Xây dựng nông thôn mới

Thái Nguyên: Khơi dậy sức dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới

BTĐKT - Thái Nguyên hiện là tỉnh dẫn đầu vùng trung du miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Diện mạo nông thôn giàu hơn, đẹp hơn, người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn chính là thành quả sự nỗ lực của phong trào xây dựng NTM. Với sự lan tỏa tích cực, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Người dân đồng lòng cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, chung sức xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thu hút sự tham gia của toàn xã hội với những cách làm sáng tạo. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; 11 xã NTM nâng cao; 4 xã NTM kiểu mẫu; huyện Đại Từ được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, huyện Định Hóa đã trình trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 118/126 xã NTM, đạt tỷ lệ 93,7%. Các huyện, thị cũng đặc biệt chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình xóm NTM kiểu mẫu, xóm NTM thông minh, đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh là việc khơi dậy sức dân cùng tham gia, thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Người dân chủ động giám sát trong việc thực hiện các nội dung từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, nghiệm thu kết quả và sử dụng, như: Đường giao thông, nhà văn hoá, kênh mương... Từ đó, tạo động lực, sự tin tưởng để nhân dân toàn tỉnh cùng chung tay, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã phát động 462 cuộc ra quân hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với trên 260.870 lượt người tham gia, vận động người dân hiến trên 81,8 ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hóa đạt trên 86,4 tỷ đồng. Trong đó, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo tại các địa phương. Tiêu biểu là phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” tại huyện Đại Từ. Ông Dương Mạnh Thắng, xã Cù Vân, huyện Đại Từ cho biết: “Tại xóm tôi, mọi người dân đều được họp bàn khi triển khai mở rộng đường 6m. Xóm thành lập tổ vận động để tuyên truyền đến người dân và được người dân đồng tình, ủng hộ”. Từ phong trào này, người dân Đại Từ đã hiến trên 33,8 ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hóa đạt trên 54 tỷ đồng…, góp phần đưa huyện cán đích NTM trước 1 năm so với kế hoạch. Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Có được kết quả đó là nhờ có sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Qua tuyên truyền, giúp mọi người dân đều thấu hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng NTM và đích đạt được chỉ là điểm bắt đầu, từ đây duy trì và giữ vững, ngày càng nâng cao chất lượng các tiêu chí để đáp ứng, phục vụ cuộc sống của người dân." Tại huyện Phú Lương, cán bộ và nhân dân xóm Pháng 2, xã Phú Đô, hiến trên 5.000 m2 đất; cán bộ và nhân dân xóm Thanh Đồng, xã Yên Đổ, hiến trên 4.500 m2 đất. Đáng nói, nhiều gia đình tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến đất, tài sản để đóng góp cho cộng đồng. Tiêu biểu có các gia đình: Ông Hoàng Xuân Cảnh, xã Động Đạt, hiến hơn 1.000 m2 đất; ông Lâm Minh Đức, xã Phú Đô, hiến 1.600 m2 đất; ông La Văn Đậu, xã Phú Đô, hiến trên 2.000 m2 đất... Một số hộ không chỉ hiến đất mà còn phá dỡ tường rào và các công trình trên đất để làm đường giao thông nông thôn, như gia đình các ông: Hoàng Quốc Toản, Nguyễn Trọng Hùng, Hoàng Xuân Thanh, Đỗ Văn Hoan, ở xã Cổ Lũng; Nguyễn Xuân Trọng, xã Vô Tranh; Bùi Văn Minh, xã Vô Tranh hiến 300 m2 đất và đóng góp 50 triệu đồng... Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024 là có ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các địa phương đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tin tưởng rằng, với sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới trên con đường xây dựng “những miền quê đáng sống” . Minh Phương

Huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cán đích huyện nông thôn mới nâng cao

