Điển hình tiên tiến

Quận Ba Đình: Nhiều mô hình sáng kiến cải cách hành chính thiết thực

BTĐKT - Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thời gian qua, quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình sáng kiến về cải cách hành chính, mang lại hiệu quả thiết thực. Nâng cao tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến Đến bộ phận Một cửa UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình vào đúng giờ hành chính một ngày giữa tuần của tháng 3, trái lại với suy nghĩ của chúng tôi về cảnh xếp hàng đông đúc, nộp - tiếp nhận và trả hồ sơ, thì không gian ở đây rất trật tự và thông thoáng. Thi thoảng có 1 đến 2 công dân đến giao dịch một số giấy tờ chứng thực hoặc lấy kết quả. Công dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa UBND phường Trúc Bạch Chia sẻ về điều này, công chức tư pháp Nguyễn Thị Minh Phương, thuộc bộ phận Một cửa phường cho biết: Hiện nay, đa số các tổ chức và công dân trên địa bàn đều đã chuyển sang lựa chọn giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến, tương tác với chính quyền thông qua môi trường mạng. Công dân có thể tự thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết ngay tại nhà mà không cần phải đến phường nên công việc ở bộ phận Một cửa bớt áp lực, căng thẳng hơn trước, trong khi số lượng hồ sơ hành chính được giải quyết ngày càng được nâng lên. “Đó là kết quả quan trọng của phường Trúc Bạch đã đạt được trong quá trình cải cách hành chính, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình sáng kiến “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà””, chị Phương khẳng định. Được biết, để nâng cao tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, làm chủ các ứng dụng công nghệ, tiền đề hình thành nên những công dân số trên địa bàn, từ năm 2022, phường Trúc Bạch có sáng kiến triển khai áp dụng mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” tại 8 tổ dân phố để tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn công dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến cùng các dịch vụ tiện ích công nghệ số khác như thanh toán không dùng tiền mặt (điện, nước, mua sắm hàng hóa...); đồng thời hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; phòng tránh các hình thức lừa đảo bằng phương tiện công nghệ… Với phương châm kiên trì giải thích, hướng dẫn và kiên quyết không làm thay, làm hộ, Đội cơ động đã giúp người dân (kể cả người cao tuổi) làm chủ các thao tác khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ trên môi trường mạng. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của công dân phường đối với 8 thủ tục đã triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đều đạt 100% (không có hồ sơ phải nộp trực tiếp). Tổng số hồ sơ tiếp nhận được phường giải quyết đúng hạn trong năm 2023 là 100%. Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính năm 2023 của phường luôn được đánh giá cao. Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà của phường Trúc Bạch hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng Ông Vũ Văn Khôi, 73 tuổi, công dân phường Trúc Bạch chia sẻ: Gia đình tôi may mắn đón thêm thành viên mới nhưng vì hoàn cảnh bố mẹ cháu quá bận rộn với công việc nên nhờ ông bà đi làm khai sinh cho cháu. Rất may có Đội cơ động của phường nhiệt tình đến tận nhà để hướng dẫn làm các dịch vụ công qua mạng. Dù khả năng tiếp cận công nghệ số của bản thân còn hạn chế, nhưng với sự kiên trì của cán bộ phường, tôi có thể chủ động nộp hồ sơ khai sinh cho cháu qua Cổng dịch vụ công bằng điện thoại cầm tay mà không phải đến bộ phận Một cửa UBND phường. Tôi thấy cách làm này rất thuận tiện. Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tham gia thực hiện các ứng dụng trên không gian mạng không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần giảm tải áp lực rõ rệt cho bộ phận Một cửa khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính, hơn hết, còn mở ra một kênh tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân, tiền đề quan trọng giúp vận hành hiệu quả mô hình chính quyền đô thị và xây dựng xã hội số trong thời gian tới. “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” Phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình có 24 tổ dân phố, với khoảng hơn 23 nghìn nhân khẩu, mỗi ngày bộ phận Một cửa tiếp nhận khoảng từ 30 - 40 hồ sơ hành chính. Để thuận tiện cho người dân, phường có sáng kiến áp dụng mô hình “5 thủ tục – 5 giải quyết tại chỗ”. Mô hình vận hành theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tư vấn, hỗ trợ, tiếp nhận hồ sơ, thụ lý giải quyết, trình lãnh đạo phê duyệt, trả kết quả cho công dân) đối với 5 thủ tục: Chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử. Bà Cao Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc cho biết: “Xuất phát từ mong muốn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, chúng tôi đã nghiên cứu và triển khai mô hình giải quyết thủ tục hành chính “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” để người dân giảm đi lại cũng như thời gian chờ đợi. Theo đó, khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, các bộ phận phối hợp nhịp nhàng để giải quyết nhanh, trình lãnh đạo ký và trả ngay cho công dân”. Nhiều công dân rất hài lòng khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa phường Vĩnh Phúc Tính từ thời điểm ra mắt mô hình giải quyết thủ tục hành chính “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” (tháng 7/2022) đến hết năm 2023, bộ phận Một cửa của UBND phường Vĩnh Phúc đã tiếp nhận và giải quyết 5.966 hồ sơ thủ tục hành chính. Số hồ sơ đã trả kết quả trước hạn đạt 98%, không có hồ sơ quá hạn. Mô hình đã góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với công tác phục vụ hành chính. Hệ thống ghi nhận có 1.116 lượt đánh giá, trong đó 1.089 đánh giá rất hài lòng, chiếm 97,58%, không có kiến nghị, phản ánh nào của người dân, tổ chức liên quan đến thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ làm việc tại bộ phận Một cửa. Bà Nguyễn Thị Hoa, công dân phường Vĩnh Phúc đến bộ phận Một cửa khi đồng hồ đã điểm 11h10. Theo quy định, đây là thời điểm phường ngừng nhận hồ sơ chứng thực ca làm việc buổi sáng. Tuy nhiên, bà vẫn được cán bộ Một cửa tạo điều kiện nhận hồ sơ và giải quyết, trả kết quả trong vòng chưa đầy 10 phút; đồng thời nhẹ nhàng nhắc nhở lần sau nên đến sớm hơn. Bà Hoa chia sẻ: Rất tin tưởng và hài lòng về dịch vụ công tại phường Vĩnh Phúc. Cán bộ không chỉ nhiệt tình mà luôn ứng xử nhẹ nhàng, văn minh và hết lòng giúp đỡ nhân dân. Được biết, không chỉ phường Trúc Bạch, Vĩnh Phúc mà hiện nay, tất cả các phường trên địa bàn quận Ba Đình đang triển khai nhân rộng nhiều mô hình, sáng kiến kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Tiêu biểu như: “Công dân số” của phường Quán Thánh; “Bộ phận làm ngay” của bộ phận Một cửa UBND quận và UBND phường Cống Vị; “Giải quyết thủ tục hành chính ngoài giờ hành chính” của UBND phường Nguyễn Trung Trực; “Quản lý dữ liệu dân cư trên bản đồ số” của UBND phường Liễu Giai... Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt và triển khai thiết thực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền từ quận tới cơ sở; sự đóng góp hiệu quả của các mô hình sáng kiến như trên, năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính quận Ba Đình đã tăng lên 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 6/30 quận, huyện, thị xã, đạt 95,22%. Mai Thảo        

