Thay toàn bộ xương đùi lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam
09/03/2020 - 15:14

TĐKT – Thực hiện những bước đi đầu tiên bằng chân có xương đùi kim loại, cô gái Lê Thị Hà, 24 tuổi, là sinh viên năm cuối khoa Tài chính kế toán của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã không cầm được lòng bởi rất lâu rồi cô không được đi lại. “Em không dám tin là mình còn chân, khi cử động được ngón chân, em mới biết đây là sự thật.” – Hà chia sẻ.

Hà may mắn vừa được các y bác sĩ Bệnh viện K Tân Triều phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi (bao gồm cả thay khớp hang và khớp gối) thành công.

Từ những hình ảnh ban đầu…

Hà cho biết: Một năm trở lại đây, chân phải của cô thỉnh thoảng bị đau dọc theo thân xương đùi, đau tăng lên vào buổi tối hay khi vận động nặng. Nhìn bề ngoài chân phải của cô không bị sưng đau hay biến dạng, tầm vận động của gối hoàn toàn bình thường. Mặc dù đã đi khám ở một số cơ sở y tế đa khoa nhưng không phát hiện ra bệnh.

Do công việc của sinh viên năm cuối rất bận rộn nên cô không đi khám ở các chuyên khoa sâu về cơ xương khớp. Đến khi tình cờ về quê, cô đến bệnh viện tỉnh chụp X-quang xương đùi, được phát hiện có hình ảnh bất thường ở đầu dưới xương đùi, nên đã được chuyển lên bệnh viện tuyến cao hơn để được chẩn đoán và điều trị tiếp.

Cô gái chụp ảnh kỷ yếu năm cuối trước khi phát hiện ra bệnh

Osteosarcoma - Ung thư xương có mức độ ác tính cao là kết quả H nhận được khi được làm chẩn đoán giải phẫu bệnh tại viện K vào tháng 6 năm 2019. Nghiêm trọng hơn khi ung thư xương đã lan toàn bộ xương đùi, mặc dù cô đã phát hiện tương đối sớm. Khác với các ca ung thư khác là chỉ ung thư ở một phần của xương, trường hợp này cả phần dưới và phần trên xương đùi đều được xác định là có dấu hiệu của hình ảnh ung thư xương, nên việc điều trị và phác đồ điều trị hoàn toàn khác so với các ca đã thay khớp được thực hiện trước đó.

Mặc dù viện K Tân Triều đã có kinh nghiệm trong việc thay khớp, có khi thay cả một đoạn xương dài, nhưng với trường hợp cả một xương lớn và liên quan trực tiếp đến hai khớp lớn của cơ thể thì không dễ dàng để thực hiện cuộc đại phẫu thuật này.

Xương đùi là xương dài nhất và nặng nhất của cơ thể, chịu trọng lực của toàn bộ thể khi cơ thể đi lại và vận động. Không những thế, xương đùi trực tiếp tham gia vào cấu tạo của khớp háng và khớp gối – hai khớp lớn và cũng phức tạp nhất cơ thể, khi xương đùi có vấn đề không thể bảo tồn được (như bị ung thư) thì thay toàn bộ xương đùi là điều “không tưởng”.

Đến phẫu thuật cắt xương đùi…

PGS.TS Trần Trung Dũng, bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa cơ xương khớp, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã được mời hội chẩn với toàn hội đồng chuyên môn của viện K Tân Triều.

Chân của bệnh nhân sau khi phẫu thuật

Sau khi xem xét hồ sơ bệnh án và các xét nghiệm một cách cẩn thận, PGS. TS. Trần Trung Dũng đã đưa ra phương án cắt toàn bộ khối xương đùi bị ung thư và thay thế bằng xương đùi kim loại cho bệnh nhân. Việc này phải phối hợp với khoa điều trị hóa chất để điều trị hóa chất cho khối u nhỏ lại, sau đó khoa phẫu thuật xương khớp viện K phối hợp với PGS. TS. Trần Trung Dũng trực tiếp thực hiện.

Ca đại phẫu thuật này có 2 thì: Thì đầu là cắt u diện rộng và đặt cement xương giữ khoảng. Hóa chất thêm 6 đợt theo phác đồ điều trị ung thư xương. Thì hai là tiến hành thay toàn bộ xương đùi. Sau khi vào viện 3 tháng, ngày 17 tháng 10 năm 2019, cuộc phẫu thuật thì đầu đã được diễn ra để cắt ½ dưới xương đùi, nơi mà khối u phát triển nhất, đặt cement xương giữ không gian cho xương đùi nhân tạo phẫu thuật thì 2 sẽ diễn ra sau đó 4 tháng.

…rồi phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi lần đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 2/3 vừa qua, PGS Trần Trung Dũng cùng với ekip Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện thành công thì thứ hai của ca phẫu thuật: thay toàn bộ xương đùi bên phải cho bệnh nhân H.

Những bước chân đi lại đầu tiên sau phẫu thuật của bệnh nhân H

Ca mổ đã được thực hiện trong vòng 3 tiếng đồng hồ, toàn bộ xương đùi ung thư đã được lấy ra để thay xương đùi bằng dụng cụ kim loại, đồng thời tiến hành thay khớp háng và khớp gối toàn phần và khâu phục hồi lại các điểm bám gân cơ.

