Phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia năm 2019
28/05/2019 - 08:48

TĐKT - Ngày 25/5, tại TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia năm 2019.

Đến dự có, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì trẻ em; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An; Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam Rana Flowers; đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa; đại diện các tổ chức quốc tế cùng 1.300 em học sinh Trường THCS Trần Mai Ninh.

 http://www.molisa.gov.vn/Images/editor/images/IMG_8812(1).jpg

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ LĐTBXH phối hợp Ủy ban Quốc gia về trẻ em cùng TP Thanh Hóa tổ chức Lễ phát động với 3 chủ đề phù hợp. Theo Phó Thủ tướng, Tháng hành động là 1 tháng để nhắc nhở chúng ta cần chú ý vấn đề này, công việc cần thực hiện trong cả 12 tháng với 365 ngày trong năm.

Việt Nam đang phát triển, đất nước còn nghèo, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn nhiều trẻ em thấp còi, chưa được tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục như các bạn ở vùng đồng bằng. Trong hơn 26 triệu trẻ em, còn nhiều em bị bỏ rơi (do lỗi lầm của người lớn), nhiều em bị suy dinh dưỡng, không ít trẻ em bị bạo hành, bóc lột sức lao động, cả về tình dục. Còn không ít trẻ em bị thương do tai nạn, thậm chí bị chết do đuối nước.

http://www.molisa.gov.vn/Images/editor/images/DSC_9802.jpg

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh

Phó Thủ tướng cho biết thêm: Năm 2019 là năm thứ 30 chúng ta ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 chúng ta tổ chức Tháng hành động vì trẻ em. Theo Luật trẻ em quy định, trẻ em có 25 quyền, các cháu cần được phổ biến đầy đủ. Bên cạnh các phong trào phát động, cần chú ý thực hiện thật tốt quyền của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, các cấp, các ngành, xã hội. Cần làm cho mọi người trong xã hội, nhất là trẻ em biết được quyền của mình. Khi đó, các tổ chức, cá nhân cần phải được ràng buộc trách nhiệm thực hiện về công tác đảng, chính quyền, tổ chức, các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm.

Phó Thủ tướng lưu ý: “Trong những năm qua, tôi thấy có 2 điểm cần đặc biệt lưu ý, từ xưa, cách giáo dục của người Á Đông “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nghĩa bóng là phải nghiêm khắc uốn nắn trẻ em. Xã hội ngày càng văn minh, câu đó cần được hiểu cho đúng với thời đại. Chúng ta cần nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng, tình thương, trẻ em bị tổn thương không chỉ phải bởi roi vọt mà còn bởi cả những lời nói, lời nói nặng làm các em rất buồn, đó cũng là xâm hại.

Điều thứ 2 là chúng ta đừng coi trẻ em là những đối tượng chỉ biết vâng lời, làm theo người lớn. Hãy coi trẻ em cũng là đối tác tiến bộ, cần tôn trọng trẻ em. Có 1 năm chúng ta đã phát động “Lắng nghe trẻ em nói”, hãy để các em thể hiện, các em có quyền tham gia, bày tỏ chính kiến của mình, không nên chỉ 1 chiều, điều này rất quan trọng với các bậc cha mẹ, giáo viên. Đổi mới giáo dục không phải chỉ 1 chiều, mà thầy và trò cần trao đổi với nhau trong tiết học, học những cái mới trong các tiết học. Tôi mong rằng tất cả chúng ta cùng chăm lo cho thế hệ mai sau, quan tâm đến trẻ em trong dòng họ, quê hương đất nước mình…”

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia được tổ chức vào tháng 6 hàng năm nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Cả nước ta hiện nay vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước), trong đó vùng trung du - miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất (chiếm 41,5% số trẻ em nghèo).

Việc triển khai thực hiện các quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều thách thức (khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và đặc biệt là tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc vẫn còn khác nhau); mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em...

Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các bộ, ngành cơ quan, tổ chức hãy thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách, chương trình vì trẻ em theo trách nhiệm của mình. Cộng đồng xã hội hãy góp sức một cách thiết thực nhất để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển của trẻ em giữa các vùng miền, đặc biệt là nhóm trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số.

Hãy để các em được sử dụng đầy đủ hơn các dịch vụ phúc lợi xã hội và được bảo vệ trước tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục. Đảm bảo xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3 cái nhất: Xử lý kịp thời nhất, xử lý nghiêm minh nhất, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em.

Hồng Thiết