BTĐKT - Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đã tập trung, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông thôn. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, Yên Khánh đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, trở thành điểm sáng của tỉnh Ninh Bình về xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn Yên Khánh ngày càng khởi sắc Đến nay, huyện đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 12/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 186/268 thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Giá trị sản xuất đạt 168 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2023 đạt 69,52 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,04%. 99,75% người dân hài lòng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên. Môi trường, cảnh quan đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; đô thị được tăng cường đầu tư theo hướng văn minh hiện đại. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên; các thiết chế văn hóa tại cơ sở được tăng cường, sử dụng có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ, liên thông, hiện đại, tạo động lực cho phát triển. An ninh trật tự trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo, mang lại cảm giác an toàn cho người dân và du khách đến thăm. Một thay đổi rõ rệt có thể thấy trên địa bàn huyện Yên Khánh là việc chuyển đổi số trong xây dựng xã, thôn thông minh. Người dân ở các xã, thôn như Khánh Cư, Khánh Nhạc... đang áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để phục vụ cho các hoạt động thường ngày như mua bán, tra cứu, giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian, chi phí... Theo thống kê của UBND huyện, có trên 85% số hộ gia đình sử dụng hạ tầng mạng Internet băng rộng cáp quang; 95% người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, trên 70% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử. Những thay đổi tích cực đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội cho người dân Yên Khánh. Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM huyện chia sẻ: Quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Yên Khánh rút ra được một số bài học. Đó là, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao phải có tính quyết liệt và đồng bộ trong từng thời gian cụ thể; phân công nhiệm vụ, đồng thời kiểm tra, đánh giá, giúp đỡ, hỗ trợ trong việc thực thi nhiệm vụ; phát huy hơn nữa tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo và đổi mới trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ huyện, xã đến thôn xóm, nhất là sự nhiệt tình, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, theo phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết". Ghi nhận những nỗ lực của huyện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 21/6/2024 công nhận huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, UBND huyện Yên Khánh sẽ quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, đồng thời xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, quy hoạch vùng, bảo đảm thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao bền vững, hiện đại. Minh Phương  

Thái Bình thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao

BTĐKT - Thời gian qua, tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025 và đã đạt được nhiều thành tựu, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn. Ở tuổi ngoài 70, ông Trần Văn Hân, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình rất phấn khởi khi được chứng kiến những bước chuyển mình của quê hương. Ông chia sẻ, kinh tế của địa phương ngày càng khởi sắc, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nên việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân thuận tiện hơn trước rất nhiều. Trong xã cũng có thêm nhiều hộ giàu, nhiều mô hình kinh tế mới từ sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt nông thôn mới nâng cao tại huyện Quỳnh Phụ Ông Nguyễn Quang Le, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, nhất quán phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, người dân làm chủ thể, lấy thôn xóm làm địa bàn chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” nên người dân phấn khởi, yên tâm chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã và các thôn... được đầu tư khang trang, hiện đại. Diện mạo làng quê nơi đây thực sự “thay da đổi thịt”, đẹp như phố. Toàn xã đã huy động 234 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó nhân dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình trên đất phục vụ giải phóng mặt bằng làm đường giao thông với tổng diện tích 9.412m2. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 68,3 triệu đồng. Năm 2023, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ về đích nông thôn mới nâng cao, đang trên hành trình hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024. Từ nay đến cuối năm, An Thanh tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt được; huy động nhân dân góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ 500 triệu đồng đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 tỷ đồng với xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hỗ trợ 10 triệu đồng/km đường điện “thắp sáng đường quê” và một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn. Người dân xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đồng diễn thể dục thể thao tại nhà văn hóa thôn Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” đã tạo thành luồng gió đổi mới tích cực, toàn diện cho sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn Thái Bình. Tỉnh, các huyện, thành phố kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo “đòn bẩy” huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân; đồng thời lấy thước đo sự hài lòng của người dân để đánh giá chất lượng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Việc tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương trong tỉnh đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong quá trình thực hiện; từ đó huy động hiệu quả sự đóng góp sức người, sức của trong nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh gần 3.400 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân đóng góp 843 tỷ đồng, chiếm 24,82%. Đến nay, Thái Bình có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 13,73% số xã trong tỉnh; đồng thời đã tiến hành thẩm định và hoàn thiện các thủ tục để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 cho 9 xã. Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” đang diễn ra sôi nổi, lan tỏa rộng khắp vào từng ngõ xóm, khu dân cư, mỗi hộ gia đình trên khắp các miền quê của Thái Bình. Những kết quả đó là động lực quan trọng để Thái Bình vững bước vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra: Đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 10% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 1 huyện trở lên được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. PV  

