Chính trị - Xã hội

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các tỉnh Bắc Trung Bộ

TĐKT - Ngày 18/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đến dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Giám đốc Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ TS Hà Văn Thuý và đại diện Ngân hàng Thế giới (WB). Toàn cảnh Hội nghị Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hỗ trợ hệ thống y tế 6 tỉnh Bắc Trung Bộ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) và y tế dự phòng (YTDP), đặc biệt là ở tuyến huyện, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân có khó khăn về kinh tế, góp phần nâng cao sức khoẻ của nhân dân trong vùng. Với mục tiêu đó, Dự án đã tập trung hỗ trợ cho hệ thống cung ứng dịch vụ y tế để nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ đồng thời hỗ trợ để người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận đến các dịch vụ y tế. Cụ thể: hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và y tế dự phòng tuyến huyện thông qua cung cấp trang thiết bị y tế; hỗ trợ để phát triển và triển khai tốt các chính sách bảo hiểm y tế cho người cận nghèo... Hỗ trợ kinh phí cho người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, với mục tiêu đầu ra là đến cuối dự án sẽ có khoảng 40% người cận nghèo được Dự án hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Ngay từ năm đầu tiên triển khai, Dự án đã vượt mục tiêu đề ra, cụ thể: năm 2014, khoảng 70% người cận nghèo được Dự án hỗ trợ mua thẻ  BHYT; năm 2015 là 65%. Nhờ đó đã nâng tỷ lệ bao phủ BHYT cho người cận nghèo toàn vùng lên trên 90%. Mặt khác, để khuyến khích các cộng tác viên vận động người cận nghèo mua thẻ BHYT, năm đầu dự án hỗ trợ 2% mệnh giá thẻ BHYT cho các đối tượng này thông qua hệ thống BHXH địa phương. Nhờ có nhiều giải pháp tích cực nên người cận nghèo được hỗ trợ mua BHYT và độ bao phủ BHYT cho người cận nghèo rất cao mà chi phí truyền thông thấp. Tính từ khi thành lập đến cuối tháng 12/2016, dự án đã giải ngân được 62.592.056 USD, trong đó vốn WB đã giải ngân được 59.803.829 USD đạt 98,14% tổng số vốn WB. Theo Giám đốc Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ TS Hà Văn Thuý cho biết: Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ là một trong số các dự án với những hoạt động thiết thực, có chiến lược phù hợp, định hướng chính sách và can thiệp phù hợp với thực tế yêu cầu và năng lực triển khai của các địa phương. Trong suốt quá trình hơn 6 năm triển khai, Dự án không cần có những điều chỉnh lớn về thiết kế, chỉ có một số điều chỉnh nhỏ để phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế, đảm bảo Dự án triển khai hiệu quả hơn. Hơn hết, Dự án được triển khai đúng kế hoạch, kết thúc đúng thời gian quy định mà không cần gia hạn; đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra cho Dự án; tỷ lệ giải ngân gần 100%. Kết quả đạt được của Dự án hỗ trợ y tế cho các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ là nền tảng để thực hiện các dự án tiếp theo. Tại Hội nghị tổng kết, lãnh đạo Bộ Y tế đã khen thưởng 12 đơn vị đã có thành tích trong quá trình thực hiện Dự án. Hồng Thiết

Dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp

TĐKT - Chiều tối 17/8, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã tổ chức họp với Sở Y tế Hà Nội và chỉ đạo thực hiện các giải pháp khống chế dịch bệnh. Đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội trong gần 8 tháng qua đã ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.   Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp khẩn về dịch sốt xuất huyết Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô có dấu hiệu chững lại. Tuần qua, toàn thành phố phát hiện 3.440 bệnh nhân sốt xuất huyết, giảm 7 trường hợp so với tuần trước đó. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 17.400 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều nhất so với số ca mắc cả năm của 10 năm trở lại đây. 7 bệnh nhân trong số đó đã tử vong. Đến nay, Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô tô, 10 máy phun mù nóng, 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất diệt muỗi nhằm phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Các quận, huyện của thành phố đã thành lập 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 nghìn người tham gia, đã xử lý hơn 210.000 dụng cụ chứa nước có bọ gây. Tuy nhiên, 12 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội nhận định: hoạt động của các đội xung kích ở các địa phương chưa hiệu quả. Trưởng Khoa Côn trùng và Động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Trần Vũ Phong cho biết, mật độ muỗi có dấu hiệu giảm sau khi phun hóa chất nhưng các ổ bọ gậy vẫn còn nhiều và rất khó tìm; có gần 97% dụng cụ chứa nước đọng ở các nghĩa trang có chứa ổ bọ gậy. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, các cơ sở y tế không để bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép, không truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân có chỉ định truyền dịch thì phải nằm viện không được cho về nhà. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu sâu hơn về sự gia tăng của vi rút truyền bệnh. TP Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi của người dân cũng như phổ biến các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, Hà Nội cần quyết tâm hơn trong việc phun hóa chất trên diện rộng bằng máy công suất lớn trên xe ô tô, kết hợp máy đeo vai vào từng nhà dân. Cơ bản nhất vẫn là thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước. Về điều trị bệnh nhân, dứt khoát phải phân loại bệnh, không cần thiết thì không cho nhập viện để tránh lây chéo, tránh quá tải. Hồng Thiết

Tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ

TĐKT - Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017). Chủ trì Hội nghị, có: Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ của Bộ Quốc phòng. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, thông qua nhiều hình thức, biện pháp phong phú, thiết thực. Các cá nhân được tặng Bằng khen của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Bộ Quốc phòng đã chủ trì nghiên cứu, trình Ban Bí thư đề án về chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng... Các cơ quan, đơn vị chủ động, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương huy động được nhiều nguồn lực, nhất là sự đóng góp sức người, sức của của bộ đội trong các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Toàn quân đã xây dựng gần 1.500 căn nhà tình nghĩa, đạt gần 300% so với kế hoạch; hơn 1.000 căn “nhà đồng đội”, “ngôi nhà 100 đồng”, nhà “mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội”; phụng dưỡng hơn 1.900 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các đơn vị từ cấp sư đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt, tặng quà người có công trên địa bàn và thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội với số tiền gần 268 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, số tiền hơn 19 tỷ đồng. Các đơn vị tạo việc làm cho 31 con liệt sĩ, 121 con thương binh; thẩm định 218 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập 1.833 hài cốt liệt sĩ. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân đóng góp hơn 38.000 ngày công; hỗ trợ hơn 65 tỷ đồng xây dựng, tu sử, tôn tạo hơn 80 công trình ghi công liệt sĩ... Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ đã góp phần giáo dục, khẳng định công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước; ý chí bất khuất chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tăng cường niềm tin của đối tượng chính sách và toàn dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội; củng cố, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Tại Hội nghị, 154 tập thể, 161 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; 1 tập thể, 13 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn, đáp nghĩa”, tham mưu chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ. Phương Thanh

Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư Hà Nội

TĐKT - Ngày 17/8, Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thành niên nhập cư Hà Nội”. Dự án do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ thông qua Tổ chức Plan International, triển khai tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư (độ tuổi 18 - 30) ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, tăng cơ hội việc làm bền vững (theo định nghĩa của Tổ chức lao động quốc tế ILO). Theo cuộc điều tra tháng 5/2017 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện đang tồn tại một tình trạng khá phổ biến là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là nữ công nhân, phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Họp báo giới thiệu dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thành niên nhập cư Hà Nội” Theo kết quả một cuộc điều tra khác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% công nhân làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán hàng nước, 12,1% làm công việc tự do. Theo kết quả khảo sát với nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) do các đơn vị triển khai dự án tiến hành vào tháng 11/2016, hơn 80% số người tham gia khảo sát cho biết công việc hiện nay mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau khi nghỉ việc; 53,3% số được hỏi cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn; 75% trong tổng số tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn được bắt đầu công việc kinh doanh để ổn định thu nhập. Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” mang đến các cơ hội tham gia các khóa đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, kết nối việc làm và tự kinh doanh, giúp các nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư hiện đang sinh sống tại huyện Đông Anh có việc làm bền vững.  Bên cạnh đó, các điểm tư vấn sẽ được thành lập để cung cấp thông tin, tư vấn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Đồng thời, dự án còn thúc đẩy việc thành lập mạng lưới doanh nghiệp cam kết việc làm bền vững và bình đẳng giới cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư. Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của toàn thể người dân, các chủ nhà trọ tại huyện Đông Anh, các doanh nghiệp sử dụng lao động chung tay xây dựng môi trường sống, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, không kỳ thị với nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn thành phố.   Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; 800 người được đào tạo tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo; 100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện. Dự án sẽ do Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng - Ánh sáng (LIGHT) và tổ chức Plan International Việt Nam triển khai tại huyện Đông Anh, Hà Nội từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2019. Mai Thảo

