Chính trị - Xã hội

Khai mạc Hội thi cán bộ Hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân khu vực phía Bắc năm 2023

BTĐKT - Ngày 1/10, tại Đoàn An điều dưỡng 295, Quân khu 3 (phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (TCCT) khai mạc Hội thi cán bộ Hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân khu vực phía Bắc năm 2023. Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm TCCT chỉ đạo chương trình khai mạc. Tới dự có bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Quang Cường, Chính ủy Quân khu 3; Thiếu tướng Bùi Công Chức, Phó Chính ủy Quân khu 3; Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn... Trung tướng Nguyễn Văn Gấu tặng cờ lưu niệm cho đại diện các đội dự thi Tham gia hội thi có 31 đội của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trong đó tham gia thi chính là cán bộ Hội phụ nữ (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban chấp hành) đạt giải cao, được lựa chọn từ Hội thi cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Nội dung thi gồm 3 phần: Kiến thức, tuyên truyền, năng khiếu. Phần thi kiến thức tập trung vào những nội dung chính: Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Chương trình hành động của phụ nữ quân đội lần thứ VII; Quy chế công tác phụ nữ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; các nội dung nhiệm vụ trọng tâm và phong trào thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của phụ nữ quân đội, phụ nữ đơn vị; các kiến thức và kinh nghiệm giải quyết các vấn thường gặp trong công tác vận động phụ nữ, công tác hội cũng như trong các lĩnh vực của cuộc sống liên quan đến phụ nữ và vai trò của phụ nữ; kiến thức về công tác "Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bình đẳng giới"; kiến thức về dân số, gia đình và trẻ em. Ý tưởng của cán bộ hội trong tổ chức các hoạt động hội (các mô hình, các kinh nghiệm hay trong quá trình triển khai các hoạt động hội; các ý tưởng, kế hoạch sẽ triển khai nội dung công tác hội trong thời gian tới phù hợp với đặc thù đơn vị). Phần thi tuyên truyền gồm các nội dung: Phụ nữ quân đội phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; về những tấm gương anh hùng, liệt sĩ trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với truyền thống đơn vị, địa phương (đặc biệt là các nữ anh hùng, liệt sĩ). Kết quả thực hiện nghị quyết, chương trình hành động của phụ nữ các cấp, nhiệm vụ công tác phụ nữ, công tác hội; các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Phụ nữ quân đội trí tuệ - bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”, các cuộc vận động của phụ nữ và nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Phụ nữ quân đội rèn luyện các tiêu chí “Trí tuệ, bản lĩnh, kỷ cương, nhân ái” và các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phụ nữ quân đội trên tất cả các lĩnh vực công tác; đặc biệt là trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật và kiến thức về luật pháp liên quan đến phụ nữ, gia đình và trẻ em. Phụ nữ Bộ Tổng Tham mưu trong nội dung thi tuyên truyền Ở phần thi năng khiếu, các thí sinh thể hiện năng khiếu về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hội họa, biểu diễn trang phục tự chọn, khéo tay hay làm, cắm, tỉa hoa nghệ thuật...  Ở phần thi ứng xử, các cán bộ hội toàn năng thể hiện sự am hiểu, kiến thức và kỹ năng ứng xử trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gia đình và các tình huống trong quá trình tiến hành công tác hội, tổ chức thực hiện các hoạt động hội. Tại chương trình khai mạc, các đội tuyển của 3 đơn vị: Quân khu 3, Quân khu 4, Bộ Tổng Tham mưu đã bước vào nội dung thi tuyên truyền và năng khiếu... Sau khai mạc, trong các ngày tiếp theo, từ ngày 2 - 5/10/2023, các đội tuyển tiếp tục bước vào các nội dung thi theo thứ tự đã bốc thăm. Chiều ngày 6/10/2023, sẽ diễn ra chương trình bế mạc, công diễn các nội dung thi đạt giải xuất sắc và trao thưởng các nội dung cho cá nhân, tập thể. Hội thi cán bộ Hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân năm 2023 được tổ chức nhằm đánh giá chất lượng, năng lực toàn diện của đội ngũ cán bộ hội; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác hội, xây dựng tổ chức Hội phụ nữ giỏi vững mạnh, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Hải Vân

