Văn hóa - Thể thao

Vui xuân Quý Mão 2023: “Trải nghiệm Tết Việt vùng Kinh Bắc

TĐKT - Sáng 23 tháng Chạp (ngày 14/1/2023), hàng trăm học sinh, sinh viên từ các trường và các nhóm gia đình đã đăng ký tham gia chương trình “Trải nghiệm Tết Việt vùng Kinh Bắc” do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức. Chương trình diễn ra với sự tham gia của các nghệ nhân dân gian và các tình nguyện viện là sinh viên của các trường trên địa bàn Hà Nội, bao gồm nhiều hoạt động trình diễn thú vị như: Dựng cây nêu, gói bánh chưng, in tranh Đông Hồ, hát quan họ, trình diễn chạy ró, kéo dây lấy lửa, viết thư pháp, chơi các trò chơi dân gian gắn với Tết... Hát quan họ Bắc Ninh được tái hiện tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Hoạt động này là cơ hội đặc biệt dành tặng công chúng, nhất là các bạn trẻ, sẽ được cùng người thân khám phá về Tết cổ truyền qua trải nghiệm với các nghệ nhân dân gian đến từ Bắc Ninh. Đây là hoạt động nhằm hướng tới chương trình “Vui Xuân Quý Mão: Sắc thái văn hóa Bắc Ninh" sẽ được tổ chức vào hai ngày mồng 7 và 8 Tết năm nay (28 và 29/1/2023) Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh mang tới du khách Thủ đô những trải nghiệm thú vị về di sản văn hóa vùng Kinh Bắc. Công chúng có cơ hội tìm hiểu tục kéo dây lấy lửa trong lễ hội của làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong được tái hiện qua hoạt động trình diễn kéo lửa với những con thần lần rơm của người dân địa phương. Đây là một tục lệ độc đáo, thường tổ chức vào mồng 3 Tết và gắn với tín ngưỡng cầu mùa của cư dân nông nghiệp vùng đất Bắc Ninh xưa. Các nghệ nhân huyện Yên Phong trình diễn tục kéo dây lấy lửa Người dân ở làng Guột, huyện Quế Võ trình diễn trò chơi chạy ró, giới thiệu các thành phần trong xã hội xưa dưới góc nhìn hài hước, tạo không khí vui tươi, sảng khoái trong ngày đầu năm mới. Những người yêu thích dòng tranh dân gian gắn với dịp Tết có cơ hội trải nghiệm in tranh và tìm hiểu về ý nghĩa các bức tranh. Các em nhỏ được thưởng thức những tích trò rối vui nhộn qua hoạt động biểu diễn múa rối nước của các nghệ nhân phường rối Đồng Ngư ở huyện Thuận Thành. Những du khách mê hội họa và sáng tạo có dịp sáng tác, trang trí con mèo và bộ phỗng bằng đất sét cùng nghệ nhân dân gian. Nét đặc sắc trong chương trình lần này chính là hoạt động trưng bày chuyên đề Tinh hoa văn hóa Quan họ Bắc Ninh và trình diễn quan họ (hát canh, hát hội) của các liền anh, liền chị đến từ Bắc Ninh. Du khách có cơ hội tìm hiểu rõ hơn những giá trị của dân ca quan họ qua trưng bày. Từ giai điệu, ca từ, trang phục đến lề lối, lễ nghĩa của người quan họ đều được giới thiệu tại không gian này. Công chúng thích khám phá sẽ được trải nghiệm mặc thử trang phục quan họ, têm trầu cánh phượng và nghe các nghệ nhân, anh hai, chị hai chia sẻ những câu chuyện trong “lối chơi quan họ”. Tục xin chữ đầu năm diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Bên cạnh các hoạt động mang đậm sắc thái văn hóa Bắc Ninh, cái hồn Tết Việt cũng là một phần không thể thiếu của chương trình. Du khách có dịp tìm hiểu thêm về nét đẹp của ngày Tết cổ truyền thông qua nghệ thuật viết thư pháp, làm hoa giấy, nặn tò he, nặn mầm ngủ quả... Các em nhỏ được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc như: Bắt chạch trong chum, gánh lúa qua cầu, kéo co, đi cà kheo, mèo đuổi chuột (Việt); ném còn, nhảy sạp (Thái); ném pao, đẩy gậy (Mông), cũng như được sáng tạo trong Phòng Khám phá qua việc tô vẽ tranh 12 con giáp và di sản văn hóa Bắc Ninh. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực Mường như món thịt nướng lá bưởi, chả lá dổi, pịa trâu, gà nướng mắc khén, xôi màu, cơm lam... Những đặc sản vùng miền như trâu gác bếp, lạp xưởng hun khói... cũng được giới thiệu trong dịp này. Bà Nguyễn Thị Trọng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Bảo tàng mang những nét văn hóa đặc trưng nhất của tỉnh để giới thiệu đến người dân ở Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các nghệ nhân dân gian với công chúng cũng như các nghệ nhân ở vùng miền khác. Hy vọng chương trình sẽ là cầu nổi giới thiệu di sản văn hóa Bắc Ninh đến đông đảo du khách trong và ngoài nước để bản sắc văn hóa của địa phương có sức lan tỏa và góp phần giáo dục thế hệ trẻ.” TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng chia sẻ: "Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn chú trọng khai thác giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền và đã trở thành một điểm du xuân hấp dẫn của công chúng. Năm nay các hoạt động được tổ chức đa dạng hình thức và nội dung không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, mà còn giúp du khách nâng cao hiểu biết về giá trị văn hóa. Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế". Mai Thảo

Khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”

