Thúc đẩy dịch vụ công không tiền mặt trong ngành Giáo dục
28/12/2020 - 14:50

TĐKT -  Hiểu được sự cần thiết và những lợi ích của việc chi tiêu không dùng tiền mặt trong nền kinh tế cũng như trong quản lý Nhà nước, ngành Giáo dục đang có những bước thay đổi nhanh chóng khi triển khai đẩy mạnh thanh toán học phí không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai rộng khắp còn gặp phải rất nhiều khó khăn như thói quen sử dụng tiền mặt, sự không đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường học, giữa các địa bàn...

Để giải quyết khó khăn này, đồng thời tìm ra giải pháp cho việc chi tiêu không dùng tiền mặt, Tạp chí Lao động và Công đoàn vừa tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Đẩy mạnh chi tiêu không dùng tiền mặt trong ngành Giáo dục”.

Chương trình có sự tham gia của đại diện, khách mời đến từ: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank, Công ty Giải pháp phần mềm Misa và đại diện phòng giáo dục các quận, các trường học trên địa bàn Hà Nội.

Giao lưu với các khách mời tại Tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Ban Tổ chức, Nhà báo Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, cho biết: "Chi tiêu không tiền mặt đang trở thành một xu hướng có tính tất yếu đã được cụ thể hóa bằng chủ trương của Chính phủ. Trong năm qua, Tạp chí Lao động và Công đoàn với vai trò là cơ quan báo chí thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt đối với người lao động, đối với doanh nghiệp và với nền kinh tế. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới khu vực tập trung nhiều lao động tại các khu công nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây được coi là “vùng khó”, vì chủ yếu là thành phần thu nhập còn hạn chế, khó tiếp cận với chủ trương cũng như bắt kịp xu hướng chung của xã hội. Những hoạt động này của chúng tôi được sự ủng hộ rất lớn của các đối tác như ngân hàng và công nghệ, sự ủng hộ của doanh nghiệp.

Tiếp nối thành công đó, chúng tôi mong muốn tiếp tục được cùng các đối tác tổ chức các tọa đàm, để bàn thảo thúc đẩy dịch vụ công không dùng tiền mặt trong ngành Giáo dục, đồng hành cùng quý vị sớm tháo gỡ những nút thắt, hoàn thành mục tiêu đã đặt ra theo Chỉ đạo và Quyết định của Chính phủ".

Nhà báo Trần Duy Phương nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng chia sẻ, trao đổi về những vấn đề thực tiễn, những vướng mắc, thuận lợi, khó khăn tại cơ sở, cùng những kiến nghị, giải pháp thực tế trong buổi tọa đàm sẽ đem lại nhiều nội dung thông tin hữu ích".

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – đại diện Vietcombank, cho biết: Đến nay Vietcombank đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên nhiều dịch vụ từ dịch vụ viễn thông, y tế, giao thông thông minh, điện nước, hành chính công, giáo dục…

Những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt với các cơ quan quản lý, phụ huynh, học sinh… là không thể phủ nhận. Vietcombank đã có những giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong đó đảm bảo tiêu chí bảo mật tối đa cho người dùng. Trong thời gian tới, Vietcombank mong muốn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán online, thanh toán qua thẻ, thanh toán qua tài khoản ngân hàng… tới các trường học nhằm thực hiện mục tiêu lớn của quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại Tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác dịch vụ công không tiền mặt trong tiêu dùng giữa các đơn vị

