Hỗ trợ sản phẩm OCOP xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
BTĐKT - Chiều 25/10, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tổ chức buổi giới thiệu thông tin Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu (OCOPEX). Ban Tổ chức giới thiệu thông tin về triển lãm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là giải pháp để giải quyết bài toán nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc sản ở các địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm OCOP có lợi thế của quốc gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hội nhập kinh tế thế giới, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu (OCOPEX). Triển lãm diễn ra từ ngày 31/10 - 4/11/2024 tại Quảng trường Grand World, Khu Venice thuộc Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 3, Hưng Yên, với quy mô 250 gian hàng, dành cho hơn 150 doanh nghiệp có sản phẩm OCOP từ 3 sao, 4 sao, 5 sao, trưng bày và quảng bá sản phẩm theo hai chủ đề: Vùng miền; lĩnh vực, sản phẩm. Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra Tọa đàm "Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài"; giới thiệu phiên bản thí điểm "Sàn giao dịch thương mại nông sản" để lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương; chương trình kết nối doanh nghiệp OCOP với các nhà phân phối lớn tại Việt Nam. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Việc tham gia Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu năm 2024 sẽ mở ra cơ hội cho các chủ thể OCOP tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan đại diện và các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, việc gặp gỡ các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại triển lãm sẽ hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc đổi mới tư duy sản xuất và tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, bền vững. Qua triển lãm, các cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức xúc tiến thương mại sẽ có cơ hội tiếp cận thông tin về thị trường và các sản phẩm tiêu chuẩn OCOP của các địa phương. Doanh nghiệp xuất khẩu, nhà phân phối trong nước và nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam sẽ có cơ hội gặp gỡ các chủ thể OCOP uy tín, mở rộng và đa dạng hóa nguồn hàng thu mua. Đây cũng là dịp để các nhà nhập khẩu khám phá những sản phẩm OCOP mới và tiềm năng của Việt Nam, từ đó tạo cơ hội trao đổi thông tin và kết nối cung cầu hàng hóa, đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế. Các địa phương sẽ được quảng bá sản phẩm OCOP của mình và tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, triển lãm hỗ trợ thiết thực và trực tiếp nhất cho các doanh nghiệp và ngành hàng của địa phương, mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Phương ThanhKinh tế
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin kinh tế, doanh nghiệp trên báo chí
BTĐKT - Sáng 24/10/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề "Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí". Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai - năm 2024 Dự diễn đàn, có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định: Để hỗ trợ, động viên đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VCCI nhận thấy ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thổi bùng lên khát vọng đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, ý nghĩa lớn với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí khi đóng góp quan trọng vào việc thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cũng như xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Qua việc phản ánh thông tin trên báo chí, các cơ quan chức năng của Nhà nước có thêm kênh thông tin để có thể lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn. Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí còn có vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp và ngược trở lại trở thành tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng của thực tế nền kinh tế… Vì thế, báo chí đã và đang là một kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế để giúp các chính sách của Nhà nước theo kịp thời diễn biến nền kinh tế, ngày một hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, với những mối quan hệ biện chứng đa chiều trên, kết nối giữa báo chí và doanh nghiệp là vừa mối quan hệ phản biện, vừa tương hỗ, gắn bó không thể tách rời. Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin kinh tế, doanh nghiệp trên báo chí để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững. Phương ThanhPenta Security Vina mong muốn chuyển giao công nghệ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam
BTĐKT - Ngày 22/10, Công ty TNHH Penta Security Vina chính thức khai trương tại Hà Nội. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực an ninh mạng, công ty mong muốn hợp tác, chuyển giao công nghệ với các đối tác nhằm tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số tại Việt Nam. Đại diện Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ nước CHXHCN Việt Nam trao đổi với đại diện Công ty TNHH Penta Security Vina về các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin do công ty cung cấp Được thành lập vào năm 1997 tại Hàn Quốc, Penta Security là nhà cung cấp an ninh mạng hàng đầu ở châu Á, được Frost & Sullivan công nhận và là công ty dẫn đầu thị phần APAC về tường lửa ứng dụng web. Trong hơn hai thập kỷ, hãng đã được biết đến với ba giải pháp bảo mật chính: Tường lửa ứng dụng web, mã hóa dữ liệu và xác thực. Các giải pháp này sau đó được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, bao gồm bảo mật doanh nghiệp, IoT và bảo mật ô tô, cũng như các giải pháp chia sẻ dữ liệu dựa trên blockchain như ví điện tử. Với hơn 230 nhân viên, 60% nguồn lực của Penta Security làm việc trong lĩnh vực R&D, đóng góp vào 86 bằng sáng chế đã đăng ký, 58 chứng nhận trong nước và quốc tế, cũng như gần 39 giải thưởng trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin. Ông Jang Il Koo, Giám đốc đại diện Công ty TNHH Penta Security Vina phát biểu tại lễ khai trương Ông Jang Il Koo, Giám đốc đại diện Công ty TNHH Penta Security Vina cho biết: Hiện nay thế giới đang gia tăng chuyển đổi số. Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, các công nghệ như internet vạn vật (IoT), thực tế ảo, dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành những xu hướng chính trong chuyển đổi số. Việc áp dụng các công nghệ này vào cuộc sống hàng ngày đang được khuyến khích và đem lại nhiều tiện ích cho con người. Tuy nhiên, việc bảo mật và quản lý dữ liệu cũng là một vấn đề cần được quan tâm để đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững của các công nghệ này. “Xây dựng môi trường an ninh thông tin an toàn trên quy mô toàn cầu là điều không thể đạt được chỉ bằng sức mạnh của một quốc gia hay một công ty. Gần đây, cả thế giới đều nhận ra rằng Việt Nam đang có những bước tiến đáng kinh ngạc nhờ vào nguồn nhân lực phong phú và ý chí vững vàng trong việc phát triển. Do đó Penta Security Hàn Quốc muốn chia sẻ nhiều kinh nghiệm về an ninh thông tin với Việt Nam thông qua việc thành lập Penta Security Vina và hợp tác với Việt Nam - một quốc gia có tiềm năng to lớn, để góp phần xây dựng một thế giới an ninh đáng tin cậy trên toàn cầu.” - ông Jang Il Koo nhấn mạnh. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ nước CHXHCN Việt Nam phát biểu tại lễ khai trương Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ nước CHXHCN Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng khi công ty Penta Security Vina đã chọn Việt Nam là nơi để phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: Chính phủ Việt Nam lựa chọn kinh tế số là mũi nhọn trong phát triển kinh tế từ nay đến năm 2045. Đây là một định hướng rất quan trọng với Việt Nam, một nước đi sau, lựa chọn chuyển đổi số là con đường bứt phá để phát triển. Trong bối cảnh đó, Penta Security mở văn phòng đại diện tại Việt Nam có nhiều thuận lợi, triển vọng phát triển. Với vị trí, chức năng được giao, Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ hi vọng là cầu nối, là đơn vị đầu tiên hợp tác với công ty triển khai các nội dung liên quan đến an toàn thông tin, bảo mật thông tin trong chuyển đổi số. Đây có thể được xem hình mẫu để công ty mở rộng hợp tác, chuyển giao công nghệ với các bộ, ngành khác và các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Phương ThanhBTĐKT - Mới đây, tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh khu vực TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Việt Nam Bách nghệ Thực hành đã tổ chức lễ trao quyết định xác lập danh hiệu Chuyên gia Thực hành cho ông Đinh Ngọc Thi, người có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực đào tạo và huấn luyện chủ doanh nghiệp.
Bà Phạm Thụy Thương Huyền - Tổng thư ký Viện đọc quyết định xác lập chuyên gia thực hành cho ông Đinh Ngọc Thi
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực huấn luyện chủ doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Đinh Ngọc Thi đã chứng minh vai trò tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp và xã hội. Những sáng kiến và giải pháp của ông đã giúp nhiều chủ doanh nghiệp thay đổi cách thức quản lý và điều hành, mang lại hiệu quả cao.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Ngọc Thi chia sẻ: “Danh hiệu Chuyên gia Thực hành là một vinh dự lớn đối với tôi và cũng là sự ghi nhận cho những nỗ lực trong việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho cộng đồng chuyên môn và truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ tiếp theo”.
