Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện
15/01/2019 - 15:52

TĐKT - Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, toàn ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực thi đua và cơ bản hoàn thành toàn diện các lĩnh vực y tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2018, toàn ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ngành Y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 (giao 26,0); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 87,7% (giao 85,2%). Đạt và vượt 9/11 các chỉ tiêu y tế cơ bản năm 2018. Đặc biệt, số lần khám bệnh đạt gần 230 triệu lượt, trong đó khoảng 178 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, số lần khám bệnh bình quân đạt 2,4 lần/người dân.

Hội nghị triển khai công tác ngành y tế ngày 15/1

Về phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh, đến nay đã hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh (tăng 1 bệnh viện hạt nhân và 21 bệnh viện vệ tinh so với năm 2017). Các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh; khoảng 85% số bệnh viện vệ tinh có xu hướng giảm chuyển tuyến.

Mặt khác, ngành Y tế đã xây dựng và bước đầu triển khai hiệu quả Đề án 5168/QĐ-BYT ngày 24/8/2018 về việc "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 - 2020".

Hơn hết, năm 2018, số người đăng ký hiến tạng tăng nhanh. Đến cuối tháng 11/2018 cả nước có 19.300 người đăng ký hiến tạng, bằng một phần ba tổng số người đăng ký trong cả 5 năm qua. Nhiều bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, không đủ chi phí trang trải ca ghép hàng trăm triệu đồng... được ghép tạng. Ngân hàng mô Bệnh viện Việt Đức là ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép và hoạt động vào giữa tháng 10/2018.

Ngoài ra, ngành Y tế đã tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thực hiện mục tiêu Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn, quy định về quản lý chất lượng như phòng ngừa sự cố y khoa; hoàn thiện bổ sung các Bộ chuẩn chất lượng về an toàn phẫu thuật, Bộ chỉ số đo lường chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ chuẩn chất lượng lâm sàng trong lĩnh vực chăm sóc mắt.

Trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng và kiểm soát lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch, đặc biệt kiểm soát xử lý dụng cụ nội soi, kiểm soát nhiễm khuẩn tiết niệu do đặt catheter, giám sát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bệnh viện, kiểm soát nhiễm khuẩn khoa gây mê hồi sức và hướng dẫn vệ sinh tay.

Về công tác quản lý chất lượng xét nghiệm, trong năm 2018 đã có hơn 4.309 phòng xét nghiệm và các trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm thực hiện ngoại kiểm tra, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng gần 19 lần so với năm 2009.

Về công tác chăm sóc điều dưỡng, tiến hành cập nhật, chỉnh sửa quy trình kỹ thuật chăm sóc người bệnh chuyên ngành ngoại khoa, nhi khoa và hồi sức tích cực. Nghiên cứu chỉnh sửa Chuẩn năng lực điều dưỡng Việt Nam và cách tính nhân lực điều dưỡng trên người bệnh theo từng chuyên khoa. Trong năm, Bộ Y tế đã xây dựng, thẩm định và ban hành được 645 quy trình kỹ thuật thuộc các chuyên ngành Nội tiết; Hóa sinh; Vi sinh; Nhi khoa; Ung bướu.

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác ngành Y tế năm 2019

Sở dĩ đạt được kết quả cao cũng chính một phần ngay từ đầu năm 2018, ngành Y tế tiếp tục thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Triển khai liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán đối với các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189  tại 28 bệnh viện trực thuộc Bộ. Tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng, xét nghiệm, ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị; rà soát sửa đổi quy chế bệnh viện. 

Chất lượng khám, chữa bệnh trong thời gian gần đây đã có sự tiến bộ rõ rệt. Bộ mặt chung của nhiều bệnh viện đã thay đổi, chỉ dẫn, đón tiếp tốt hơn, môi trường bệnh viện đang xanh hơn, nhà vệ sinh, cảnh quan sạch hơn, đẹp hơn.

Chất lượng lâm sàng đang dần được nâng lên. Mức chất lượng trung bình toàn quốc năm 2017 đạt 2.81/5, trong đó nhóm các tiêu chí, phần hướng đến người bệnh cao nhất đạt mức 3,18/5. Trung bình các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã đạt mức 3,49/5 và kết quả đánh giá năm 2018 đã có một số bệnh viện đã có bước tiến vượt bậc đạt mức 4/5. Kết quả khảo sát cho thấy có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ hài lòng của người bệnh, đạt khoảng 80% ở các loại khảo sát khác nhau.

Y tế tư nhân phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng với 219 bệnh viện (16%), 15.781 giường bệnh (5,2%). Năm 2018 tiếp tục thu hút sự tham gia của khu vực y tế tư nhân, một số cơ sở y tế tư nhân có quy mô được thành lập mới như Bệnh viện Nhi Đức Tâm, Đắk Lắk - 50 giường bệnh, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên tại Gia Lai - 100 giường bệnh, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng – 180 giường bệnh, Bệnh viện Phương Châu - Sa Đéc  - 50 giường bệnh...  

Năm 2018 Bộ đã duyệt chủ trương thành lập mới 16 bệnh viện tư nhân. Tổ chức xét phân tuyến và phân hạng tương đương cho 219 bệnh viện tư nhân.

Năm 2018 tại Bộ Y tế đã cấp, cấp lại, cấp bổ sung 3.145 chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người hành nghề của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, người nước ngoài; 39 giấy phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân, 17 cơ sở công lập (trong đó cấp mới 2.865, cấp lại 139, cấp bổ sung 141 chứng chỉ hành nghề). Tổ chức thẩm định cấp giấy phép hoạt động đối với: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở Kim Chung.

Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Trong đó có 5 mục tiêu quan trọng: Thứ nhất, phân định rõ nhiệm vụ của các cơ sở y tế theo từng tuyến chuyên môn để thực hiện nguyên tắc các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa thực hiện được, tuyến dưới nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ để thực hiện đúng vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thứ hai, các cơ sở y tế tuyến trung ương, tuyến cuối đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài. Đồng thời thực hiện nghiêm lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh; Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025. 

Thứ ba, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, thí điểm mô hình chuỗi bệnh viện; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện nghĩa vụ luân phiên; cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh; ban hành các quy định về chuyên môn, hoàn thành sửa đổi quy chế các bệnh viện; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức. Thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán theo lộ trình.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, hệ thống tổ chức nhằm tăng cường quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; ban hành các chuẩn chất lượng, công cụ đánh giá, đo lường chất lượng dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nhân rộng hệ thống khảo sát trực tuyến sự hài lòng của người bệnh; tiếp tục đổi mới việc đánh giá chất lượng bệnh viện.

Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi đồng thời với đẩy mạnh quản lý hành nghề y dược tư nhân. Tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã đề xuất các Bộ ủng hộ để Bộ Y tế trình Thủ tướng quy định định mức phân bổ ngân sách chi sự nghiệp y tế tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg theo nguyên tắc dành ít nhất 30% cho y tế dự phòng, 40% cho y tế xã.

Đồng thời chỉ đạo và triển khai quyết liệt Đề án 2348 xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở; đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai ngay việc lập hồ sơ sức khỏe, tập huấn và triển khai theo dõi, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế. Xây dựng và triển khai các chính sách để duy trì, thu hút nhân lực cho tuyến dưới, tăng cường luân phiên cán Bộ Y tế.

Hồng Thiết