TĐKT - Nhân Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), ngày 5/1, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hội nghị Paris – Cuộc đàm phán lịch sử”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật đang được bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia: II, III; Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Lưu trữ  Nga, thành viên Liên Ủy  ban quân ủy bốn phe trung ương, thành viên của "Trại Davis 823 ngày đêm" và một số nhân chứng của Hội nghị, … đã khái quát về hoàn cảnh trong nước và quốc tế dẫn tới Hội nghị Paris; thể hiện ý chí quyết liệt và vai trò của các bên tham gia trong quá trình đàm phán; khẳng định việc đàm phán, ký Hiệp định Paris là“cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới” đồng thời cũng là sự thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Cuộc đàm phán tại Paris kéo dài gần 5 năm, từ ngày 13/5/1968 - 27/01/1973, trải qua 2 giai đoạn: Lễ khai mạc Đàm phán 2 bên, từ ngày 13/5 đến ngày 31/10/1968: Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh từ ngày 31/10/1968 và chấp nhận việc triệu tập hội nghị 4 bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam DCCH dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam DCCH và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris, ngày 13/5/1968, tại phòng họp Trung tâm các Hội nghị quốc tế (đường Kleber, Paris, Cộng hòa pháp).( Nguồn: TTLTQG III, Tài liệu ảnh Bộ Ngoại giao, SLT 2979-2242) Đàm phán 4 bên, từ ngày 25/01/1969 đến tháng 01/1973: Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiên quyết đòi Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Hoa Kỳ muốn chấm dứt chiến tranh nhưng đòi miền Bắc và Hoa Kỳ cùng rút quân, đòi duy trì khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Sơ đồ phòng họp và chỗ ngồi của các phái đoàn tại Hội nghị Paris về Việt Nam (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II,  phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa , hồ sơ 16665, tờ số 43-44) Henry A. Kissinger và Lê Đức Thọ bắt tay sau khi ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973. (Nguồn: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ) Sau gần 5 năm với “201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam”, ngày 27/01/1973 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa các bên tham gia, là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là thắng lợi hết sức to lớn trên mặt trận ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Hoa Kỳ buộc phải rút quân về nước là điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  Triển lãm là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm góp phần phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng tài liệu lưu trữ; góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần kiên cường, bất khuất, yêu nước, yêu độc lập tự do; ca ngợi và tự hào với truyền thống anh dũng đấu tranh giành độc lập trên mọi mặt trận của dân tộc Việt Nam. Hồng Thiết  

Màn xếp hình quốc kỳ của dàn mẫu nhí NĐQ Academy xác nhận kỷ lục Việt Nam

TĐKT - Fashion show “Thiên thần nhí - Hội tụ và tỏa sáng” lần thứ 9 đã chính thức diễn ra thành công. Đây là sân chơi đẳng cấp chuyên nghiệp nhằm tôn vinh các tài năng nhí có thành tích xuất sắc trong nước và quốc tế. Siêu mẫu Nguyễn Đình Quyền đảm nhận vai trò Chủ tịch hội đồng chuyên môn. Từ 1000 hồ sơ trên cả nước, trải qua 2 vòng tuyển chọn, cuối cùng đã chọn ra 30 bé có cống hiến, có hoạt động nghệ thuật xuất sắc trong năm qua và được vinh danh trong sự kiện “Gala Thiên thần nhí – Hội tụ và tỏa sáng” tại Quảng Ninh mới đây. Cụ thể, đêm Gala đã vinh danh các mẫu nhí ở 12 hạng mục giải thưởng, gồm: Best Asian rising kid star (Ngôi sao nhí châu Á triển vọng) trao cho mẫu nhí Lão Thái An – học trò của siêu mẫu Đình Quyền; Best kid model of the year (Mẫu nhí xuất sắc nhất của năm) thuộc về Nguyễn Hương Mộc Trà; Best talent kid of the year (Mẫu nhí tài năng nhất của năm) Tạ Quang Khánh; Best kid model catwalk (Mẫu nhí catwalk tốt nhất) Nguyễn Ngọc Bảo Hân; Best face (Gương mặt xuất sắc) Đỗ Hoàng Sơn; Best evening gown (Trang phục dạ hội đẹp nhất) Trần Hoàng Khánh Vân. Màn xếp hình Cờ đỏ sao vàng với gần 2000 người tham gia đến từ nhiều đơn vị và độ tuổi khác nhau Ngoài ra còn có các giải: Trình diễn trang phục ấn tượng nhất: Nguyễn Minh Châu; Mẫu nhí trình diễn phong cách nhất: Phi Kha Ly; Mẫu nhí trình diễn tự tin nhất: Nguyễn Lê Kim Ngân; Mẫu nhí trình diễn sáng tạo nhất: Đỗ Hải Phong; Mẫu nhí thân thiện nhất: Cao Bảo Châu; Mẫu nhí năng động nhất: Hoàng Bảo Trâm. Bên cạnh đêm “Gala Thiên thần nhí - Hội tụ và tỏa sáng” cực kỳ hoàng tráng, các mẫu nhí còn được tham gia một hoạt động hết sức ý nghĩa và tự hào, đó chính là sự kiện đồng ca "Việt Nam ơi" và xếp hình Cờ đỏ sao vàng tại đền Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh. Sự kiện là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bày tỏ mong muốn kết nối nhiều thế hệ bằng tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc. Đại gia đình NĐQ Academy tại sự kiện “Gala Thiên thần nhí – Hội tụ và toả sáng” Đáng chú ý, xếp hình Cờ đỏ sao vàng với gần 2000 người tham gia đến từ nhiều đơn vị và độ tuổi khác nhau như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, các mẫu nhí NĐQ Academy,…đã được xác lập kỷ lục Việt Nam. Tại chương trình, ông Dương Duy Lâm Viên – Tổng Thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam đã công bố Quyết định xác lập kỷ lục dành cho sự kiện này. Thục Anh