Bài học quý giá từ xây dựng nông thôn mới

BTĐKT - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của người dân huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc. Đó chính là thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của trung ương, của tỉnh và đặc biệt là sự chung tay của cả hệ thống chính trị cũng như từng người dân địa phương. Trung tâm xã Phú Tiến ngày hôm nay Đến xã Phú Tiến trong những ngày xã hân hoan đón nhận quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023, bước trên những con đường bê tông nông thôn mới rộng rãi và khang trang của xã, người dân xã Phú Tiến cho biết, đó chính là mơ ước, khát khao bao năm qua và nay đã trở thành hiện thực. Điều tự hào nhất của người dân nói đây đó là: Trong thành quả đó có sự tham gia đóng góp của chính mình. Người góp công, góp sức, người góp của, người hiến đất… Tất cả xóm làng cùng đồng lòng và chung tay xây dựng quê hương đã tạo thành động lực mạnh mẽ tạo nên thành công. Chị Ma Thị Nhung, xã Phú Tiến, chia sẻ: “Chúng tôi đồng thuận cao trong việc xây dựng các công trình công cộng như: Nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn. Các công trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế cũng như sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người dân như chúng tôi.” Ông Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Tiến cho biết chủ trương của xã: “Cấp ủy, chính quyền xã Phú Tiến xác định việc nêu cao vai trò trách nhiệm cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng. Cán bộ, đảng viên là cần người đi đầu trong hưởng ứng chương trình chung sức, chung tay hiến đất, hiến công, hiến kế, đóng góp về tài chính để chung tay xây dựng nông thôn mới”. Đường giao thông nông thôn tại xã Tân Dương được nâng cấp Trước năm 2022, Định Hóa là một huyện nghèo với tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm tới trên 33%. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm thiếu thốn, xuống cấp. Xác định xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023 là nhiệm vụ chính trị hết sức khó khăn, huyện Định Hóa đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá. Trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ chất lượng các tiêu chí, huyện Định Hóa đã xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thành các tiêu chí theo từng quý, từng năm. Đồng thời, tập trung quán triệt, vận động, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình, khơi dậy sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đồng chí Vi Văn Thư, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Định Hóa nhận xét: “Có thể nói đổi mới về tư duy, Đảng bộ chính quyền thấm nhuần mục tiêu của nông thôn mới, cũng là nhiệm vụ chính của Đảng bộ địa phương. Định Hóa phần lớn là nông thôn, nông nghiệp cho nên từ Đảng bộ, lãnh đạo huyện, cho đến người dân đã được quán triệt sâu sắc và thấy chương trình này chính là mang lợi ích cho sự phát triển đời sống của người dân”. Các đồng chí lãnh đạo huyện thường xuyên tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” cùng các xã, thị trấn Huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu, người phụ trách chính là bài học quý báu giúp huyện Định Hóa thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Đức Lực, Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho biết: “Huyện Định Hóa đã đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc để xây dựng nông thôn mới, trong đó có chi tiết phân công, phân cấp cụ thể, nhiệm vụ cụ thể từ cấp huyện đến cơ sở và kể cả cán bộ không chuyên trách cơ sở. Với cụ thể nội dung công việc kiểm tra giám sát từ khâu nào, báo cáo ai, vào thời điểm nào và thường xuyên trao đổi tháo gỡ ngay từ cơ sở”. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của ý chí, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương chính là động lực để huyện Định Hóa tiếp tục đổi mới từng ngày, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên. Công Sơn  

