Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường năng lực xét nghiệm và điều trị
09/07/2021 - 20:00

TĐKT - Hiện nay, diễn biến dịch tại TP Hồ Chí Minh còn phức tạp, số ca mắc có xu hướng gia tăng. Thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và có thể áp dụng linh hoạt 3 hình thức giãn cách tùy từng địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường năng lực xét nghiệm và điều trị. Bộ Y tế sẽ chi viện nhân lực y tế, trang thiết bị y tế để phối hợp với TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 7 ngày qua trung bình Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 500 - 600 ca/ngày, chủ yếu là các trường hợp tiếp xúc với F0 đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và các trường hợp có triệu chứng đi khám tại các cơ sở y tế và xét nghiệm tại cộng đồng. Số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng. Thực trạng này cảnh báo lây nhiễm dịch ở TP Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp, số ca mắc còn gia tăng trong thời gian tới, đồng nghĩa tăng gánh nặng đối với cơ sở y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Y tế sẽ chi viện nhân lực y tế, trang thiết bị y tế để phối hợp với TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh không chỉ cho thành phố, mà còn có yếu tố quyết định đến sự thành công trong chống dịch của cả nước. Phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh phải gắn kết chặt chẽ với phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt phải coi Bình Dương, Long An, Đồng Nai gần như là một thể thống nhất để triển khai phòng, chống dịch tổng thể trong khu vực này.

Trên cơ sở Thủ tướng đã đồng ý cho TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ Y tế khuyến nghị 3 hình thức giãn cách cụ thể:

Thứ nhất, giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16 cộng trên địa bàn toàn thành phố. Thứ hai, thực hiện phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao. Tại đây, phải thực hiện chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thứ ba, áp thiết chế cách ly tập trung tại vùng lõi để tăng cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cách ly F1 tại các khu cách ly tập trung. Tại đây, cần triệt để áp dụng không được ra khỏi nhà. Tất cả nhu yếu phẩm thiết yếu phải được đưa đến tận nhà cho người dân.

Như vậy, có 3 vòng cách ly: Vòng chung là Chỉ thị 16, vòng thứ 2 là vùng cách ly y tế và vòng thứ 3 là vùng cách ly tập trung.

Tăng cường nhiều biện pháp phòng dịch

Về xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá: Thời gian qua TP Hồ Chí Minh  đã triển khai khá tích cực. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề nghị TP Hồ Chí Minh đối với vùng lõi, vùng phong tỏa, vùng áp thiết chế cách ly tập trung cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần để “quét” đưa ra khỏi cộng đồng các ca bệnh dương tính. Có thể sử dụng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR.

Đối với các khu vực khác, tiến hành giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu theo hộ gia đình. Có thể áp dụng cả xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm gộp mẫu, tuy nhiên chỉ nên xét nghiệm 5 mẫu gộp. Nếu tổ chức được xét nghiệm với tần suất như trên thì trong 15 ngày tới sẽ quét được 5 vòng tại khu vực vùng lõi, vùng có yếu tố nguy cơ và vùng cách ly tập trung và có thể giảm được lây nhiễm.

Đoàn thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị 4 hình thức. Thứ nhất, khu điều trị tập trung dành cho bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng. Số lượng bệnh nhân này khá lớn, chiếm khoảng 70% tổng số bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên cần tuyệt đối tuân thủ quy định phòng, chống lây nhiễm để tránh lây lan sang người phục vụ và khu vực xung quanh.

Thứ hai, đối với khu vực điều trị bệnh nhân có triệu chứng, cần giảm tối đa bệnh nhân điều trị nội trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố để dành 50 nghìn giường bệnh cho điều trị bệnh nhân COVID-19.

Thứ ba, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải xác định sẽ điều trị bệnh nhân nặng, do đó phải thiết lập các trung tâm cấp cứu trong bệnh viện.

Khu dành điều trị bệnh nhân nguy kịch là các bệnh viện (BV): BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV 115 và BV Nhân dân Gia Định.

Đặc biệt, sau khi rà soát tổng lượng và nhu cầu nhân lực y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phục vụ công tác chống dịch, Bộ Y tế đã quyết định huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế đến hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch trên nguyên tắc trung ương và địa phương cùng làm, thực hiện “đảo quân” để đảm bảo sức chiến đấu. Bộ Y tế sẽ thiết lập 24 đoàn công tác cho TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh do lãnh đạo các vụ/cục và đơn vị trực thuộc Bộ làm trưởng đoàn để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ TP Hồ Chí Minh kiểm soát dịch bệnh.

Bộ trưởng đề nghị TP Hồ Chí Minh rà soát lại tất cả các trang thiết bị, máy móc, hoá chất… để có phương án bổ sung cho tình huống ca bệnh gia tăng. TP Hồ Chí Minh cần chuẩn bị phương án 1.000 máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để điều trị bệnh nhân nặng. Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ thêm máy ECMO cho thành phố, đề nghị thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ phận thường trực của Bộ Y tế để cùng giải quyết vấn đề này.

La Giang