Chi hội trưởng phụ nữ gương mẫu, đi đầu trong hoạt động Hội

BTĐKT - Nhiều năm qua, Chi hội phụ nữ xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên luôn được đánh giá là một trong những chi hội mạnh trong phong trào hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Vân, Chi hội trưởng phụ nữ xóm Phả Lý xã Văn Hán, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thái Minh. Chị Vân luôn nhiệt tình, năng động trong các phong trào, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của chi hội. Chị Nguyễn Thị Vân (áo xanh) đã xây dựng thành công thương hiệu chè Thái Minh (ảnh: Phương Thảo) Thực hiện chức trách của mình, bằng sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc, chị Vân đã tích cực phối hợp với các đoàn thể trong xóm tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên phụ nữ và bà con nhân dân trong xóm; quan tâm tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; vận động hội viên, phụ nữ tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đặc biệt, chị luôn chú trọng tuyên truyền về những cách làm hay, sáng tạo của chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; tuyên truyền về những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong làm kinh tế giỏi, những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để chị em cùng tham gia học tập và thực hiện. Để có thêm kinh phí giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, đồng thời thiết thực làm theo tấm gương của Bác, chị đã xây dựng mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” trong chi hội. Tính đến nay, chi hội đã tiết kiệm được số tiền hơn 38 triệu đồng, cho 11 hội viên nghèo của chi hội xóm Phả Lý vay không lấy lãi để mua cây, con giống phát triển kinh tế. Nhờ những hoạt động thiết thực, chị em phụ nữ xóm đã tích cực tham gia hưởng ứng, thực hiện. Phong trào phụ nữ ở xóm, xã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu hút nhiều chị em tham gia vào tổ chức Hội. Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào hoạt động của tổ chức Hội, chị còn là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực và người phụ nữ làm kinh tế giỏi. Trước đây, khi mới xây dựng gia đình ra ở riêng, vợ chồng chị gần như hai bàn tay trắng, chỉ có 1 ngôi nhà cũ chưa đầy 30 m2 trên mảnh đất gần 70 m2 của bố mẹ cho, tài sản gia đình không có gì giá trị. Năm 2006, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, đời sống vô cùng khó khăn. Được cán bộ Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động, chị đã đăng ký tham gia sinh hoạt Hội, nhờ đó chị được giao lưu học hỏi, được tập huấn các kiến thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, chị còn được Hội hỗ trợ giúp vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ kinh phí làm nhà từ nguồn vốn 135 của Chính phủ. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của tổ chức Hội LHPN, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vượt khó của bản thân, đến năm 2010 gia đình chị đã được công nhận thoát nghèo. Trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chị nhận thấy bà con, nhân dân tại địa phương làm nghề chè chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp không có sự liên kết. Chính vì vậy, sản phẩm chè khi bán ra thị trường không được giá cao và thường bị thương lái ép giá. Chị đã trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để giúp chính bản thân mình và bà con trong xóm sản xuất ra những sản phẩm chè vừa đảm bảo an toàn, vừa mang lại kinh tế cao với giá thành hợp lý. Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, chị vận động thêm 8 chị em cùng tham gia vào nhóm sở thích trồng chè với mình, đồng thời mạnh dạn đề xuất với Hội LHPN xã để giúp các chị em trong nhóm sở thích và các hộ trồng chè trong xóm được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chế biến và chăm sóc chè, qua đó không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng chè tại địa phương mà còn sản xuất ra những sản phẩm chè ngon, an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những năm trước đây. Được sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp Hội, chị tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè của địa phương trên mạng xã hội; mang sản phẩm chè tham gia các phiên chợ nông sản an toàn, các hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh do các cấp Hội, các cơ quan, ban ngành tổ chức. Cùng với sự nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, chị cùng các chị em trong nhóm sở thích đã sản xuất và tiêu thụ ngày càng hiệu quả, lợi nhuận ngày càng cao. Ngoài tiêu thụ sản phẩm của các thành viên trong nhóm, chị Vân cũng hỗ trợ giới thiệu thêm đầu ra cho sản phẩm chè của các chị em phụ nữ khác trên địa bàn. Năm 2020, với sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp Hội LHPN chị đã đăng ký thành lập Hợp tác xã Thái Minh, gồm có 8 thành viên, do chị làm Giám đốc với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là chè và trà hoa các loại. Cùng với hoạt động sản xuất và chế biến, hợp tác xã còn thu mua nguyên liệu cho vùng sản xuất chè trên địa bàn với hơn 20 ha của gần 80 hộ dân, tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm người dân tại địa phương. Thu nhập bình quân cho mỗi lao động từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Với nhiều nỗ lực của chị cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội LHPN cấp xã, từ năm 2020 đến nay, nhiều sản phẩm của Hợp tác xã Thái Minh đã vinh dự được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao (trà đinh ướp hoa mộc, trà Hán Văn) và OCOP 3 sao (trà ướp hoa nhài, Thái Minh trà, trà Matcha Omatine, trà ướp hoa sói, trà sen). Năm 2021, ý tưởng khởi nghiệp “Đổi mới kỹ thuật trồng và chế biến trà xanh ướp hoa mộc theo định hướng hữu cơ” của hợp tác xã đã được nhận giải triển vọng tại vòng chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn nghiên cứu và sản xuất rất nhiều sản phẩm chè, trà đặc sản như: Chè lộc xuân, chè búp, chè búp non; trà xanh túi lọc, trà tôm nõn, trà hoa cúc trắng, trà đậu biếc… Không những cung cấp sản phẩm chè, trà, hợp tác xã còn có ý tưởng xây dựng những bộ sản phẩm chè, trà có mẫu mã hộp đựng, túi xách, bình pha đẹp, chất lượng; sản phẩm có lô-gô, tem mác để quảng bá đưa ra thị trường, giúp nầng tầm giá trị sản phẩm và thương hiệu. Sản phẩm chè của hợp tác xã Thái Minh cũng được cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội giới thiệu tham gia rất nhiều hội chợ triển lãm tại các tỉnh. Thu nhập hiện nay của hợp tác xã đạt khoảng 25 tỷ đồng/năm. Với những đóng góp tích cực trong phong trào hoạt động Hội, đặc biệt là trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Vân luôn được hội viên phụ nữ và nhân dân trong vùng quý mến, tin yêu, được Hội LHPN các cấp ghi nhận. Chị là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” của Hội LHPN xã Văn Hán, là người truyền cảm hứng để nhiều chị em học tập, noi theo. Mai Linh  