Đại hội Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ IV

TĐKT - Sáng 17/8, tại Hà Nội, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2017 - 2021. Hội Thông tin KHCN Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của công dân và các tổ chức Việt Nam. Hội đã tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên và đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, phản biện, giám định xã hội, truyền bá tri thức và phổ biến thông tin khoa học trên phạm vi cả nước, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, KHCN của đất nước. Qua 17 năm hoạt động, đến nay Hội đã có bước phát triển quan trọng. Hiện Hội có 2 hội thành viên (ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) và 43 hội viên, với mạng lưới trải rộng từ trung ương đến các địa phương, bao quát hầu hết các tổ chức thông tin KHCN tại các bộ, cơ quan ngang bộ, viện hàn lâm và một số doanh nghiệp, tại các Sở KHCN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều Khoa Thông tin - Thư viện và Trung tâm Thông tin - Thư viện... Đại hội Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ IV Hội đã thể hiện một cách tích cực vai trò của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cùng các hội viên thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức nhiều lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên, cán bộ thông tin; tổ chức các hội thảo khoa học về chuyển giao công nghệ và những vấn đề thiết thực phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, các hội viên của Hội và nhiều nhà khoa học đã tham gia nghiên cứu và góp ý kiến cho Dự thảo Hiến pháp, Dự thảo Luật KHCN 2013, Dự thảo Luật Thư viện, Nghị định Chính phủ 2014 về hoạt động thông tin KHCN... Hai xuất bản phẩm định kỳ của Hội là Tạp chí Thông tin và Phát triển, Báo điện tử Một Thế Giới thường xuyên mở rộng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước và phổ biến kiến thức KHCN, bảo vệ môi trường tới cộng đồng. Phương hướng nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ 2017 - 2021 tập trung vào những nội dung quan trọng: tiếp tục tập hợp đội ngũ trí thức thông tin KHCN, phát triển hội viên mới, mở rộng mạng lưới hội viên tới các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động, ứng dụng KHCN, gắn kết các hội viên với nhau, hướng vào việc đảm bảo thông tin hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội và KHCN. Cùng với đó, thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động xây dựng và tích hợp nguồn lực thông tin KHCN Quốc gia, phổ biến thông tin KHCN cho hoạch định chiến lược, chính sách, cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh... Tổ chức và tham gia thực hiện tư vấn, phản biện các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, phát triển KHCN trên nền tảng nguồn lực thông tin giàu có tích lũy được của mạng lưới hội viên trên phạm vi cả nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước và phổ biến kiến thức KHCN, bảo vệ môi trường. Sau nửa ngày làm việc, Đại hội đã bầu ra nhân sự Ban thường vụ gồm 18 thành viên, Ban chấp hành gồm 55 thành viên. Trong đó, TS Nguyễn Văn Lạng – nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội Thông tin KHCN Việt Nam và ông Phạm Văn Vu tiếp tục giữ chức Phó chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2017 – 2021. Ông Cao Minh Kiểm giữ chức Tổng thư ký Hội. Nguyệt Hà

