BTĐKT - Ngày 23/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thực tiễn 40 năm qua cho thấy công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức NVNONN của Liên hiệp Hội Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam ở trung ương có hơn 600 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc.
Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
Qua mỗi chặng đường phát triển, xuất phát từ những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn, quan điểm, tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ở trong nước đối với đồng bào ta đã, đang sinh sống ở bên ngoài Tổ quốc nhất quán: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Trên cơ sở đường lối phát triển đất nước được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và xuất phát từ thực tiễn công tác thu hút nguồn lực trí thức kiều bào, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam cần tập trung vào các nội dung hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển bền vững.
Đồng thời, Liên hiệp Hội Việt Nam cần triển khai công tác vận động, thu hút trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài tập trung ở 6 nhiệm vụ:
Thứ nhất, phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm xây dựng một đề án riêng về tập hợp, phát huy trí thức KH&CN NVNONN tham gia vào hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam góp phần cho công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ hai, lồng ghép nội dung về vận động trí thức kiều bào trong các chương trình phối hợp đã ký, coi đây là một hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa lớn của toàn hệ thống.
Thứ ba, đề xuất với Đảng và Nhà nước về các hình thức tôn vinh trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư, thu hút được trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là trí thức trẻ cống hiến cho đất nước thông qua các hoạt động cụ thể trên nhiều lĩnh vực.
Thứ năm, tìm hiểu và đánh giá thực trạng, nhu cầu của các tổ chức khoa học và công nghệ, từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp cho Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian tới.
Cuối cùng, tiếp tục phối hợp với các cơ quan đề xuất, kiến nghị giải quyết các tồn tại về chính sách trọng dụng, đãi ngộ trí thức nói chung, trí thức NVNONN nói riêng.
La Giang