Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
18/03/2024 - 15:20
BTĐKT - Ngày 16/3, thực hiện chương trình sinh hoạt chính trị chuyên đề Quý I/2024, Đoàn đi thực tế của 3 chi bộ: Phòng I, Phòng Pháp chế - Thanh tra và Phòng Tổ chức Cán bộ, thuộc Đảng bộ Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã đi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. 

 

Dự buổi sinh hoạt chính trị, có đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đảng viên của Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra; toàn thể đảng viên của 3 chi bộ.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, công chức huyện Thái Thụy, Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình.

8b4284d0a0310c6f5520.jpg

Các đảng viên dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Qua tìm hiểu thân thế, sự nghiệp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, các đảng viên trong 3 chi bộ được nâng cao nhận thức, trình độ lý luận và nguyện tiếp tục quyết tâm phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực thực tiễn để đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại quê nội, làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - vùng quê giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Từ tuổi ấu thơ, đồng chí đã chịu ảnh hưởng tư tưởng tiến bộ của người cha, thầy cử Nguyễn Đức Triết cùng truyền thống hiếu học của họ ngoại Trần Văn ở Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đó là những nhân tố khởi nguồn hình thành quyết tâm cao, bản lĩnh cách mạng sáng tạo của Nguyễn Đức Cảnh.

Với 24 tuổi đời, trong đó gần 10 năm hoạt động ở Hà Nội, Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc, trong phong trào công nhân, công đoàn và vận động thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam có nhiều cống hiến lớn lao.

Những chỉ đạo đúng đắn và sáng tạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã dẫn đến sự ra đời nhiều tổ chức cơ sở (chi bộ) Thanh niên ở Hải Phòng cũng như ở vùng mỏ than Cẩm Phả - Cửa Ông, Mạo Khê, Vàng Danh, Hòn Gai, Uông Bí... Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân ở Hải Phòng, vùng mỏ Đông Bắc nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung cuối những năm 20 đã khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào công nhân. Nguyễn Đức Cảnh đã trở thành người xây dựng và lãnh đạo tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam khi mới ra đời.

3de6f869098fa5d1fc9e.jpg

Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ghi lưu bút tại khu lưu niệm

Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng, năm 1980, những người con quê hương Thái Bình đã xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh tại Diêm Điền. Trong khu lăng mộ và nhà lưu niệm hiện trưng bày nhiều tư liệu lịch sử là những bài báo của thực dân Pháp viết sau khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị xử kín; là những công trình nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của đồng chí; là hình ảnh khu pháp trường ở Hải Phòng xưa và nay; những văn bản pháp lý của trung ương và của tỉnh về quá trình tìm hài cốt của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh về an táng tại quê nhà… 

Đến thăm khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh, đoàn có cơ hội được biết thêm về mảnh đất quê hương Diêm Điền, nơi đã sinh ra người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng ta. Đồng chí không chỉ là cán bộ cách mạng lỗi lạc mà còn là nhà lý luận với những tác phẩm báo chí đầy tính chiến đấu. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để lại cho mỗi thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

Nguyệt Hà