Chính trị - Xã hội

Từ ngày 1/8 chỉ sử dụng đầu số 8079 trong tra cứu BHXH, BHYT

TĐKT - Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn số 815/CNTT-PM thông báo về dừng tin nhắn tra cứu thông tin BHXH, BHYT tới đầu số 8179. Theo đó, từ ngày 1/8/2019, các cá nhân, đơn vị chỉ còn sử dụng đầu số 8079 trong nhắn tin tra cứu thông tin về BHXH, BHYT. Công văn nêu, Trung tâm CNTT thực hiện triển khai Hệ thống Tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH chính thức từ ngày 3/4/2019; trong đó, có nội dung cá nhân, đơn vị tự tra cứu thông tin về BHXH, BHYT theo đầu số 8179, phí dịch vụ tra cứu theo thông báo của đơn vị cung cấp dịch vụ là 1.500 đồng/tin nhắn (phí dịch vụ này do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, nhà mạng được hưởng phí này từ tin nhắn của thuê bao di động cá nhân/đơn vị tra cứu). Do đó, để giảm chi phí tra cứu cho cá nhân/đơn vị khi tra cứu thông tin, Trung tâm CNTT đã bổ sung thêm đầu số tra cứu 8079 với mức phí dịch vụ là 1.000 đồng/tin nhắn bắt đầu từ ngày 16/04/2019. Đến nay, được sự đồng ý của lãnh đạo ngành BHXH, Trung tâm CNTT sẽ dừng đầu số tra cứu 8179 từ ngày 1/8/2019. Trường hợp người dân gửi tin nhắn tra cứu tới đầu số 8179 sẽ nhận được tin nhắn hướng dẫn tra cứu tới đầu số 8079 (khi triển khai, các tin nhắn sẽ được chuyển sang dạng tin nhắn tiếng Việt không dấu). Để tra cứu thông tin BHXH, BHYT từ ngày 1/8/2019, cá nhân, đơn vị thực hiện theo cú pháp dưới đây: La Giang  

Bộ Y tế kêu gọi triển khai công tác y tế, ứng phó với nắng nóng kéo dài

TĐKT - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới nắng nóng còn tiếp tục xảy ra diện rộng, kéo dài trong nhiều ngày tới, nhất là khu vực vùng núi phía Tây Trung bộ có khả năng nắng nóng gay gắt, dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gây hạn hán, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân; nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn; đặc biệt là dịch bệnh đường tiêu hóa, say nóng, say nắng…. Thực hiện Công điện số 897/CĐ-TTg ngày 24/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ; Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế) đề nghị các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ một số nội dung sau: Thứ nhất, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với tình hình nắng nóng kéo dài, thiếu nước sạch tại các cơ sở y tế và nước sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn; đặc biệt chú trọng bảo đảm đủ nước sạch, vệ sinh môi  trường cho các cơ sở y tế và bệnh nhân điều trị nội trú. Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng, chống say nắng, say nóng, uống đủ nước khi làm việc ngoài trời vào lúc cao điểm nắng nóng trong ngày; bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Thứ ba, phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn, hướng dẫn người dân có biện pháp xử lý, dự trữ nước sạch cho sinh hoạt; đặc biệt nước dùng cho ăn uống, bảo quản, xử lý thực phẩm. Thứ tư, tăng cường giám sát các dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh do muỗi truyền bệnh, bệnh ngoài da… quản lý tốt các nguồn bệnh lây nhiễm, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường và diệt các véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, chuột); Thứ năm, chuẩn bị các tổ đội y tế cơ động, sẵn sàng cơ động hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu; phân công cán bộ y tế thường trực tại các khu vực lao động ngoài trời, sẵn sàng cấp cứu say nắng, say nóng cho người lao động. Thứ sáu, rà soát, bổ sung nguồn thuốc, dịch truyền, vật tư y tế dự trữ phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết… trong mùa nắng nóng. Thứ bảy, Sở Y tế và các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin và gửi báo cáo nhanh về dự trữ thuốc, hóa chất và trang thiết bị y tế, kết quả triển khai công tác y tế ứng phó với tình hình nắng, nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và đề xuất yêu cầu về Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế qua số điện thoại: 024.62732027; fax 024.62732207; email: pcthbyt@gmail.com. Hồng Thiết  

Phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung khổng lồ nặng hơn 2kg

TĐKT - Khoa Phụ sản và khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung nặng hơn 2 kg cho bệnh nhân Nguyễn Thị H, 47 tuổi, trú tại TP Tuyên Quang. Bệnh nhân H cho biết: Các đây khoảng 2 năm, bệnh nhân thấy đau bụng, đã đi khám và phát hiện có 1 khối u nhỏ bằng quả trứng gà, nên để theo dõi thêm. Khoảng 1 năm trước đến nay, bệnh nhân bắt đầu uống khoảng 350 ml nước mầm đậu nành mỗi ngày và thường xuyên ăn các thức ăn từ đậu nành (như đậu phụ…). Gần đây, để ý thấy bụng dưới nổi khối u to, nên ngày 18/7, bệnh nhân đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám lại, kết quả siêu âm cho thấy khối u có kích thước 88x145x147mm, gia đình bệnh nhân đều bất ngờ khi thấy khối u đã phát triển to rất nhanh. Bệnh nhân đã tin tưởng và quyết định lựa chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để phẫu thuật cắt bỏ khối u. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung nặng hơn 2 kg Bác sĩ CKI Phạm Thị Lan Hương, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trong 2 giờ phẫu thuật, kíp mổ mở ổ bụng, thấy khối u xơ tử cung to, dính cắm sâu trong tiểu khung, kíp mổ đã đã tiến hành gỡ dính khối u, cắt tử cung bán phần, để lại phần phụ bên phải, sau đó khâu cầm máu mỏm cắt mũi rời và cầm máu bằng dao điện. Hiện tại, sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện. Bác sĩ cho biết thêm: Nguyên nhân phụ nữ bị u xơ tử cung hiện nay vẫn chưa rõ, nhưng nhiều chuyên gia giả thuyết do cường nội tiết tố nữ estrogen (estrogen tiết ra nhiều và hoạt động mạnh). Với giả thuyết u xơ là do cường estrogen, u xơ tử cung sẽ không phát triển khi phụ nữ mãn kinh (cơ thể bị suy giảm thậm chí không tiết ra estrogen nữa). Từ đó, có quan điểm cho rằng nên tránh xa những yếu tố làm gia tăng sự hiện diện estrogen trong cơ thể người phụ nữ có u xơ tử cung, trong đó có đậu nành, vì nó có nhiều phytoestrogen, một hợp chất có các đặc tính tương tự estrogen. Việc uống sữa đậu nành có tác dụng rất tốt cho sức khỏe của các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đối với người bệnh có u xơ tử cung thì nên uống mầm đậu nành với liều lượng phù hợp, không nên ăn hoặc uống quá nhiều chế phẩm từ đậu nành mỗi ngày. Bởi chất estrogen thực vật có trong đậu nành có thể làm tăng kích thước của khối u lên to hơn khiến cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng, sẽ không tốt cho sức khoẻ của bệnh nhân. Khi thấy sức khỏe có dấu hiệu bất thường, nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị sớm. La Giang  

