và điều kiện cho người lao động tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, đặc biệt quan tâm đến công tác hành chính phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia, hỗ trợ kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động thông minh.
Gia Linh