Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2017
05/04/2017 - 00:00

TĐKT – Sáng 5/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ và UBND TP Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: tầm nhìn và giải pháp công nghệ”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá về thực trạng và đề ra những giải pháp cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong sự phát triển của Chính phủ điện tử, nhằm tăng cường năng lực quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, đồng thời, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công, đón đầu xu thế phát triển đất nước khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang gần kề.

Các báo cáo tại Hội thảo đã đề cập đến những vấn đề nổi bật: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các vấn đề đặt ra đối với phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam; một số vấn đề cần quan tâm trong chương trình cải cách hành chính công trong xu hướng phát triển Chính phủ điện tử hiện nay; đảm bảo xác thực và bảo mật phục vụ triển khai Chính phủ điện tử; ứng phó thách thức an ninh mạng trong bảo mật thành phố thông minh; phát triển giáo dục và y tế của TP Hà Nội, hướng đến đô thị thông minh và hiện đại

Active Image

Toàn cảnh Hội thảo

Hưởng ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 quy mô toàn cầu, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước Việt Nam đã và đang được quan tâm đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan Nhà nước trong việc  thực hiện Nghị quyết 36a, lộ trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực. Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao với 0,57 điểm, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Trong lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, việc xây dựng hạ tầng công nghệ tốt song song với việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là điều thiết yếu. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại rất nhiều cơ hội phát triển to lớn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan Chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp an ninh thông tin phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với những hiểm họa an ninh khi các cuộc tấn công mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Bình Nguyên