Tổng kết cuộc thi “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2/2019

TĐKT – Chiều 31/7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Họp báo tổng kết cuộc thi “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2/2019. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì họp báo. Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2 năm 2018 - 2019 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, được phát động từ ngày 2/1/2018 – 21/6/2019. Tính đến hết ngày 21/6/2019, Ban tổ chức đã nhận được 1046 tác phẩm của 4 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương. Kết quả có 19 tác phẩm báo in, 20 tác phẩm báo điện tử, 8 tác phẩm phát thanh, 13 tác phẩm truyền hình được chọn vào vòng chung khảo. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì họp báo Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm tham gia dự Giải năm nay tương đối sát với chủ đề và tiêu chí của Thể lệ Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Thể loại đa dạng, tập trung nhiều nhất là phóng sự điều tra, ký, chuyên luận. Nhiều phóng sự truyền hình, phát thanh, bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử công phu từ 3 đến 5 kỳ tập trung vào phản ánh các vụ án tham nhũng; công tác cải cách bộ máy hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều tác phẩm được thể hiện rất công phu và theo phong cách làm báo mới Mega Story như tác phẩm: “Ma trận vàng đen trong cơn khát … năng lượng” của nhóm tác giải Báo điện tử Vietnamplus. Các tác phẩm được lựa chọn vào chấm chung khảo có chất lượng khá tốt, nội dung đề tài đa dạng, bám sát tiêu chí của Thể lệ Giải đề ra như: Loạt bài về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đăng (3 bài) đăng trên Báo điện tử Lao động Bình Dương; loạt bài: Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng (5 bài) đăng trên Báo Lao động; loạt bài: Tham nhũng vặt: Hậu quả không hề “vặt” (4 bài) đăng trên Báo Điện tử Đảng cộng sản; loạt bài: Ninh Bình, dự án du lịch Tam Cốc - Bích Động đội vốn hơn 40 lần (4 bài); loạt bài: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Cần quyết tâm và biện pháp đồng bộ (3 bài) đăng trên Báo Long An… Đặc biệt, năm nay tham gia dự thi có tác phẩm, phim tài liệu về đề tài nhân vật điển hình trong phòng, chống lãnh phí, thực hành tiết kiệm  như: Phim tài liệu “Ông Lực cao tốc” phát sóng trên VTV8, Đài Truyền hình Việt Nam; hay tác phẩm “Ông lão 77 tuổi và hành trình hơn chục năm chống tham nhũng” đăng trên Báo Lao động điện tử…, qua đó, làm cho Giải thêm sinh động. Về hình thức, các tác phẩm phát thanh, truyền hình đã ngày càng có nhiều sáng tạo, hấp dẫn về hình thức thể hiện. Có tác phẩm truyền hình công phu, nhiều kỳ (5 tập). Nhiều tác phẩm phát thanh được thể hiện bằng các hình thức mới mẻ, hấp dẫn như phát thanh thực tế, có nhiều tiếng động hiện trường tạo ra sự sinh động hấp dẫn. Bên cạnh các tác phẩm của VOV, thì một số đài địa phương như Đài PT - TH Lâm Đồng, Đài PT - TH Hà Tĩnh, Đài PT - TH Quảng Ngãi, Đài PT - TH Hà Nội… cũng đã có sự đầu tư thích đáng để có những tác phẩm hay, phát huy được thế mạnh của phát thanh hiện đại. Các chương trình truyền hình của VTV và các đài địa phương như: Sóc Trăng, Thái Bình, Lai Châu, Thái Nguyên, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bạc Liêu… đã được đầu tư công phu và thể hiện với chất lượng hình ảnh tốt, cách thức làm tương đối hiện đại và thu hút sự chú ý của người xem. Tiêu biểu như: Tọa đàm Truyền hình: Vụ chạy thận Hòa Bình - Không để lọt tội phạm (4 chương) đăng trên Truyền hình Quốc hội; loạt bài: Những câu hỏi cần được giải đáp (3 phần), đăng trên Truyền hình Công an nhân dân; loạt bài: “Giải bài toán lãng phí đất đai Khu công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu long” (3 bài) đăng trên VOV1; loạt bài “Tái định cư liệu có an cư”, đăng trên Đài PT - TH tỉnh Thái Nguyên… Giải năm nay có sự tham gia tích cực của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quân đội, Truyền hình Quốc hội... làm cho Giải thêm phong phú. Dự kiến, chương trình trao giải cuộc thi “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2/2019 sẽ diễn ra vào ngày 15/8 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Mai Thảo

Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo cho cầu thủ ngoại xuất sắc nhất Việt Nam Oseni