Hơn 55.000 Phật tử tham dự Đại lễ Phật thành đạo 2022 tại Thiền Tôn Phật Quang

TĐKT – Từ ngày 28 – 30/12/2022, Đại lễ Phật thành đạo đã được Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức với nhiều sự kiện văn hóa tâm linh đặc biệt. Đại lễ có hơn 4.000 thanh niên tình nguyện viên tham gia phục vụ và hơn 55.000 Phật tử đến tham dự từ khắp nơi trong và ngoài nước. Thượng tọa Thích Chân Quang - Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang Sự kiện Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo dưới cội cây bồ đề sau 49 ngày đêm thiền định là một sự kiện vô cùng trọng đại, thiêng liêng đối với toàn thể nhân loại và tất cả chúng sinh. Bởi từ đó, ánh sáng giác ngộ của Đức Phật đã mở ra một con đường chân lý, rạng ngời từ bi và trí tuệ cho thế giới. Để tưởng nhớ đến sự kiện này, hàng năm Thượng tọa Thích Chân Quang - Giảng sư Phật học, Tiến sĩ luật học, Viện chủ Thiền tôn Phật Quang, cùng chư Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang đã tổ chức Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo. Cũng như truyền thống hằng năm, chương trình Đại lễ Phật Thành Đạo năm 2022 bao gồm các nội dung: Lễ tổng kết các hoạt động của các Đạo tràng - Chúng thanh niên và hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang trên cả nước; lễ xuất gia và chương trình giao lưu khách mời; chương trình văn nghệ và thuyết giảng của sư phụ trụ trì; lễ chính với nghi thức ngồi thiền, tụng kinh, dâng hoa vô cùng thiêng liêng bắt đầu vào lúc 4 giờ sáng để kỷ niệm thời khắc Đức Phật thành đạo. Chương trình giao lưu đặc biệt với phái đoàn Phật giáo Vương quốc Campuchia Đặc biệt năm nay, Đại lễ có sự tham dự của đoàn đại biểu cấp cao Phật giáo và chính quyền vương quốc Campuchia. Trong đó, dẫn đầu đoàn là ngài Samdech Preah Vannaroth Kittipanditta NAY CHROEK - Phó Tăng thống Đệ nhị, Phó Nghị viện Trưởng lão Vương quốc Campuchia cùng với ngài Preah Sery Sammativong TEP PHAN - thành viên Ban chấp hành Nghị viện trưởng lão Phật giáo Campuchia, Phó Ban trị sự Phật giáo Thủ đô Phnom Penh, cùng Chư Tăng là trụ trì, phó trụ trì các ngôi chùa nổi tiếng tại Vương quốc Campuchia. Cùng với đó là sự có mặt của các vị quan chức cấp cao của Vương quốc Campuchia: Bà Mean Som An - Chủ tịch Ủy ban Thượng viện khóa VIII và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam; Thống tướng Chan Chea - Cố vấn tối cao Vua sư Đại Tăng thống TEP VONG, Quốc vụ khanh Vương quốc Campuchia; Cùng với các lãnh đạo cấp cao khác. Lễ chính thức Đại lễ Phật thành đạo 2022 Bên cạnh đó, đại lễ còn có sự hiện diện của rất nhiều chư tăng ni, chính quyền địa phương các cấp, phóng viên các báo đài, hơn 4.000 thanh niên tình nguyện viên tham gia phục vụ và hơn 55.000 Phật tử đến từ khắp nơi trong và ngoài nước. Trong buổi lễ này, Thượng tọa Thích Chân Quang - Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có bài Pháp thoại gửi đến toàn thể hội chúng. Bài pháp đã nêu lên những lý do chính đáng để người Phật tử chân chính có thể đề xuất lên UNESCO công nhận ngày kỷ niệm Đức Phật thành đạo là di sản văn hóa phi vật thể vô giá của toàn nhân loại. Từ ngàn xưa, con người đã luôn khát khao cháy bỏng có được những niềm vui hạnh phúc trong cuộc đời. Thế nhưng, cuộc sống vốn vô thường biến đổi không thể lường trước và ẩn chứa nhiều nỗi khổ đau. Con người cứ càng loay hoay tìm cách “tránh khổ tìm vui”, đuổi theo những hạnh phúc tạm bợ như tiền tài, danh vọng, quyền lực thì lại càng vướng vào đau khổ và làm khổ lẫn nhau thêm. Rồi đến cuối cùng, cũng không một ai có thể thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Đó là nỗi khổ đau cay đắng của dòng luân hồi dài bất tận.  Lễ chính thức diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm, thiêng liêng và xúc động, với sự tham dự và chứng minh của phái đoàn Phật giáo Vương quốc Campuchia và chư tôn đức tăng ni Việt Nam Vì thương tưởng chúng sinh chìm trong đau khổ như thế, Đức Phật đã cất bước đi tìm con đường thoát khổ cho muôn loài. Năm 624 TCN, Ngài sinh ra là một vị Thái tử tại đất nước Sakya thuộc lục địa Ấn Độ (Nepal ngày nay). Dù sống trong cung vàng điện ngọc với tất cả những sự tốt đẹp nhất, nhưng bởi hạnh nguyện vị tha vĩ đại từ nhiều kiếp, Ngài đã xuất gia trở thành vị ẩn sĩ tu hành. Trải qua 6 năm thực hành phương pháp khổ hạnh nhưng không đạt được mục đích, Ngài đã quyết định chọn con đường thiền định. Vào một đêm mùa đông năm 589 TCN, dưới cội cây bồ đề nơi bìa rừng ven ngôi làng Uruvela (Ấn Độ), sau 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đắc thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, là một Bậc Giác Ngộ với trí tuệ siêu việt thấu suốt mọi điều trong vũ trụ và lòng từ bi bao la phủ trùm tất cả muôn vạn loài. Kể từ đó, Đức Phật trở thành vị Thầy của trời và người. Ai có thể thực hành theo những lời dạy cao quý của Ngài đều có thể chấm dứt đau khổ, đạt được niềm hạnh phúc an vui chân thật trong cuộc đời này. Hàng vạn người cùng hát vang ca khúc Phật, người thắp sáng niềm tin Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo có ý nghĩa vô cùng lớn lao, làm tôn vinh sự kiện Đức Phật đắc đạo và thắp lên ánh sáng giác ngộ cho chúng sinh. Bên cạnh đó, sự thành đạo của Đức Phật còn có một ý nghĩa cực kỳ nhân văn đối với thế giới, bởi vì mở ra cho nhân loại cơ hội để thay đổi thân phận của chính mình. Từ một con người tầm thường, ích kỷ, lầm lỗi, bất toàn, họ có thể tu tập để đạt được sự giác ngộ và trở thành một con người cao cả, vị tha, đức hạnh và toàn thiện. Đây là một điều chỉ duy nhất có trong đạo Phật. Đại lễ Phật thành đạo 2022 được tổ chức tại Thiền Tôn Phật Quang, tọa lạc tại thung lũng núi Dinh thuộc quần thể khu di tích căn cứ núi Dinh, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy mộc mạc, đơn sơ, giản dị nhưng từ lâu, Thiền Tôn Phật Quang đã trở thành tổ ấm tâm linh cho hàng vạn Phật tử ở khắp mọi miền trong và ngoài nước tìm về. Bên cạnh các hoạt động văn hóa tâm linh, Chùa còn có nhiều hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội như: Tổ chức các khóa đạo đức mùa hè cho thanh thiếu niên, xây nhà tình thương, xây cầu tình nghĩa, đắp lại những con đường hư hỏng, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, triển khai chương trình đạo đức học đường, thực hiện chương trình tặng quà Tết cho người nghèo, phát động phong trào bảo vệ môi trường và học tiếng Anh cho người lớn tuổi… Năm 2018, Thiền Tôn Phật Quang vinh dự được đón nhận quyết định trao bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam với danh hiệu: “Chùa Phật Quang: Khu Di tích có giá trị Lịch sử – Văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam”. Khen thưởng 412 tập thể và cá nhân thuộc các đạo tràng và chúng thanh niên Phật tử Phật Quang đã có những nỗ lực và đóng góp cho Tổng Đạo tràng và Hội Từ thiện trong năm qua. Hàng năm, vào các dịp Đại lễ Phật Đản, Vu lan hay lễ Phật thành đạo, ngôi chùa luôn thu hút hàng vạn người con Phật tìm về để được đắm mình trong không khí lễ hội thiêng liêng. Bên cạnh việc tôn vinh Đức Phật, mục đích của các đại lễ còn chú trọng việc giáo dục nhân cách đạo đức cho cộng đồng, nâng cao ý thức văn hóa, giữ gìn lòng yêu nước và truyền thống dân tộc. Các đại lễ được tổ chức rất khoa học, văn minh, với nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn, làm hài lòng Phật tử thập phương từ mọi miền đất nước. Trong đó, lễ Phật thành đạo là đại lễ được tổ chức long trọng trang nghiêm và có sự tham dự của đông Phật tử nhất trong năm. Năm 2020, đã có 42.000 người về dự đại lễ Phật thành đạo tại Thiền Tôn Phật Quang. Năm 2022, kỷ lục số người về dự Đại lễ Vu lan tại Thiền Tôn Phật Quang lên đến gần 70.000 người. Phương Thanh