Huyện Kim Sơn: Phát triển kinh tế nông thôn bền vững từ sản phẩm OCOP

BTĐKT - Thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, huyện đã lựa chọn những nông sản đặc trưng để xây dựng sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội liên kết tiêu thụ, phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững.    Nếp hạt cau có năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao, được huyện Kim Sơn lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP Từ năm 2019, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai chương trình OCOP, trong đó chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện hiệu quả chương trình, từ việc thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại các địa phương trên địa bàn huyện. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hướng quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện Kim Sơn đã có 19 sản phẩm OCOP gồm 10 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao. Có thể kể đến một số sản phẩm đặc trưng của huyện như: Rượu, mật ong sú vẹt, cơm cháy, đồ thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo bồng, tinh dầu... Xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn đã lựa chọn cây đào cảnh - một sản phẩm đặc trưng của xã để hỗ trợ, xây dựng sản phẩm OCOP. Ông Phạm Văn Ty, Giám đốc HTX đào Hồi Ninh chia sẻ: “Diện tích sản xuất đào của HTX khoảng 5 ha với hơn 10 nghìn gốc đào. Để được công nhận là sản phẩm OCOP, chúng tôi hướng dẫn các thành viên thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, uốn tỉa để sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng đồng đều. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tính toán phương pháp bao gói, bảo quản, gắn tem mác, để người tiêu dùng dễ nhận diện được thương hiệu sản phẩm”. Bên cạnh cây đào cảnh, nếp hạt cau cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng mà huyện Kim Sơn đưa vào xây dựng sản phẩm OCOP. Những năm gần đây, lúa nếp hạt cau được mở rộng diện tích ở các địa phương trong huyện, với thổ nhưỡng phù hợp nên chất lượng gạo thơm ngon. Do đã hoàn thiện quy trình sản xuất, nên huyện đăng ký xây dựng nếp hạt cau là sản phẩm OCOP trong năm 2023. Cùng với đó, các địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng phương pháp gieo mạ khay, cấy máy, sử dụng phân bón hữu cơ để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, góp phần khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm ngày càng vươn xa. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn, các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia vào chương trình đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất, từ đó phát triển cơ sở quy mô, hiện đại với những sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, không ít trường hợp trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụ ở quy mô nhỏ, nhờ được gắn "sao" OCOP đã mở rộng sản xuất, thị trường, thậm chí vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì số sản phẩm được công nhận OCOP vẫn chiếm tỷ lệ tương đối thấp.  Huyện Kim Sơn xác định OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, UBND huyện Kim Sơn đã và đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đơn vị tư vấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, phát triển, quản lý chất lượng sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, cung ứng nguyên liệu… Qua đó, khơi dậy tiềm năng từ các sản phẩm truyền thống của địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững. Hà Giang

Xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình có bước tiến mới

BTĐKT - Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh  tỉnh Ninh Bình tiếp tục đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2023 của tỉnh Ninh Bình Ngày 29/1, tỉnh Ninh Bình sơ kết 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Nhờ triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới linh hoạt, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, tỉnh Ninh Bình đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Yên Khánh đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; 42% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 40% số thôn, xóm, bản được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 94-100%. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu (đã công nhận 181 sản phẩm), tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn ngày càng được thực hiện tốt hơn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 63,5 triệu đồng/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020); chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 1,86%; giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 đạt 2,6% (năm 2023 đạt 3,1% cao nhất trong những năm gần đây). Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: Những kết quả toàn diện trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023 đã góp phần quan trọng xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình vững mạnh toàn diện, hoàn thiện, thúc đẩy kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho rằng đây là tiền đề quan trọng để tỉnh xác định, kiên định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương, đến năm 2035 đạt thành thành phố trực thuộc trung ương. Dịp này, 10 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình khen thưởng. PV

Xây dựng huyện Ba Vì trở thành huyện mẫu mực về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô

BTĐKT - Là huyện ở xa trung tâm thành phố, có 7/30 xã miền núi là nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Ba Vì (TP Hà Nội) đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đường xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) xanh - sạch - đẹp. Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay, Ba Vì đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của địa phương đạt trên 99%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại huyện Ba Vì đã tạo nên một vùng nông thôn khang trang, khởi sắc, mọi mặt của đời sống xã hội đều được quan tâm, phát triển từ văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, các chế độ an sinh xã hội được thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Toàn huyện hiện có 102 HTX đang hoạt động, trong đó có 14 HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 9 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 7 HTX được cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên địa bàn huyện có 125 trang trại, 20 làng nghề được công nhận. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa, huyện Ba Vì là vùng đất thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây, con có giá trị. Cùng với 5 sản phẩm sữa, chè, khoai lang Đồng Thái, gà đồi, miến dong Minh Hồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì đã được UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định công nhận 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm của Ba Vì được xây dựng khang trang, bề thế, hiện đại hơn. Hiện nay, có 28/31 xã, thị trấn (chiếm 90,32% số xã, thị trấn) được tiếp cận hệ thống nước sạch tập trung, với trên 51,77% số hộ gia đình đang sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. 3 xã miền núi: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì đang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tự chảy đảm bảo chất nước với 50,12% số hộ gia đình đang sử dụng (đáp ứng yêu cầu tiêu chí huyện nông thôn mới về nước sạch)… Không chỉ đẹp về diện mạo, vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Ba Vì giữ vững bản sắc dân tộc, chuẩn mực văn hóa được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng gắn kết hơn. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các tổ chức chính trị - xã hội của huyện được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được ổn định giữ vững, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn về “An ninh trật tự”. Tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 30/30 xã (đạt 100%) được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2022, có 4/30 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đang tập trung rà soát các tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và tổng điểm tự đánh giá đạt 57/100 điểm. Chủ tịch UBND huyện Đỗ Mạnh Hưng khẳng định: “Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, thời gian tới đây Ba Vì tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, lựa chọn tiềm năng, thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng huyện Ba Vì ngày càng văn minh, giàu đẹp”. Nguyệt Hà

Huyện Đông Anh: Tiến gần với đích huyện nông thôn mới nâng cao

BTĐKT - Huyện Đông Anh là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội về đích huyện nông thôn mới. Sau kết quả đó, địa phương tiếp tục chỉ đạo duy trì và nâng cao các tiêu chí; tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, thành phố, đồng thời chủ động bố trí nguồn lực để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thành phố về ban hành các bộ tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan, các xã tập trung đánh giá, rà soát kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới để xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Chương trình hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Đông Anh. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Cường, Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia đã và đang được triển khai, mang đến cho huyện nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Để đạt mục tiêu đề ra, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã được huyện tập trung đẩy mạnh, thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở và các tầng lớp nhân dân nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí. Đầu năm 2022, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 250-NQ/HU về việc thực hiện “5 có, 3 không” tại các thôn, làng, tổ dân phố. “5 có” bao gồm: Có nhà văn hóa, có sân bóng đá, có công viên mini, có các điểm sinh hoạt cộng đồng, có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. “3 không” bao gồm: Không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo của huyện, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Năm 2023, Đông Anh tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị. Huyện đã mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn... Cùng với những chỉ đạo cụ thể cho từng thời điểm sát tình hình, huyện cũng bố trí thường xuyên từ 20 đến 25 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ thóc giống mới, nguyên chủng; giống thủy sản chất lượng cao; mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... Ðồng thời, huyện mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn, khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, chú trọng mở rộng quy mô một số nghề như: Sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ, đồ gỗ ép phun sơn, sản xuất thép và cơ khí, tập trung tại các xã: Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm... Ðã xây dựng nhãn hiệu tập thể "Gỗ mỹ nghệ Vân Hà". Các nghề khác như: Làm tương, đậu phụ, bún, bánh chưng, bánh kẹo, giò chả, may mặc... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong và ngoài huyện. Nhờ gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phòng, chống dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện đã có những khởi sắc, nhiều sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã được đưa đến tay người tiêu dùng trong huyện và thành phố, bảo đảm đời sống của người dân cũng như phát triển kinh tế địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện thường xuyên giao ban, kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong cả giai đoạn, từng năm. Đồng thời, phân công trách nhiệm thực hiện từ cấp ủy Đảng, chính quyền tới các ban, ngành, đoàn thể; tuyên truyền, vận động quần chúng hưởng ứng tham gia. Cùng với đó, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Chủ động tìm hiểu những nguy cơ, thách thức trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đặt ra định hướng, mục tiêu giải quyết, huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Mặt khác, phát huy tính chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, các giải pháp thực hiện mục tiêu; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân trong thực hiện chương trình. Kết quả đến nay, huyện Đông Anh đã cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. 23/23 xã thuộc huyện Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2022, Đông Anh có thêm 8 xã: Kim Chung, Đông Hội, Dục Tú, Cổ Loa, Vân Nội, Uy Nỗ, Việt Hùng, Nam Hồng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện lên 12/23 xã và xã Liên Hà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, tới nay, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao là tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu xây dựng các xã, thị trấn thành phường, đưa huyện sớm trở thành quận từ nay đến năm 2025. Phùng Liên