TĐKT - Ngày 30/7, khoa Phẫu thuật Khớp, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TWQĐ 108) đã tiến hành nội soi tái tạo dây chằng chéo trước gối cho cầu thủ Ganiyu Bolaji Oseni, chân sút chủ lực của CLB Hà Nội. Oseni chính là cầu thủ ngoại xuất sắc nhất Việt Nam năm 2018. Tại V.League 2018  vừa qua, tiền đạo người Nigeria từng khoác áo CSKA Moscow này đã ghi 17 bàn thắng và góp công rất lớn vào chức vô địch của đội bóng thủ đô, Oseni từng tham gia đội tuyển U17 Nigeria FIFA U-17 World Cup năm 2007 giành chức vô địch; tham gia đội tuyển U23 Nigeria tại vòng loại Đại hội Thể thao châu Phi. Trước đó, khi vào nhập viện, cầu thủ Oseni được chẩn đoán sơ bộ bị tổn thương đứt một phần dây chằng chéo trước, rách sụn chêm ngoài quai xách. TS. Nguyễn Tiến Thành, khoa Phẫu thuật khớp – Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Các bác sĩ đã tiến hành đồng thời khâu phục hồi sụn chêm ngoài và tái tạo dây chằng chéo trước bằng kỹ thuật all inside, tăng cường thêm độ chắc của mảng ghép bằng kỹ thuật sử dụng interner brace (kỹ thuật bắc cầu bên trong) giúp bảo vệ dây chằng chắc chắn hơn. Đây là kỹ thuật mới nhất đang được sử dụng trên thế giới và lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam cho chấn thương trong thể thao.” Bác sĩ đang chăm sóc cho cầu thủ Oseni Hiện tại, sau phẫu thuật, sức khỏe của cầu thủ Oseni đã ổn định. Kết hợp với quy trình chăm sóc và tập luyện sau phẫu thuật, vận động viên có thể sẵn sàng chuẩn bị cho các giải đấu tiếp theo của câu lạc bộ. Phẫu thuật nội soi (PTNS) tái tạo dây chằng chéo khớp gối là một phẫu thuật tương đối khó, bởi vì người thực hiện phải đảm bảo không làm tổn thương đến các dây chằng chéo khác. Hơn nữa, phải có kỹ thuật cố định vùng mổ thật chắc và phải đặt thật đúng vị trí của dây chằng chéo ban đầu để tái tạo lại. Cùng với sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học, khoa Phẫu thuật khớp, Bệnh viện TWQĐ 108 là một trong những cơ sở thực hiện PTNS khớp gối đầu tiên trong cả nước từ những năm 1999. Hiện tại, mỗi năm khoa thực hiện khoảng 800 ca PTNS xử trí các tổn thương khớp, trung bình mỗi ngày khoa phẫu thuật từ 8 - 10 ca bệnh nhân bị đứt dây chằng do chấn thương vận động, đặc biệt là các chấn thương trong thể thao. Phẫu thuật nội soi tái táo dây chằng chéo khớp gối là kỹ thuật mới được áp dụng chỉ trong một vài năm trở lại đây tại Việt Nam và được thực hiện thường quy bởi các bác sĩ khoa Phẫu thuật khớp, Viện Chấn thương chỉnh hình với nhiều năm kinh nghiệm đã phẫu thuật cho nhiều cầu thủ đội tuyển quốc gia. Đây là địa chỉ tin cậy cho các vận động viên chuyên nghiệp thực hiện các phẫu thuật với hy vọng phục hồi để được tiếp tục chơi như trước. Mai Thảo

Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 1 bậc

TĐKT - Chiều 30/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý II/2019. Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo. Toàn cảnh họp báo  6 tháng đầu năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được quan tâm. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tích cực xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; thông qua 7 luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác; tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Công tác thẩm định VBQPPL đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng vừa qua, toàn ngành đã thẩm định 2.853 dự thảo VBQLPL, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 105 dự thảo. Việc triển khai các luật, nghị quyết do Quốc hội mới ban hành được các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện, qua đó, có những phản ứng chính sách kịp thời đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là với những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai những mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết quả thi hành án dân sự 8 tháng đầu năm 2019 cơ bản đạt tiến độ: Về việc đã thi hành xong 336.404 việc, đạt tỷ lệ 60,24%. Về tiền, đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,01%. Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2019: Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng 8 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm đã được xác định từ đầu năm, nhất là đối với các nhiệm vụ chưa hoàn thành. Triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ mới phát sinh. Trong đó, tập trung: Tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; thực hiện tốt nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Thực hiện tốt vai trò thành viên Tiểu Ban kinh tế - xã hội chuẩn bị Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ; triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện hiệu quả Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021"; Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022". Xây dựng và tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp. Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật Việt Nam và đề xuất phương án xây dựng, sửa đổi, bổ sung VBQPPL khi tham gia các hiệp định mới ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA). Phương Thanh