Cuộc thi LogiChain 2023: Cơ hội để sinh viên ngành logistics trải nghiệm thực tế

BTĐKT – Tối ngày 28/9, tại Hà Nội, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế thông qua Câu lạc bộ Logistics & Chuỗi cung ứng LSC - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sự kiện họp báo phát động cuộc thi LogiChain 2023: The High Clash và talkshow "Supply Chain Resilience - Spark the Fiery Lens" nhằm giải đáp những thắc mắc của thí sinh, doanh nghiệp và Báo chí về thông tin cuộc thi. Lễ phát động cuộc thi LogiChain 2023 LogiChain là cuộc thi giải Case Study về lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng tiên phong trên toàn quốc, được tổ chức bởi Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Câu lạc bộ Logistics & Chuỗi cung ứng LSC. Cuộc thi nhận được sự bảo trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và sự tham dự, cố vấn của Ban Giám khảo, khách mời là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực. Cuộc thi là cơ hội cho các bạn sinh viên trải nghiệm giải quyết tình huống thực tế của doanh nghiệp, đồng thời là điểm chạm kết nối doanh nghiệp với các ứng viên giàu tiềm năng. Phát biểu tại họp báo phát động Cuộc thi LogiChain 2023, bà Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, ghi nhận: Thông qua cuộc thi, các bạn sinh viên không chỉ được đào tạo bài bản lý thuyết trên trường mà còn được tiếp xúc thực tiễn sớm, giúp rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống và giải quyết vấn đề. Với sự đóng góp như vậy, cuộc thi vượt khỏi khuôn khổ là một cuộc vui chơi, mà là một trải nghiệm vô cùng nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực của nhà trường, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động đất nước. Nhận định về cuộc thi LogiChain, anh Lê Minh Chiến, đại diện Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, Cuộc thi LogiChain 2023: The High Clash chính là một sân chơi vô cùng bổ ích, có ý nghĩa kiến tạo giá trị thiết thực, là cầu nối cho sinh viên đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời khẳng định trách nhiệm với xã hội, cũng như khẳng định giá trị cốt lõi: "Xây dựng từ tâm - Vươn tầm cao mới - Kết nối nhân tài" để tìm kiếm và phát triển nguồn nhân lực trẻ tiềm năng cho đất nước trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các bạn trẻ ở đây cũng chính là tương lai của các doanh nghiệp, của ngành dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng. Vì thế chúng tôi mong muốn, chào đón và sẵn sàng hỗ trợ các bạn để trở thành thế hệ tiếp theo phát triển ngành dịch vụ này”. Chủ đề của LogiChain mùa thứ 3 là “Supply Chain Resilience”, tập trung vào việc giải quyết các tình huống thực tế của doanh nghiệp và hướng tới một chiến lược chung giữa các đội thi về lĩnh vực chuỗi cung ứng đàn hồi. Không chỉ đem đến chuỗi sự kiện hấp dẫn như: Họp báo, talkshow, trải nghiệm thực tế và các buổi đào tạo xen kẽ 3 vòng thi, LogiChain còn mang đến một format chung kết mới lạ: 4 đội thi sẽ được chia thành 2 cặp đấu. Trong đó, hai đội trong cùng 1 cặp đấu sẽ thuyết trình và phản biện lẫn nhau về phương án của đội mình theo thể lệ được xây dựng dựa trên mô hình tranh biện quốc tế Asian Parliamentary. Cuộc thi mở đơn đăng ký theo đội và ghép đội từ ngày 29/09 – 15/10/2023. Vòng loại diễn ra từ ngày 18/10/2023 - 19/10/2023 (trắc nghiệm trực tuyến). Vòng Bán kết diễn ra vào ngày 09/11/2023, Top 6 đội thi sẽ tham gia giải Case Study và phản biện. Vòng Chung kết của cuộc thi dự kiến được tổ chức vào ngày 23/11/2023 tại Hà Nội, Top 4 đội xuất sắc nhất sẽ giải Case Study, đàm phán và đưa ra Sách lược chung. Phương Thanh

