Chính trị - Xã hội

Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine

TĐKT - Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Điện Biên  chính thức tổ chức sự kiện “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine”... Theo báo cáo của Bộ Công an cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng hơn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 60% là nghiện các chất dạng thuốc phiện. Người nghiện chất dạng thuốc phiện, tiêm chích ma túy là nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV cao do sử dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy. Nghiện ma túy hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lớn. Do vậy, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho hàng triệu bệnh nhân bằng thuốc thay thế, chủ yếu là Methadone, Subuxone và Buprenorphine. Cắt băng khởi động chương trình điều trị nghiện bằng Buprenorphin Tại Việt Nam, điều trị Methadone đã được triển khai 10 năm qua ở tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc, với hơn 54.000 người bệnh đang được điều trị bằng Methadone. Mặc dù Methadone là biện pháp an toàn và hiệu quả cao, tuy nhiên, việc bệnh nhân phải đến cơ sở y tế hàng ngày để uống cũng là một trở ngại trong duy trì điều trị,  nhất là với bệnh nhân các tỉnh miền núi hoặc vùng sâu vùng xa. Đây là một trong những lý do Cục PC HIV/AIDS, Bộ Y tế bắt đầu triển khai điều trị Buprenorphine, là một giải pháp bổ sung cho điều trị Methadone. Về chuyên môn, Buprenorphine có tác dụng như Methadone, giúp người nghiện giảm và tiến đến ngừng lệ thuộc các chất dạng thuốc phiện khác, giảm hội chứng cai; phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B viêm gan C… Nhưng lợi thế của Buprenorphine là có tác dụng kéo dài nên bệnh nhân chỉ phải đến cơ sở y tế 2 - 3 ngày một lần ngậm thuốc khi đã đạt ổn định liều. Điều này giúp giảm thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt phù hợp với các bệnh nhân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; thuốc Buprenorphine cũng an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với Methadone và không tương tác với thuốc ARV, không gây tăng liều khi người bệnh dùng kết hợp 2 thuốc này. Điều này rất thuận lợi cho người bệnh đang điều trị Buprenorphine có kết hợp điều trị ARV. Tuy nhiên, phương thức sử dụng thuốc Buprenorphine phức tạp hơn Methadone. Do sử dụng đường ngậm dưới lưỡi, tan chậm nên thời gian người bệnh phải ngồi đợi thuốc tan hết khoảng 7 - 10 phút, thuốc có vị hơi đắng trong khi Methadone uống xong về được ngay. Giá thành thuốc Buprenorphine cũng đắt hơn khi so sánh cùng liều dùng với Methadone. Với những lợi ích chung, Bộ Y tế có chủ trương đưa thuốc Buprenophine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, không phải để thay thế MMT, mà là bổ sung thêm một sự lựa chọn cho người bệnh, đặc biệt phù hợp với bệnh nhân ở xa cơ sở y tế và các bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV. Cục đã ban hành các hướng dẫn chuyên môn; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; cung cấp đủ thuốc Methadone và Burprenorphine miễn phí cho các địa phương; thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; phối hợp với các địa phương đánh giá kết quả, liên tục cải tiến để nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng tốt nhu cầu của người bệnh và cộng đồng. Trên cơ sở kết quả từ các điểm điều trị ban đầu tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Nghệ An trong đợt này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng ra các tỉnh, thành phố trước mắt ưu tiên các tỉnh miền núi và sau đó mở rộng  trên toàn quốc. La Giang

