Xây dựng hạ tầng Internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn
07/12/2022 - 15:46

TĐKT - Sáng 7/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Kỷ niệm 25 năm khai trương dịch vụ Internet Việt Nam và năm thứ 11 sự kiện Internet Day.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Ngày 19/11/1997 đã mở đầu trang lịch sử Internet Việt Nam. Tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, thay mặt cho Ủy Ban điều phối quốc gia về Internet Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực đã tổ chức họp báo quốc tế công bố chính thức Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu.

Theo thống kê, vào thời điểm đó, số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người, đến năm 2002 có khoảng 3 triệu người (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (chiếm khoảng 24% dân số cả nước).

Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.

Sau 36 năm đổi mới từ 1986, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có nỗ lực nhằm bảo đảm tự do Internet.

Các đại biểu tham quan triển lãm bên lề sự kiện

Những thành tích của Việt Nam về Internet trong những năm qua rất ấn tượng. Việt Nam hiện tại đã được xếp hạng hàng đầu trong kết quả khảo sát của McKinsey tại các quốc gia với câu hỏi: Có sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?  Báo cáo "e-Conomy SEA 2022" của  Google, Temasek and Bain & Company (mới công bố vào 27/10/2022) cũng khẳng định: Việt Nam sẽ dẫn đầu về kinh tế Internet ở Đông Nam Á.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định thành tựu đạt được của 25 năm Internet Việt Nam là kết tinh từ sự chỉ đạo, định hướng phát triển chiến lược của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng, hưởng ứng, chung tay xây dựng của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Nhận định về tương lai của Internet Việt Nam từ nay đến 2025, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng: Internet Việt Nam đến năm 2025 sẽ rộng hơn, nhanh hơn và an toàn hơn; mục tiêu: “đến năm 2025: Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực ASEAN; năm 2030: Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”. Các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam phải do Việt Nam xây dựng, dữ liệu tại Việt Nam phải do người Việt tạo ra và lưu giữ. Người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nếu không có hạ tầng số sẽ không có chủ quyền số.

Các doanh nghiệp viễn thông cùng với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; đặc biệt là hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm lưu trữ dữ liệu.

Thứ trưởng cho biết, tới năm 2025 lượng truy cập Internet sẽ là 100% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; đến 2030, 100% người sử dụng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI). Về trung tâm dữ liệu, Cloud: đến 2025, 2 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia sử dụng năng lượng xanh quy mô lớn; tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu vùng; từ 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực; 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng điện toán đám mây Chính phủ; 70% doanh nghiệp Việt Nam dùng Cloud Việt Nam.

Thứ trưởng nhấn mạnh, vai trò, trách nhiệm của ngành Thông tin và Truyền thông đó là phải xây dựng hạ tầng Internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn; thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu; dẫn dắt quá trình tích hợp Internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, các đại biểu được nghe các bài tham luận và tọa đàm chia sẻ về tương lai bền vững cho hệ sinh thái Internet Việt Nam, đặc biệt là các phiên chuyên môn thể hiện các chủ đề liên quan đến thực trạng và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hệ sinh thái Internet, thúc đẩy các lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam.

Song song với đó là sự kiện ngoại giao hưởng ứng chuỗi sự kiện 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022); kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ thông tin tin, game và metaverse ở Hàn Quốc và Việt Nam...

Phương Thanh