Ra mắt bộ hình ảnh truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật

BTĐKT  - Sáng 27/9, tại Hà Nội, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp họp báo ra mắt bộ hình ảnh truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam. Quang cảnh họp báo Nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã và sản phẩm từ chúng vẫn còn được ghi nhận đáng kể ở Việt Nam. Nhu cầu cao trong sử dụng động vật hoang dã (ĐVHD) để làm thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền (YHCT), làm thú cưng, thực phẩm xa xỉ, quà tặng và các sản phẩm tiêu dùng khác đã thúc đẩy nạn săn bắn trái pháp luật trong nước cũng như gia tăng việc nhập khẩu các loài hoang dã và sản phẩm của chúng từ các quốc gia khác. Trong đó có các cá thể hổ nguyên con, xương hổ, vảy tê tê, cá thể tê tê nguyên con, sừng tê giác, ngà voi và các cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt… Để giúp Việt Nam kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép ngày càng gia tăng và có thể dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài hoang dã, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm hướng tới giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật thông qua gây tác động và thay đổi hành vi người tiêu dùng. Dự án do Ban Quản lý Lâm nghiệp làm chủ dự án, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Tổ chức TRAFFIC và ENV thực hiện. Năm 2022, dự án đã thực hiện khảo sát người tiêu dùng để xác định các nhóm người dùng mục tiêu, tìm hiểu nhận thức, thái độ và hành vi của người tiêu dùng nhằm đề xuất các giải pháp thay đổi hành vi, thông qua các thông điệp và hình ảnh truyền thông phù hợp. Các tài liệu truyền thông được ra mắt lần này được thiết kế nhằm hướng tới các nhóm người dùng mục tiêu cụ thể, dựa trên các bằng chứng về tình trạng tiêu dùng trong nước và các thông tin thu thập được từ khảo sát của TRAFFIC năm 2022 trong khuôn khổ dự án. Năm bộ thông điệp và hình ảnh đã được xây dựng dựa trên các yếu tố về văn hóa địa phương, đã được lấy ý kiến thí điểm với đối tượng khán giả trong nước, tác động tới các động cơ tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật và thúc đẩy vận động xã hội với đối tượng trẻ em và các cơ quan nhà nước đã được giới thiệu bao gồm: Với nhóm thầy thuốc trong lĩnh vực YHCT: Khuyến khích các thầy thuốc y học cổ truyền nâng cao việc sử dụng các dược liệu hợp pháp, an toàn và bền vững. Với người dùng nói chung: Khuyến khích các cá nhân nâng cao sức khỏe thông qua luyện tập thể dục, thể thao để thể hiện sức mạnh qua hoạt động thể chất thay vì sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD quý hiếm, Với khách du lịch quốc tế: Nhấn mạnh tính bất hợp pháp của việc mua các sản phẩm từ ĐVHD được pháp luật bảo vệ tại Việt Nam. Với đối tượng trẻ em: Tận dụng ảnh hưởng của thế hệ trẻ để khuyến khích các thành viên trong gia đình cũng như cộng đồng nói không với các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật. Với cơ quan nhà nước: Nhấn mạnh niềm tự hào dân tộc gắn liền với việc bảo vệ các loài hoang dã của Việt Nam. Các hình ảnh và thông điệp của dự án sẽ được lan tỏa qua mạng xã hội, truyền thông tới các nhóm đối tượng mục tiêu qua trưng bày ngoài trời tại các điểm có mật độ lưu lượng giao thông cao, các sự kiện tương tác và các sáng kiến kết hợp với các đối tác, bao gồm các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức và Hiệp hội Du lịch cũng như YHCT. Phương Thanh

Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam

BTĐKT - Sáng 27/9, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam". Toàn cảnh diễn đàn Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Mai Duy Thiện, Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam nhấn mạnh: Năng lượng sạch đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, việc phát triển năng lượng sạch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước. Như vậy, chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng sạch đã là xu thế tất yếu trong phát triển năng lượng, phát triển nguồn điện và là lĩnh vực trụ cột trong hợp tác quốc tế, trong phát triển bền vững, phát triển xanh trên thế giới hiện nay. Có thể nói, chuyển đổi năng lượng, "xanh hóa", giảm phát thải là xu hướng không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng như: Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Gần đây nhất, ngày 26/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần đạt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Diễn đàn "Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam" sẽ giúp cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ về phát triển năng lượng trong giai đoạn sắp tới. Thông qua diễn đàn, các chuyên gia đã trao đổi về những cơ hội, thách thức, những khó khăn trong quá trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm góp phần thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững ở nước ta. Diễn đàn tập trung vào các vấn đề: Chuyển dịch cơ cấu nguồn điện, cơ hội và thách thức; một số chính sách phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam; phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh ở Việt Nam; hành lang pháp lý đầu tư công nghệ xanh, đầu tư năng lượng tái tạo; đề xuất các chiến lược thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam… Trang Lê

Chủ động thực hiện hiệu quả BHYT HSSV

BTĐKT - Mới đây, trên đường đi học về, em Lại Hải S, học sinh lớp 11A5 (Trường THPT Cao Lộc) không may bị gãy chân do tai nạn giao thông. Trong suốt thời gian điều trị, may mắn em A có tham gia BHYT, nên được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí viện phí, thuốc men. “Qua sự việc không may này em mới nhận thức được BHYT có ý nghĩa rất lớn và tầm quan trọng của việc tham gia BHYT”. Tuyên truyền chính sách BHYT tới các em học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An Theo thống kê, trong năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 442 cơ sở giáo dục với 154.489 HSSV tham gia BHYT, trong đó có 85.561 em thuộc diện tham gia BHYT tại trường, còn lại đã được cấp thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng khác. Đáng chú ý, có 8 huyện, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT như: TP.Lạng Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Lãng, Tràng Định, Bắc Sơn; 3 huyện còn lại đạt từ 99,21% đến 99,86% là Bình Gia (99,86%), Văn Quan (97,84%), Đình Lập (99,21%). Do đó, tính đến hết năm học 2022-2023, toàn tỉnh Lạng Sơn chỉ còn 28 HSSV chưa tham gia BHYT, chỉ chiếm 0,02% so với số HS thuộc diện tham gia tại trường học. Cùng với việc tích cực vận động HSSV tham gia BHYT, công tác y tế trường học cũng được quan tâm. Theo đó, quyền lợi KCB của các em HSSV được mở rộng và đảm bảo kịp thời. Nhiều em HSSV bị ốm đau, tai nạn đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như: Em Nguyễn Duy A. trú tại phường Vĩnh Trại (TP.Lạng Sơn) được quỹ BHYT chi trả gần 280 triệu đồng; em Bùi Văn Đ. trú tại phường Tam Thanh (TP.Lạng Sơn) được chi trả gần 200 triệu đồng; em Hứa Tiến N. trú tại xã Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng) được chi trả trên 160 triệu đồng… Để có được kết quả ấn tượng trên, ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học mới, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam cũng như các cấp, các ngành có liên quan trên địa bàn tổ chức tổng kết, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến công tác BHYT HSSV; từ đó thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tập trung phân tích rõ những tồn tại, hạn chế; phát động phong trào thi đua phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Giải thích cho các em HS về tính cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT Bên cạnh đó, đề nghị các Phòng GD-ĐT tìm giải pháp huy động sự hỗ trợ của cộng đồng để đóng BHYT cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn; đưa kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT vào đánh giá chất lượng cán bộ, giáo viên hằng năm. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các huyện nâng cao công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện trong việc chỉ đạo chính sách BHYT HSSV, trong đó có việc đầu tư nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu trong các trường học… Về định hướng nhiệm vụ trong năm học 2023-2024, BHXH tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó, phối hợp với ngành Y tế làm tốt công tác KCB, đảm bảo quyền lợi cho HSSV có thẻ BHYT khi không may ốm đau, tai nạn phải vào BV điều trị; phối hợp với Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác y tế trường học, quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hoạt động giáo dục thể chất, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe HSSV. BHXH tỉnh Lạng Sơn cũng xác định, việc thực hiện chính sách BHYT HSSV là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Giáo dục đóng vai trò nòng cốt mang lại thành công. Do đó, trong năm học mới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn công tác thu BHYT HSSV, cấp kinh phí thực hiện y tế học đường; tuyên truyền tới các bậc phụ huynh và HSSV về vai trò, ý nghĩa của chính sách. Qua đó, quyết tâm phấn đấu trong năm học 2023-2024 đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Thị Mạnh Khương- Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (TP.Lạng Sơn)- đơn vị nhiều năm liền thực hiện tốt công tác BHYT HSSV chia sẻ: “Được sự chỉ đạo sát sao của Sở GD-ĐT, cùng sự phối hợp chặt chẽ của BHXH tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm học 2023-2024, nhà trường đã triển khai hướng dẫn thu, cấp thẻ BHYT HSSV đến đội ngũ giáo viên chủ nhiệm để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT đến các phụ huynh và HS. Năm học này, trường có tổng số 1.024 HS, trong đó có 125 em được cấp thẻ BHYT đối tượng khác, 896 em thuộc diện phải đóng BHYT tại trường. Để công tác thu BHYT HSSV đạt kết quả tốt, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT, đảm bảo 100% HS tham gia BHYT”. Ông Hoàng Hữu Quang- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn cũng nhấn mạnh, theo quy định của Luật BHYT, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Khi tham gia chính sách này, các em sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học; còn nếu đi KCB, các em không chỉ được tiếp cận các dịch vụ y tế, mà còn được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về tài chính. “Do đó, việc tham gia BHYT không những là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” của người dân Việt Nam, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng”- ông Quang chia sẻ. Cũng theo ông Hoàng Hữu Quang, để thực hiện chính sách BHYT HSSV được bền vững, BHXH tỉnh và Sở GD-ĐT cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc quán triệt, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm tới Ban Giám hiệu, cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên trong các trường học. Đặc biệt, công tác truyền thông cũng cần được BHXH tỉnh chú trọng đổi mới, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng địa phương, vùng miền và từng nhóm đối tượng. Với sự chủ động của BHXH tỉnh và Sở GD-ĐT, cùng sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận toàn xã hội, chắc chắn công tác BHYT HSSV trong năm học 2023-2024 sẽ đạt được kết quả như mong đợi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Gia Linh  

