Chính trị - Xã hội

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII

TĐKT - Ngày 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng làm việc cả ngày tại hội trường, thảo luận các văn kiện Đại hội. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận các Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng tại hội trường. Buổi sáng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Đã có 12 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu ý kiến: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội, Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, TP Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương, TP Hồ Chí Minh, Ban Đối ngoại Trung ương, tỉnh Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Lâm Đồng. Buổi chiều, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Trong phiên buổi chiều, đã có 11 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu ý kiến: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Ngoại giao, tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ. Ngày mai, 28/1/2021, Đại hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XIII và nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Phương Thanh

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

TĐKT – Sáng nay, 26/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức khai mạc với sự tham gia của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên cả nước. Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ Đoàn Chủ tịch Đại hội có 16 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và một đồng chí Bí thư Trung ương Đảng; trong đó có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng... Toàn cảnh Đại hội Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội. Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một  nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm  nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đổi mới, hội nhập và phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn, Đại hội có nhiệm vụ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Đồng thời, Đại hội kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện trình bày nêu rõ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước; cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đang náo nức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đảng. Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi. Về tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 5 năm qua, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xẩy ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Kinh tế đất nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ trước đã được giải quyết và đạt được kết quả bước đầu. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ… Nhiều vấn đề phức tạp được tạo ra và thực hiện từ những năm trước nhưng hiệu quả còn thấp thì trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực. Kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện được điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nhiệm kỳ Đại hội XIII là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất của "ý Đảng, lòng Dân", chúng ta quyết tâm thực hiện thật tốt hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp mà các văn kiện trình Đại hội XIII đã đề ra để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới với những trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu nêu trên, cần tập trung đầu tư nguồn lực và đặc biệt chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến về chất trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII đã đề ra và được Đại hội lần này bổ sung, cụ thể hoá cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. “Với phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, chúng ta cần thảo luận kỹ lưỡng để đạt được sự thống nhất cao và biểu quyết thông qua các văn kiện của Đại hội, bảo đảm cho sự thành công của Đại hội, tạo cơ sở cho việc quán triệt, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Phương Thanh  

Phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

TĐKT – Sáng 25/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã diễn ra phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phiên họp trù bị. Toàn cảnh phiên họp trù bị Tại phiên họp, các đại biểu thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình làm việc Đại hội, Quy chế bầu cử... Đại hội diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước. Đây là đại hội có số lượng đại biểu tham dự đông nhất trong 13 kỳ Đại hội của Đảng. Phiên khai mạc chính thức sẽ diễn ra vào sáng 26/1. Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 – 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Phương Thanh

Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào Lăng viếng Bác

TĐKT - Sáng 25/1, trước giờ khai mạc phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam. Dự lễ viếng có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và đại biểu dự Đại hội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Trong giờ phút thiêng liêng, các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người đã hiến dâng cuộc đời mình vì độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, Người đã đặt nền tảng tư tưởng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu nguyện một lòng đi theo con đường Người đã vạch ra, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tiếp đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn đại biểu đã đặt hoa và dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 - 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước. Phương Thanh

Y học công nghệ 4.0 - Những bước tiến vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị

TĐKT - Chiều 22/1, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã tổ chức thành công Hội nghị khoa học thường niên“Y học công nghệ 4.0 - Những bước tiến vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị”. Dư hội nghị có: GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Medlatec; thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Len, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Medlatec; thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Quế, Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec. Với sứ mệnh phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong suốt 25 năm thành lập và phát triển, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã trở thành thương hiệu y tế uy tín, nhận được sự tin tưởng của khách hàng với mạng lưới y tế lên đến hơn 48 cơ sở gồm bệnh viện, phòng khám và văn phòng tại các tỉnh thành trên cả nước. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Len, Giám đốc Bệnh viện Medlatec phát biểu tại hội nghị. ThS. BS Nguyễn Thị Kim Len - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) M Medlatec cho biết, nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trở nên cấp thiết hơn trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu thoái trào. Những chuyên đề hữu ích về các ứng dụng công nghệ trong phát triển dịch vụ y tế tiện ích nói chung và trong chẩn đoán, điều trị bệnh nói riêng sẽ là thông tin hữu ích phục vụ hoàn chỉnh và tối ưu nhất, hỗ trợ các bác sĩ, khách hàng trong công tác chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với sự phát triển bứt phá của mọi lĩnh vực cũng như của các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay. Đến nay, Bệnh viện Medlatec hiện đã phát triển được hệ thống chi nhánh tới 48/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và phục vụ được khoảng 2 triệu khách hàng/năm. Với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho người bệnh trong tiếp cận dịch vụ y tế, Medlatec đã ứng dụng hệ thống quản lý sức khỏe trực tuyến MedOn và đây là giải pháp toàn diện để kết nối giữa bác sĩ và người bệnh trên ứng dụng điện thoại thông minh góp phần giảm thời gian, công sức, gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Tính đến hết năm 2020, MedOn đã có mặt và đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ở 43 tỉnh, thành phố, với 200.000 người dân sử dụng và 11.000 bác sĩ tham gia, trung bình 3.000 lượt tư vấn sức khỏe mỗi tháng. Lễ ký kết hợp tác chiến lược Về mạng lưới y tế, Medlatec không ngừng cập nhật, đón đầu những công nghệ mới, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác thăm khám, chẩn đoán, điều trị, thiết bị xét nghiệm tiên tiến bậc nhất của thế giới đáp ứng được hàng nghìn loại xét nghiệm phục vụ tối đa nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung như: “Nền tảng công nghệ giúp tăng tốc hành trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế”; “Sàng lọc bệnh tật di truyền”; "Vi chất dinh dưỡng với sức khỏe"... Qua đó, giúp các đơn vị y tế, bác sĩ tham gia có cơ hội cập nhật xu thế mới cũng như nâng cao trình độ chuyên môn để mang tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất phục vụ người dân. Cũng trong khuôn khổ của hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa MED-GROUP với 2 đối tác là FPT Long Châu, Microsoft Việt Nam về nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân. Hồng Thiết

1.587 đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

TĐKT - Chiều 22/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo trước khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự họp báo, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành Trung ương. Họp báo trước khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1 - 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước. Dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỷ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%... Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu… Bộ Chính trị đã quyết định thành lập 67 đoàn đại biểu và cử trưởng đoàn đại biểu; phân công 191 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (cả chính thức và dự khuyết) tham gia sinh hoạt tại 67 đoàn đại biểu; đồng thời chỉ định 15 đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng. Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa định hướng tương lai, từ đó tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Công tác chuẩn bị Đại hội đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này đã được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo; là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Công tác tổ chức, phục vụ Đại hội lần này có một số điểm mới và được bổ sung để phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, toàn bộ các đại biểu tham dự Đại hội và khách mời được bố trí ăn, nghỉ theo đoàn, tập trung trong suốt quá trình diễn ra Đại hội tại các khách sạn, nhà khách gần địa điểm tổ chức hội nghị (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội). Đại biểu không ăn, nghỉ ở bên ngoài hoặc nhà riêng, trừ một số trường hợp có quy định riêng. Công tác chăm sóc sức khỏe đại biểu cũng được Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội đặc biệt quan tâm; đã chỉ đạo xây dựng các phương án chi tiết, cụ thể về y tế để bảo đảm cao nhất an toàn sức khỏe của đại biểu và khách mời dự Đại hội. Bên cạnh đó, Tiểu ban cũng đã chỉ đạo chuẩn bị chu đáo các phương án bố trí các phòng chức năng, hội trường phục vụ Đại hội trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm trang thiết bị, máy tính, máy in, máy photocopy phục vụ tài liệu cho đại biểu tại Hội trường Đại hội; tổ chức phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ việc kiểm phiếu; bảo đảm an toàn hệ thống thiết bị điện, phòng, chống cháy nổ; hệ thống an ninh mạng công nghệ thông tin... Để tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền Đại hội, Trung tâm báo chí phục vụ Đại hội XIII của Đảng đã được đưa vào vận hành, bảo đảm tốt nhất các điều kiện cho gần 500 phóng viên, kỹ thuật viên của 191 cơ quan báo chí trong nước; hơn 60 phóng viên của 26 hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tác nghiệp trực tiếp và gần 100 phóng viên của 84 hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tác nghiệp trực tuyến, theo dõi và đưa tin về Đại hội. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành một số điểm chính trong kịch bản tuyên truyền trên báo chí về Đại hội XIII của Đảng; ban hành Hướng dẫn số 168-HD/BTGTW về việc cung cấp thông tin và trả lời phỏng vấn báo chí của đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Yêu cầu công tác thông tin tuyên truyền phải bám sát diễn biến của Đại hội; đề cập cụ thể, chi tiết về thời điểm, nội dung, tần suất thông tin… Nguyệt Hà  

Khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng

TĐKT - Chiều 22/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. Cắt băng khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội XIII có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XIII Lê Mạnh Hùng; Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Trương Quang Hoài Nam; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cao Văn Thống. Lễ cắt băng khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí cho biết: Trung tâm Báo chí bảo đảm tốt nhất các điều kiện cho gần 500 phóng viên, kỹ thuật viên của 191 cơ quan báo chí trong nước; hơn 60 phóng viên của 26 hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tác nghiệp trực tiếp và gần 100 phóng viên của 84 hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tác nghiệp trực tuyến, theo dõi và đưa tin về Đại hội. Trung tâm Báo chí tạo điều kiện thuận lợi, bố trí địa điểm, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ phục vụ các cơ quan báo chí chủ lực như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan báo chí tham dự đưa tin về Đại hội. Thường trực Trung tâm Báo chí đã phối hợp với Tiểu ban Y tế tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế cũng như cán bộ tham gia phục vụ Đại hội. * Tại Lễ khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội XIII đã diễn ra khai trương trưng bày sách, báo phục vụ Đại hội XIII. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn, thẩm định và trưng bày sách, báo phục vụ Đại hội XIII. Khu trưng bày sách, báo được bố trí tại hành lang phía Đông tầng 2 Trung tâm Hội nghị quốc gia. Các đại biểu tham quan trưng bày sách, báo phục vụ Đại hội XIII Trên diện tích mặt sàn 300 m2, Khu trưng bày sách có sự tham gia của một số cơ quan báo, đài chủ lực và trên 30 nhà xuất bản, một số đơn vị phát hành xuất bản phẩm, với gần 2.000 tên sách, tựa sách của các đầu sách tiêu biểu có chất lượng. Khu trưng bày thiết kế theo 5 chủ đề và 5 mảng sách. Trong đó, đáng chú ý có khu trưng bày riêng về sách điện tử với sự tham gia của 4 nhà xuất bản và 152 đầu sách điện tử. Bên cạnh Khu trưng bày sách là Khu bày bán sách phục vụ đại biểu trên diện tích gần 100m2, được kết nối liền mạch với Khu trưng bày. Trung tâm khu trưng bày bán sách là mô hình bản đồ Việt Nam được xếp từ 406 cuốn sách về Bác Hồ kính yêu do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành; hai quần đảo thiêng liêng Hoàng Sa và Trường Sa được sắp xếp từ các cuốn sách về Biển đảo. 14 kệ sách được sắp xếp theo hai trục song hành lấy mô hình Bản đồ Việt Nam làm trung tâm. * Chiều cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành bộ tem “Chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII”. Lễ phát hành bộ tem “Chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII”. Bộ tem gồm 1 mẫu được thiết kế tràn lề theo khuôn khổ 43x32(mm), do họa sĩ Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Mẫu tem thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được vẽ theo ngôn ngữ hội họa hiện thực, với ý tưởng Bác Hồ luôn đề cao công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đó là vấn đề then chốt của then chốt mà các kỳ đại hội Đảng luôn được nhấn mạnh. Hình tượng lá cờ có hình búa liềm và sao vàng nói lên ý tưởng Đảng luôn là tổ chức tiên phong dẫn dắt dân tộc giành mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng. Số XIII La Mã được vẽ theo hình khối vững chắc thể hiện ý tưởng Đại hội XIII sẽ là đại hội của đoàn kết bền vững như một khối thống nhất. Biểu tượng đài hoa sen được thiết kế theo mô típ vốn cổ tượng trưng cho văn hóa và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một lòng theo Đảng để xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bộ tem được phát hành theo nghi thức đặc biệt vào ngày 22/1, được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 22/1/2021 đến ngày 31/12/2022. Nguyệt Hà

