Lần đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật khoan sang thương động mạch vành bị vôi hóa nặng
11/07/2019 - 16:14

TĐKT - Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa thực hiện thành công kỹ thuật khoan sang thương động mạch vành bị vôi hóa nặng (ROTABLATOR) trong quá trình đặt stent mạch vành.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện kỹ thuật khoan sang thương động mạch vành bị vôi hóa nặng

Bệnh nhân là ông T.P.Đ, 55 tuổi, địa chỉ: Ninh Kiều, Cần Thơ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau ngực khi gắng sức, mệt, khó thở. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết ông bị hẹp động mạch vành 2 nhánh từ 60% - 90%, tuổi cao và các bệnh kết hợp nội khoa nghiêm trọng như: Nhồi máu cơ tim cũ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Bên cạnh đó, khoảng 60 mm nhánh liên thất trước lan tỏa, đường kính mạch máu bị hẹp 90% kèm vôi hóa nặng, rất khó để thực hiện đặt stent thường quy.

Các bác sĩ phải dùng một đầu mũi khoan có cấu tạo đặc biệt bằng kim cương rất nhỏ đưa vào lòng mạch vành, đến vị trí vôi hóa khoan với vận tốc 170.000 – 180.000 vòng/phút nhằm tái thông lòng mạch, sau đó mới thực hiện kỹ thuật nong bóng và đặt stent mạch vành. Kỹ thuật thực hiện thành công sau 2 giờ do Ths.Bs. Trần Văn Triệu – khoa Tim mạch can thiệp với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của GS. TS. Võ Thành Nhân – Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Triệu cho biết: Với một số trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nội khoa kết hợp như: Tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, đái tháo đường không phụ thuộc insulin… động mạch vành bị vôi hóa nặng là một trong những trường hợp khó đặt stent trong bệnh lý động mạch vành, thủ thuật viên không thể đưa dụng cụ qua được sang thương để tái thông lòng mạch.

Kỹ thuật khoan sang thương động mạch vành bị vôi hóa nặng là kỹ thuật chuyên sâu, được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đây, những trường hợp tương tự phải chuyển đến TP Hồ Chí Minh và nay kỹ thuật này đã được thực hiện tại miền Tây, mở ra hy vọng mới trong cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

La Giang