Tăng cường vận động thể lực trong ngành Y tế

TĐKT - Bộ Y tế vừa ra Chỉ thị số 06/CT-BYT về việc tăng cường vận động thể lực trong toàn ngành Y tế. Bộ Y tế chỉ định mỗi cán bộ đi bộ 10.000 bước chân hoặc vận động tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Bộ Y tế vận động người dân tập thể dục mỗi ngày Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 - 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng. Hiện nay, tại Việt Nam, có khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và làm giảm tuổi thọ của người dân. Nhằm góp phần phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân, ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó vận động thể lực là một trong những lĩnh vực ưu tiên. Ngành Y tế cần phải gương mẫu tiên phong thực hiện để tạo hành động lan tỏa đến từng người dân, cộng đồng và toàn xã hội. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn ngành nghiêm túc thực hiện những nội dung sau: Tổ chức phát động và triển khai tập thể dục cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, đơn vị, bao gồm tập trong lúc giải lao của các buổi họp, giao ban; tập lúc giải lao buổi sáng, buổi chiều trong giờ làm việc. Vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực thực hiện vận động thể lực với các hình thức phù hợp như đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày hoặc luyện tập thể dục, thể thao và các hình thức vận động khác tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tăng cường vận động thể lực với các hình thức phù hợp cho sức khỏe. Tổ chức cung cấp các dịch vụ tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng và vận động thể lực cho người bệnh tại các cơ sở y tế và người dân tại cộng đồng, đặc biệt là đối với người có nguy cơ cao và người mắc các bệnh mạn tính. Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia vận động thể lực tại cơ quan, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân gương mẫu và tích cực tham gia thực hiện tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng. Hồng Thiết

Bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 - Ra Tuyên bố chung Hà Nam

TĐKT – Sáng 14/5, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam, Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2019 đã bế mạc và ra tuyên bố chung Hà Nam. Tới dự, về phía Việt Nam, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Đại lão hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Thượng tọa Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019. Về phía đại biểu quốc tế, có: Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan Tashi Dorji; Tổng Giám đốc UNESCO Armida Salsiah Alisjahbana; Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc – Hòa thượng Brahmanpundit. Cùng dự có các chư tôn đức, tăng ni, lãnh đạo GHPGVN, các Ban, viện Trung ương, các đại sứ, bộ trưởng, trưởng các phái đoàn ngoại giao quốc tế, cùng hàng ngàn đại biểu trong và ngoài nước. Toàn cảnh Lễ bế mạc Trong diễn văn bế mạc Đại lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó Thường trực Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 khẳng định, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc diễn ra tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đã thành công tốt đẹp. 1600 vị đại biểu đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng thuận Tuyên bố chung Hà Nam cho sự phát triển bền vững của cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới, góp phần xây dựng hòa bình nhân loại. Đồng thời, Hòa thượng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, nhà nước từ trung ương đến địa phương thuộc tỉnh Hà Nam, Ủy ban tổ chức quốc tế ICDV, các đơn vị tài trợ… đã chia sẻ, tạo điều kiện để Đại lễ thành công viên mãn. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã trở thành ngày hội văn hóa chan hòa tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, đoàn kết và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật, Phật minh triết được Liên Hợp Quốc suy tôn và nhân loại ngưỡng mộ. Đây đồng thời là nơi gặp gỡ của Phật tử và những người yêu chuộng hòa bình, tiếp tục giương cao ngọn cờ nhân văn, hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, kết nối sức mạnh của tinh thần đoàn kết, gắn bó, tinh thần nhập thế và sự nỗ lực cùng nhau hành động của những người con của Đức Phật trên khắp thế giới, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội. Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã được tuyên xưng trong tinh thần dân chủ, hòa hợp và trách nhiệm lớn lao. Các ý nguyện tốt đẹp về một thế giới hòa bình, về một xã hội phát triển bền vững đã được thể hiện thống nhất thông qua Tuyên bố chung Hà Nam – Vesak 2019, khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. “Với những đóng góp đó, chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng của nhân loại và những bất ổn của xã hội như chiến tranh, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khổ đau của nhân loại, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề đói nghèo và biến đổi khí hậu… từng bước được đẩy lùi. Tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ để thông điệp về hòa bình và yêu thương của Đức Phật luôn tỏa sáng.” – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh. Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan Tashi Dorji trao món quà của Quốc vương Bhutan tặng Đại lễ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 diễn ra từ ngày 12 -14/5 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam. Các chư tôn đức giáo phẩm, các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự trọng thị của GHPGVN cùng những hỗ trợ quý báu của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc tổ chức Đại lễ và Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ của Đại lễ một cách trọn vẹn và tốt đẹp. Sau 3 ngày làm việc, thuyết trình học thuật, thảo luận, trao đổi chuyên sâu, tham gia các sự kiện văn hóa và thắt chặt tình thân hữu Phật giáo, tất cả đại biểu đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Hà Nam 2019 với 8 điều cơ bản: Cam kết chung cùng thực hiện đầy đủ các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; hồi đáp của Phật giáo về trách nhiệm cùng chia sẻ; cách tiếp cận Phật giáo về xã hội bền vững; lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững; cách tiếp cận Phật giáo về gia đình hài hòa, y tế và xã hội bền vững; cách tiếp cận Phật giáo đối với giáo dục toàn cầu về đạo đức; Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững. Phương Thanh