Xã Lương Phú: Dồn lực về đích xã nông thôn mới nâng cao đúng hạn

BTĐKT - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là việc làm thường xuyên, không có điểm dừng, ngay sau khi về đích NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lương Phú (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, nỗ lực phấn đấu về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2023. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Lương Phú cho biết: Theo kết quả thẩm tra của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Phú Bình vừa mới tổ chức, xã Lương Phú đạt 99,1 điểm, đứng thứ 2 trong số 4 xã phấn đấu về đích NTM nâng cao năm 2023 của huyện Phú Bình. Hiện nay, Lương Phú mới đạt 14/19 tiêu chí xã NTM nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025. Vẫn còn 5 tiêu chí chưa đạt, đó là: Giao thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, văn hóa, môi trường và chất lượng môi trường sống. Đối với các tiêu chí chưa đạt, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Lương Phú đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể và các xóm huy động nhân dân cùng vào cuộc hoàn thiện các chỉ tiêu nhỏ trong từng tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng. Người dân tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng tuyến đường liên xóm Trình - Chiềng - Việt Ninh Theo tính toán sơ bộ, năm 2023 Lương Phú được ngân sách Nhà nước đầu tư 8.950 triệu đồng để kiên cố hóa cơ sở hạ tầng như: Sửa chữa, nâng cấp trường mầm non; làm sân trường tiểu học; xây mới 3 nhà văn hóa xóm (Đồng Hương, Lương Tạ 2, Lân) mỗi nhà văn hóa trị giá trên 500 triệu đồng; sửa chữa 3 nhà văn hóa xóm (Việt Ninh, Trình, Lương Tạ 1- Lương Thái); làm tuyến đường 3 xóm Trình, xóm Chiềng, xóm Việt Ninh 2,5 km với nguồn vốn đầu tư công và vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới 4,7 tỷ; lắp gần 1 km hệ thống điện chiếu sáng… Để sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước hỗ trợ, Lương Phú đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền đến nhân dân phối hợp thực hiện việc giải phóng mặt bằng để thi công các công trình đúng thiết kế, đảm bảo tiến độ. Trong đó, phải kể đến tuyến đường liên xóm Trình - Chiềng - Việt Ninh có chiều dài 2,5 km. Hiện tuyến đường được mở rộng nền đường từ 3,5 - 4 m lên 7,5 - 8 m, mặt đường đổ bê tông rộng từ 5 - 5,5 m, dày 18 - 20 cm. Anh Nguyễn Thanh Long, một trong những hộ dân sống trên tuyến đường này chia sẻ: Ngay khi được xã vận động, gia đình tôi đã tích cực hưởng ứng tham gia phá cổng, tường rào để hiến đất cho xã thực hiện tuyến đường. Không chỉ riêng gia đình tôi mà mọi người dân ở đây đều rất phấn khởi và sẵn sàng hiến đất. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển tiêu chí giao thông, xã cũng quan tâm đến tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.  Theo ông Quỳnh cho biết, hiện nay trong 10 xóm của Lương Phú đã có 6 xóm đang xây mới và sửa chữa nhà văn hóa. Trong đó, có 3 xóm đang xây dựng mới nhà văn hóa. Từ nguồn hỗ trợ 100 triệu đồng của Nhà nước, nhân dân các xóm đã và đang xây dựng nhà văn hóa với trị giá trên 500 triệu đồng. Đồng thời, xây dựng thêm các công trình phụ trợ, lắp dụng cụ thể thao đảm bảo chuẩn. Tiêu biểu trong phát triển tiêu chí văn hóa có xóm Đồng Hương. Trên diện tích 3.600 m2 khuôn viên văn hóa, xóm Đồng Hương xây dựng mới nhà văn hóa với diện tích 200 m2, trong khi nhà văn hóa cũ chỉ rộng 96 m2. Nhà văn hóa xóm được thiết kế nền lát gạch men, cửa sắt, dựng thêm sân khấu, sân nhà văn hóa. Dự kiến tổng chi phí cho xây dựng mới khoảng 700 triệu đồng. Ngoài phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ, để đảm bảo phần kinh phí, cấp ủy, ban công tác mặt trận xóm Đồng Hương đã tuyên truyền, vận động nhân dân đối ứng kinh phí theo lộ trình. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Lương Phú, hiện nay các công trình được thi công theo kế hoạch của xã đã hoàn thành theo tiến độ, đảm bảo theo thiết kế của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. “Việc tuyên truyền được thực hiện qua nhiều kênh và nhiều hình thức để nhân dân hiểu về chủ trương của Nhà nước, từ đó đã huy động được sự vào cuộc của nhân dân. Đặc biệt, trong quá trình triển khai các công trình, việc thu nộp các khoản đối ứng được các xóm thực hiện công khai, minh bạch nên đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Ngoài ra, Lương Phú còn thực hiện tốt công tác dân vận, huy động nguồn nhân lực tại chỗ để hỗ trợ về ngày công, nguyên vật liệu để giúp đỡ các hộ dân xây dựng lại các công trình phụ bị ảnh hưởng trong quá trình giải phóng mặt bằng”, ông Quỳnh chia sẻ. Ngoài việc hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, Lương Phú cũng huy động nhân dân ở các xóm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí về cảnh quan môi trường và tiêu chí về thu nhập như: Định kỳ tổ chức ra quân vệ sinh môi trường; chăm sóc các tuyến đường hoa, cây cảnh; gắn việc trồng với tiêu thụ sản phẩm tại các hợp tác xã nông nghiệp của địa phương. Để hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, cần sự chung sức, đồng lòng thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lương Phú. Tin rằng đến cuối năm 2023, xã Lương Phú sẽ “gặt hái” được “quả ngọt”, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tùng Chi

