BTĐKT - Ngày 24/5, tại Hà Nội, Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thuộc Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi "Đạo Phật trong trái tim tôi".
Ban Tổ chức trao 1 giải nhất, trị giá 20 triệu đồng
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi "Đạo Phật trong trái tim tôi" được phát động từ ngày 2/11/2022, dành cho mọi đối tượng, quý chư tôn đức tăng, ni, phật tử, quý đạo hữu và những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài nước. Cuộc thi được tổ chức với mục đích khích lệ tinh thần tìm hiểu đạo Phật trong xã hội, cộng đồng phật tử, nâng cao hiểu biết về kiến thức Phật pháp, lan tỏa, tôn vinh, giữ gìn giá trị truyền thống nhân văn - nhân bản của Phật giáo.
Kể từ khi phát động cuộc thi đến ngày 30/4/2023, Ban Tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham gia dự thi thuộc các thể loại khác nhau, trong đó có tác giả tham gia nhiều nhất với 5 tác phẩm. Từ tháng 11/2022 đến cuối tháng 4/2023, Ban Giám khảo đã lựa chọn 30 tác phẩm để đăng tải trên Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam, một số sẽ tiếp tục được tuyển chọn đăng tải, cập nhật trong thời gian tới.
Đầu tháng 5/2023, các thành viên Ban Giám khảo đã tổ chức chấm giải và thống nhất chọn 6 tác phẩm để trao giải (1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 10 triệu đồng mỗi giải; 3 giải ba trị giá 6 triệu đồng mỗi giải). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn có những hình thức khen thưởng mang tính động viên, tôn vinh và khuyến khích dành cho một số tác giả có tác phẩm đạt chất lượng nội dung cũng như thể lệ của cuộc thi.
Phương Thanh
Văn hóa - Thể thao
Tôn vinh những nét tinh hoa ẩm thực của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
BTĐKT – Lễ công bố danh sách nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6/6/2023. Đây là sự kiện tôn vinh những nét tinh hoa của ẩm thực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với sự góp mặt của các đầu bếp nổi tiếng, chủ nhà hàng, giới truyền thông và những người đam mê ẩm thực. Michelin Guide xếp hạng nhà hàng thông qua hệ thống giải thưởng, trong đó Sao Michelin là giải thưởng nổi tiếng được trao cho những nhà hàng mang đến trải nghiệm ẩm thực xuất sắc nhất. Bên cạnh hệ thống xếp hạng Sao danh giá, Michelin Guide còn có hạng mục giải thưởng là Bib Gourmand dành cho những nhà hàng mang đến món ăn ngon với giá cả phải chăng. Ông Gwendal Poullennec, Giám đốc Quốc tế của Michelin Guide cho biết: “Chúng tôi đã quan sát nền ẩm thực Việt Nam trong một thời gian dài và rất vui mừng thông báo danh sách những nhà hàng đầu tiên được Michelin Guide tuyển chọn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”. Ông cũng chia sẻ thêm: “Không chỉ là thành phố lớn nhất của Việt Nam, TP Hồ Chí Minh còn được biết đến bởi sự sôi động với nhịp độ phát triển nhanh cùng nền ẩm thực đặc sắc, nơi đây luôn tràn đầy năng lượng với nhiều cơ hội được mở ra. Không giới hạn về sắc tộc, phạm vi và loại hình ẩm thực nên thành phố không thiếu những hương vị nổi bật và trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ. Trong khi đó, Hà Nội lại mang đến nguồn năng lượng khác, đó là sự thư thái và trầm tĩnh hơn với những cửa hàng và nhà hàng nhỏ mà bạn có thể tìm thấy được ở bất kỳ đâu, đặc biệt trong khu phố cổ. Các thẩm định viên ẩn danh của chúng tôi rất hào hứng khi phát hiện ra nhiều viên ngọc ẩm thực với cách chế biến tinh tế cùng hương vị đặc trưng.” Hành trình đến với Việt Nam của Michelin Guide được sự hỗ trợ của Sun Group – Tập đoàn luôn theo đuổi sứ mệnh quảng bá, bảo tồn vẻ đẹp và văn hóa độc đáo của Việt Nam kể từ khi được thành lập vào năm 2007. Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group cho biết: “Sự ra mắt của Michelin Guide tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đánh dấu cột mốc quan trọng đối với nền ẩm thực Việt Nam. Đây là cơ hội để ghi nhận sự cống hiến và nỗ lực làm việc chăm chỉ của các đầu bếp và nhà hàng hàng đầu của những điểm đến, đồng thời tôn vinh sự đa dạng và tinh tế của ẩm thực Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, Michelin Guide sẽ truyền cảm hứng và thúc đẩy sự đổi mới cũng như tôn vinh những món ăn, những đầu bếp và nhà hàng ưu tú nhất của nền ẩm thực Việt. Tôi cũng rất vui được chứng kiến Michelin Guide sẽ từng bước định hình bức tranh ẩm thực tại Việt Nam trong những năm tới. Chúng tôi cũng kỳ vọng, những nhà hàng, quán ăn được tôn vinh trong ấn phẩm đầu tiên của Michelin Guide tại Việt Nam sẽ là lý do thôi thúc du khách quốc tế tìm đến, từ đó lan tỏa tình yêu dành cho các món ngon nức tiếng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.” Phương ThanhBTĐKT - Sáng 17/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.
Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Lễ cắt băng khai mạc triển lãm
Tại triển lãm, công chúng có cơ hội được tìm hiểu 133 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 62 tập thể và 71 cá nhân đã được Ban Tổ chức lựa chọn từ gần 600 tấm gương được Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh. Triển lãm còn giới thiệu thêm một số tư liệu sưu tập báo cắt dán về gương người tốt, việc tốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu và một số huy hiệu Bác Hồ gửi tặng tấm gương người tốt việc tốt.
Nội dung triển lãm gồm 2 phần. Phần một có chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta” nhằm khẳng định việc học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta phát động ngay sau khi Người qua đời với phong trào thi đua “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Trong phong trào thi đua đó, hàng ngàn tập thể và cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần vào việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.
Phần hai với chủ đề “Những tấm gương bình dị mà cao quý” gồm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật, giới thiệu tới công chúng những câu chuyện về 133 tổ chức và cá nhân tiêu biểu của các ngành, các cấp. Đây là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội; xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, quốc phòng và an ninh. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, quả cảm.... để chúng ta học tập và noi theo.
Mỗi hình ảnh và bài viết của triển lãm là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức hiến dâng tất cả vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên và phồn vinh và phát triển của đất nước.
Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 17/05/2023 đến hết tháng 8/2023 và sẽ được tổ chức trưng bày tại một số địa phương trong cả nước vào thời gian tới.
Phương Thanh
Khát vọng xây dựng và phát triển Hải Tiến thành đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại
BTĐKT - Với chủ đề “Hải Tiến - Khát vọng và phát triển”, Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2023 đã chính thức khai mạc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách trong cả nước. Đây là hoạt động thường niên nhằm quảng bá tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch, thu hút du khách, nhà đầu tư về với với địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững… Khai hội Du lịch biển Hải Tiến năm 2023 Theo Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Thanh Hải, khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có vị trí địa lý lợi thế, được hình thành và phát triển dọc theo bờ biển qua địa phận 5 xã ven biển của huyện Hoằng Hóa. Qua thời gian hình thành và phát triển, cơ sở hạ tầng của khu du lịch ngày càng hiện đại. Đến nay, khu du lịch Hải Tiến có 84 cơ sở lưu trú với hơn 6.700 phòng nghỉ tiện nghi; có trung tâm hội nghị cao cấp, khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh với nhiều trò chơi hấp dẫn. Hiện nay, trên địa bàn, nhiều dự án lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch. Một số dự án quy mô lớn đang triển khai, dự báo sẽ tạo bước phát triển đột phá cho du lịch Hải Tiến, như dự án KDL sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường... Năm 2023, với tinh thần đẩy nhanh tốc độ hồi phục và bứt phá kinh tế bằng nhiều giải pháp, kỳ vọng sẽ đón trên 1,5 triệu lượt du khách…, huyện Hoằng Hóa đang tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đầu tư phát triển các loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch đường thủy, du lịch mạo hiểm...; khai thác các điểm tham quan di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các làng nghề truyền thống; duy trì và phát huy