Chuyển đổi số trong giáo dục năm 2022
TĐKT- Ngày 20/12, tại Hà Nội, Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục năm 2022. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo
Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Tổ giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT); đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và Bộ TTTT; đại diện lãnh đạo và chuyên viên 63 sở GDĐT; một số nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT; các doanh nghiệp có giải pháp ứng dụng CNTT trong GDĐT.
Được biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số hiện nay, công nghệ số thúc đẩy nền giáo dục mở, thu hẹp khoảng cách vùng miền, quốc gia trong tiếp cận giáo dục, giúp mọi người dễ dàng học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập theo điều kiện, sở thích và mong muốn. Chuyển đổi số giúp việc quản lý giáo dục khoa học và minh bạch hơn; các cơ sở dữ liệu ngành, công nghệ dữ liệu lớn (big data) giúp công tác dự báo chính xác hơn, việc ban hành và thực thi chính sách giáo dục hiệu quả hơn. Bộ GDĐT xác định, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo đột phá trong đổi mới GDĐT; đổi mới QLNN trong lĩnh vực GDĐT; tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại hội thảo
Hội thảo nhằm mục đích đánh giá thực trạng triển khai CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục; Quán triệt phương hướng triển khai nhiệm vụ CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục trong thời gian tới; Giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các sở GDĐT trong quá trình triển khai; Thảo luận, thống nhất triển khai một số phần mềm, học liệu dùng chung trong ngành.
Thời gian qua, kết quả ứng dụng CNTT và CĐS của Bộ GDĐT nói riêng và ngành GDĐT nói chung đã đạt được một số kết quả quan trọng; năm 2022 Cục CNTT (Bộ GDĐT) được vinh dự nhận giải thưởng CĐS khối cơ quan nhà nước do Bộ TTTT bảo trợ, Hội truyền thông số Việt Nam chủ trì.
Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ GDĐT đã xây dựng hệ thống CSDL quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần CSDL thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính,...) và đã tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở GDĐT, 710 phòng GDĐT. Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe …), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vất chất, nhà vệ sinh trường học. Thực hiện Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, vừa qua, Bộ GDĐT đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu Quốc gia Quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý) qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).
Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Sơn Hải
Việc ứng dụng CNTT phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Năm 2022, Bộ GDĐT đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dich vụ công mức độ 4 về "Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông" và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi TN THPT 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%; gần 3 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến; 97% thí sinh đã thực hiện các hình thức thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Quanh cảnh hội thảo
Ứng dụng CNTT trong dạy học được tăng cường triển khai trong toàn ngành: Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng (hơn 4.000 bài giảng thuộc chương trình giáo dục phổ thông, hơn 1.000 bài thuộc chủ đề Dư địa chí Việt Nam) hơn 2000 bài giảng trên truyền hình.
Tại Hội thảo này các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung cụ thể như sau: Thứ nhất, báo cáo làm rõ các hiện trạng, tình hình triển khai nhiệm vụ CNTT và tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” ở Bộ GDĐT và các địa phương. Thứ hai, tập trung thảo luận về các thuận lợi, khó khăn và trao đổi kinh nghiệm công tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục tại các địa phương và các cơ sở giáo dục. Thứ ba, thảo luận và định hướng các hoạt động trọng tâm, ghi nhận các kết quả nổi bật trong triển khai nhiệm vụ CNTT và chuyển đổi số trong thời gian tới như: Triển khai cơ sở dữ liệu kết nối liên thông dữ liệu, dạy học trực tuyến, quản lý điều hành điện tử, mô hình giáo dục thông minh,...
Hồng Thiết