Đổi thay trên An toàn khu Định Hóa

BTĐKT - Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, cùng nỗ lực của mỗi người dân quê hương cách mạng, An toàn khu Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đang đổi thay từng ngày. Quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới năm 2023 Sau nhiều năm trở lại, chúng tôi thấy Định Hóa vẫn nguyên màu xanh điệp trùng của núi rừng, chỉ khác là những căn nhà lợp lá liêu xiêu xưa thay bằng những ngôi nhà kiên cố; những lối mòn thay bằng đường bê tông thẳng tắp. Từ Sơn Phú, Điềm Mặc, Phú Đình đến tận Tân Dương, Quy Kỳ, Linh Thông..., những con đường mới mở khang trang, sạch đẹp tới trung tâm xã và từng thôn, bản. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Định Hóa đã có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân cải thiện. Chủ tịch UBND huyện Định Hóa Nguyễn Minh Tú cho biết: Tính đến hết tháng 7/2023, toàn huyện có 16/22 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 73% so với mục tiêu. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn huyện Định Hóa đã và đang làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn của các địa phương. Bộ mặt NTM ngày càng khang trang, khởi sắc hơn. Phát huy kết quả đạt được, Định Hóa đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu, huyện đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9/2023: Hoàn thành hồ sơ minh chứng đối với tất cả các xã, thị trấn theo kế hoạch; hoàn thành tiêu chí số 6 về kinh tế, số 7 về môi trường. Tháng 10/2023, tất cả các xã hoàn thành toàn bộ tiêu chí và hồ sơ có liên quan, đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM, xã NTM nâng cao. Tháng 11/2023, hoàn thành các tiêu chí và toàn bộ hồ sơ có liên quan cấp huyện; tờ trình, báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện NTM và tài liệu có liên quan cấp huyện, đề nghị tỉnh thẩm tra. Tháng 12/2023, tiếp thu ý kiến thẩm tra của tỉnh, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ xem xét đề nghị các bộ, ngành trung ương cho ý kiến thẩm tra trước khi trình trung ương thẩm định huyện đạt chuẩn NTM theo quy định. Từ một huyện miền núi nhiều khó khăn, Định Hóa giờ đây đã thu hút đầu tư một số công trình trọng điểm, nổi bật như: Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Tân Dương, Nhà máy Thagaco Định Hóa, Dự án đường dây và Trạm biến áp 110KV Định Hóa... Nhờ những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện năm 2022 giảm còn dưới 16%. Huyện đề ra mục tiêu trong năm 2023, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện từ 5,5% trở lên... Nỗ lực trồng quế làm giàu và giữ rừng xanh chiến khu Không chỉ nỗ lực phấn đấu cán mốc huyện NTM trong năm nay, vùng an toàn khu còn tích cực triển khai nhiều chính sách khuyến khích bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng; trồng rừng phát triển lâm sản ngoài gỗ… nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến như Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Đặc biệt, xác định cây quế là loại cây lâm nghiệp chủ lực, huyện đang hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà máy chế biến tinh dầu quế. Đây là cơ sở để phát triển bền vững mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của đất rừng, nâng cao khả năng phòng hộ, tăng thu nhập cho người dân. Ông Bùi Văn Hanh chuẩn bị quế giống để đem trồng Là một trong những người đầu tiên ở Định Hóa xây dựng mô hình kinh tế trang trại, chú trọng trồng rừng, ông Bùi Văn Hanh (xóm Hồng Lương, xã Trung Lương) giờ đây đã có mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập gần 400 triệu đồng mỗi năm, trong đó thu từ cây quế 300 triệu đồng. Ông Hanh cho biết, vốn quê gốc ở huyện Hưng Hà (Thái Bình), năm 1997 ông chuyển đến Định Hóa sinh sống. Lúc đầu ông mua khoảng 3 - 4 ha trồng keo, chè và một số loại cây ăn quả, sau mỗi năm mua thêm một chút, đến nay toàn bộ diện tích rừng của gia đình ông là 8 ha, trong đó hơn 4 ha quế. Cây quế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lại dễ trồng, dễ chăm sóc, lớn nhanh và có hàm lượng tinh dầu cao. Những cây quế trồng đợt đầu tiên nhà ông Hanh nay có chu vi thân lên tới 30 - 40 cm, cây to có thể bóc ngày được 2 - 3 tạ vỏ; vỏ tươi được thu mua với giá 27 - 28 nghìn đồng/kg; cành lá tươi phát tỉa bán được 1.500 đồng/kg. Theo đánh giá của người dân, ít có loại cây trồng nào ở miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao, lợi ích kinh tế của cây quế đem lại hoàn toàn vượt trội so với các loại cây lâm nghiệp khác. Với mặt bằng giá hiện tại, theo tính toán, tổng chi phí cho trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng quế mỗi ha trong 15 năm khoảng 160 triệu đồng; tổng thu bắt đầu từ năm thứ 5 cho mỗi ha khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 1,05 tỷ đồng/ha. Từ cây xóa đói, giảm nghèo, giờ đây, cây quế đã trở thành cây có giá trị kinh tế, thậm chí làm giàu cho quê hương, phủ xanh đất trống đồi trọc. Vì vậy, Định Hóa phấn đấu đến năm 2030 diện tích quế đạt 10 nghìn ha, hàng năm toàn huyện trồng trên 500 ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025. Thanh Tâm

Trang