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khai giảng năm học 2023 - 2024

BTĐKT - Sáng 20/9, tại cơ sở Vĩnh Tuy, Hà Nội, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023 – 2024. Lễ khai giảng đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình giảng dạy và học tập mới của tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn trường. Thông qua hoạt động này, tân sinh viên khóa 28 năm học 2023 – 2024 có được cái nhìn tổng quan về quá trình giáo dục, đào tạo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có thêm nguồn động lực, cảm hứng và tự hào trước khi bước vào năm học mới. Chương trình văn nghệ chào mừng Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường cho biết: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập tháng 6 năm 1996, do Giáo sư Trần Phương làm hiệu trưởng. Trong suốt chặng đường gần 30 năm qua, trường luôn kiên định triết lý giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trường lấy đào tạo nghề nghiệp - thực hành làm định hướng chủ yếu, lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu. Trong suốt quá trình học tập tại trường, sinh viên được đào tạo kiến thức chuyên môn với các chuyên ngành đào tạo theo hướng thực hành. Với sự quan tâm của nhà trường và sự nỗ lực của bản thân, kết quả rèn luyện và học tập của các em đạt cao và ngày càng tiến bộ. Tỷ lệ sinh viên đạt loại khá, giỏi, xuất sắc ngày càng tăng. Ngoài ra, trong những năm qua, các thế hệ sinh viên của nhà trường đã tích cực tham gia các kỳ thi tài năng của thành phố, khu vực, quốc gia, quốc tế, đạt nhiều giải thưởng; một số em được nhận học bổng du học nước ngoài. GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường phát biểu tại lễ khai giảng GS. TS Nguyễn Công Nghiệp mong muốn các tân sinh viên của nhà trường hãy chủ động xác định giá trị cá nhân của mình và theo đuổi bằng cảm xúc và đam mê trong tư duy, bằng ý chí và sự linh hoạt trong hành động; các tân sinh viên phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ, say mê học hỏi, sáng tạo để học vấn tinh thông và thành thạo kỹ năng nghề nghiệp. “Hãy chủ động trong môi trường tự lập, bắt đầu từ một sức trẻ, từ một tâm hồn trong sáng, từ một trí tuệ thông minh của những con người thời đại Gen Z để xây dựng bệ phóng vững chắc trên con đường đi tới ước mơ”, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh. Năm học 2023 - 2024 là năm Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có quy mô đào tạo lớn nhất từ trước tới nay, với gần 32 nghìn người học, gồm 29.000 sinh viên chính quy dài hạn và khoảng 3.000 học viên các hệ đào tạo khác. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm học 2023 - 2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Trải qua 27 năm hoạt động, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tiếp nhận hơn 150.000 sinh viên, với tỷ lệ tốt nghiệp cao. Hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm với mức lương khá cao. Với những thành tích đạt được và kinh nghiệm lâu năm, trường là địa chỉ đào tạo tin cậy, có chất lượng trong hệ thống các trường đại học Việt Nam. Phương Thanh

Nâng cao kỹ năng sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử V-office

BTĐKT - Ngày 18/9, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ khai mạc lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử V-office cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử V-office Dự và hướng dẫn lớp tập huấn có các đồng chí: Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; Phạm Quang Tuyến, Trưởng phòng Phòng Văn thư - Lưu trữ và Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ Nội vụ; các chuyên viên Văn phòng Bộ. Dự lớp tập huấn, về phía Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, có đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban; các Phó Trưởng ban: Phạm Đức Toàn, Phan Văn Hùng; lãnh đạo các phòng, đơn vị và toàn thể công chức, viên chức, nhân viên của Ban. Đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ phát biểu tại lớp tập huấn Tại lớp tập huấn, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụcho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, tiếp theo đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức. Qua đó, việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử (V-office) được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển Chính phủ điện tử.Thời gian qua rất nhiều đơn vị, cá nhân trong Bộ đã triển khai tích cực nhiệm vụ sử dụng văn bản điện tử. Từ 1/1/2019,100% văn bản của Bộ Nội vụ đều được xử lý trên môi trường điện tử và được sử dụng chữ ký số. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ. Đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại lớp tập huấn Phát biểu tại lớp tập huấn, đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương khẳng định: Hệ thống quản lý văn bản điện tử V-office này rất ưu việt, đã được Ban triển khai sử dụng trên máy tính, quyết tâm tới đây sẽ tiếp tục triển khai trên máy tính bảng và điện thoại thông minh. Đồng chí mong rằng, trong quá trình tập huấn, các chuyên viên Văn phòng Bộ Nội vụ tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn tận tình để công chức, viên chức, nhân viên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nắm chắc và sử dụng thành thạo hệ thống quản lý văn bản điện tử V-office, từ đó ứng dụng hiệu quả trong công việc. Tại lớp tập huấn, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ đã định hướng, hướng dẫn quản lý, sử dụng, thực hiện các văn bản đến, trình ký văn bản, ký số văn bản, phát hành văn bản đi; đồng thời giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của học viên, giúp học viên thực hành và sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử V-office. Sau nội dung tập huấn tại hội trường, hai tổ chuyên viên Văn phòng Bộ và nhân viên Trung tâm Thông tin – Truyền thông của Ban đã trực tiếp hướng dẫn trên máy tính của từng công chức, viên chức các phòng, đơn vị của Ban. Sử dụng thành thạo và có kỹ năng trong việc gửi, nhận văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử sẽ giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước; thay đổi tác phong, lề lối làm việc của công chức, viên chức từ giải quyết công việc trên văn bản giấy sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử; đảm bảo việc chuyển giao văn bản đến, đi được nhanh chóng, kịp thời, chính xác, không bị thất lạc. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, giảm thời gian xử lý công việc; góp phần phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ban được kịp thời, hiệu quả. Phương Thanh

