Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Hướng về nạn nhân, xây dựng Hội vững mạnh
21/07/2023 - 14:44

BTĐKT - Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào đầu tháng 12/2023 với hơn 200 đại biểu tham dự.

Hội đã vận động được nhiều nguồn lực chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc dam cam/dioxin Việt Nam

Với chủ đề "Tích cực đổi mới, đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân, xây dựng Hội vững mạnh; hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao", Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 - 2023, rút ra những bài học kinh nghiệm; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm kỳ 2023 - 2028; bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra của Hội, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Trong năm 2023, có 36 tỉnh, thành Hội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt và hoạt động ngày 10/1/2004. Trải qua gần 20 năm thành lập, xây dựng và hoạt động, đến nay, Hội có tổ chức ở trung ương và hội thành viên ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hơn 610 hội cấp quận, huyện và gần 6.630 hội cấp xã, phường cùng hàng ngàn chi hội ở thôn bản, tổ dân phố, với tổng số hơn 400.000 hội viên. Hội đã trải qua 4 kỳ đại hội.

Quá trình xây dựng và hoạt động, các cấp hội đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể… đẩy mạnh công tác chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Từ khi thành lập đến nay, toàn Hội đã vận động được gần 3.950 tỷ đồng, đã chi gần 3.720 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân thông qua các hoạt động: Xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội, xông hơi giải độc, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; tặng quà, trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tìm việc làm, khám chữa bệnh… Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ngày càng hiệu quả và mang tính bền vững hơn.

Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Trong đó, chú trọng quán triệt thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, nhằm tăng cường vận động nguồn lực, cả trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế…

Phương Thanh