Phát động Chương trình nhắn tin "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2019"

 TĐKT - Chiều 30/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) phối hợp với Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 tổ chức Lễ phát động Chương trình nhắn tin "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2019" với cú pháp: DA CAM gửi 1409 (20.000 đồng/tin nhắn). Lễ phát động chương trình Chương trình nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên cả nước ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam vượt lên nỗi đau về tinh thần và thể xác, thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Phát biểu tại Lễ phát động, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA cho biết: Từ năm 2011 đến nay, hằng năm, VAVA đều tổ chức nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tổng số tiền thu được trong 8 năm là trên 19,3 tỷ đồng. Đây là một con số rất ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước và đời sống của nhân dân ta còn nhiều khó khăn. Con số nói trên không những là chỉ số phản ánh tình cảm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam mà còn làm cho hàng triệu người Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Tại sự kiện, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã phát động, kêu gọi toàn thể nhân dân trên cả nước chung tay cùng VAVA nhắn tin ủng hộ chương trình; công bố danh tính và ra mắt Đại sứ của chương trình. Ban tổ chức hy vọng nạn nhân Vương Thị Quyên - Đại sứ da cam năm nay sẽ là người truyền lửa cho đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ hiện nay về nghị lực vượt qua số phận, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Ngoài hình thức nhắn tin qua Cổng Thông tin nhân đạo 1400, Hội còn kêu gọi các cá nhân và tổ chức trên cả nước ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật hoặc chuyển tiền qua tài khoản của Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Toàn bộ số tiền ủng hộ được sử dụng để hỗ trợ nuôi dưỡng, khám, chữa bệnh, cấp thuốc, học nghề, tặng sổ tiết kiệm, sửa chữa nhà cho các nạn nhân chất độc da cam.  Nhân dịp này, Hội đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc hỗ trợ nạn nhân da cam năm 2018; tiêu biểu là Tổng công ty Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT, Tổng công ty Viễn thông Mobifone. Đồng thời, Hội đã trao quà cho nạn nhân chất độc da cam có nghị lực vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Mọi thông tin ủng hộ cho Chương trình, các tấm lòng hảo tâm có thể liên hệ: Số điện thoại của Chương trình: 19001530. Email: cong1400@vtc.vn Hoặc: Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Địa chỉ: Số 35 đường Hồ Mễ Trì, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Điện thoại: 02462652645. Email: tuyentruyenvava@gmail.com. Tài khoản nhận tiền ủng hộ: QUỸ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN VIỆT NAM Số tài khoản: 0031101234005, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Thanh Xuân. Phương Thanh