Công bố 20 đề cử xét tặng giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023

BTĐKT - Chiều 20/2 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng xét tặng giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023 đã họp báo công bố 20 đề cử tiêu biểu vào vòng bình chọn trực tuyến. Từ 171 đề cử thuộc 10 lĩnh vực, Hội đồng giải thưởng đã bỏ phiếu kín chọn ra 20 đề cử thuộc 9 lĩnh vực vào vòng bình chọn trực tuyến. Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết trao đổi với phóng viên báo chí Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết đánh giá: Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhằm tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, dưới 35 tuổi, có thành tích nổi trội, xuất sắc, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực. Sau 28 năm tổ chức tôn vinh, nhiều gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã phát huy tốt năng lực và uy tín của mình, đạt được những thành công lớn, đóng góp quan trọng cho đất nước. “Nhiều gương mặt trẻ trong số 20 đề cử được giới thiệu năm nay, không chỉ đạt thành tích tiêu biểu trong nước mà còn vươn tầm khu vực và thế giới. Đặc biệt, các bạn còn thể hiện được trách nhiệm của bản thân, tạo ra sức ảnh hưởng, sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Tiêu biểu như trong lĩnh vực học tập có em Phạm Việt Hưng, giành Huy chương Vàng Toán học quốc tế 2 năm liên tiếp (2022 và 2023), được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2022 và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2023; em Đinh Cao Sơn, giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023, là thí sinh có điểm số cao nhất đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam và xếp thứ 7 thế giới. Trong lĩnh vực thể dục thể thao, vận động viên bắn súng Phạm Quang Huy và vận động viên cầu mây Trần Thị Ngọc Yến, những người đã giành nhiều huy chương trong các kỳ thi đấu trong nước và quốc tế...”, anh Nguyễn Minh Triết nhận định. Chia sẻ tại buổi họp báo, anh Vũ Gia Luyện, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 bày tỏ: Giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" là dấu ấn đậm sâu trong quá trình phát triển của bản thân. Từ sau khi được vinh danh năm 2021 đến nay, hành trình kinh doanh khởi nghiệp của tôi và các đồng nghiệp luôn tràn đầy hứng khởi, không ngừng nỗ lực tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, luôn hướng về những điều tốt đẹp, giúp ích cho đất nước và cộng đồng xã hội. Anh Vũ Gia Luyện, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 chia sẻ tại họp báo Được biết, vòng bình chọn trực tuyến các đề cử giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 26/2/2024. Phương thức bình chọn duy nhất tại địa chỉ: www.tainangtrevietnam.vn. Dự kiến Lễ tuyên dương "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3. Đặc biệt, bên cạnh chuỗi sự kiện chính, ngay sau lễ tôn vinh, các gương mặt trẻ sẽ trở thành đại sứ truyền cảm hứng trong các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, Ủy viên thường trực Hội đồng giải thưởng cho biết: Ban Tổ chức đã lựa chọn chủ đề Giấc mơ xanh với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như trao tặng cây xanh, tổ chức lễ trồng cây tại đền Hùng… Những hoạt động vì cộng đồng này không chỉ hưởng ứng "Chương trình 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh", mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau. Mai Thảo  