Red Bull tiếp năng lượng cho các tài năng sân cỏ

TĐKT - Ngày 23/12, tại Hà Nội, Công ty TCP Việt Nam, chủ sở hữu của thương hiệu nước tăng lực Red Bull và Warrior đến từ Thái Lan, chính thức công bố hợp tác với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN). Chương trình hợp tác bắt đầu từ tháng 2/2023, mở ra chặng đường mới của TCP Việt Nam và nhãn hàng Red Bull trong vai trò là Nhà tài trợ hàng đầu của các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam, bao gồm đội tuyển Bóng đá Quốc gia nam, đội tuyển Bóng đá Quốc gia nữ và đội tuyển Bóng đá Quốc gia U23 Việt Nam. TCP Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác Việc hợp tác với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng của TCP Việt Nam và nhãn hàng Red Bull trên hành trình theo đuổi mục tiêu “tiếp năng lượng” cho các tài năng sân cỏ và đồng hành cùng sự phát triển của bóng đá Việt. Thông qua chương trình hợp tác, TCP Việt Nam và Red Bull kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nuôi dưỡng tình yêu bóng đá trong hàng triệu trái tim Việt và tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ của các đội tuyển quốc gia lập thành tích, khẳng định tên tuổi và nâng tầm bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Dương Nghiệp Khôi, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam liên tục giành được những thành tích ấn tượng trên các đấu trường khu vực và quốc tế, được ghi nhận bởi FIFA trong năm 2022 với vị trí 96/211 trên Bảng xếp hạng bóng đá nam và 34/187 trên Bảng xếp hạng bóng đá nữ, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Thành tựu này có được là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần chiến đấu hết mình của tập thể các cầu thủ, ban huấn luyện, sự chuẩn bị và kế hoạch đinh hướng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Họ được tiếp sức để vượt qua những điều tưởng chừng như không thể nhờ vào nguồn năng lượng tràn đầy đến từ ngọn lửa đam mê bóng đá của hàng triệu con người Việt Nam. Tiếp nối thành công sẽ là con đường cực kỳ thử thách để không chỉ giữ vững vị trí mà còn vươn lên tầm cao hơn để đáp ứng lại kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ. Đây đồng thời cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ, Nhà nước đặt ra cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng và trân trọng khi nhận được sự đóng góp thiết thực đến từ TCP Việt Nam thông qua nhãn hàng Red Bull. Đây sẽ là nguồn năng lượng tiếp sức đưa nền bóng đá nước nhà đạt tới những nấc thang vinh quang mới”. Các cầu thủ của các đội tuyển Bóng đá Quốc gia tham dự sự kiện Ông Nguyễn Thanh Huân, Tổng Giám đốc TCP Việt Nam chia sẻ: “Bóng đá tại Việt Nam không chỉ là một môn thể thao mà còn là niềm đam mê, là khát vọng vinh quang gắn kết tinh thần dân tộc. Với sứ mệnh “Tiếp năng lượng, bừng sức sống", TCP Việt Nam và nhãn hàng trực thuộc Red Bull rất vinh dự được trở thành đối tác của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đồng hành với các đội tuyển Bóng đá Quốc gia trên chặng đường chinh phục các giải đấu sắp tới. TCP Việt Nam và Red Bull luôn sẵn sàng tiếp năng lượng về thể chất lẫn tinh thần, khơi dậy sức mạnh nội lực, cùng các cầu thủ tự tin chiến thắng mọi thách thức, đem vinh quang về cho đất nước. Chúng tôi kỳ vọng mang đến nguồn năng lượng tích cực không chỉ để thắp lửa tinh thần thể thao mà còn đi xa hơn, góp phần truyền cảm hứng, cổ vũ hàng triệu người dân Việt Nam kiên cường theo đuổi mục tiêu vươn xa.” Ông Nguyễn Thanh Huân, Tổng Giám đốc TCP Việt Nam chia sẻ tại buổi họp báo Bên cạnh vai trò là Nhà tài trợ hàng đầu của các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam, hành trình của TCP Việt Nam và nhãn hàng Red Bull trong việc tiếp năng lượng cho niềm đam mê bóng đá của hàng triệu người Việt sẽ tiếp tục được nối dài với nhiều hoạt động đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Điển hình, nhằm cổ vũ tình yêu bóng đá trong thanh niên sinh viên, Red Bull trở thành đơn vị đồng hành cùng giải Vô địch Bóng đá Thanh niên Sinh viên Việt Nam do Trung ương Đoàn giao cho Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Báo Thanh Niên phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức. Giải sẽ chính thức được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia thường niên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và giải thể thao sinh viên Việt Nam VUG. Với giải đấu này, đời sống văn hóa, tinh thần của sinh viên sẽ càng trở nên phong phú hơn. Đây cũng là một hình thức giáo dục thể chất hết sức thiết thực, giúp sinh viên Việt Nam được tiếp năng lượng tích cực để không ngừng học hỏi và cống hiến cho xã hội. Có thể thấy, từ chặng đường tìm kiếm và phát triển các tài năng trẻ ở cấp địa phương cho tới vai trò là Nhà tài trợ hàng đầu của các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp hàng đầu đến từ Thái Lan đang tích cực thực hiện hóa các cam kết phát triển bền vững của mình với cộng đồng, tiếp thêm năng lượng tích cực để các cầu thủ Đội tuyển Quốc gia vươn lên tầm cao mới, đồng thời hỗ trợ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ do Chính phủ và Nhà nước đặt ra. Trực thuộc tập đoàn nước giải khát hàng đầu Thái Lan, T.C. Pharma, (Tập đoàn TCP), chủ sở hữu của nhiều thương hiệu nước tăng lực như Red Bull và Warrior, TCP Việt Nam luôn tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam. Công ty hiện đang phân phối ba loại sản phẩm nước tăng lực chính bao gồm Red Bull, Red Bull Vị Cà Phê Ủ Lạnh, và Warrior tại Việt Nam - một trong những thị trường được coi là có tiềm năng phát triển nhanh và quan trọng bậc nhất của Tập đoàn TCP. Lấy định hướng mới của Tập đoàn TCP “Tiếp năng lượng, bừng sức sống” làm kim chỉ nam, định hướng các hoạt động phát triển của TCP Việt Nam được xây dựng và thực hiện thống nhất theo 3 chiến lược chủ chốt: Hoàn thiện - Phát triển - Quan tâm. Cam kết hàng đầu của TCP Việt Nam là luôn không ngừng cải tiến hoạt động phát triển, kết hợp với các hành động bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội phù hợp với tầm nhìn, chiến lược chung toàn cầu của tập đoàn TCP. Mai Thảo