các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí… nhằm thu hút du khách; tổ chức kết nối các khu, điểm du lịch trong và ngoài huyện. Dù lượn là một trong những trải nghiệm mới cho du khách khi đến với du lịch Hải Tiến năm 2023 Là chủ nhân của Khu du lịch khách sạn Ánh Phương đang khai thác gồm 3 tòa nhà khách sạn tiêu chuẩn 3 sao, với hơn 400 phòng nghỉ đẹp hướng biển và 30 phòng VIP lớn tại Hải Tiến, ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến cho biết, hiện nay hệ thống nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ tốt nhất đã sẵn sàng để phục vụ du khách. Theo ông Lê Xuân Thảo, các doanh nghiệp du lịch Hải Tiến dù đã gặp phải không ít khó khăn khi khôi phục và vận hành lại các dịch vụ du lịch sau dịch, tuy nhiên, với sự nỗ lực hết mình và bằng nhiều giải pháp linh hoạt, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Hải Tiến đang từng ngày nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ để làm hài lòng du khách; quyết tâm cùng chính quyền huyện Hoằng Hóa hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển Hải Tiến thành đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại. Mai ThảoThi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử trại Davis
BTĐKT - Ngày 25/4, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự trại Davis và Hội Những người bạn di sản Việt Nam (FVH) tổ chức Tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử trại Davis”. Tọa đàm có sự tham gia của gần 50 thành viên là cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự trại Davis, đại diện các ban, ngành, tổ chức liên quan trong nước, ngoài nước, cùng nhiều giảng viên, sinh viên một số trường đại học. Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại Tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử trại Davis Tọa đàm là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2023) và 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023). Theo Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Trần Trung Kiên, thông qua tọa đàm, Ban Tổ chức mong muốn được tri ân, tôn vinh, làm sống lại câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam 50 năm về trước và hoạt động thực thi Hiệp định Paris của các thành viên Ban Liên hợp quân sự trại Davis, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự cần thiết trong việc gìn giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước tới công chúng hôm nay, nhất là thế hệ trẻ. Cách đây nửa thế kỷ, vào ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Theo Điều 16 của Hiệp định, 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 4 bên. Theo Điều 17, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 2 bên. Ban Liên hợp quân sự có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự mà Hiệp định đã quy định. Phía Việt Nam thành lập hai đoàn đại biểu quân sự gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ ưu tú của các lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền Nam, thông tấn, báo chí và một số ban, ngành tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao, quân sự thi hành Hiệp định Paris. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp thiết thực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 12/9/2011, hai đoàn đại biểu quân sự của ta trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 1553/QĐ-CTN. Bộ Ngoại giao cũng đã tặng gần 800 Kỷ niệm chương "Thi hành Hiệp định Paris" cho cựu thành viên hai đoàn đại biểu quân sự. Ngày 9/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích Lịch sử trại Davis. Dịp này, một số cựu chiến binh, thân nhân cựu chiến binh đã trao tặng các kỷ vật liên quan cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III để nâng cao khả năng lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu. Hồng ThiếtKhai mạc triển lãm “Nghệ thuật sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết”
