Nghiên cứu áp dụng công nghệ phát điện từ chất thải tại Việt Nam
13/10/2017 - 15:03

TĐKT - Nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ trong xử lý rác thải, sáng 13/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Công nghệ phát điện từ chất thải".

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng; Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông; Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - GS, TS. Đặng Kim Chi chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về giải pháp trong việc xử lý rác thải hiện nay; những khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; định hướng phát triển KHCN để giải quyết các bài toán cấp bách của ngành năng lượng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS. Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trong cả nước tăng trung bình khoảng 12%/năm. Năm 2015, CTR đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày, chất thải y tế 600 tấn/ngày...

Hiện nay, chủ yếu CTR được chôn lấp tự nhiên hoặc chôn lấp có kiểm soát. Toàn quốc có khoảng 98 bãi chôn lấp CTR tập trung (có 16 bãi được coi là chôn lấp hợp vệ sinh), một số cơ sở chế biến CTR hữu cơ thành phân compost, một số cơ sở xử lý chất thải y tế bằng phương pháp thiêu đốt, công suất nhỏ. Tuy nhiên, khối lượng chất thải được tái chế, tái sử dụng rất thấp.

Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Do đó, công nghệ xử lý CTR thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp CTR đang là xu thế chung của thế giới và cần được quan tâm phát triển tại Việt Nam. Phổ biến là công nghệ chôn lấp rác thu hồi khí từ bãi rác để phát điện; công nghệ kị khí thu khí phát điện; công nghệ đốt chất thải thu năng lượng để phát điện.

Công nghệ xử lý CTR phát điện là công nghệ tiên tiến hiện nay, được áp dụng ở nhiều nước phát triển. Đây là công nghệ đòi hỏi đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật, chi phí vận hành cao, nhưng có nhiều ưu thế về xã hội và môi trường: thời gian xử lý chất thải nhanh, xử lý được an toàn nhiều chất thải nguy hại và truyền nhiễm; giảm phát sinh nước rỉ rác và mùi ra môi trường; giảm phát thải khí nhà kính do hoạt động sản xuất năng lượng từ đốt nhiên liệu hóa thạch; giảm thiểu ô nhiễm đất...

Theo GS, TS. Đặng Kim Chi, để dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện khả thi về mặt kinh tế thì cần phải có những chủ trương, chính sách khuyến khích về hỗ trợ đầu tư, vốn vay, thuế, giá bán điện... Trước mắt chỉ tập trung phát triển công nghệ này tại vùng kinh tế phát triển, là những nơi có khối lượng chất thải phát sinh nhiều, tập trung.

 Bình Nguyên