Nghề Công tác xã hội – cơ hội việc làm mới cho người khiếm thị
11/10/2017 - 15:14

TĐKT - Sáng 11/10, tại Hà Nội, Trung tâm Dạy nghề, Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức Hội thảo Nhu cầu đào tạo nghề Công tác xã hội (CTXH) cho người khiếm thị trên địa bàn TP Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Mục tiêu của Hội thảo là nâng cao nhận thức về nghề CTXH đối với người khiếm thị và cộng đồng; thúc đẩy nhu cầu đào tạo nghề CTXH cho người khiếm thị; tăng cường năng lực cán bộ, cải thiện chất lượng dịch vụ trợ giúp người khiếm thị trên địa bàn TP Hà Nội.

Ở Việt Nam, ngành CTXH đang ngày càng phát triển và phát huy được những thế mạnh trong lĩnh vực an sinh xã hội. Mục tiêu Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, mỗi năm nước ta đào tạo và đào tạo lại 3500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Đây là một nhiệm vụ hết sức to lớn và cũng là một thách thức đối với ngành CTXH ở Việt Nam.

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có gần 6000 người khiếm thị. Trong số đó có trên 30% còn trong độ tuổi lao động, rất cần được học nghề và hỗ trợ các hình thức tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Năm 2014, Trung tâm Dạy nghề đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của 1600 người khiếm thị đang trong độ tuổi lao động, kết quả có 180 người có nhu cầu đăng ký học nghề CTXH.

Trong cuộc thống kê gần đây nhất của Hội Người mù TP Hà Nội, đội ngũ cán bộ làm việc trong 30 tổ chức Hội cấp quận/huyện có 135 người, nhưng không có một người nào đã được đào tạo về nghề CTXH. Như vậy, có thể thấy rằng, nhu cầu đào tạo nghề CTXH nhằm mục đích chuẩn hóa, nâng cao năng lực cho hàng trăm cán bộ các cấp Hội Người mù TP Hà Nội cùng các tỉnh, vùng lân cận là rất cần thiết và cấp bách.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội cho biết: tháng 5/2017, Trung tâm Dạy nghề, Hội Người mù TP Hà Nội đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp phép đào tạo dạy nghề CTXH trình đô sơ cấp. Đây là một tin vui với người khiếm thị Thủ đô vì từ đây họ đã có thêm một nghề mới, mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.

Nhân đây, Hội Người mù TP Hà Nội đề nghị Trung tâm Dạy nghề ngay sau Hội thảo sẽ nhanh chóng chuẩn bị các cơ sở vật chất cần thiết, tổ chức tuyển sinh và khẩn trương mở các lớp đầu tiên đào tạo nghề CTXH cho người khiếm thị Thủ đô. Đề nghị Hội Người mù các quận, huyện của Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trong công tác tuyên truyền, tuyển sinh học nghề nhằm giúp người khiếm thị nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, phấn đấu học tập đi lên cùng cộng đồng. Trong thời gian tới, Hội Người mù TP Hà Nội sẽ coi việc học và đạt chứng chỉ nghề CTXH là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu của cán bộ các cấp Hội.

Nguyệt Hà