Bộ Y tế nâng cao công tác tổ chức cán bộ

TĐKT - Thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19 - NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, toàn ngành y tế đã tích cực triển khai thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, xây dựng bộ máy. Năm 2019, ngành y tế đã nghiêm túc, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, được Đảng và Chính phủ ghi nhận. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh Cùng với đó, về công tác xây dựng tổ chức bộ máy, ngành y tế đã thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy Trung ương gồm bộ máy quản lý hành chính tại Bộ Y tế và khối đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Kết quả: Bộ Y tế hiện có Đảng ủy Bộ Y tế và 20 tổ chức hành chính gồm 8 Vụ, 9 Cục, 1 Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ. Số lượng phòng trong các Vụ, Cục của Bộ được sắp xếp, thu gọn từ 94 cuống còn 59 phòng (giảm được 35 phòng tương đương 37,2% và giảm 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng). Bộ Y tế hiện có 82 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế, thời gian tới Bộ Y tế sẽ chỉ quản lý một số bệnh viện đầu ngành, là cơ sở thực hành của các Trường Đại học Y Dược và một số bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện hạng đặc biệt. Dự kiến, khi thực hiện lộ trình trên, Bộ Y tế chỉ quản lý trực tiếp khoảng 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tổ chức thực hiện việc đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế địa phương từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đến tuyến xã. Qua đó tinh gọn, kiện toàn lại bộ máy, đồng thời tăng cường đội ngũ nhân lực trực tiếp làm công tác chuyên môn, tiết kiệm được ngân sách Nhà nước. Về quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, vị trí việc làm, Bộ đã thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế từ năm 2016, mỗi năm giảm 1,6 đến 2%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế hành chính so với năm 2015. Hằng năm, các đơn vị thuộc Bộ chỉ tuyển dụng 50% số biên chế công chức đã giảm (do thực hiện chính sách tinh giản biên chế và do nghỉ hưu, thôi việc). Căn cứ Quyết định số 952/QĐ-BNV ngày 07/6/2018 của Bộ Nội vụ giao biên chế viên chức cho Bộ Y tế 20.877 người làm việc và 1.447 lao động hợp đồng theo quy định của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 14/5/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ-BYT về việc giao số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ gồm 53 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, 4 đơn vị sự nghiệp thuộc Cục, 3 đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục.    Với số lượng người làm việc đã giao là 14.105 người làm việc và 1.144 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Số lượng người làm việc có mặt đến 31/12/2018 là 19.829 viên chức, 1.351 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP và 5.697 hợp đồng lao động chuyên môn. Có 100% các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đã được phê duyệt Đề án vị trí việc làm, trong đó, tỷ lệ cơ cấu viên chức chuyên môn chiếm trên 65% để bảo đảm thực hiện cải cách hành chính, tăng cường chất lượng nhân lực có trình độ chuyên môn. Thực hiện chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế đang tích cực triển khai xây dựng danh mục vị trí việc làm ngành y tế; vị trí việc làm của các đơn vị hành chính trong ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng với nhiệm vụ mới là trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương đã đánh giá kết quả ban đầu về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW, Nghị quyết số 19 - NQ/TW làm cơ sở tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện trong toàn ngành y tế. Trong đó nhấn mạnh tự chủ trong các cơ sở khám, chữa bệnh, nhằm giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; khoản kinh phí này sẽ giúp cho việc mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách. Đồng thời cùng thống nhất nhận thức để triển khai toàn diện những quy định mới về công tác tổ chức cán bộ cho lãnh đạo đơn vị và phòng tổ chức cán bộ các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, các đơn vị tuyến tỉnh, địa phương cần chia sẻ các bài học kinh nghiệm đã đạt được trong việc tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy, công tác tự chủ nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong lĩnh vực y tế. Các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất xây dựng chính sách mới về công tác tổ chức cán bộ ngành y tế. Về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ: Thực hiện NQTW số 18/NQTW ngày 25/10/2019, một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của các Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ chở y tế và sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp. Ghi nhận những nỗ lực không ngừng đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã trao Bằng khen ghi nhận cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hiện công tác tổ chức cán bộ năm 2018. La Giang

