Hội nghị trực tuyến bàn về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020
08/05/2020 - 15:21

TĐKT - Sáng 8/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các trường, bàn về Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng năm 2020 để ban hành, làm căn cứ cho các trường đại học xây dựng đề án tuyển sinh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dự và chủ trì Hội nghị.

Trường Đại Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tham dự Hội nghị trực tuyến do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay

Địa điểm tổ chức Hội nghị trực tuyến tại Trụ sở Bộ GD-ĐT và các điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học trên khắp cả nước.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng tham dự Hội nghị với sự tham gia của GS.TS. Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Khoa, đơn vị, phòng ban chức năng.

Hội nghị về công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nhằm thống nhất nhận thức và hành động để hướng tới một kỳ tuyển sinh nhẹ nhàng, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tạo được sự bình yên cho xã hội và sự yên tâm, hứng khởi của học sinh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, với chủ trương là giữ ổn định trong tuyển sinh và trên tinh thần tự chủ, các trường xây dựng đề án tuyển sinh phù hợp với lộ trình tự chủ đại học, tiếp tục kế thừa, phát huy những cái tốt của mùa tuyển sinh năm 2019.

Đồng thời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn nhiều hoạt động dạy và học ở các nhà trường. Bộ đã chỉ đạo, điều hành hoạt động năm học 2019 - 2020 linh hoạt với quyết tâm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Về cơ bản, các nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương.

Bộ GD&ĐT đang tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm những công việc đã triển khai và sẽ ban hành quy chế về giáo dục trực tuyến, bổ sung những văn bản liên quan đến đào tạo trực tuyến, đồng thời tăng cường kết nối với các nhà mạng để hỗ trợ cho các nhà trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý, các đơn vị khi tiến hành tổ chức tuyển sinh riêng cần nghiêm túc chấp hành các quy định trong quy chế, bảo đảm chất lượng kỳ thi và công khai, minh bạch. Đây là những chuẩn mực cơ bản, nếu các nhà trường muốn tổ chức thi riêng phải tuân thủ nghiêm túc.

Điểm cầu kết nối trực tuyến với Hội nghị tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được tổ chức tại hội trường Khoa Răng Hàm Mặt

Điểm khác biệt trong cách thức tổ chức kỳ thi năm nay, đó là, thay vì Bộ GD&ĐT phải điều động gần 50.000 cán bộ, giảng viên đại học về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra như những năm gần đây, năm nay, Bộ chỉ điều một số lượng nhỏ về giám sát, thanh tra thi để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi ở địa phương mình, từ các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi trắc nghiệm, chấm thi tự luận, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của quy chế thi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế thi trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức các đoàn do Thanh tra tỉnh chủ trì làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế thi trong tất cả các khâu của kỳ thi tại địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế thi của Hội đồng thi địa phương.

Như vậy, ngoài các đoàn Thanh tra của Bộ GD&ĐT, của Sở GD&ĐT, sẽ có thanh tra của tỉnh cùng thực hiện thanh tra các khâu của kỳ thi. Kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương và làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Đối với cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng 7 điều kiện: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng; có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi; có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho việc tổ chức thi; có đề án tổ chức kỳ thi riêng; xây dựng được cấu trúc đề thi phù hợp; đã ban hành quy chế tuyển sinh của trường, công khai ít nhất 15 ngày trước kỳ thi trên trang thông tin điện tử của trường.

Một trong những nội dung quan trọng của quy chế là tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với thí sinh sử dụng điểm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển. Nếu thí sinh đăng ký sử dụng kết quả học tập để xét tuyển vào các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược thì điểm học bạ trung bình tối thiểu là 8,0 trở lên.

Đối với các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, tối thiểu là 6,5 trở lên. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo khác sẽ do các trường tự quy định trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng nguồn tuyển sinh.

GS.TS. Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng phụ trách Công tác tuyển sinh của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, hội nghị đã thông tin kịp thời, đầy đủ, giải đáp những thắc mắc về quy chế tuyển sinh năm nay. Đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, dự kiến phương án tuyển sinh khóa 25 năm 2020 cũng đã được ban hành.

Theo đó, các khối ngành (trừ Khối sức khỏe) của trường sẽ được xét tuyển theo 4 phương thức: 1. Lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT (Các môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 02 bài thi tổng hợp – KHTN và KHXH); 2. Lấy điểm học bạ lớp 12 với điều kiện Tổ hợp kết quả 3 môn theo ngành tuyển, lấy điểm từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu); 3. Tuyển thẳng những học sinh giỏi năm học 2019 - 2020, học sinh trong diện ưu tiên (miền núi, hải đảo, vùng khó khăn về giáo dục và kinh tế); 4. Lấy kết quả thi tuyển của một số trường tổ chức thi tuyển.

Về Khối ngành Sức khỏe, đối với Y đa khoa và Răng Hàm Mặt, trường dự kiến có 3 phương thức xét tuyển: Xét học bạ lớp 12 – Loại giỏi; Lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp điểm Hội đồng tuyển sinh công bố; lấy kết quả thi tuyển vào một số trường đại học thuộc khối sức khỏe. Đối với ngành Dược và Điều dưỡng cũng xét tuyển theo phương thức giống như Y đa khoa và Răng Hàm Mặt nhưng điểm đầu vào sẽ giảm thấp hơn.

Hội nghị cũng nhận được những ý kiến đóng góp, những câu hỏi của các học viện, trường đại học, cao đẳng liên quan đến quy chế tuyển sinh năm nay. Đại đa số các trường đều cho rằng, quy chế tuyển sinh năm 2020 là phù hợp, giảm bớt áp lực cho các cơ sở giáo dục và các thí sinh do chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra trong thời gian vừa qua.

Thu Hương -  Huy Thuyết