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

BTĐKT - Ông La Văn Sanh (ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi và từ thiện xã hội. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của ông đã và đang phần góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới và cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa phong trào thi đua yêu nước ngày càng thực chất, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Ông Sanh sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Vào năm 1988,ông theo ba mẹ vào Bình Phước lập nghiệp tại ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Năm 1993, ông xây dựng gia đình và được ba mẹ cho 8 ha đất, trong đó có 4 ha trồng điều năm thứ 3 và 4 ha đất trắng. Có đất, vợ chồng ông tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc điều và đầu tư trồng mỳ xen canh nên hiệu quả kinh tế cao. Tích lũy vốn, ông đầu tư mở rộng diện tích và đã có tổng cộng gần 20 ha đất, trong đó có 15 ha trồng cao su, 3 ha trồng điều, 2 ha trồng tiêu… Do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân phải tận dụng đất đai để nâng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng, học tập sản xuất. Từ đó, ông rút ra kinh nghiệm và đã xây dựng một mô hình kinh tế hiệu quả, với 20 ha trồng cao su, điều, tiêu… mở đại lý thu mua nông sản, thu lãi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn vay không lãi, hỗ trợ hộ dân thiếu vốn sản xuất từ 200 đến 250 triệu đồng mỗi năm. Ông La Văn Sanh kiểm tra máng cạo mủ cao su của gia đình Với những uy tín và thành quả trong lao động và sản xuất năm 2010, ông được bà con tín nhiệm bầu là Trưởng ấp Đồng Xê và là đại biểu HĐND xã Tân Hòa 2 nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020. Ấp Đồng Xê có tổng số 205 hộ dân, trong đó gần 130 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư từ vùng núi phía Bắc vào sinh sống. Lúc ông mới đảm nhiệm vai trò trưởng ấp, đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Để vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động của ấp, ông cùng một số người trong Ban điều hành ấp tuyên truyền, vận động, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng nhà, đồng thời khuyên bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Để bà con tin tưởng, phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của ấp thì không chỉ nói suông, ông phải gương mẫu, đi đầu thực hiện sao cho hiệu quả; từ đó mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo. Là người nông dân chân lấm tay bùn, hiểu rõ được giá trị của tấc đất tấc vàng, nhưng gia đình ông đã nhận thấy nếu không hy sinh một phần lợi ích của mình thì tuyến đường trục xã sẽ không hoàn thành được. Làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, năm 2021, khi chính quyền có chủ trương xây dựng 5 tuyến đường kết nối từ đường ĐT741 đi vào dự án khu công nghiệp, dân cư Đồng Phú, xã Tân Hòa có tuyến số 3 và số 4 đi qua. Gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 1,42 ha đất với tổng trị giá 13 tỷ đồng để địa phương mở rộng tuyến đường số 4 và đảm bảo cảnh quan nông thôn. Hiện tại, con đường đang thi công, sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng, giờ nhìn thấy tuyến đường trước nhà được mở rộng, ông cảm thấy rất phấn khởi trước đổi thay từng ngày của địa phương. Máy cơ giới đang thi công tuyến đường trên mảnh đất do gia đình ông La Văn Sanh hiến đất Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2023, ông vận động người thân trong gia đình tiếp tục hiến 2,4 sào đất, với 260m mặt đường để mở rộng tuyến đường liên xã từ Tân Hòa đi Tân Lợi, trị giá 2 tỷ đồng. Ông nhận thấy, hiến đất cho nhà nước mở đường, người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Đường rộng tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi, kích thích kinh tế phát triển, giá trị đất tăng lên rất nhiều. Trong những năm gần đây, giá mủ cao su, tiêu, điều tuy có giảm so với các năm trước đây nhưng thu nhập gia đình vẫn ổn định, kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của gia đình với tổng thu nhập đã trừ chi phí đạt 2,3 tỷ đồng. Ngoài các việc làm trên gia đình ông còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn ở địa phương. Gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” tiêu biểu nhiều năm liền. Trong những năm gần đây gia đình đã tham gia ủng hộ nhu yếu phẩm trị giá 10 triệu đồng và 2 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ bà con phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ hội viên nghèo khó khăn ăn tết Nhâm Dần 23 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng, tổng trị giá 11.500.000 đồng. Với những đóng góp tích cực cho xã hội, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự, là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 và “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, huyện nhiều năm liền. Đặc biệt, năm 2021, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” và năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đồng Phú tặng Giấy khen đạt danh hiệu “Gia đình tiêu biểu” thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nguyễn Thái Đương