Lễ hội âm nhạc đặc biệt

TĐKT - Bữa tiệc âm nhạc ngoài trời với không gian thú vị của I Like It Korea Milk Playground 2022 vừa qua với sự góp mặt của đông đảo các nghệ sĩ trẻ như: Quân A.P, AMEE, Anh Tú, LyLy, Bùi Công Nam, GREY D, nhóm Chillies,... là những trải nghiệm mới lạ của khán giả tại TP Hồ Chí Minh. I Like It Korea Milk là lễ hội giải trí thường niên, lễ hội mở ra với mục đích chính đem đến sân chơi lành mạnh, tích cực cho giới trẻ cũng như những người yêu mến văn hóa cả 2 quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt hơn, đây còn là cầu nối nhằm tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt - Hàn, đồng thời thể hiện nỗ lực để mang tới nhiều sản phẩm, mặt hàng chất lượng phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi lứa tuổi. Điều đặc biệt ở lễ hội năm nay, I Like It Korea Milk Playground còn tạo ra một không gian để "quẩy hết mình" cùng hội bạn thân và gia đình, nơi mà mọi người có thể tận hưởng những ngày cuối tuần theo cách đặc biệt với hình thức như buổi dã ngoại, vui chơi thỏa thích cùng hàng loạt các trò chơi hoạt động ngoài trời và chìm đắm trong không gian âm nhạc cực chill, gặp gỡ, giao lưu cùng các ca sĩ trẻ đang được nhiều người yêu mến. Hai buổi biểu diễn âm nhạc thu hút đông đảo các khán giả mọi độ tuổi dường như là "đặc sản" không thể thiếu của lễ hội. Sự kiện lần này có sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ: Quân A.P, AMEE, Anh Tú, LyLy, Bùi Công Nam, GREY D, Misthy, nhóm Chillies. Các nghệ sĩ lần lượt mang tới nhiều ca khúc trong không gian độc đáo dưới sự hòa mình tận hưởng âm nhạc ngoài trời từ khán giả tham gia. Sức trẻ, sự năng động, nhiệt huyết cùng tinh thần tràn đầy năng lượng thông qua những phần biểu diễn khiến không khí “I Like It Korea Milk Playground” thêm hứng khởi và tràn ngập niềm vui. Nếu GREY D với sự trẻ trung, năng động, AMEE với vẻ ngoài tươi tắn khoe vòng eo thon gọn thì Bùi Công Nam lại lãng tử, nhẹ nhàng và bay bổng. Đặc biệt Quân A.P, Anh Tú, LyLy còn “đội mưa” phục vụ khán giả để đáp ứng lại tình cảm của mọi người. Sân khấu đơn giản, khán giả quây quần, gần gũi nghệ sĩ và đắm chìm cùng những giai điệu từ sâu lắng đến sôi động, máu lửa phần nào tạo nên dấu ấn khó phai cho chương trình. Chia sẻ tại sự kiện âm nhạc, các nghệ sĩ đều cảm thấy hào hứng và phấn khích. Đây là dịp mà họ được cháy hết mình, được gần gũi với các fan cũng như hạnh phúc trước sự trông đợi, hưởng ứng và ủng hộ của khán giả. Năm 2022 đánh dấu sự trở lại của chương trình sau thời gian dài dịch bệnh, I Like It Korea Milk vẫn chứng minh được sự thu hút và sức nóng của mình. Với nhiều sự thay đổi qua mỗi năm, chương trình dường như đã trở thành một không gian giải trí được nhiều người mong đợi. La Giang

Giới thiệu nhật ký chiến trường “Lính chiến” và tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh”

