Tôn vinh sự hy sinh, cống hiến của chiến sĩ Hà Nội trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị
27/09/2018 - 20:21

TĐKT - Sáng 27/9, tại Hà Nội, Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chiến sĩ người Hà Nội trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972: Sự hy sinh, cống hiến và những giá trị văn hóa quân sự cao đẹp cần bảo tồn và phát huy đối với thế hệ trẻ Thủ đô ngày nay". Trung tướng, PGS, TS. Vũ Văn Kiểu, Chủ tịch Hội chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm tôn vinh và làm sâu sắc hơn những cống hiến và giá trị văn hóa quân sự truyền thống của chiến sĩ người Hà Nội trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; đề xuất các giải pháp nhằm tri ân, vinh danh, động viên, phát huy dũng khí của cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; đề xuất phương thức bảo tồn, phát huy và nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị văn hóa quân sự cho thanh niên, lực lượng vũ trang Thủ đô trong tình hình mới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng, PGS, TS. Vũ Văn Kiểu, Chủ tịch Hội cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đã có 4185 cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hy sinh, trong đó có 518 liệt sĩ là công dân Thủ đô, chiếm 12,4% tổng số liệt sĩ.

Đến nay, chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu chiến sĩ người Hà Nội đã tham gia cuộc chiến, nhưng biết rằng, hiện có hàng nghìn cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị (bao gồm cả chiến sĩ người Hà Nội và chiến sĩ nhập ngũ từ các địa phương khác) đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Trong cuộc sống đời thường, là công dân Thủ đô, sống khiêm nhường, gương mẫu, có uy tín, luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Giá trị văn hóa quân sự mà chiến sĩ người Hà Nội đã lập nên trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vô cùng cao đẹp và đáng trân trọng, gìn giữ.

Thông qua Hội thảo, Ban Chấp hành Hội mong muốn được tiếp cận và hiểu rõ hơn những cống hiến và sự hy sinh của quân và dân Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nói riêng, qua đó xác định rõ hơn những giải pháp góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa quân sự truyền thống cao đẹp trong tình hình mới.

Phương Thanh