Bà Phạm Thụy Thương Huyền - Tổng Thư ký Viện và ông Nguyễn Đức Điệp - Phó Viện trưởng trao quyết định và chứng nhận xác lập chuyên gia cho ông Đinh Ngọc Thi
Danh hiệu Chuyên gia Thực hành được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Việt Nam Bách nghệ Thực hành trao cho những cá nhân có đóng góp nổi bật, thông qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt. Ông Đinh Ngọc Thi đã vượt qua các tiêu chí khắt khe, bao gồm kinh nghiệm thực tiễn, thành tựu nổi bật, khả năng sáng tạo và kỹ năng lãnh đạo. Quá trình thẩm định không chỉ đánh giá về mặt lý thuyết mà còn chú trọng vào những thành tựu cụ thể và giá trị thực tiễn mà ứng viên mang lại cho cộng đồng và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, vai trò của các Chuyên gia Thực hành càng trở nên quan trọng. Không chỉ sở hữu kiến thức chuyên sâu, họ còn là những người biến lý thuyết thành hành động, mang lại giá trị thực tế cho cộng đồng và nền kinh tế. Ông Nguyễn Đức Điệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Việt Nam Bách nghệ Thực hành, nhấn mạnh: “Xác lập danh hiệu Chuyên gia Thực hành không chỉ tôn vinh những cá nhân xuất sắc mà còn khuyến khích sự phát triển của toàn cộng đồng chuyên môn. Những nỗ lực của ông Đinh Ngọc Thi sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng thực tiễn vào đời sống”.
PV
BTĐKT - Sáng 17/10, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam".
Diễn đàn góp phần nhận diện xu hướng, thách thức và đưa ra các giải pháp cho Việt Nam thúc đẩy phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam".
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng thì việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề thực sự cấp bách. Nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực thực hiện chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, tích cực chuyển đổi năng lượng, hướng đến tương lai phát triển bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Sự cấp thiết của chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ do những tác động bên ngoài, mà ngay trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển.
Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước. Việt Nam đã và đang xây dựng một chính sách phát triển năng lượng rõ ràng, dài hạn và có thể dự đoán được là điều kiện tiên quyết cho chuyển dịch năng lượng bền vững. Tuy nhiên, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã thảo luận, nhận diện các thách thức như: Tài chính chưa đủ đa dạng và dài hạn để phù hợp với nhu cầu các cơ chế tài chính mới; thủ tục hành chính còn rườm rà; các khoảng trống trong chuỗi cung ứng nội địa trong ngành năng lượng mới, sản xuất năng lượng tái tạo…
Từ đó, các diễn giả đã gợi mở các giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tại Việt Nam như cần xây dựng cơ chế khuyến khích và mở rộng các sản phẩm tài chính; miễn giảm thuế, trợ giá hoặc tài trợ, miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi thuê đất hoặc các biện pháp khuyến khích dựa trên hiệu suất cho sự phát triển chuỗi cung ứng; đẩy nhanh quá trình thẩm định cho vay từ ngân hàng đối với dự án mới...
Phương Thanh
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử
BTĐKT - Hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện chuyển đổi số, ngày 15/10 tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”. Sự kiện đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về ứng dụng hợp đồng điện tử và tạo không gian trao đổi giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai hợp đồng điện tử an toàn trên toàn quốc trong giai đoạn 2024 - 2025. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương Lê Hoàng Oanh khai mạc diễn đàn Phát biểu khai mạc diễn đàn, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương Lê Hoàng Oanh cho biết, Bộ Công thương thời gian qua luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức trong quá trình chuyển đổi số, thông qua việc triển khai các giải pháp chính sách nhằm phát triển thị trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực thích ứng với những xu thế kinh doanh và công nghệ mới. Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng. Cục trưởng Lê Hoàng Oanh cho biết, hợp đồng là hình thức thể hiện cơ bản của các mối quan hệ dân sự và thương mại, là khởi đầu của các quy trình giao dịch trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế. Do vậy, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử. Trong quá trình thực thi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) về thương mại điện tử, có 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã được xác nhận đăng ký để triển khai cung cấp dịch vụ này. Tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp – minh chứng cho sự phát triển tích cực của dịch vụ này. Với tinh thần đồng hành và hỗ trợ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số luôn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan cùng tham gia xây dựng một hệ sinh thái số bền vững. Vì vậy, diễn đàn này tập trung vào việc cùng nhau thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số toàn trình cho các chu trình kinh doanh của doanh nghiệp, với trọng tâm là một khâu rất cụ thể của chu trình đó: Giao kết hợp đồng, theo định hướng thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử an toàn. Tại diễn đàn, các doanh nghiệp tham gia đều đồng thuận rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn thực tế. Các vấn đề như chi phí cao, thủ tục phức tạp và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…) vẫn là rào cản đáng kể. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba cũng như tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số. Phương ThanhBTĐKT - Ngày 9/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp báo công bố chương trình Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Innovate Viet Nam) 2024.