Xe máy gây ra 70 - 90% các vụ tai nạn giao thông do lái xe sau khi uống rượu bia

 TĐKT - Ngày 26/7, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Hội ATGT Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc gia "Công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam". Toàn cảnh Hội thảo Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Minh Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ATGT Việt Nam cho biết: Hội thảo nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn tới mức độ an toàn của người điều khiển xe máy trong điều kiện Việt Nam, góp phần hỗ trợ cho quá trình xây dựng các chính sách nâng cao ATGT tại Việt Nam.  Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2012, ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt ngưỡng cho phép. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia (năm 2016), gần 40% các vụ TNGT xẩy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia. Mặc dù công tác tuần tra xử phạt, tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người uống về nhà đã và đang được tăng cường thực hiện, tình trạng uống rượu bia và lái xe (URB-LX) vẫn phổ biến, khiến tình hình tai nạn giao thông (TNGT) do hành vi này gây ra còn diễn biến phức tạp.  Thực tiễn này đòi hỏi phải thực hiện một nghiên cứu toàn diện về hành vi này để làm cơ sở khoa học xây dựng các giải pháp, chính sách hiệu quả. Nội dung của nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức do TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm làm trưởng nhóm. Nghiên cứu này có 3 mục tiêu: Xác định mối tương quan giữa thói quen uống rượu và TNGT trong quá khứ; xác định mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu (BAC) và xác suất xảy ra TNGT đối với người điều khiển mô tô, xe máy; đề xuất các giải pháp có tính mới để cắt giảm TNGT do URB-LX gây ra.  Đối tượng nghiên cứu là người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy. Nghiên cứu được tiến hành ở 3 địa phương (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội) từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy nam giới gây ra 80 - 90% các vụ TNGT do URB-LX, tai nạn xảy ra vào buổi tối (18h - 24h) và cao hơn vào các ngày cuối tuần. Xe máy gây ra 70 - 90% các vụ TNGT do URB-LX. Quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy hành vi URB-LX rất phổ biến, bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỷ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao, cụ thể 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.  Khảo sát, phân tích chuyên sâu tâm lý hành vi người điều khiển xe máy chung cho thấy người đi xe máy tự tiết lộ rằng hành vi URB-LX gây ra khoảng 11 - 17% các vụ TNGT đối với bản thân họ. Nam giới và người làm việc thời vụ có xu hướng URB-LX thường xuyên hơn các nhóm khác... Khảo sát, phân tích tâm lý hành vi các đối tượng bị TNGT do URB-LX cho thấy có một số nhận thức sai lầm của các nạn nhân: Nghĩ rằng lái xe máy sau khi uống rượu bia vẫn an toàn như mọi khi; đi quãng đường ngắn nên nghĩ là an toàn... Nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp, chính sách có tính đổi mới. Trong đó có các giải pháp luật pháp: Áp dụng zero BAC đối với người điều khiển xe máy; tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (Luật Xử lý vi phạm hành chính, lao động công ích). Các giải pháp tuyên truyền, giáo dục: Tuyên truyền qua các nạn nhân từng bị TNGT do URB-LX; dán poster cảnh báo tại các cơ sở phục vụ rượu bia; tăng cường cảnh báo từ người thân trong gia đình; chương trình giáo dục cho người tái vi phạm... Giải pháp về công nghệ và dịch vụ: Tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh; ứng dụng khóa liên động trên phương tiện mô tô, xe máy.  Phương Thanh  

Họp báo Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019

TĐKT - Ngày 25/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc cùng các đơn vị tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019. Họp báo chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019 Hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11); tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ năm 2015 đến nay, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với nội dung tuyên dương các thầy giáo, cô giáo và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ... Trong 4 năm qua, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 214 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo, các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng làm công tác dạy học, giúp đỡ học sinh đến trường. Chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và được dư luận xã hội đánh giá cao. Năm nay, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019, tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các lớp học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số, đang theo học. Các thầy giáo, cô giáo được tuyên dương là người có tư cách đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học, được phụ huynh, nhà trường và xã hội ghi nhận. Trong đó, ưu tiên các giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm, giáo viên trẻ lên vùng sâu, vùng xa dạy học, có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục. Mỗi thầy giáo, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương năm nay sẽ được nhận 1 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo kế hoạch, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 25/7/2019 đến hết ngày 25/9/2019. Dự kiến Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019 tại Thủ đô Hà Nội. Các thầy giáo, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số tham dự Lễ tuyên dương sẽ tham gia các hoạt động đầy ý nghĩa như: Vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thăm quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám; dự tổng kết 5 năm Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”; gặp mặt lãnh đạo Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc... Trong khuôn khổ Chương trình, Ban Tổ chức sẽ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy giáo, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số tại một số tỉnh, thành phố... Cũng trong dịp này, để đánh dấu chặng đường năm thứ 5 chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức với sự đồng hành của các đơn vị, Ban Tổ chức Chương trình phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Chia sẻ cùng thầy cô” để tri ân những đóng góp của các thầy giáo cô giáo trong toàn xã hội. Cuộc thi được phát động từ ngày 25/7 – 25/10/2019 cho đối tượng là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập trong và ngoài nước; nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước với nhiều giải thưởng có giá trị... Bên cạnh đó, Ban Tổ chức sẽ tiến hành tổng kết 5 năm Chương trình và xây dựng kế hoạch Chương trình cho các năm tiếp theo để tiếp tục tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp, sự cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của các thầy cô giáo. Mai Thảo

Trang