“Điều khiển nhà bằng giọng nói” tính năng mới của Lumi

TĐKT - Sáng 16/8, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Lumi Việt Nam chính thức giới thiệu ra thị trường tính năng mới "Điều khiển nhà bằng giọng nói". Sau gần 1 năm nghiên cứu, các kỹ sư của Lumi đã phát triển, tích hợp thành công công nghệ nhận dạng giọng nói của Amazon vào giải pháp nhà thông minh và cho ra đời ngôi nhà "Chủ nói - Là nghe" đầu tiên tại Việt Nam. Lễ ra mắt giải pháp điều khiển nhà bằng giọng nói Theo dự báo của các chuyên gia, xu hướng công nghệ 4.0 cùng với sự bùng nổ của mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) và công nghệ nhận dạng giọng nói sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Giải pháp nhà thông minh, một trong những ứng dụng của IoT với các tính năng đặc biệt như nhận diện giọng nói hứa hẹn là sự lựa chọn lý tưởng cho những gia đình có người già và trẻ nhỏ bởi tính an toàn, thân thiện và dễ sử dụng. Nắm bắt được xu hướng đó, Lumi đã nhanh chóng nghiên cứu để ứng dụng thành công công nghệ nhận dạng giọng nói vào giải pháp nhà thông minh. Tại ngôi nhà này, chủ nhà chỉ cần ra lệnh, ngôi nhà sẽ lập tức bật, tắt hệ thống chiếu sáng; đóng, mở rèm; điều chỉnh chiết áp; thay đổi màu sắc đèn Led... Amazon Alexa, thiết bị nhận dạng giọng nói hàng đầu thế giới, sẽ là người trợ lý đắc lực giúp chủ nhà trong mọi tình huống. Khi chủ nhà đang nấu ăn, tắm, giặt hay phơi quần áo... khi tay không thể cầm smartphone để điều khiển, chỉ cần ra lệnh, mọi thiết bị sẽ "vâng lời" theo ý muốn. Mọi thành viên trong gia đình đều có thể điều khiển bằng giọng nói một cách dễ dàng. Điều này không chỉ mang lại sự an toàn, tiện lợi mà còn tránh tâm lý e ngại của người cao tuổi khi cần đến sự giúp đỡ của con cháu trong những việc nhỏ. Bình Nguyên

Tăng lương hưu, trợ cấp cho 8 nhóm đối tượng

TĐKT  -  Ngày 1/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2017/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo Nghị định này, từ ngày 15/8, 8 nhóm đối tượng sẽ được tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng (so với tháng 6/2017). Cụ thể, 8 nhóm đối tượng bao gồm: thứ nhất, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ Quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16.3.2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng. Thứ hai, cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng. Thứ ba, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Thứ tư, cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20.6.1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Thứ năm là quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ sáu, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ bảy, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cuối cùng là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng. La Giang

Đại lễ Vu Lan 2017: tôn vinh đạo hiếu của dân tộc

TĐKT - Chiều 15/8, tại Hà Nội, Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về Chương trình Đại lễ Vu Lan “Đạo hiếu và dân tộc” năm 2017.  Họp báo thông tin về chương trình Chương trình Đại lễ Vu Lan “Đạo hiếu và dân tộc” năm 2017 sẽ được tổ chức vào 19h45 tối ngày 31/8/2017 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, gồm 3 phần: giao lưu văn hóa nghệ thuật Phật giáo - Tri ân đấng sinh thành - Tri ân đất nước; tôn vinh và trao tặng kỷ niệm chương cho những tấm gương hiếu thảo; tọa đàm với khách mời về chủ đề đạo hiếu. Phát biểu tại họp báo, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Việt Nam, Trưởng Ban truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam  nhấn mạnh: Lễ Vu Lan – Rằm tháng Bảy từ lâu đã trở thành ngày hội tôn vinh hiếu hạnh của cả dân tộc. Cứ mỗi dịp vu lan về không ai bảo ai mà trong lòng mỗi người đều muốn làm điều gì đó tốt lành; nhiều việc phúc thiện với tất cả tâm thành, cầu  nguyện cho cha – mẹ hiện đời được bình an, hạnh phúc, cha – mẹ đã mất được nhẹ nhàng, an vui. Với tinh thần Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Chương trình Đại lễ Vu Lan năm nay được tổ chức nhằm đề cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chương trình cũng là hoạt động có ý nghĩa nhân sự kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII... Nhân dịp này, Ban tổ chức dự kiến sẽ trao 20 phần quà, mỗi phần quà trị giá 5 triệu đồng. Trong đó, 10 phần quà sẽ được Ban tổ chức trao cho các tấm gương hiếu thảo và 10 phần quà tri ân người có công với đất nước.  Phương Thanh