TĐKT - Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022), ngày 14/12, tại Hà Nội, CLB “Trái tim người lính Việt Nam” (chủ trì) phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí môi trưởng và Đô thị Việt Nam và CLB “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức giới thiệu tác phẩm nhật ký chiến trường “Lính chiến” của tác giả Phạm Hữu Thậm; đồng thời, tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” của 3 gia đình cựu chiến binh hiến tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Nhật ký chiến trường “Lính chiến” của Trung úy, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn liên kết với nhà sách Tri Thức Trẻ ấn hành quý IV năm 2022, được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu. Tác giả Phạm Hữu Thậm sinh năm 1945, tại thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn (nay là phường An Phụ, thị xã Kinh Môn), tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4/1968, chỉ qua huấn luyện tân binh 2 tháng, ông đã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ một chiến sĩ, trải qua nhiều trận đánh sống chết với kẻ thù vô cùng gan dạ và dũng cảm, anh lính Phạm Hữu Thậm đã trở thành Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự, với quân hàm Trung úy. Cuốn nhật ký chiến trường “Lính chiến” của tác giả Phạm Hữu Thậm Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, sau khi cùng đơn vị tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng, Phạm Hữu Thậm cùng đơn vị được điều đi chi viện cho lực lượng hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa. Ông đã xung phong cùng đồng đội bí mật lên tàu vượt biển, trực tiếp cùng bộ đội đặc công nước tham gia các trận đánh và lần lượt giải phóng các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca và Nam Yết. Khi quần đảo Trường Sa được giải phóng, Phạm Hữu Thậm được giao nhiệm vụ làm chính trị viên đảo Sơn Ca trong 3 tháng. Tiếp đó, ông đảm nhiệm trọng trách làm Đảo phó Song Tử Tây đến hết tháng 8/1976 mới vào đất liền và được điều động bổ sung về Lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân… Sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tháng 12/1978, Phạm Hữu Thậm lại được điều động đi làm nhiệm vụ quốc tế tại mặt trận Campuchia, liên tục tham gia hàng chục trận đánh ác liệt, tháng 7/1979 được lệnh rút về nước… Tháng 1/1982, do sức khỏe yếu, Trung úy Phạm Hữu Thậm được nghỉ chế độ mất sức của bệnh binh. Vợ chồng Trung ủy, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm Phát biểu tại buổi lễ, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm cho biết: Những ngày ở chiến trường, ông có thói quen ghi chép vắn tắt hoạt động của mình và anh em trong đơn vị vào một cuốn sổ tay. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông viết bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể cho những sự việc và hiện tượng mình đã chứng kiến. Đó là tư liệu vô cùng quý giá, cộng với trí nhớ minh mẫn để ông có thể hoàn thành bản thảo tác phẩm nhật ký “Lính chiến”. Cuốn nhật ký dày gần 300 trang, khổ 16x24cm, là những chuyện kể từ lúc đi bộ đội tới những ngày vượt biển giải phóng đảo Song Tử Tây -Trường Sa, tháng 4/1975 của tác giả. Thông tin thêm về cuốn sách, nhà văn Lê Hoài Nam, một trong những người đầu tiên đọc bản thảo nhật ký “Lính chiến” cho biết: “Cuốn sách đã chuyển tải tới người đọc rất nhiều thông tin trung thực về những người lính đã sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Sự trung thực đến trần trụi về cuộc sống và những trận chiến ác liệt. Đó thật sự là những khúc ca bi tráng của người lính tại chiến trường”. Ba gia đình các cựu chiến binh đã hiến tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam một số kỷ vật vô giá Cũng tại sự kiện đã diễn ra lễ tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” gồm thư từ, sổ tay, sách… do gia đình các cựu chiến binh hiến tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Cụ thể: Gia đình vợ chồng Trung úy, CCB Phạm Hữu Thậm và và bà Dương Thị Gái đã hiến tặng cho bảo tàng một số kỷ vật vô giá, mà họ đã lưu giữ nhiều năm: Bút tích sổ tay, giấy chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ”, bản đồ tác chiến… Gia đình vợ chồng Đại uý CCB Nguyễn Đình Độ và bà Trần Thị Huyền (đến từ tổ dân phố số 3, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội): Hiến tặng gần 20 lá thư riêng, được viết trong chiến tranh biên giới phía Bắc (1979 – 1989). Gia đình vợ chồng CCB - Tiến sĩ Nguyễn Minh Vỹ và bà Nguyễn Thị Khi (đến từ khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiến tặng bảo tàng một số tư liệu ảnh đen trắng về chiến trường Quảng Trị và cuốn sách “Phút giây đáng nhớ” cùng một số lá thư được viết tại chiến trường Quảng Trị (1973 – 1975). Thục Anh

Cuốn sách “Những ánh sao Khuê” giới thiệu những hạt nhân xuất sắc làm nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc

TĐKT - Ngày 15/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức gặp mặt giới thiệu cuốn sách “Những ánh sao Khuê” của tác giả Nguyễn Túc  - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam).  Cuốn sách đã sẻ chia với cộng đồng những tấm gương sáng, những hạt nhân xuất sắc góp phần làm nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc qua những giai đoạn lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Dự buổi giới thiệu cuốn sách có ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài; các vị nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam. Cuốn sách “Những ánh sao khuê” của tác giả Nguyễn Túc Nhằm tái hiện lại những ký ức và những đóng góp quý báu của các nhân vật có liên quan trực tiếp đến lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã biên tập và xuất bản cuốn sách “Những ánh sao Khuê”. Tác giả Nguyễn Túc xuất thân từ một nhà giáo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau mười ba năm giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1970, ông Nguyễn Túc được điều động về Tổng Công đoàn Việt Nam để nhận nhiệm vụ mới: Làm công tác dân vận – mặt trận. Tác giả Nguyễn Túc chia sẻ tại buổi lễ ra mắt cuốn sách Là người có thâm niên công tác Mặt trận lâu nhất hiện nay khi trải qua 10 đời Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, từ thời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến nay, ông Nguyễn Túc có gần 16 năm đảm nhiệm trọng trách Ủy viên Thư ký, rồi Ủy viên Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, 30 năm tham gia là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đến nay, ở tuổi 85, ông Nguyễn Túc vẫn gắn mình với công tác Mặt trận trong vai trò Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - xã hội. Cuốn sách chính là một thành quả mà tác giả mong muốn làm sống động hơn pho sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất bằng cách chia sẻ với cộng đồng những tấm gương sáng, những hạt nhân xuất sắc góp phần làm nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua những giai đoạn lịch sử của Cách mạng Việt Nam. “Những ánh sao Khuê” mà tác giả đặt tên cho sách là một số trong muôn vàn vị tinh tú có thực trên bầu trời và tác giả cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều ánh sao mới góp vào bầu trời sao rộng lớn, biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - cốt lõi của sức mạnh dân tộc trên con đường phấn đấu đầy thử thách nhằm đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước mong của toàn dân tộc. Cuốn sách được chia làm 5 phần, trong đó phần một khắc họa hình ảnh của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận qua các thời kỳ cách mạng với những bài viết như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất; nguyên Tổng Bí thư Trần Phú với Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; Đồng chí Lê Duẩn với việc ra đời của các tổ chức Mặt trận miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Tổ quốc;... Phần hai tác giả đề cập đến hình ảnh lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng với những bài viết có tựa đề: Bác Tôn Đức Thắng – Vị Chủ tịch lâu năm nhất của MTTQ Việt Nam: Biểu trưng của đại đoàn kết; Đồng chí Hoàng Quốc Việt với công tác vận động quần chúng của Đảng; Chuyến Nam du và nhiệm vụ “thượng khẩn”; Những điều học được ở anh - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo;... Phần ba tác giả viết về chân dung các vị đại biểu tham gia từ thời Mặt trận Dân chủ (1936-1939); phần bốn tác giả viết về các đại biểu tham gia Mặt trận Việt Minh, Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc (Khi đất nước còn bị chia cắt) và phần năm là chân dung các đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên minh. Có thể khẳng định, nếu tiếp cận cuốn sách này từ góc nhìn lịch sử thì cuốn sách mang giá trị của một tập tiểu truyện về các nhân vật (số đông là những người đã khuất) có liên quan trực tiếp đến lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Nó có giá trị như sự bổ sung rất quý giá vào việc nhận thức về vai trò lịch sử và công tác Mặt trận. Cuốn sách đã tái hiện lại những ký ức được tích hợp cùng những trải nghiệm của tác giả - người đã gần như cả cuộc đời công tác tại Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Rất nhiều nhân vật trong cuốn sách là những người mà tác giả đã từng gần gũi, gặp gỡ, trong đó có nhiều lãnh đạo và nhiều tên tuổi nổi tiếng hoạt động Mặt trận qua nhiều giai đoạn lịch sử và đặc biệt là trong MTTQ Việt Nam. Nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng các đồng chí lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng hoa chúc mừng tác giả cuốn sách “Những ánh sao Khuê” Phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn sách, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài khẳng định, ông Nguyễn Túc là “pho sử sống” của Mặt trận và công tác Mặt trận, là tấm gương về sự nỗ lực làm việc, cống hiến, luôn không ngừng nghỉ tư duy, dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn như thời trai trẻ. Ông là tấm gương về thái độ luôn làm việc, học tập suốt đời, về sự gắn bó với nhân dân, với thực tiễn ở cơ sở. Ông là một hình mẫu đẹp về người cán bộ làm công tác Mặt trận thấm nhuần tư tưởng vì dân. Qua những câu chuyện gần gũi, mộc mạc trong cuốn sách, tác giả đã trao gửi cho thế hệ cán bộ làm công tác Mặt trận ngày hôm nay những bài học về Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối về con đường giải phóng dân tộc, đi lên CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; về những tấm gương hy sinh trọn đời cống hiến cho đất nước, cho dân tộc; những kỹ năng làm công tác Mặt trận; bài học về lòng dân, về sự gắn bó mật thiết của người cán bộ làm công tác Mặt trận với nhân dân và hơn hết đó là tình yêu với công tác Mặt trận. Riêng đối với cán bộ Mặt trận, để chúng ta cùng có thêm niềm tự hào, sự tự tin, tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước, tiếp tục thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm của mình, không ngừng góp sức xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Mai Thảo