Ban Tổ chức họp báo thông tin về sự kiện
Đây là sự kiện kết nối và quy tụ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhằm ghi nhận những kết quả đạt được trong 5 năm qua và tôn vinh những đóng góp của các chủ thể vào sự phát triển của hệ sinh thái, trong đó NIC đóng vai trò là đầu mối dẫn dắt. Sự kiện sẽ diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong hai ngày 1 và 2/10/2024.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Lễ kỷ niệm 5 thành lập NIC và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 là sự kiện mang tầm quốc gia đánh dấu bước tiến rất lớn của Việt Nam trong quyết tâm và nỗ lực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, công nghệ và kinh tế tri thức; khẳng định mạnh mẽ sự cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về định hướng phát triển xanh và bền vững.
Cách đây 5 năm, NIC được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là đầu tàu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ tiên tiến tại Việt Nam với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế tiếp cận các cơ hội và nguồn lực; NIC trở thành nền tảng kết nối giữa các ý tưởng sáng tạo.
Qua 5 năm vận hành và phát triển, có thể nói NIC ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo; trở thành nơi thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam; đầu mối thu hút các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.
Thông tin về Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sự kiện là nơi kết nối, gặp gỡ, nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển 5 năm đổi mới sáng tạo, làm nổi bật dấu ấn Khát vọng - Tiên phong - Bứt phá.
Tại đây sẽ có khu trưng bày và trải nghiệm công nghệ đổi mới sáng tạo với khoảng 100 gian trưng bày. Đồng thời, sẽ diễn ra các hội nghị, diễn đàn, trong đó, hội thảo Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng AI, bán dẫn: Cơ hội và Thách thức diễn ra ngày 1/10 sẽ có sự tham gia và đóng góp tham luận từ Chủ tịch Quan hệ toàn cầu tập đoàn Meta, Nick Clegg và các lãnh đạo Tập đoàn Qualcomm, Nvidia,…
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra lễ vinh danh để tri ân, tôn vinh những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật cho sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó có Lễ vinh danh trao giải Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (Vietnam Innovation Challenge); Gala trao giải Better Choice Awards nhằm tôn vinh những giá trị đổi mới sáng tạo áp dụng trong thực tế sẽ được diễn ra với quy mô gần 5.000 người tham dự trực tiếp.
Tại họp báo, NIC chính thức ra mắt Nền tảng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - một "nền tảng tri thức" kết nối đội ngũ chuyên gia hàng đầu với các startup và doanh nghiệp.
PT
BTĐKT - Sáng 28/8, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh doanh (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản”.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo bộ, ngành cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học và đại diện các hợp tác xã, hiệp hội doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định: Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” là một sự kiện ý nghĩa, khẳng định những nỗ lực góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Diễn đàn lần này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, HTX, chuyên gia cùng nhau tìm ra con đường phát triển bền vững cho chuỗi giá trị nông sản.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản, đặc biệt là xây dựng các liên kết chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản hiệu quả là yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bà Vân cho rằng, việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị - từ người nông dân, HTX đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu - là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Một số giải pháp cụ thể cũng được các đại biểu đề xuất tại diễn đàn, bao gồm việc ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, cải tiến giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam; sự cần thiết phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp bền vững…
Các đại biểu cũng lưu ý rằng, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt, mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị vẫn còn lỏng lẻo, thiếu tính ổn định và chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Để khắc phục những hạn chế này, các đại biểu đề xuất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của nhà nước, đồng thời cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp.