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

BTĐKT - Sáng 16/1, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng cho Hội và Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch danh dự của Hội. Dự buổi lễ có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Trung tướng Lê Văn Hân Phát biểu tại chương trình, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam cho biết: Ngày 17/9/2010, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 1081/QĐ/BNV về việc thành lập Hội HTGĐLS Việt Nam. Hội là một tổ chức xã hội với mục đích tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, hỗ trợ các gia đình tiếp cận, thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng và Chính phủ, thu thập thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng thực chứng và giám định ADN; tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách và giải pháp thực hiện chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. 13 năm qua, Hội đã xây dựng được một mạng lưới tổ chức gồm 16 Hội cấp tỉnh, 2 văn phòng đặt tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Có 22 chi hội trực thuộc Trung ương Hội và 72 chi hội ở các quận, huyện, tỉnh với hơn 10.000 hội viên trên khắp cả nước. Thực hiện tốt đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Hội và các tổ chức hội trong cả nước đã giám định ADN cho hơn 1.000 liệt sĩ, lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ; trả kết quả đúng cho 494 liệt sĩ, tổ chức 32 lần trao kết quả; tiếp nhận xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ; tư vấn hỗ trợ để 33.000 gia đình tìm hài cốt liệt sĩ, có 200 gia đình tìm được hài cốt bằng phương pháp thực chứng; đính chính thông tin trên bia mộ cho hơn 1.000 liệt sĩ; giúp đỡ các gia đình khó khăn đưa hơn 1.200 hài cốt liệt sĩ về quê hương; tặng hơn 1.200 căn nhà tình nghĩa (trị giá 60 - 80 triệu đồng/nhà); tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, xe đạp, xe lăn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho thân nhân liệt sĩ; kiến nghị cơ quan chính sách các cấp điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ... Hội đã vận động tổng kinh phí của xã hội, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp được gần 170 tỷ đồng cho các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Hội, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội HTGĐLS và Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch danh dự của Hội. Nhân dịp Xuân tri ân liệt sĩ - 2024, tại buổi lễ, Hội HTGĐLS đã trao quà tặng 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 20 gia đình liệt sĩ. Phương Thanh

Tấm gương vượt lên số phận

BTĐKT - Mặc dù số phận đưa đến choông Trần Văn Chiến (khuvực Bình Hòa, phường VĩnhTường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cuộcsống không may mắn nhưnhững người khác, lúc được 9 tháng tuổi, một trận sốtcao đã khiến đôi chân củaông teo tóp dần và bị liệt, đôibàn tay thì bị dị tật co rút. Thế nhưng với nghị lực vượtlên số phận, ông Chiến đãlàm cho không ít người phảikhâm phục về nghị lực phithường của chính mình.   Ngày nào cũng vậy, ông Chiến thức dậy từ sáng sớm để bắt đầu công việc quen thuộc hàng ngày là vót đũa Năng động, tháo vát, nhiệt tình, đó là cảm nhận của bất kỳ ai mỗi khi tiếp xúc với ông Trần Văn Chiến. Ngày nào cũng vậy, ôngChiến thức dậy từ sángsớm để bắt đầu công việcquen thuộc hàng ngày là vót đũa.Chiếc đũa tre tuy đơn sơ nhưng đểvót thành phẩm không dễ chútnào, nhất là làm ra bó đũa tròn đềunhư nhau chỉ bằng thao tác thủcông. Dù sức khỏe yếu nhưng đôi tayông Chiến vẫn thoăn thoắt thựchiện nhiều công đoạn như: Cưa,chẻ, vót, tiện... để chuốt. Mỗingày ông vót được 30 đôi đũa,mỗi chục đũa bán với giá 30.000ngàn đồng, sau trừ chi phí còn lãi được 15.000 đồng/chục.Với chất lượng, uy tín, mẫu mã đẹp và giá thành phải chăng, thương hiệu đũa tre của gia đìnhông Chiến giờ đã vươn xa ra cáctỉnh lân cận như: Sóc Trăng, BạcLiêu... và đem lại nguồn thunhập ổn định cho cả gia đình. Lúc được 9tháng tuổi, ông Chiến bị sốtcao đã khiến đôi chân teo tóp dần và bị liệt, đôibàn tay thì bị dị tật co rút. Khi ông chưa tròn một tuổi, mẹ ông mất, từ đó ông được chị hai chăm sóc đếnlúc lập gia đình. Với quyết tâm “tàn nhưng không phế”, dù tật nguyền nhưng ông không đầu hàng số phận. Hạnh phúc mỉm cười khi ông gặp được người vợ tảo tần, cùng đi suốt những năm tháng cuộc đời. Ra riêng với hai bàn tay trắng, cuộc sống gia đình cực kỳ khó khăn, cơm áo, gạo tiềnngày càng đè nặng lên đôi vaicủa vợ chồng ông. Lúc đầu ôngcùng vợ đã làm nghề nấu rượuvà nuôi heo lo cho hai đứa con còn nhỏ. Sau đó, ông tự học cách vótđũa để bán. Do di chứng của cănbệnh sốt bại liệt để lại nên mỗikhi thời tiết thay đổi, toàn thânông nhức mỏi phải xoathuốc rượu để giảm đau. Nhìnthấy vợ phải cực khổ để lo chogia đình, ông cũng cố gắng vượtqua mọi bệnh tật để phụ vợnhững việc mình có thể làmđược. Đôi bàn tay yếu ớt nênviệc vót đũa lúc đầu gặp rấtnhiều khó khăn và đôi lần ông cũng muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhờđược sự động viên của gia đình và sự quyết tâm của bản thân,ông đã làm được với rất nhiều đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh. Hàng ngày, vợ ông Chiến tìmmua tre và chăm sóc 3 côngruộng của một người quen chomướn, người con trai lớn củaông thì đi phụ cắt lúa. Hạnh phúc luôn bắt nguồntừ những điều giản đơn. Vớitinh thần “còn sống thì còncống hiến” ông Trần Văn Chiếnđã khẳng định được giá trị bản thân, đóng góp cho giađình và xã hội. Ngọc Diễm  

Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và phát triển”