343 tham luận tiếng Anh tại Hội thảo khoa học quốc tế nhân Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019

TĐKT - Ngày 13/5, tại điện Tam Thế thuộc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế bằng tiếng Anh với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Hội thảo đã thu hút hàng trăm chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu, Phật tử tham gia tại mỗi diễn đàn. Diễn đàn Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững Gắn liền với chủ trương của Liên hợp quốc và mối quan tâm của quốc gia tổ chức, các chuyên đề Hội thảo Phật giáo thế giới và tuyên bố Hà Nội, Ninh Bình và Hà Nam là sự đóng góp của Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời đóng góp vào giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu. Ngày nay, thế giới có quá nhiều biến đổi lớn nên cụm từ “phát triển bền vững" và "lãnh đạo toàn cầu” tại Hội thảo càng ý nghĩa hơn. Phật pháp nhấn mạnh đến việc thấu hiểu kinh Phật khi xử lý các vấn đề thế giới phải đối mặt, tìm hiểu đặc điểm và bối cảnh thay đổi trong thời hiện tại cần phải nhận thức triết lý Phật giáo cũng như tập trung làm sáng tỏ bản chất trong cách tiếp cận của nhà Phật. Nói về chủ đề chính của Vesak 2019 - “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” – Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trên nền tảng của tầm nhìn và trách nhiệm toàn cầu. Hòa thượng đề nghị áp dụng Bát Chánh đạo như giải pháp hữu hiệu cho các vấn nạn toàn cầu, theo đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hướng đến việc xây dựng xã hội bền vững và hòa bình thế giới. Phân tích về chủ đề chính của Vesak 2019, Giáo sư S. R. Bhatt, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Triết học Ấn Độ chứng minh sự thích ứng của lời Phật dạy trong xã hội đương đại, đề cao lối sống hòa hợp nhằm chia sẻ tương lai. Theo tác giả, cần phát triển sự toàn cầu hoá về đời sống tinh thần như nền tảng phát triển bền vững, bên cạnh sự thành tựu các mục đích vật chất. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận ở 5 diễn đàn: Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững. Đã có 343 tham luận bằng tiếng Anh tham gia Hội thảo, hơn 100 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại các diễn đàn. Với rất nhiều câu hỏi vấn đáp và phần thảo luận sôi nổi, Hội thảo quốc tế đã đi đến thống nhất một số giải pháp để giải quyết và hướng đến vấn đề cho cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Phương Thanh

Lực lượng chức năng phá chuyên án lớn, thu gần nửa tấn ma túy tại Thành phố Hồ Chí Minh