Phương Thanh
Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
BTĐKT - Chiều 8/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248) gặp gỡ báo chí thông tin về Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với doanh nghiệp" lần thứ tư, năm 2024 với chủ đề "Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa". Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí Diễn đàn dự kiến diễn ra vào ngày 10/11/2024 tại Hà Nội, nhân dịp chào mừng ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11). Mục đích của diễn đàn nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Diễn đàn là nơi các doanh nghiệp thảo luận, tranh biện, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để phát huy tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đa văn hóa đến kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững. Diễn đàn cũng là dịp để lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả trong môi trường. văn hóa; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ban Tổ chức diễn đàn gồm có: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đơn vị thực hiện là Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) và các đơn vị phối hợp. Nội dung của diễn đàn gồm 2 hoạt động chính: Hội thảo với chủ đề “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa”; Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuấn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2024. Trong đó, hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, tranh biện xung quanh các vấn đề chính như: Môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu; tác động của môi trường đa văn hóa đến phát triển kinh doanh; những khó khăn, rào cản của môi trường đa văn hóa đến hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay; giải pháp các doanh nghiệp đã, đang và sẽ triển khai để khắc phục và phát huy tác động tích cực của môi trường đa văn hóa; các kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan ban ngành.... Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam khẳng định: Các hoạt động của diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Phương ThanhBáo chí đồng hành, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Hải quan Việt Nam
BTĐKT - Báo chí luôn sát cánh, đồng hành, hỗ trợ, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển của Hải quan Việt Nam, đồng thời, ngành Hải quan cũng luôn chú trọng, chủ động trong thực hiện công tác tuyên truyền về các hoạt động của ngành. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành Hải quan luôn coi trọng công tác báo chí, truyền thông và đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ thường xuyên, tích cực của các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo. Điều này thể hiện qua việc báo chí luôn sát cánh cùng ngành Hải quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ phát biểu chúc mừng các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí Các sự kiện quan trọng và đặc biệt là kết quả các mặt công tác trọng tâm, có tính chất thường xuyên của ngành Hải quan như chống buôn lậu; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại; thu ngân sách nhà nước; thực hiện các chiến lược phát triển Hải quan; đóng góp của Hải quan Việt Nam vào quá trình hội nhập kinh tế… luôn được các cơ quan báo chí quan tâm, thông tin kịp thời. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ, động viên quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, người lao động ngành Hải quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Không chỉ phản ánh về kết quả công tác nổi bật, các cơ quan báo chí cũng đã phản ánh một cách khách quan, thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc, những mặt còn tồn tại, hạn chế để ngành Hải quan kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định cũng như có giải pháp khắc phục, hoàn thiện, hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại. Có thể nói, lĩnh vực hải quan luôn nhận được sự quan tâm từ các cơ quan báo chí với số lượng tin, bài phản ánh hàng năm rất lớn. Theo thống kê, năm 2023 có khoảng 8.700 tin, bài viết về ngành Hải quan được đăng tải ở các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình). Trong đó, Tổng cục Hải quan phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng 46 số trong Chương trình “Hải quan Việt Nam”, phát sóng định kỳ hàng tuần vào lúc 20 giờ 50 phút thứ Ba trên kênh VTV1. Hằng năm, Tổng cục Hải quan đều ban hành kế hoạch tuyên truyền với nội dung và hình thức không ngừng được đổi mới. Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề lớn, trọng tâm như: Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, ma túy…; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại; các nội dung trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; chương trình doanh nghiệp ưu tiên; quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp; chương trình thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật…; kết quả thực hiện các Nghị quyết của Ban Bí thư về thực hiện công tác chống tham nhũng, tinh giản biên chế… Ngoài các nội dung theo kế hoạch đã đề ra hằng năm như trên, ngành Hải quan luôn chủ động tuyên truyền những vấn đề mới phát sinh, những nội dung theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Đặc biệt, để các phóng viên có điều kiện nắm bắt sâu sát hơn về công tác hải quan, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều hình thức cung cấp thông tin và tổ chức các đoàn đi công tác thực tế tại các cục hải quan địa phương trên cả nước. Năm 2023, Tổng cục Hải quan đã tổ chức và cung cấp thông tin cho khoảng hơn 100 lượt phóng viên các cơ quan báo chí. Tổ chức làm việc, phỏng vấn, ghi hình tại cơ quan Tổng cục Hải quan cũng như đi thực tế tại các cục hải quan địa phương để phối hợp tuyên truyền như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... Tổng cục Hải quan cũng tổ chức các cuộc họp báo, cung cấp thông tin định kỳ, cung cấp thông tin các vấn đề thời sự mà báo chí quan tâm… Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành, đặc biệt là các cục hải quan địa phương chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên trong quá trình tác nghiệp tại địa bàn quản lý của đơn vị. Thời gian qua, các cơ quan báo chí và đội ngũ làm công tác tuyên truyền của toàn ngành đã thường xuyên chú trọng tuyên truyền đậm nét trên các ấn phẩm in và điện tử về các hoạt động trọng tâm của ngành, từ đó cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, khách quan về hoạt động của ngành Hải quan tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Văn phòng Tổng cục Hải quan đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền trong toàn ngành; chủ động phối hợp tốt với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể về truyền thông… Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp tuyên truyền, thời gian tới, Tổng cục Hải quan mong muốn các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về chính sách trong lĩnh vực hải quan, nhất là những chính sách, quy định mới có tác động đến người dân, doanh nghiệp và các nội dung trọng tâm. Ngành Hải quan cũng sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp từ các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên theo dõi lĩnh vực hải quan cả về những việc làm được, chưa làm được để tiếp tục triển khai các giải pháp đưa công tác báo chí, truyền thông của ngành Hải quan ngày càng thực chất, hiệu quả… Song Linh