BTĐKT - Chiều 25/3/2023, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Nghệ thuật Sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết” gồm 75 bức tranh sen của hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Đức. Đây là sự kiện đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng UNESCO tổ chức với mục tiêu ươm mầm tài năng Việt. Dự lễ khai mạc có ông Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các hòa thượng, thượng toạ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện cơ quan ngoại giao một số nước tại Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức với các tác phẩm tiêu biểu được trưng bày tại triển lãm Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam từ hơn 2000 năm trước. Triết lý và văn hóa Phật giáo đã hòa quyện cùng văn hóa dân tộc và trở thành thành tố văn hóa sâu đậm trong đời sống xã hội, tâm linh con người Việt Nam. Hoa sen là biểu tượng tâm linh tối thượng của Phật giáo. Hoa sen tượng trưng cho Phật tính vốn có trong mỗi con người, tâm thanh tịnh, sự thuần khiết. Hoa sen trong lịch sử văn hóa dân tộc cũng đã trở thành biểu tượng của tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam. Triển lãm giới thiệu 75 bức tranh sen của họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức, với mong muốn mang đến những cảm xúc tích cực, làm động lực giúp mỗi người thêm yêu cuộc sống, yêu con người, vượt qua mọi hoàn cảnh, lấy sức mạnh và yêu thương làm người bạn, người đồng hành thuần khiết, tô bồi ước vọng tương lai tốt đẹp. Họa sĩ Kim Đức được nhiều người biết đến với bức tranh Cover Of Future (Vỏ tương lai) được Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản quốc tế Vesak chọn làm quà tặng cho các lãnh đạo Phật giáo trên toàn thế giới. Không chỉ say mê sáng tác, chị đã vẽ và sưu tầm hàng trăm bức tranh sơn dầu của các hoạ sĩ, thành lập Quỹ tranh “Butta sweet life” tặng cho các bệnh viện: Bệnh viện K (cơ sở 2), Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức, Bệnh viện Đức Giang và Bệnh viện Châm cứu Trung ương; phát động trồng hàng triệu cây xanh khắp các vùng miền, gây quỹ ủng hộ trồng rừng… Trải qua hai lần phẫu thuật vì bệnh hiểm nghèo đã biến chị từ một người năng động, thành công trở thành một người trầm cảm. Nhờ sự tận tâm của các bác sĩ, sự động viên của những người thân thiết, đặc biệt ý chí phải sống để vẽ thật nhiều sen, loài “hoa của trời” đã giúp chị trở lại là chính mình. 75 tác phẩm về sen được trưng bày tại triển lãm là minh chứng cho tinh thần và ý chí kiên cường của hoạ sĩ. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31/3 tại Hội trường tầng 1 chùa Quán Sứ, Hà Nội. Phương ThanhBTĐKT - Triển lãm “Nghệ thuật sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết” sẽ khai mạc vào ngày 25/3 tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), trưng bày 75 tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Phật tử Kim Đức, tôn vinh hình tượng hoa sen - biểu tượng của sự tinh khiết, quyền lực và trí tuệ. Triển lãm do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Một tác phẩm của họa sĩ Phật tử Kim Đức sẽ được trưng bày tại triển lãm
Qua hàng ngàn năm lịch sử, hoa sen đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn, cốt cách của dân tộc Việt Nam. Trong Phật giáo, sen là biểu tượng tâm linh tối thượng, thể hiện Phật tính vốn có trong mỗi con người. Thấu hiểu những ý nghĩa biểu tượng cao đẹp ấy, họa sĩ Phật tử Kim Đức đã luôn sáng tạo và cống hiến để mang đến cho đời nhiều bức tranh đẹp về loài hoa này. Đặc biệt bức “Liên hoa tịnh cảnh” của họa sĩ Phật tử Kim Đức đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho trưng bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022).
Thông qua triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn lan tỏa thông điệp hòa bình của Đức Phật, tôn vinh hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thực hành từ những vẻ đẹp trong sáng, tinh khiết của hoa sen – loài hoa trường tồn đại diện cho hành trình tìm kiếm cái đẹp trong tâm hồn, tìm kiếm và cộng hưởng với những trái tim cùng chí hướng để tạo nên những giá trị và vẻ đẹp chân thiện.
Đến với tuần lễ triển lãm, công chúng sẽ có cơ hội lắng nghe pháp thoại của Thiền sư Minh Niệm về phương pháp thực tập đạo Phật giúp chữa lành, kiến tạo hạnh phúc, bình an trong cuộc sống, thực hành an trú trong chính niệm – bây giờ và ở đây.
Đặc biệt, dự triển lãm, người yêu nghệ thuật sẽ được trải nghiệm trò chơi “Cảm xúc yêu sen” và có cơ hội nhận giải thưởng với tổng giá trị lên tới 100 triệu đồng. Kết quả Minigame được đăng tải trên Fanpage Truyền hình An Viên vào ngày 16/04/2023.