BTĐKT - Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) được thành lập theo Quyết định số 6104/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng. Đến ngày 11 tháng 7 năm 2013, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang được bổ sung chức năng khám chữa bệnh sau khi đưa dự án Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang giai đoạn 1 đi vào hoạt động vào ngày 05 tháng 9 năm 2013. Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tổ chức khóa đào tạo hồi sức tim phổi cho nhân viên y tế đang công tác tại Khối Y tế cơ sở và Khối Bệnh viện của Trung tâm Từ “gieo yêu thương”… Trải qua hành trình 15 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã không ngừng nỗ lực quyết tâm phấn đấu phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết thống nhất, tập trung triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Sở Y tế, UBND huyện giao, đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, cấp cứu và điều trị đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Xác định rõ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, hằng năm Trung tâm đã triển khai thực hiện nhiều dịch vụ mới để phục vụ cho người dân ngày một tốt hơn; ban hành các phác đồ điều trị, quy trình chăm sóc theo mô hình bệnh tật của từng khoa. Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai thực hiện tốt và hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang là đơn vị vệ tinh cho các bệnh viện hạt nhân như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Một số khoa được đầu tư chuyên sâu, trở thành thế mạnh của Trung tâm như lĩnh vực về nội khoa, nhi khoa, chạy thận nhân tạo, y học cổ truyền - phục hồi chức năng, bệnh truyền nhiễm… Dự kiến đến năm 2025, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang được nâng cấp, mở rộng với quy mô 300 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân huyện Hòa Vang và các vùng lân cận. Đến mô hình “3 tăng, 3 giảm” Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian qua, Đảng bộ Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã trở thành một trong những đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực trong Đảng bộ huyện Hòa Vang; trong đó có phong trào “3 tăng, 3 giảm”. Cụ thể là: Giảm lời nói, tăng hành động; giảm lý do, tăng giải pháp; giảm phàn nàn, tăng nhiệt huyết. Có thể khẳng định phong trào này đã bao trùm tất cả các lĩnh vực hoạt động của Trung tâm, từ nâng cao trình độ chuyên môn, thân thiện, hòa nhã với bệnh nhân cho đến công tác xây dựng Đảng. Kết quả của phong trào này đã đánh dấu bước đi mới trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu và nâng cao công tác khám, chữa bệnh tại chỗ cho người dân địa phương cũng như góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên của ngành y tế thành phố. …..và “Gặt hạnh phúc” Minh chứng cho nhận định trên, liên tục từ năm 2015 - 2022, Trung tâm được Giám đốc Sở Y tế công nhận danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến, được UBND thành phố công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm 2017, 2020, 2021, Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015, 2018, 2020 và được tặng Cờ thi đua năm 2016, 2019, Cờ thi đua xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 - 2020. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Giám đốc Trung tâm xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Lấy người bệnh làm trung tâm”, “Phát triển các mũi nhọn chuyên môn” như thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ não nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang và các vùng lận cận, đồng thời giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên. Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh; hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của ngành Y tế thành phố Đà Nẵng. Đỗ Quyên

Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: Điểm tựa vững chắc của người lao động

BTĐKT - Thời gian qua, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (NHVN) đã phát huy tốt vai trò chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ); tập hợp, động viên ĐVNLĐ nêu cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, hăng hái thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Công đoàn NHVN vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hoạt động công đoàn trong ngành Ngân hàng tiếp tục đổi mới sâu rộng về nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động, tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều sâu và kế thừa, phát huy tốt những thành quả của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công đoàn đi trước. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn NHVN đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trường hợp là cán bộ, ĐVNLĐ trong ngành bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 5,3 tỷ đồng. Các cấp công đoàn đã thực hiện việc chăm lo cho cán bộ, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình chính sách, gia đình người có công với cách mạng… với tổng số tiền trên 289 tỷ đồng. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần và rèn luyện sức khỏe cho người lao động. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái và tinh thần trách nhiệm chia sẻ khó khăn với cộng đồng, xã hội của đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng. Công tác phát triển đoàn viên, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các công đoàn ngành Tài chính - Ngân hàng một số nước trên thế giới... tiếp tục được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công đoàn NHVN cũng đã phát động phong trào thi đua tới các cấp công đoàn trong toàn hệ thống; tổ chức Hội nghị ký giao ước thi đua giữa các công đoàn cấp trên cơ sở, ký giao ước thi đua giữa các Cụm, Khối thi đua trong hệ thống. Đồng thời, các cấp công đoàn đã triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống, gắn các nội dung thi đua với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Công đoàn cũng phát động đợt thi đua đặc biệt “Cán bộ Ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam”. Qua đó, đã xuất hiện nhiều sáng kiến, cải tiến quy trình nghiệp vụ, giúp nâng cao chất lượng, hiện đại hóa hệ thống ngân hàng và xây dựng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, mang lại hiệu quả trong kinh doanh của các đơn vị. Theo báo cáo của các đơn vị, trong nhiệm kỳ qua đã có 22.089 sáng kiến được áp dụng, với số tiền làm lợi 51.000 tỷ đồng. Đặc biệt, phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các cấp công đoàn phát động, triển khai thực hiện có hiệu quả tại cơ quan, đơn vị, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bên cạnh đó, phong trào xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động được các cấp công đoàn triển khai có hiệu quả, cải thiện môi trường làm việc tốt cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động tại mỗi đơn vị. Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được các cấp công đoàn quan tâm và phát động sâu rộng tới CBCCVCLĐ trong hệ thống, có nhiều tấm gương sáng như giao dịch viên, thủ quỹ, kiểm ngân giữ vững phẩm chất trung thực, liêm khiết đã nêu cao giá trị đạo đức nghề nghiệp, trả lại tiền thừa cho khách hàng… Những việc làm trên đã mang lại hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ ngân hàng, góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu của đơn vị, của ngành Ngân hàng đối với toàn xã hội. Công đoàn NHVN đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ tới là: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục xây dựng đội ngũ cán bộ, CBCCVCLĐ vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các cấp công đoàn; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn; hoạt động công đoàn phải hướng về cơ sở; không ngừng chăm lo bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tiền lương, thu nhập, việc làm và thực hiện đầy đủ BHXH, BHYT… Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng hình ảnh người cán bộ ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi vững tin hội nhập khu vực và quốc tế; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị trong sạch, vững mạnh. Nguyệt Hà