Cây cầu sinh ra từ một ý tưởng “điên rồ”!

TĐKT - Ý tưởng về một cây cầu đường sắt bắc qua sông Hồng đã hình thành trước khi Paul Doumer đến Đông Dương. Cho đến thời điểm đó, tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội kết thúc tại một nhà ga tạm nằm ở Gia Lâm, bên tả ngạn. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội, cả Pháp và Việt Nam và đặc biệt là các thương nhân, đều lo ngại hoạt động thương mại của thành phố sẽ chuyển sang phía bên kia sông. Để duy trì vị thế và các hoạt động thương mại của Hà Nội, việc xây dựng cây cầu là điều tất yếu. Sơ đồ tổng thể vị trí cầu bắc qua Sông Hồng vẽ ngày 25 tháng 5 năm 1897.(Nguồn ANOM) Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng là một công trình kết cấu thép dài 1682 m. Vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ rằng dự án chắc chắn thất bại, coi đó là một “ý tưởng điên rồ” bởi vì sông Hồng rất rộng lớn và nổi tiếng lũ lụt thất thường. Công ty Daydé & Pillé là nhà thầu Một cuộc tuyển chọn nhà thầu đã được tiến hành năm 1897, ngay sau khi Toàn quyền Doumer đến Hà Nội. Có sáu công ty lớn của Pháp tham gia gồm công ty Levallois-Perret, Daydé et Pillé, Schneider et Cie (Creusot), Công ty Fives-Lille, Baudet Donon Paris và Công ty cầu và công trình thép (Joret). Hai công ty còn lại trong cuộc đua là Công ty Levallois-Perret và Daydé et Pillé. Công ty Daydé et Pillé đã giành chiến thắng bởi vì, ngoài các giải pháp kĩ thuật đã đề xuất, mức giá dự thầu của công ty không vượt quá hạn mức kinh phí quy định là 5.500.000 francs cho riêng cây cầu. Đồ án B của công ty Daydé et Pillé tham gia cuộc tuyển chọn nhà thầu và đã được chọn. Nguồn. TTLTQG1 Khi dự án xây cầu bắc qua sông Hồng được đưa ra, công ty Daydé et Pillé đã nổi tiếng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Công ty đã từng xây dựng nhiều công trình hầm cầu như cầu kênh Briare (1895), cầu Mirabeau, ngày nay là cầu Bir Hakeim (1896), cũng như các công trình kết cấu thép, trong đó nổi tiếng nhất là ga đường sắt Bordeaux-Saint-Jean (1898), mái vòm và gian giữa của Cung điện lớn Grand Palais ở Paris (1900). Kĩ thuật được lựa chọn là kĩ thuật dầm hẫng. Kĩ thuật này giúp các nhịp cầu dài và nhẹ hơn. Cây cầu có mười chín nhịp với hai mươi trụ xây ở độ sâu hơn 30 m dưới mực nước thấp nhất. Tổng chiều cao cây cầu là 61 m. Cây cầu có hai nhịp hai đầu dài 78,70 m và chín nhịp dài 75 m, xen kẽ với tám nhịp dài 106,20 m.  Bản thiết kế trong đồ án B của công ty Daydé et Pillé tham gia cuộc tuyển chọn nhà thầu và đã được chọn. Nguồn. TTLTQG1 Xây dựng cầu Công trình được khai móng vào tháng 9 năm 1898. Trở ngại đầu tiên trong xây dựng cầu là sự thay đổi mực nước sông Hồng, tăng thêm 8 m vào mùa mưa lũ với tốc độ dòng chảy là 4 m/giây. Đây là lí do tại sao công trình được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 6 và dừng thi công trong thời gian lũ lụt. Đào móng xây trụ là một công đoạn kĩ thuật phức tạp và nguy hiểm. Mùa nước cạn là mùa được chọn để tiến hành xây dựng trụ cầu. Việc đào móng xây trụ cầu là một công đoạn khó nhất được tiến hành ở độ sâu tới 30 m bằng một phương pháp do kĩ sư Jacques Triger sáng chế ra. Phương pháp này phải dùng máy nén khí. Đầu tiên, một giếng chìm hơi ép được nhấn chìm xuống đất và sau đó được điều áp để ngăn nước tràn vào. Tiếp đó, chiếc giếng biến thành một khoang điều áp có nắp. Đây là phương pháp tương tự được sử dụng vài năm trước đó để làm móng cho cầu Brooklyn ở New York và Tháp Eiffel. Các kết cấu quan trọng nhất, dầm thép và bu lông, được chuyển từ Pháp sang và sau đó được công nhân Việt Nam lắp ráp tại chỗ khi thi công. Cây cầu tiến từng chút một qua sông. Ngày 3 tháng 2, hai bờ được nối liền. Khoảng 30.000 m³ đá, 6.000 tấn kim loại, 2.000 m³ gỗ để dựng giàn giáo được sử dụng để xây dựng cây cầu thép dài 1682 m này. Ngày 28 tháng 2, lúc 8:30 sáng, đoàn tàu rời ga Hà Nội mới, chở Vua Thành Thái, Toàn quyền và Paul Beau, đại sứ Pháp tại Bắc Kinh và người kế nhiệm Doumer. Cây cầu được đặt theo tên của Doumer, người khởi xướng dự án xây dựng này. Ngày 8 tháng 4 năm 1902, đoàn tàu chính thức đầu tiên của tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng rời ga. Cây cầu được xây dựng với tốc độ ấn tượng, trong ba năm bảy tháng, trong khi thời hạn xây dựng là 5 năm, và không vượt quá kinh phí. Chi phí thực tế để xây dựng cầu Doumer là 6.200.000 franc. Mở rộng cầu năm 1924 Ban đầu, cây cầu được thiết kế chỉ dành cho đường sắt, có hai bên vỉa hè 1,3 m cho người đi bộ, xe kéo và người đi xe đạp. Do đó, ô tô phải qua sông bằng phà. Từ năm 1914, việc cải tạo cầu dành cho ô tô đã từng được tính đến. Tuy nhiên, phải sau chiến tranh thế giới thứ nhất, việc mở rộng làn đường bộ trên cầu mới được tiến hành. Năm 1922, làn đường bộ mở rộng 2,20 m và vỉa hè 1 m, cũng như 4 đoạn tránh xe, cho phép các phương tiện vượt nhau (15 m x 4,2 m) ở hai bên cầu. Công ty Daydé và Pillé là công ty thi công công trình. Công trình khởi công năm 1922 và hoàn thành vào tháng 12 năm 1923. Ngày 23 tháng 4 năm 1924, cây cầu mở rộng được Toàn quyền Đông Dương Merlin khánh thành. Các quy tắc giao thông được quy định vào năm 1924: xe đi bên phải, người đi bộ theo hướng ngược lại. Cấm các phương tiện trên 3 tấn và tốc độ tối đa là 15 km/h. Khánh thành làn đường bộ trên cầu Doumer năm 1924. Nguồn ANOM Ban đầu cây cầu thiết kế không dành cho ô tô nên các dẫn xây dựng thêm không phù hợp với hướng giao thông, đã gây ra nhiều vụ tai nạn cả ở Gia Lâm và Hà Nội. Năm 1925, người ta đã đề xuất đảo chiều giao thông trên cầu. Đến tháng 9 năm 1929, một cuộc thử nghiệm đảo chiều xe đã được tiến hành trong một tuần. Tuy nhiên, chiều di chuyển của xe cộ trên cầu vẫn không thay đổi. Vấn đề này vẫn tiếp tục được đề cập hàng năm nhưng phải đến năm 1953, việc đảo chiều giao thông mới được thực hiện. Xe đi phía bên trái của làn đường sắt duy trì cho đến ngày nay. Năm 1937, Công ty Levallois-Perret (trước là công ty Eiffel) tiến hành thay ván sàn gỗ bằng bê tông cốt thép. Cây cầu được đổi tên thành cầu Long Biên vào năm 1945. Kể từ năm 1946, lưu lượng giao thông trên cầu không ngừng tăng lên, hơn 400 phương tiện mỗi giờ, gây nguy hiểm cho cây cầu. Các phương tiện quân sự của Pháp quá nặng (trên 9 tấn), đi quá nhanh (trên 15 km/h), không tôn trọng khoảng cách tối thiểu (50 m) và các quy định. Tiếp đó, trong suốt những năm từ 1947 đến 1972, cây cầu hư hỏng nặng do xe cộ quá tải và lưu lượng giao thông lớn, đặc biệt bị phá hủy sau những trận ném bom của quân đội Mỹ. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành gia cố, sửa chữa nhiều lần. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, cây cầu vẫn không giữ được thiết kế ban đầu của một dải đăng ten thép, từng được ca ngợi như một con rồng trên bầu trời Hà Nội. Cầu Long Biên bị bom Mỹ khoảng năm 1966-1967. Nguồn TTLTQG3 Ngày nay, cây Long Biên 120 tuổi đã trở thành nhân chứng lịch sử của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cây cầu đã gắn bó với những người yêu Hà Nội. Đó có thể là thiên đường của những đứa trẻ sống bên cầu, là nơi hò hẹn của biết bao đôi trai gái hay đơn giản là nơi lí tưởng để người ta ngắm cảnh sông Hồng, mỗi mùa mỗi khác. Hồng Thiết