Triển làm mở cửa tự do từ 9h00 - 21h00 ngày 26/3 đến hết ngày 31/3/2023 tại Hội trường tầng 1 chùa Quán Sứ (69 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).
Phương Thanh
TĐKT - Sáng 23 tháng Chạp (ngày 14/1/2023), hàng trăm học sinh, sinh viên từ các trường và các nhóm gia đình đã đăng ký tham gia chương trình “Trải nghiệm Tết Việt vùng Kinh Bắc” do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức.
Chương trình diễn ra với sự tham gia của các nghệ nhân dân gian và các tình nguyện viện là sinh viên của các trường trên địa bàn Hà Nội, bao gồm nhiều hoạt động trình diễn thú vị như: Dựng cây nêu, gói bánh chưng, in tranh Đông Hồ, hát quan họ, trình diễn chạy ró, kéo dây lấy lửa, viết thư pháp, chơi các trò chơi dân gian gắn với Tết...
Hát quan họ Bắc Ninh được tái hiện tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Hoạt động này là cơ hội đặc biệt dành tặng công chúng, nhất là các bạn trẻ, sẽ được cùng người thân khám phá về Tết cổ truyền qua trải nghiệm với các nghệ nhân dân gian đến từ Bắc Ninh.
Đây là hoạt động nhằm hướng tới chương trình “Vui Xuân Quý Mão: Sắc thái văn hóa Bắc Ninh" sẽ được tổ chức vào hai ngày mồng 7 và 8 Tết năm nay (28 và 29/1/2023)
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh mang tới du khách Thủ đô những trải nghiệm thú vị về di sản văn hóa vùng Kinh Bắc. Công chúng có cơ hội tìm hiểu tục kéo dây lấy lửa trong lễ hội của làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong được tái hiện qua hoạt động trình diễn kéo lửa với những con thần lần rơm của người dân địa phương. Đây là một tục lệ độc đáo, thường tổ chức vào mồng 3 Tết và gắn với tín ngưỡng cầu mùa của cư dân nông nghiệp vùng đất Bắc Ninh xưa.
Các nghệ nhân huyện Yên Phong trình diễn tục kéo dây lấy lửa
Người dân ở làng Guột, huyện Quế Võ trình diễn trò chơi chạy ró, giới thiệu các thành phần trong xã hội xưa dưới góc nhìn hài hước, tạo không khí vui tươi, sảng khoái trong ngày đầu năm mới. Những người yêu thích dòng tranh dân gian gắn với dịp Tết có cơ hội trải nghiệm in tranh và tìm hiểu về ý nghĩa các bức tranh. Các em nhỏ được thưởng thức những tích trò rối vui nhộn qua hoạt động biểu diễn múa rối nước của các nghệ nhân phường rối Đồng Ngư ở huyện Thuận Thành.
Những du khách mê hội họa và sáng tạo có dịp sáng tác, trang trí con mèo và bộ phỗng bằng đất sét cùng nghệ nhân dân gian.
Nét đặc sắc trong chương trình lần này chính là hoạt động trưng bày chuyên đề Tinh hoa văn hóa Quan họ Bắc Ninh và trình diễn quan họ (hát canh, hát hội) của các liền anh, liền chị đến từ Bắc Ninh. Du khách có cơ hội tìm hiểu rõ hơn những giá trị của dân ca quan họ qua trưng bày. Từ giai điệu, ca từ, trang phục đến lề lối, lễ nghĩa của người quan họ đều được giới thiệu tại không gian này. Công chúng thích khám phá sẽ được trải nghiệm mặc thử trang phục quan họ, têm trầu cánh phượng và nghe các nghệ nhân, anh hai, chị hai chia sẻ những câu chuyện trong “lối chơi quan họ”.