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc

TĐKT - Sáng 15/8, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo Luận cứ khoa học và giải pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân tộc thiểu số (DTTS) và chính sách dân tộc (CSDT). Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về DTTS và CSDT, mã số: CTDT08.16/16-20. Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo tập trung vào những nội dung: phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu về DTTS của các cá nhân, tổ chức, các cơ quan thực hiện công tác dân tộc; góp ý nhiệm vụ, nội dung và giải pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về DTTS và CSDT. PGS. TS Bế Trung Anh, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết: nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về DTTS và CSDT nằm trong danh mục CSDL Quốc gia cần ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Thực tế, hiện nay, các dữ liệu về DTTS, CSDT còn thiếu, khó tiếp cận, chưa có hệ thống. Dữ liệu DTTS, CSDT còn tản mạn, chưa online, định dạng chưa thống nhất, tra cứu về DTTS còn khó khăn vì chưa theo phân loại và chỉ số... Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định cần thiết phải có một hệ thống CSDL thống nhất, đảm bảo tính pháp lý, cập nhật thường xuyên và chính xác về DTTS và CSDT nhằm phục vụ việc hoạch định CSDT.  CSDL cần được tổ chức thành các dữ liệu thành phần. Nội dung của các dữ liệu thành phần cần được xác định, chuẩn hóa và cập nhật từng bước theo lộ trình xác định, hướng ưu tiên các nội dung phục vụ thiết thực cho hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc hiện nay ở Trung ương và địa phương... Bình Nguyên

Tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt

TĐKT - Sáng 10/8, tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ - TTg ngày 19/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tới dự có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.   Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giai đoạn từ 2014 -2017, do mới được bố trí vốn ngân sách 280 tỷ, bằng 50% so với kế hoạch giao (540 tỷ), nên hầu hết các dự án, công trình an toàn giao thông chưa được triển khai hoặc triển khai thực hiện chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Tổng công ty đã rà soát, cắt giảm những khối lượng không cần thiết và đã làm được 133 đường ngang (năm 2015), hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt xong 127 đường ngang (năm 2016), chuyển tiếp thực hiện thi công 93 đường ngang trong năm 2017. Tất cả các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đã đảm bảo độ êm thuận, thanh thoát và cảnh báo, cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, việc áp dụng lắp động cơ và cần chắn tự động tại các đường ngang đường sắt năm 2015, sau một thời gian sử dụng, đã phát huy hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), góp phần hướng dẫn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi qua đường giao cắt đường sắt. Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt, giúp việc đi lại của nhân dân thuận tiện, xóa bỏ nhiều lối đi dân sinh, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt. Công tác tuyên truyền đã giúp người dân nhận thức sâu sắc về luật lệ an toàn giao thông đường sắt. Nhiều địa phương đã phối hợp với ngành đường sắt tổ chức rào chắn, thu hẹp lối đi dân sinh, tích cực tham gia bảo vệ các công trình đường sắt, đầu tư kinh phí và bố trí nhân lực cảnh giới tại các vị trí giao cắt tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATGT. Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 167 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 38 vụ (18,5%) so với cùng kỳ năm 2016; làm 79 người chết, giảm 4 người (4,8%); 112 người bị thương, giảm 30 người (21,1%). Riêng 41 đường ngang cảnh báo tự động đã lắp cần chắn tự động kể từ khi đưa vào sử dụng (tháng 1/2016) đến nay không xảy ra vụ tai nạn nào. Nhằm tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang đường sắt, giai đoạn 2017 - 2020 và các năm tiếp theo, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai các công việc cụ thể: hoàn thành nâng cấp 93 đường ngang đã được phê duyệt và bố trí vốn năm 2017; dự kiến xây dựng 150 km hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2000 lối đi dân sinh; nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang biển báo thành cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động và có gác; triển khai cắm mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến và bàn giao cho địa phương quản lý trong giai đoạn 2017 - 2020… Về xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt: thực hiện kết nối giao thông với cầu đường bộ tại 3 cầu: cầu Bắc Giang, cầu Chung Lu và cầu Long Đại để đường bộ không đi chung với đường sắt (giai đoạn 2021 – 2022); hoàn thành xây dựng cầu đường bộ Lục Nam và kết nối giao thông (giai đoạn 2022 – 2025). Về xây dựng các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt Quốc gia: giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng 36 cầu vượt đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có mật độ phương tiện giao thông lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng các cầu vượt các tuyến còn lại. Phương Thanh

Trang