Lần đầu tiên giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam qua Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”

TĐKT – Ngày 14/12, Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” được khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” hào hùng, vang dội. Lễ khai mạc Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” Phát biểu khai mạc triển lãm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nhấn mạnh: Cách đây 50 năm, vào cuối tháng 12 năm 1972, quân dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh lân cận và bộ đội Phòng không - Không quân đã anh dũng chiến đấu, lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" hào hùng, vang dội. Sau sự kiện này, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", góp phần to lớn vào chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Triển lãm góp phần làm rõ hơn về thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã chuẩn bị, chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược với mật danh Linerbaker II của Mỹ. Đặc biệt là vai trò chỉ huy, kết nối thông suốt các mặt trận từ căn hầm Chỉ huy Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (Hầm T1). Đây là nội dung trong chương trình phối hợp tổ chức giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Chiến thắng B.52, Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923. Triển lãm giới thiệu hơn 100 tài liệu, gồm 2 chủ đề: "B.52: Hà Nội không bất ngờ!" và "Từ mặt đất đến bầu trời". Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam, những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong đó là câu chuyện của những phi công trực tiếp tham gia chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ cuối năm 1972. Trong khuôn khổ triển lãm, Trung tâm phối hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của phi đội bay đêm đánh B52 Mỹ. Cũng trong lễ khai mạc, Ban Tổ chức ra mắt, giới thiệu hai cuốn sách: “108 phi công chiến đấu Việt Nam” và “Hầm Chỉ huy tác chiến-Bộ Tổng Tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.” Những hoạt động đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trân trọng và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc; phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đẩy mạnh công tác "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", tri ân các anh hùng liệt sĩ và những người có công với đất nước. Cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không", Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tiến hành chỉnh lý nội dung trưng bày diễn giải tại Hầm T1. Hầm chỉ huy tác chiến T1 là một di tích cách mạng đặc biệt quan trọng trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long, minh chứng cho sự tiếp nối truyền thống anh hùng của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Với sự đóng góp tư liệu, hiện vật của rất nhiều các bác nhân chứng đang có mặt tại đây, căn hầm đã được mở cửa từ năm 2012 và thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế. Trung tâm đã ứng dụng công nghệ 3D mapping để diễn giải câu chuyện chuyện lịch sử một cách chân thực và hấp dẫn, giúp công chúng có thể cảm nhận sâu sắc những thời khắc đặc biệt và chiến công của quân dân ta trong 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Phương Thanh

Trang