Tục xin chữ đầu năm diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học
Bên cạnh các hoạt động mang đậm sắc thái văn hóa Bắc Ninh, cái hồn Tết Việt cũng là một phần không thể thiếu của chương trình. Du khách có dịp tìm hiểu thêm về nét đẹp của ngày Tết cổ truyền thông qua nghệ thuật viết thư pháp, làm hoa giấy, nặn tò he, nặn mầm ngủ quả... Các em nhỏ được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc như: Bắt chạch trong chum, gánh lúa qua cầu, kéo co, đi cà kheo, mèo đuổi chuột (Việt); ném còn, nhảy sạp (Thái); ném pao, đẩy gậy (Mông), cũng như được sáng tạo trong Phòng Khám phá qua việc tô vẽ tranh 12 con giáp và di sản văn hóa Bắc Ninh.
Ngoài ra, du khách còn có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực Mường như món thịt nướng lá bưởi, chả lá dổi, pịa trâu, gà nướng mắc khén, xôi màu, cơm lam... Những đặc sản vùng miền như trâu gác bếp, lạp xưởng hun khói... cũng được giới thiệu trong dịp này.
Bà Nguyễn Thị Trọng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Bảo tàng mang những nét văn hóa đặc trưng nhất của tỉnh để giới thiệu đến người dân ở Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các nghệ nhân dân gian với công chúng cũng như các nghệ nhân ở vùng miền khác. Hy vọng chương trình sẽ là cầu nổi giới thiệu di sản văn hóa Bắc Ninh đến đông đảo du khách trong và ngoài nước để bản sắc văn hóa của địa phương có sức lan tỏa và góp phần giáo dục thế hệ trẻ.”
TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng chia sẻ: "Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn chú trọng khai thác giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền và đã trở thành một điểm du xuân hấp dẫn của công chúng. Năm nay các hoạt động được tổ chức đa dạng hình thức và nội dung không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, mà còn giúp du khách nâng cao hiểu biết về giá trị văn hóa. Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế".
Mai Thảo
Khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”
TĐKT - Nhân Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), ngày 5/1, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hội nghị Paris – Cuộc đàm phán lịch sử”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật đang được bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia: II, III; Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Lưu trữ Nga, thành viên Liên Ủy ban quân ủy bốn phe trung ương, thành viên của "Trại Davis 823 ngày đêm" và một số nhân chứng của Hội nghị, … đã khái quát về hoàn cảnh trong nước và quốc tế dẫn tới Hội nghị Paris; thể hiện ý chí quyết liệt và vai trò của các bên tham gia trong quá trình đàm phán; khẳng định việc đàm phán, ký Hiệp định Paris là“cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới” đồng thời cũng là sự thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Cuộc đàm phán tại Paris kéo dài gần 5 năm, từ ngày 13/5/1968 - 27/01/1973, trải qua 2 giai đoạn: Lễ khai mạc Đàm phán 2 bên, từ ngày 13/5 đến ngày 31/10/1968: Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh từ ngày 31/10/1968 và chấp nhận việc triệu tập hội nghị 4 bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam DCCH dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam DCCH và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris, ngày 13/5/1968, tại phòng họp Trung tâm các Hội nghị quốc tế (đường Kleber, Paris, Cộng hòa pháp).( Nguồn: TTLTQG III, Tài liệu ảnh Bộ Ngoại giao, SLT 2979-2242) Đàm phán 4 bên, từ ngày 25/01/1969 đến tháng 01/1973: Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiên quyết đòi Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Hoa Kỳ muốn chấm dứt chiến tranh nhưng đòi miền Bắc và Hoa Kỳ cùng rút quân, đòi duy trì khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Sơ đồ phòng họp và chỗ ngồi của các phái đoàn tại Hội nghị Paris về Việt Nam (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa , hồ sơ 16665, tờ số 43-44) Henry A. Kissinger và Lê Đức Thọ bắt tay sau khi ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973. (Nguồn: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ) Sau gần 5 năm với “201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam”, ngày 27/01/1973 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa các bên tham gia, là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là thắng lợi hết sức to lớn trên mặt trận ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Hoa Kỳ buộc phải rút quân về nước là điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Triển lãm là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm góp phần phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng tài liệu lưu trữ; góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần kiên cường, bất khuất, yêu nước, yêu độc lập tự do; ca ngợi và tự hào với truyền thống anh dũng đấu tranh giành độc lập trên mọi mặt trận của dân tộc Việt Nam. Hồng Thiết