Đảng viên trẻ tiêu biểu trong tham mưu thực hiện chuyển đổi số

BTĐKT - Anh Tạ Ngọc Khánh, Phó trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông - Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai là đảng viên trẻ, luôn năng động, sáng tạo, tích cực tham mưu triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Với gần 15 năm công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông, xuất phát điểm là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Lào Cai, đơn vị trực thuộc Sở, năm 2016 anh Tạ Ngọc Khánh đã được chuyển công tác lên phòng Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Sở. Ngay từ ngày đầu thực hiện nhiệm vụ tham mưu, quản lý nhà nước, anh Tạ Ngọc Khánh đã được giao các nhiệm vụ về phát triển ứng dụng CNTT, chính phủ điện tử và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh. Trong công việc, anh Khánh luôn tích cực trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiên cứu kỹ các văn bản, tài liệu hướng dẫn, chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo phòng, Ban Giám đốc cơ quan giải quyết công việc một cách hiệu quả. Với nhiệm vụ tham mưu triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, anh Khánh cùng các đồng nghiệp phòng Bưu chính - Viễn thông - Công nghệ thông tin đã tham mưu ban hành nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch có tính xuyên suốt như: Quyết định số 1634/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 4678/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai, phiên bản 2.0, trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 08-QĐ/BCĐCĐS ngày 10/3/2023 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phê duyệt danh mục sản phẩm đặc trưng chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2025 với 25 sản phẩm đặc trưng; Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lào Cai hàng năm (năm 2021, 2022, 2023);… Anh Tạ Ngọc Khánh trình bày bài thi tại Hội thi Báo cáo viên giỏi năm 2023 Anh đã tham mưu hướng dẫn, triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như: Tham gia thẩm định, cho ý kiến chuyên ngành các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của các sở, ban, ngành và các địa phương; hỗ trợ các cơ quan đơn vị triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung; hướng dẫn triển khai, tích hợp các dịch vụ với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu LGSP của tỉnh; tổ chức thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh với các Tập đoàn VNPT, VIETTEL, FPT. Ngoài ra, anh đã tham mưu tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh, trọng tâm tổ chức hội nghị đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số và diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin với tổng số gần 800 người tham gia hội nghị và diễn tập. Tham mưu, hướng dẫn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, phối hợp tổ chức tập huấn cho đối tượng là thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh 6.870 học viên. Phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức đào tạo tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh, thực hiện đồng thời qua hình thức trực tuyến cho 6.000 học viên. Về an toàn thông tin, anh đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 61/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tham mưu thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Lào Cai; thực hiện tổ chức kiểm tra ứng dụng Công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tham mưu thực hiện Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai các hoạt động hướng dẫn xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt 61 hệ thống thông tin, trong đó có 4 hệ thống thông tin cấp độ 3, 57 hệ thống thông tin cấp độ 2. Trong thời gian giãn cách xã hội, anh Khánh cùng các đồng nghiệp đã tích cực chủ trì triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là: Hướng dẫn sử dụng, khai báo y tế điện tử bằng mã QR & khai báo y tế trực tiếp trong phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; tham gia các hoạt động triển khai kiểm soát người ra vào tỉnh qua ứng dụng PC-Covid (Bluezone) tại chốt kiểm dịch Km 237 cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Là một đảng viên, đoàn viên thanh niên trẻ, anh Khánh luôn ý thức được bản thân cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chính vì thế, anh đã rất tích cực, chủ động ứng dụng CNTT trong xử lý công việc chuyên môn, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu quả làm việc như: Ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản, Hồ sơ công việc, phầm mềm đánh giá cán bộ công chức, thư điện tử, hệ thống thông tin báo cáo… Với bản tính chịu khó, tác phong nhanh nhẹn và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, anh luôn được lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng tin tưởng mỗi khi giao việc khó, việc gấp, cần sự tỉ mỉ, chính xác. Nhiều công việc được hoàn thành trước thời hạn, không để xảy ra sai sót trong quá trình xử lý, góp phần giúp cơ quan hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Anh Tạ Ngọc Khánh đạt giải Ba Hội thi báo cáo viên giỏi năm 2023 Ha năm liên tiếp (2022 - 2023), anh Tạ Ngọc Khánh đạt giải cao trong Hội thi Báo cáo viên với chủ đề “Chuyển đổi số và cơ hội chuyển đổi số cho địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh”, “Chuyển đổi số cấp xã từ mô hình thí điểm đến thực tế triển khai”. Kết quả đó đã thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo của tuổi trẻ tạo ra những giá trị mới. Với tinh thần tự giác miệt mài phấn đấu, học tập, rèn luyện, hăng say công tác chuyên môn, các hoạt động đoàn thể, văn nghệ, thể thao, anh Tạ Ngọc Khánh đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen với các danh hiệu chiến sĩ thi đua, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lâm Tú

Lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến cộng đồng, xã hội

BTĐKT - Sáng 22/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức chương trình Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2023, với chủ đề “Mỗi tấm gương là một bông hoa đẹp”. Dự chương trình, có các đồng chí: Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… Đặc biệt, tại buổi giao lưu có sự tham gia chia sẻ của 7 khách mời, là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở''; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Chuyển đổi số; “Thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”… Đồng chí Nguyễn Thế Huân, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu khai mạc chương trình Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Thế Huân, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết: Chương trình được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, thông qua những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa của các tấm gương điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động được lựa chọn tham gia giao lưu hôm nay, Ban Tổ chức mong muốn lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng, xã hội; từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp, tạo động lực và quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội; đồng thời, góp phần xây dựng ngành Thi đua, Khen thưởng ngày càng phát triển vững mạnh. Anh Nguyễn Minh Kiều (sinh năm 1984), Công ty dịch vụ thương mại và sản xuất Song Ân, TP Hồ Chí Minh và anh Lại Văn Hiệp, Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông giao lưu tại chương trình Tại buổi giao lưu, các khách mời đã chia sẻ những câu chuyện, cách làm hay, đóng góp cho xã hội. Tiêu biểu trong số đó là anh Nguyễn Minh Kiều (sinh năm 1984), Công ty dịch vụ thương mại và sản xuất Song Ân, TP Hồ Chí Minh, là người dành nhiều tâm huyết để phát triển các dự án về công nghệ thông tin, cụ thể là xây dựng các phần mềm cho ngành Y tế, trong đó nổi bật là sản phẩm Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis – đạt giải 3 Cuộc thi y tế thông minh 2018, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019. Anh Lại Văn Hiệp (sinh năm 1988), là thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong nghiên cứu, khởi nghiệp sản xuất và xuất khẩu than trắng cao cấp theo công nghệ Nhật Bản, mang thương hiệu KyoBin. Anh là người thành lập doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất (Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông) thuộc lĩnh vực than củi Việt Nam được Hiệp hội doanh nghiệp Than củi Nhật Bản tín nhiệm về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Hiện doanh nghiệp của anh có quy mô 100 lao động, với mức lương trung bình công nhân nam 10,5 triệu đồng/tháng, công nhân nữ 7 triệu đồng/tháng; sản xuất và tiêu thụ khoảng 2000 tấn than trắng, 1300 tấn than đen sang nhiều thị trường nước ngoài: Nhật, Mỹ, Malaysia và Úc mỗi năm. Chị Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội và anh Nguyễn Tiến Huy, người khởi xướng nhóm Hà Nội Xanh giao lưu tại chương trình Chị Bùi Thị Lan Phương, gần 1 thập kỷ, với vai trò là “thủ lĩnh” phong trào chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, luôn tìm đến sẻ chia, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Năm 2020, chị Phương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được tôn vinh là Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng. Bên cạnh đó là những con người tâm huyết với các hoạt động truyền cảm hứng sống đẹp đến cộng đồng, xã hội. Anh Nguyễn Tiến Huy là người khởi xướng nhóm Hà Nội Xanh, nhóm đã tham gia dọn dẹp được gần 200 buổi hoạt động, làm sạch được hơn 100 điểm đen tại khu vực thành phố Hà Nội, thu gom được hàng trăm tấn rác thải từ các dòng sông, địa bàn trên để đưa về nơi xử lý rác của thành phố. Anh Đặng Đình Mạnh giao lưu tại chương trình Anh Đặng Đình Mạnh là mạnh thường quân thầm lặng, luôn đứng sau để cổ vũ, động viên và ủng hộ vật chất lẫn tinh thần cho nhóm Hà Nội Xanh duy trì thực hiện những công việc có ích cho cộng đồng xã hội. Bằng những suất cơm quê, suất cháo cá, bún chả cá giàu dinh dưỡng do chính tay mình tự nấu, anh Mạnh không chỉ hỗ trợ, tiếp sức cho các bạn trẻ Hà Nội Xanh suốt nhiều tháng nay mà đang góp phần nhân lên những điều tốt đẹp trong cộng đồng xã hội. Năm 2020, trong những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19, anh cũng đã tự bỏ kinh phí, vào bếp nấu hàng ngàn suất ăn ngon, mang đến tiếp sức cho các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Rồi thi thoảng anh lại thức đêm nấu cơm, mang đến trao tận tay những người vô gia cư, lang thang ở Hà Nội. Trong hệ thống nhà hàng Mạnh Cá lăng do anh làm chủ, anh còn nhận đào tạo, bố trí công ăn việc làm cho gần 100 hoàn cảnh éo le khác… Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và nông dân Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình giao lưu tại chương trình Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, hơn 22 năm giảng dạy bộ môn Hóa học tại  trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo về nội dung và phương pháp dạy học, góp phần bồi dưỡng niềm đam mê, yêu thích bộ môn hóa học trong các thế hệ học sinh. Nông dân Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bìnhlà tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi với quy mô lớn. Từ chăn nuôi gà, nuôi lợn thịt, gia đình anh có thu nhập ổn định 1,7 tỷ đến 2 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại đã tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương với mức thu nhập hàng tháng bình quân từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/người. Đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại chương trình Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu tham dự buổi giao lưu; hoan nghênh và đánh giá cao Trung tâm Thông tin - Truyền thông đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong tuyên truyền, tôn vinh, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu. Đồng chí đề nghị mỗi tập thể, mỗi cá nhân điển hình tiên tiến tại buổi giao lưu hôm nay tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người mãi mãi noi theo. Ban Tổ chức tặng hoa và biểu trưng chúc mừng các điển hình giao lưu tại chương trình Đồng chí đề nghị Trung tâm Thông tin - Truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, sáng tạo, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, nêu gương, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, trong xã hội. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền qua các kênh truyền thông của mình như Đặc san Thi đua Khen thưởng, Cổng thông tin điện tử của Ban và Trang Thông tin điện tử tổng hợp Thi đua Khen thưởng; tổ chức hội nghị, hội thảo, giao lưu, tọa đàm, gặp mặt điển hình tiên tiến…Tăng cường phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương trong việc phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương. Nguyệt Hà

Trang