PGS. TS. Trần Trung Dũng chia sẻ: “Ca mổ đã diễn ra khẩn trương và an toàn, toàn bộ xương ung thư của bệnh nhân H đã được lấy ra hết và thay toàn bộ bằng xương đùi kim loại, lượng máu mất không nhiều, sau mổ bệnh nhân sẽ sớm hồi phục, giữ được chức năng của chi và có thể vận động sớm được.”

Chia sẻ về những khó khăn trong tiến trình phẫu thuật, PGS Dũng cũng cho biết thêm rằng đây là một ca phẫu thuật lớn và khó, để đảm bảo chức năng của xương và khớp háng và gối, cần sự đặt dụng cụ chính xác đến từng cm, vì nếu không sẽ dễ dẫn đến ngắn chi, đồng thời phải khâu phục hồi lại khối cơ mông và đùi như giải phẫu ban đầu để tạo độ vững cho khớp háng và gối, tránh trật khớp về sau. Đồng thời, việc đảm bảo cắt hết khối u, vô khuẩn dụng cụ và kiểm soát lượng máu mất của bệnh nhân cũng là các việc làm vô cùng quan trọng được thực hiện trong phẫu thuật.

Việc điều trị thành công cho bệnh nhân này không phải là thành công của bất kỳ một cá nhân nào, mà là thành công của cả một tập thể, từ khâu chẩn đoán, điều trị hóa chất và xạ trị, gây mê hồi sức, phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu sau phẫu thuật.

3 ngày sau mổ, vết thương của bệnh nhân H khô, không chảy dịch, còn đau ít vết mổ. Vì lượng máu mất trong phẫu thuật không nhiều nên sức khỏe bình phục rất tốt, bệnh nhân ngồi dậy và nói chuyện với mọi người khá thoải mái.

Bệnh nhân Hà và gia đình xúc động, cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực phẫu thuật, cứu chữa cho em

Chiều 6/3, PGS. TS. Trần Trung Dũng cùng ekip đã trực tiếp xuống viện K Tân Triều để hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân H. Hiện giờ chân phẫu thuật của bệnh nhân H đã gấp được 50 độ, duỗi được thẳng chân, đáng mừng hơn là bệnh nhân đã có thể bước đi những bước đi đầu tiên, cả ekip phẫu thuật vô cùng phấn khởi và gọi bệnh nhân H với biệt danh mới “Iron woman”.

Bước đi là một điều bình dị đối với tất cả mọi người, nhưng với bệnh nhân H, 4 tháng nay cô không thể thực hiện được điều đó. Mặc dù vẫn cần thời gian để tập phục hồi chức năng và điều trị thêm hóa chất, nhưng H và bố mẹ cô rất hài lòng với ca phẫu thuật và đặt hi vọng vào tương lai phía trước của cô.

Bệnh nhân H chia sẻ sau khi bước những bước đi đầu tiên: “Em đã khóc rất nhiều khi biết mình bị bệnh nặng. Rất lâu rồi em không được đi lại, nên lúc bước đi bước đầu tiên, em đã không cầm được lòng. Em không dám tin là mình còn chân, khi cử động được ngón chân, em mới biết đây là sự thật.”

Phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi được thực hiện lần đầu tiên là phẫu thuât viên Buchman vào năm 1965 và đây được coi là ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi đầu tiên trên thế giới. Ưu điểm lớn nhất của phẫu thuật này là loại bỏ được xương đùi bị bệnh của bệnh nhân mà vẫn bảo tồn được chi thể và vận động phục hồi chức năng được sớm.

Tuy nhiên, trong hơn 50 năm phát triển, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật này rất hạn chế (chủ yếu là bệnh nhân bị ung thư xương và còn đáp ứng với hóa chất và xạ trị), sự thiết kế cho dụng cụ xương đùi nhân tạo phù hợp với kích thước của bệnh nhân chưa nhiều, sự khó khăn trong gây mê hồi sức và tập phục hồi chức năng sau mổ dẫn đến phẫu thuật này chưa được áp dụng ở nhiều nơi, và rất ít các công trình nghiên cứu về kết quả điều trị của phương pháp này.

Các công trình nghiên cứu về phẫu thụật thay toàn bộ xương đùi chủ yếu được công bố trong vòng 15 năm trở lại đây và các kết quả nghiên cứu lại không thực sự thống nhất. Biến chứng hay gặp của phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi là mất máu, sự lỏng khớp do phần mềm, nhiễm trùng khớp hoặc phần mềm, lệch chiều dài chi, hỏng bộ khớp, trật khớp háng và gối... Ở châu Á nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng, rất ít nước có thể thực hiện được ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi. Ở Việt Nam chưa có ca phẫu thuật nào thay toàn bộ xương đùi tương tự.

Thay toàn bộ xương đùi là một ca phẫu thuật đại phẫu, là ca phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, đây chính là khởi đầu cho việc bảo tồn chi thể cho các bệnh nhân bị ung thư xương nói chung, ung thư xương đùi nói riêng, đồng thời đây cũng là sự minh chứng cho sự tiến bộ cho nền y học Việt Nam không thua kém so với các nước trên thể giới. Đây cũng là món quà ý nghĩa của ngành y tế chúc mừng ngày phụ nữ Việt Nam 8/3 khi đã cứu chữa thành công cho một cô gái trẻ đang ở độ tuổi đẹp nhất.

Mai Thảo