TĐKT - Khoảng 16h ngày 11/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì, có sự phối hợp của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các quận Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Dương phá thành công chuyên án 719ĐL và chuyên án số M918. Hai chuyên án này do Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh xác lập về đường dây buôn bán vận chuyển trái phép ma túy do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu, vận chuyển trái phép ma túy Ketamine với số lượng lớn nhất từ trước đến nay để đi nước thứ ba tiêu thụ (trị giá gần 500 tỷ đồng). Đây là loại ma túy khan hiếm, do độ ảnh hưởng cực mạnh, thẩm thấu nhanh gấp nhiều lần so với ma túy khác. Cơ quan chức năng giám định số ma tuý Kết quả: Bắt quả tang đối tượng Jhu Minh Jyun, sinh năm 1987, người Đài Loan, thu giữ 500 kg Ketamine, 1 ôtô Innova, 4 máy ép bao bì tại kho hàng ở huyện Bình Chánh do đối tượng thuê. Ban chuyên án đồng loạt bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở các đối tượng: Liu Minh Yang (quốc tịch Đài Loan – Trung Quốc), trú tại Tân Bình, là đối tượng chủ mưu, cầm đầu hoạt động đường dây tội phạm trên; Nguyễn Thị Thu Vân (quốc tịch Đài Loan – Trung Quốc), trú tại Tân Phú, là bạn gái Jhu Minh Jyun, giúp sức cho Jhu Minh Jyun và phiên dịch; Tô Gia Mỹ (quốc tịch Trung Quốc) vai trò phiên dịch và giúp việc cho Jhu Minh Jyun. Liu Minh Yang chỉ đạo Jhu Minh Jyun nhập cảnh vào Việt Nam ngày 14/3/2019, vận chuyển 4 máy ép về kho hàng tại Bình Tân để cất giấu ma túy. Do các lực lượng chức năng Bộ Công an, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đấu tranh quyết liệt và bắt giữ nhiều vụ ma túy trong thời gian qua, Liu Minh Yang đã chỉ đạo Jhu Minh Jyun chuyển về kho hàng mới tại huyện Bình Chánh. Trong khi đang thực hiện hành vi vận chuyển thì đối tượng bị Ban chuyên án của Công an – Hải quan phối hợp bắt quả tang. Trước đó, ngày 10/5, qua nghi vấn từ tin báo về việc các đối tượng thuê hàn gia cố 6 trục ru-lô của 3 máy ép bao bì tại kho hàng huyện Bình Chánh, Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng – Trưởng ban chuyên án Cục Hải quan thành phố chỉ đạo Đội Kiểm soát ma túy Cục chia thành 5 tổ, chuẩn bị 3 phương án phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trinh sát, bắt giữ các đối tượng và tang vật trên. Đây là chuyên án theo dõi nhiều ngày, thể hiện điển hình về sự phối hợp của Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt, thường xuyên của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đồng thời có sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhằm tập trung đấu tranh với tổ chức tội phạm xuyên quốc gia do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu vận chuyển ma túy về Việt Nam với số lượng lớn đi nước thứ ba tiêu thụ với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Hồng Thiết

Tặng thẻ BHYT cho hai con của nữ công nhân tử nạn

TĐKT – Ngày 12/5, đại diện lãnh đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam đã tới thăm hỏi, trao tặng thẻ BHYT và quà hỗ trợ hai con của chị Lê Thị Thu Hà ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Trao quà ủng hộ hai cháu con chị Hà Trước đó, tối 22/4, khi đang làm việc trên đường Láng, chị Lê Thị Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã bị xe ô tô 29A-784.09 do Đỗ Xuân Tuyên (sinh năm 1970, trú tại 93A - ngõ 409 Kim Mã, Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội) điều khiển gây tai nạn liên hoàn đâm vào chị Hà khiến chị tử vong tại chỗ. Thay mặt Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Truyền thông gửi lời chia buồn sâu sắc trước nỗi đau mất mát của gia đình chị Lê Thị Thu Hà và trao cho gia đình món quà gồm tiền ủng hộ trực tiếp và tặng thẻ BHYT cho hai cháu con chị Hà. Số tiền được quyên góp từ toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại Trung tâm. Ngoài số tiền mặt trao trực tiếp cho gia đình, số tiền mua thẻ BHYT cho hai cháu được chuyển về BHXH TP Hà Nội để hàng năm thực hiện gia hạn thẻ cho hai cháu từ ngày 1/1/2020 cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi, do cả hai cháu Đức Anh và Đức Hiếu đều đang tham gia BHYT học sinh tại nhà trường và thẻ BHYT của các cháu có hạn sử dụng đến 31/12/2019. Được biết hoàn cảnh gia đình chị Hà rất khó khăn. Sau khi ly thân, chị Hà và các con sống cùng mẹ đẻ trong căn nhà cấp 4 tại ngõ 81, Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Ngoài làm lao công hàng đêm, ban ngày, chị Hà còn chạy xe ôm grab nuôi 2 con ăn học. Con trai lớn của chị là cháu Trần Đức Anh (15 tuổi), học lớp 9A6 Trường THCS Khương Thượng, quận Đống Đa; con trai út là Trần Đức Hiếu (12 tuổi), học lớp 6A9 cùng trường này. Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam Dương Ngọc Ánh cho biết: BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, luôn đồng hành trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Ngành BHXH đang cố gắng để đưa BHYT đến với mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, vùng sâu, vùng xa… Trước hoàn cảnh khó khăn của hai cháu con của chị Lê Thị Thu Hà, Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam mong muốn chung tay cùng gia đình chăm sóc sức khỏe cho các cháu thông qua việc tặng các cháu thẻ BHYT. Cháu Trần Đức Anh xúc động chia sẻ, kể từ khi mẹ mất, cháu nhận sự chia sẻ tình cảm cũng như sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam, đặc biệt tấm thẻ BHYT là nguồn động viên rất lớn, giúp cháu vượt qua khó khăn, yên tâm học tập và không phải lo nặng gánh chi phí nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Sự quan tâm chia sẻ của Trung tâm sẽ là nguồn động viên tinh thần vô cùng quý giá, giúp gia đình và hai cháu Đức Anh, Đức Hiếu vượt qua nỗi đau, cố gắng sống có ích. La Giang  

Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y - Dược Việt Nam lần thứ 26 tại Hà Nội kết thúc thành công

TĐKT - Sau ba ngày tổ chức, ngày 11/5, Triển lãm Y Dược quốc tế chuyên ngành Y – Dược Việt Nam lần thứ 26 đã kết thúc thành công. Tiếp nối thành công của 25 triển lãm trước đây. Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y - Dược Việt Nam lần thứ 26 là dịp để các nhà sản xuất, phân phối, kinh doanh trong nước và quốc tế giới thiệu các thành tựu, sản phẩm công nghệ tiên tiến của ngành Y Dược đến công chúng Việt Nam; là cơ hội giúp các nhà đầu tư tìm hiểu thị trường kinh doanh, các quy định pháp luật Việt Nam, giúp các nhà chuyên môn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà sản xuất, phân phối nhằm đưa ra các sản phẩm mới vào thị trường Việt Nam cũng như ra thế giới góp phần trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân... Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y - Dược Việt Nam (Vietnam Medi- Pharm) là triển lãm thường niên từ năm 1994, đến nay đã trở thành triển lãm chuyên ngành uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Triển lãm là nơi giới thiệu những tiến bộ, thành tựu mới của ngành Y - Dược Việt Nam và thế giới, tuyên truyền chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác y tế, hợp tác đầu tư và giới thiệu những thành tựu nổi bật của ngành Y tế Việt Nam trong những năm qua; tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm. Triển lãm năm nay có quy mô hơn 9.000 m2, quy tụ 550 gian hàng của 450 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, nổi bật là khu trưng bày của Bộ Y tế với chủ đề “Sức khỏe Việt Nam” tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác y tế; những hoạt động đổi mới tích cực, những thành tựu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế Việt Nam năm 2019. Cùng với đó là các gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Đặc biệt năm nay, Ban tổ chức triển lãm Hội Y học Dự phòng Việt Nam và các đơn vị đồng hành phối hợp tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc và Triển lãm Y tế dự phòng với chủ đề “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”. Cùng với đó là các hoạt động tư vấn, hỏi đáp thông tin về pháp luật, thị trường dược phẩm, trang thiết bị y tế; tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền hiến máu nhân đạo; hoạt động trải nghiệm các thiết bị y tế, thiết bị giám sát sức khỏe hàng ngày... Hồng Thiết  

Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch

TĐKT - Ngày 11/5, trong khuôn khổ Triển lãm chuyên ngành Y Dược quốc tế 2019, Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Hội Tim mạch TP Hà Nội, Hội Người cao tuổi TP Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên môn cập nhật chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Trương Quang Việt phát biểu tại Hội nghị Theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm, loại bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, được coi là "kẻ giết người thầm lặng" khi gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, mạch máu... Nguy hiểm hơn, theo cảnh báo của chuyên gia y tế, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh này ngày càng có xu hướng tăng lên một cách rất rõ rệt ở nước ta do nhiều nguyên nhân; đặc biệt, bệnh đang có chiều hướng trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn trong độ tuổi lao động. Theo Tổng điều tra toàn quốc về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam năm 2015, hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Để phòng, chống bệnh tăng huyết áp, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Trương Quang Việt khuyến cáo người dân cần kiểm tra huyết áp thường xuyên bởi đây là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Mọi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua các lần đi khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế... Bên cạnh đó, bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh theo khuyến cáo dưới đây: Chế độ ăn hợp lý: Dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Duy trì cân nặng hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ. Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào, hạn chế uống bia rượu. Tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tránh các lo âu, căng thẳng, sống tích cực, nghỉ ngơi hợp lý. Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Người bị bệnh tăng huyết áp bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc. Hồng Thiết

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019: Hiện thực hóa thông điệp về hòa bình, đoàn kết, yêu thương

TĐKT – Sáng 12/5, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế chùa Tam Chúc, Hà Nam. Gần 3000 đại biểu chính thức tham dự Đại lễ, trong đó có 1650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đại biểu dự Lễ khai mạc Dự Lễ khai mạc, về phía Việt Nam có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019; các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Hiện diện tại Đại lễ Vesak năm nay có nhiều nguyên thủ quốc gia: Tổng thống Myanmar Win Myint, Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli, Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu, Chủ tịch Thượng viện Bhutan Tashi Dorji... Cùng dự có: Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Armida Salsiah Alisjahbana; Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc – Hòa thượng Brahmanpundit; trưởng các phái đoàn ngoại giao quốc tế; các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức, học giả Phật giáo trên thế giới. Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 Sau các nghi thức cung rước Chư Tôn đức giáo phẩm, tăng thống và các nguyên thủ Quốc gia; xưng tán Tam bảo, niệm danh hiệu Phật, Hòa thượng Thích Trí Quảng, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc Thông điệp của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong thông điệp, Pháp chủ kêu gọi tất cả tăng, ni, Phật tử noi gương bậc Giác ngộ - Đức Thích Ca Mâu Ni vĩ đại, luôn ứng dụng giáo lý của ngài để kiến lập một nếp sống lành mạnh, xây dựng nhân gian hạnh phúc và thế giới hòa bình. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019 phát biểu chào mừng Đại lễ Trong diễn văn chào mừng Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019 cho biết: Chủ đề của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống. Qua đó, cho thấy thái độ tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hóa giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo ngày càng được khẳng định. “Thông điệp của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 tại Việt Nam kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân hành động nhập thế chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại của chúng ta. Đại lễ Vesak 2019 sẽ mang lại tâm thiện lành, trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất của Phật giáo thế giới, tạo nguồn cảm hứng và hướng tới sự nhập thế xã hội, phụng sự nhân sinh, giải phóng khổ đau, mang lại an vui, thịnh vượng và phát triển bền vững cho nhân loại trên hành tinh này.” - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Phát biểu tại Đại lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Đại lễ Vesak là sự thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Liên Hợp Quốc tới hoạt động mang tính xã hội rộng rãi vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đồng thời duy trì, nuôi dưỡng và phát huy giá trị tích cực trong triết lý của đạo Phật để cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, về truyền thống văn hóa giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Việt Nam tự hào được Liên Hợp Quốc chọn để tổ chức Đại lễ Vesak 2019, với sự tham gia của lãnh đạo, các thông thái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia và sự thành kính, hướng tâm về Đại lễ của muôn người yêu kính Phật giáo khắp nơi. Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2019, chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật và cùng suy ngẫm về chân lý hòa bình, về tinh thần khoan dung, lòng từ bi, đồng thời phát huy những chân lý đó vào thực tiễn cuộc sống, giảm thiểu xung đột và khổ đau, thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển của các quốc gia, các dân tộc, cùng xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc cho toàn nhân loại. Đó là một sự đồng điệu các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì phát triển bền vững, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao chủ đề thảo luận của Đại lễ Vesak lần này, thể hiện trách nhiệm của Phật giáo với hiện thực và tương lai xã hội, cũng như thông điệp từ Đại lễ - mỗi người chúng ta chính là sứ giả của Đức Phật, hãy cùng quan tâm, chia sẻ, hiện thực hóa thông điệp về hòa bình, đoàn kết, yêu thương vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đẩy lùi những xung đột, đói nghèo, đưa con người tới cuộc sống an vui, làm tỏa sáng ý nghĩa của Vesak trong khắp cõi nhân gian, kiến tạo cõi niết bàn trong thế giới hiện thực. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo. Phật giáo là tôn giáo có lịch sử từ lâu đời, gắn bó sâu sắc với văn hóa, truyền thống và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.  Trong nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển và  lớn mạnh, thể hiện rõ ý chí hòa hợp, đoàn kết, thống nhất, khẳng định vị trí, vai trò, góp phần xây dựng đất nước. Việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam quan tâm, tôn trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hướng con người tới chân – thiện – mỹ, phù hợp với văn hóa, đạo đức và lối sống hướng thiện của con người Việt Nam.  “Việt Nam sẵn sàng tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhân dân trên toàn thế giới có tinh thần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị vì sự hòa hợp giữa các dân tộc, góp phần củng cố những giá trị văn hóa cao đẹp của toàn nhân loại. Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới.” - Thủ tướng Chính phủ khẳng định. Phương Thanh

