Phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam
21/02/2020 - 14:57

TĐKT - Chiều 20/2, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Phát triển hệ thống an sinh xã hội (ASXH) bền vững hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Năm 2020 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam khi đảm nhiệm đồng thời vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là những trọng trách thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

http://baobaohiemxahoi.vn/media/articles/images/photbtcu/02.2020/5efa6533-09bc-4f0e-af7a-b6c629b9af2c.JPG

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới về ASXH thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực, có tính kết nối của BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018 - 2019 và cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ISSA nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững ASXH trên phạm vi toàn cầu như mục tiêu ISSA đề ra. Đồng thời thúc đẩy cộng đồng ASXH ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng” trước tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0; tự do dịch chuyển lao động trong khu vực như chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Đặc biệt, trong suốt chặng đường 25 năm phát triển, BHXH Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ILO, WHO, WB, ASSA và ISSA - những tổ chức giúp cơ quan BHXH tiếp cận, nắm bắt cũng như vận dụng những kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và phát triển ngành BHXH chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Kết quả đạt được trong 25 năm qua là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực phát triển không ngừng của BHXH Việt Nam và sự trợ giúp có hiệu quả của các đối tác song phương, đa phương quốc tế: Hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước và thông lệ quốc tế. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng mở rộng với gần 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm 32% lực lượng lao động), gần 86 triệu người tham gia BHYT (chiếm 90% dân số). Quỹ BHXH, BHYT trở thành quỹ an sinh lớn nhất.

Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đạt nhiều kết quả nổi bật như: Cắt giảm 3/4 số thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và cấp mã định danh BHXH cho 97 triệu người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế số và chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội và đặc biệt là đưa vào vận hành Hệ thống giám định BHYT điện tử kết nối với 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện giám định tự động chi phí BHYT giúp quản lý, sử dụng quỹ BHYT công khai, minh bạch, hiệu quả. Đây cũng chính là công trình của BHXH Việt Nam đã được ISSA tặng Giải thưởng toàn cầu về ứng dụng CNTT năm 2018.

Thực hiện mục tiêu và định hướng phát triển của Chính phủ để BHXH, BHYT thực sự trở thành hai trụ cột chính của hệ thống ASXH ở Việt Nam, mở rộng vững chắc diện bao phủ hướng tới BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động (NLĐ), từng bước hình thành và phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

BHXH Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, năng lực quản trị hệ thống, ứng dụng CNTT, trao đổi thông tin và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật, nhất là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống ASXH bền vững, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm tăng khả năng thích ứng với quá trình cải cách ASXH trên thế giới, ứng phó tốt hơn trước những tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, già hóa dân số và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hồng Thiết