Bà Việt Hà, đại diện Vụ Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi có Đề án 241 về thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 5421 để chỉ đạo các Sở GD&ĐT quán triệt các đơn vị thực hiện. Kết quả đạt được, tới nay đã có 90% cơ sở GD&ĐT thu học phí qua ngân hàng thương mại, 80% sinh viên nộp học phí qua ngân hàng, 87% cơ sở GD&ĐT chuyển lương qua hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, do hệ thống nền tảng của hệ thống GD&ĐT khiến phương thức thanh toán này vẫn bộc lộ một số bất cập, như: Hiện kho bạc chưa kết nối với các ngân hàng nên các cơ sở GD&ĐT phải làm hóa đơn, phiếu chi cả điện tử và bản cứng. Phí chuyển khoản cao, bắt buộc sinh viên phải dùng đúng ngân hàng kết nối với hệ thống nộp học phí, gây khó khăn cho sinh viên. Bên cạnh đó, do quy định hệ thống trường đại học công lập phải chuyển học phí qua mạng về Kho bạc Nhà nước sau 5 ngày làm việc khiến các ngân hàng chưa “mặn mà”. Các khoản thanh toán cho sinh viên qua ngân hàng chưa được như mong đợi. Khoản chi dịch vụ nhỏ lẻ, kho bạc yêu cầu chi trực tiếp cho cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, việc đường truyền công nghệ thông tin, xử lý dịch vụ công còn chậm, gây mất thời gian cho các cơ sở giáo dục. Hành lang pháp lý thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều bất cập. Đồng thời, nguyên nhân chính khiến thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến là do thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đặc thù của ngành Giáo dục là chi trả nhiều lần dẫn đến phí dịch vụ cao. Học viên, sinh viên chuyển khoản qua ATM không ghi nội dung chuyển khoản được gây khó khăn cho cán bộ kế toán của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Bà Việt Hà chia sẻ: Bản thân ngành GD&ĐT cũng đã có những tổng kết. Tuy nhiên, đề án không dùng tiền mặt cũng có những khó khăn đối với ngành Giáo dục. Đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa thì việc tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp rất nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu của đề án, chúng tôi hy vọng những ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại cũng cần phải đa dạng hóa các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Bà Hoàng Minh Châu, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, ĐH Công đoàn, cho biết: Việc triển khai dịch vụ công không dùng tiền mặt ở ĐH Công đoàn cũng được thực hiện khá tốt. Thời gian qua, chúng tôi cũng cho các em sinh viên thanh toán tiền học phí qua tài khoản ngân hàng, chủ động làm thẻ ngân hàng cho sinh viên... Nhiều em ở xa nhưng phụ huynh có thể chuyển khoản học phí cho các em một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn. Hơn nữa, việc chuyển khoản qua ngân hàng rất thuận tiện, minh bạch, rõ ràng hơn so với sử dụng phiếu thu. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp ích rất nhiều cho nhà trường, sinh viên cả trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, tôi thấy việc chuyển khoản khác ngân hàng thì thu phí cao hơn. Đây có thể là nguyên nhân cản trở việc người dùng sử dụng nhiều dịch vụ giữa các ngân hàng liên kết.

Anh Trần Văn Thành, Phó Trưởng phòng Phát triển kênh số & đối tác của Vietcombank, chia sẻ: Vietcombank hiện cung cấp rất nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nếu các trường đủ hạ tầng kỹ thuật chúng còn có thể thanh toán trên website của trường. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là việc phải thay đổi sang sử dụng công nghệ mới, việc đang sử dụng quen tiền mặt phải thay đổi sang dùng phần mềm, thao tác… là một khó khăn với đội ngũ kế toán, thủ quỹ của các trường. Bên cạnh đó, việc người dùng không tự thay đổi hành vi như thói quen của học sinh, sinh viên rút tiền mặt ra sử dụng chứ không chuyển khoản hay thanh toán thẻ cũng là một thách thức với quá trình này.

Ông Vũ Đức Thắng – Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty CP MISA, cho biết: Với kinh nghiệm của MISA, chúng tôi nhận thấy rằng, khi chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, phụ huynh và học sinh sẽ thuận lợi hơn nhưng kế toán sẽ vất vả khi phải đối soát từng giao dịch. Những khoản thu của nhà trường có đặc điểm là nhỏ, nhiều khoản thu. Đây là rào cản về tâm lý khiến các trường chưa sẵn sàng thực hiện giải pháp này. Hiện MISA đã và đang cung cấp phần mềm quản lý các khoản thu, thông qua một ứng dụng trên smartphone, phụ huynh học sinh sẽ nhận được thông tin các khoản cần nộp tiền. Mới đây, chúng tôi đã kết hợp với Vietcombank để đấu nối phần mềm quản lý các khoản thu và phần mềm nộp tiền để khi phụ huynh nộp tiền qua ứng dụng của Vietcombank sẽ tự động gạch nợ trên phần mềm kế toán của trường. Hiện tại, chúng tôi đã hỗ trợ hơn 900 trường về phần mềm nhưng chỉ có 200 trường thực hiện đấu nối phần mềm nộp tiền. Dù vậy, trong năm nay chúng tôi cũng đã thực hiện hơn 11.000 giao dịch.

Mai Thảo