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổng kết công tác y tế năm 2020

TĐKT - Ngày 22/1, Phòng Y tế trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức tổng kết công tác y tế năm học 2020. Đến dự có Phó Hiệu trưởng, PGS., TS Hà Đức Trụ; Phó Hiệu trưởng, PGS., TS Phạm Dương Châu, đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Công đoàn và đại diện lãnh đạo các đơn vị. Lễ tổng kết công tác y tế năm 2020 Báo cáo tại Lễ tổng kết, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Liên, đại diện Phòng Y tế đã nêu bật các kết quả đạt được trong công tác y tế toàn trường, công tác bảo hiểm học sinh - sinh viên. Phòng Y tế đã làm tốt việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên; tham gia thường xuyên, đầy đủ công tác phòng, chống dịch, tập huấn phòng, chống dịch; cấp cứu, khám cho 6.916 sinh viên, học viên; kiểm tra vệ sinh an toàn trong trường; tổ chức thăm hỏi động viên các thầy, cô giáo khi ốm đau nằm bệnh viện. Phòng Y tế kiến nghị, cần truyền thông nhiều cho sinh viên về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, PGS.,TS Hà Đức Trụ ghi nhận những đóng góp của tập thể Phòng Y tế và của cả trường trong công tác y tế năm học vừa qua, đã đảm bảo quyền lợi của sinh viên, giảng viên về y tế, chăm sóc thường xuyên sức khỏe cán bộ, sinh viên; tham gia phòng, chống dịch Covid-19… Dù biên chế có hạn, nhưng Phòng Y tế đã có tinh thần làm việc rất tốt, có sự phối hợp lâu dài với đơn vị bảo hiểm, phối hợp chặt chẽ với các bộ phận để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Buổi lễ đã ghi nhận những thành tích, sự cố gắng  của phòng y tế, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm 2020 và đặt ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021. Nguyễn Công Giáp

Khởi động Chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVIVAC

TĐKT - Ngày 21/1, tại Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức Lễ khởi động cCương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVIVAC do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất. Đến dự buổi lễ có lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo và các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Trường Đại học Y Hà Nội cùng đại diện của các cơ quan, đơn vị có liên quan và đông đảo người dân quan tâm tới nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19. Sự kiện đã giới thiệu quá trình nghiên cứu phát triển và chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVIVAC phòng bệnh COVID-19. Vắc xin COVIVAC đã được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5 năm 2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam, kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người. Vắc xin COVIVAC là vắc xin phòng bệnh COVID-19 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất. Đây là vắc xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc xin vector Newcastle (NDV), gắn gien biểu hiện Protein S của vi rút SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Ngày 19/1/2021, đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vắc xin COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan thẩm định. Trong đó: Thử nghiệm giai đoạn 1 được thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội. Việc thử nghiệm lâm sàng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện, phối hợp cùng với Trường Đại học Y Hà Nội. Cụ thể, Trung tâm Dược lý lâm sàng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế thẩm định là Tổ chức đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) được lựa chọn tiến hành thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dưới sự giám sát của Bộ Y tế. Thử nghiệm được tiến hành dưới sự chủ trì của các nghiên cứu viên chính là GS. TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; GS. TS. Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Vũ Đình Thiểm – Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và PGS.TS. Phạm Thị Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng - Đại học Y Hà Nội. Nghiên cứu giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện là người khỏe mạnh, chia thành 5 nhóm: 3 nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg; 1 nhóm vắc xin mức liều 1 mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo). Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vắc xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm vắc xin thử nghiệm vào tháng 2/2021. Thử nghiệm giai đoạn 2 của vắc xin COVIVAC: Sau khi thu thập được kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 vào ngày 43 của tất cả những người tình nguyện, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn. Hồng Thiết

Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Ngày 20/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch COVID-19. GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện hầu hết các quốc gia đều ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân mắc COVID-19. Tại Việt Nam, đã tròn 50 ngày nước ta không có ca nhiễm cộng đồng. GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ cố gắng ngăn chặn và hạn chế tối đa việc nhập cảnh qua đường hàng không. Theo Công điện 01 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến Tết Nguyên đán hầu như không còn các chuyến bay kể cả chuyến đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về. Nhưng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua đường mòn lối mở, cửa khẩu, trái phép, đường bộ, đường biển còn rất phức tạp. Một số nước trong khu vực vẫn mở các chuyến bay. Công dân Việt Nam ở nước ngoài đi chuyến bay thương mại về các quốc gia đó, rồi đi đường bộ về Việt Nam. Dù BCĐ Quốc gia đã cảnh báo đi theo chính ngạch, cách ly 14 ngày nhưng tình trạng vượt biên trái phép, nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra. Qua theo dõi, trao đổi, giám sát nhập cảnh, cơ quan chức năng cho hay có một số điểm nổi bật. Theo đó, tất cả vượt biên trái phép đều có sự liên kết với bên trong qua các nhà xe, đường dây... Các đối tượng này né tránh bằng cách sử dụng mạng xã hội để trao đổi cách thức vào Việt Nam trái phép. Hiện lực lượng biên phòng đã tăng tối đa lực lượng lên các cửa khẩu, biên giới. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương tập trung cao độ, theo dõi, triệt phá, xử lý nghiêm các đường dây, nhà xe chở người trái phép. Nhấn mạnh về vấn đề công dân nhập cảnh, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu mọi công dân nhập cảnh đều cách ly tập trung đủ 14 ngày, không có trường hợp ngoại lệ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị phát động trong toàn dân việc phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, từ nước ngoài về trốn cách ly, làm sao như Thủ tướng nói "mỗi người dân đều là một chiến sĩ", nghĩa là phát giác, báo cáo chính quyền địa phương khi có người lạ, có người từ nước ngoài trở về. Bên cạnh đó, khi phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 ở ngày thứ mười mấy trong thời gian cách ly, tất cả các trường hợp tiếp xúc gần ca đó (trong khu cách ly) phải cách ly thêm 14 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong khu vực đó. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả trường hợp kể cả chuyên gia, tổ bay hay các trường hợp nhập cảnh khác đều phải cách ly tập trung 14 ngày, không có ngoại lệ, không có chia giai đoạn ngắn ngày hay cách ly tại nhà/nơi lưu trú, trừ trường hợp ngoại giao đặc biệt do Bộ Ngoại giao quyết định. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, phải luôn chuẩn bị cho tình huống phát hiện COVID-19 tại cộng đồng. Khi có tình huống đó, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải "thần tốc, thần tốc và thần tốc", phát hiện nhanh F1, khoanh vùng, cách ly càng nhanh thì sẽ ngăn chặn được lây nhiễm COVID-19. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin đến nay, tất cả các mẫu xét nghiệm COVID-19 cho đại biểu tham gia Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được lấy cho kết quả đều âm tính. Ngành Y tế đã triển khai các biện pháp cần thiết bảo đảm cho Đại hội Đảng diễn ra thành công nhất. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe báo cáo tham luận của đại diện Cục Y tế dự phòng về công tác quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; đại diện Cục Môi trường y tế báo cáo nội dung “ Hướng dẫn công tác cách ly y tế trong phòng, chống dịch COVID-19”; đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tham luận nội dung “ Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh” và một số địa phương báo cáo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. La Giang

Trang