Liệu pháp miễn dịch và tế bào gốc trong phòng chống, điều trị ung thư, đái tháo đường

TĐKT – Ngày 10/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam – 2019 đã diễn ra Hội thảo – toạ đàm “Liệu pháp miễn dịch và tế bào gốc trong phòng chống, điều trị ung thư, đái tháo đường – Các thành tựu trong y tế dự phòng Nhật Bản”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày và cập nhật về thực trạng và cập nhật những tiến bộ khoa học trong việc phòng, chống, điều trị bệnh ung thư, đái tháo đường tại Việt Nam thông qua các chủ đề: Thực trạng và các biện pháp phòng, chống, điều trị ung thư tại Việt Nam; kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư tại Nhật Bản; liệu pháp miễn dịch và tế bào gốc trong phòng chống, điều trị ung thư và bệnh tiểu đường… Các đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi tại Hội thảo - toạ đàm Bác sĩ Takaaki Matsuoka – Viện trưởng Trung tâm tế bào gốc Helene (Nhật Bản) cho biết, liệu pháp tế bào gốc giúp bổ sung các tế bào gốc khoẻ mạnh, tăng số lượng các tế bào quan trọng bị giảm đi do quá trình lão hoá hoặc do bệnh tật. Các tế bào gốc tách từ mẫu tế bào của bệnh nhân sẽ được nuôi cấy để đạt số lượng tăng trưởng và trạng thái tốt nhất, sau đó sẽ được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân bằng đường truyền tĩnh mạch. Còn liệu pháp miễn dịch là dùng chính tế bào miễn dịch của cơ thể để đưa ra ngoài nuôi cấy và hoạt hoá lên, sau đó truyền lại vào cơ thể nhằm làm tăng khả năng tự miễn dịch. “Đây được kỳ vọng là phương pháp điều trị ung thư của tương lai, đem đến hy vọng tươi sáng hơn cho các bệnh nhân ung thư toàn thế giới”, bác sĩ Takaaki Matsuoka nhận định. Hiện nay, trước xu hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh, cùng với kết quả tuổi thọ trung bình của người Nhật cao nhất thế giới trong nhiều thập kỷ gần đây, Ban tổ chức mong muốn đưa các ứng dụng công nghệ y học dự phòng tiên tiến của Nhật Bản về Việt Nam nhằm cải thiện và nâng cao sức khoẻ của người dân. Hồng Thiết

Trang