Tăng cường lãnh đạo thực hiện pháp luật và phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT

BTĐKT - Thời gian qua, nhằm hạn chế các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều nội dung vướng mắc đã được BHXH Việt Nam giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Gần đây, cơ quan BHXH và cơ quan chức năng có liên quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT ở một số địa phương, cụ thể như sau: Về lạm dụng, trục lợi quỹ ốm đau, thai sản Người lao động (NLĐ) trục lợi quỹ BHXH thông qua việc sử dụng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả hoặc được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) cấp không đúng quy định để thanh toán chế độ BHXH. Qua đó, cơ sở KCB cũng trục lợi quỹ BHYT bằng việc quyết toán công khám, tiền thuốc, dịch vụ kỹ thuật... từ thẻ BHYT của người mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Điển hình như vụ việc tại các Phòng khám đa khoa tư nhân ở Đồng Nai (đã khởi tố); tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (Công an tỉnh Hà Nam đang xác minh)...   Giải quyết các chế độ cho người lao động Ngoài ra, nhằm trục lợi quỹ BHXH, người sử dụng lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với NLĐ đang trong thời gian đi làm hưởng lương, nghỉ phép, nghỉ không lương, nghỉ việc riêng, điều trị tai nạn lao động… Hoặc người sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận với nhau chỉ đóng 6 tháng BHXH hoặc tăng mức đóng BHXH cao bất thường trong thời gian 6 tháng trước khi sinh con để hưởng trợ cấp thai sản... Trục lợi hưởng BHXH một lần dưới hình thức ủy quyền Lợi dụng nhu cầu cấp thiết của NLĐ muốn nhận tiền BHXH một lần sớm để trang trải khó khăn trước mắt, mặt khác, quy định hiện hành về thủ tục hồ sơ hưởng BHXH một lần rất đơn giản nên một số đối tượng đã tổ chức thu gom sổ BHXH của NLĐ thông qua hình thức cầm cố, ủy quyền (NLĐ sở hữu sổ BHXH lập văn bản ủy quyền cho người khác làm thủ tục hưởng BHXH một lần). Đây là hành vi mua, bán sổ BHXH, không chỉ gây thiệt thòi lớn cho NLĐ khi chỉ nhận được 1/3 đến 1/2 giá trị thực của cuốn sổ BHXH mà về lâu dài còn tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội. Trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ có việc làm (NLĐ đã ký Hợp đồng lao động chính thức với đơn vị sử dụng lao động) nhưng lại không khai báo với Trung tâm giới thiệu việc làm. Sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ lập hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH truy đóng BHXH bắt buộc cho khoảng thời gian này. Nhân viên cơ sở y tế sử dụng thẻ BHYT của người nhà hoặc lấy mã thẻ của người bệnh BHYT đã đến khám trước đó để lập hồ sơ chứng từ đề nghị thanh toán chi phí; móc nối với đối tượng “cò” lập hồ sơ bệnh án khống cho người tham gia bảo hiểm nhân thọ để vừa trục lợi bảo hiểm nhân thọ, vừa trục lợi BHYT (như vụ việc xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Thái An, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An). Bên cạnh đó, một số hình thức lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT khác như: Cơ sở KCB thống kê, thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định; thống kê đề nghị thanh toán nhiều hơn số lượng thuốc thực tế sử dụng; sử dụng thuốc không phù hợp với chẩn đoán bệnh; tổ chức thu gom người có thẻ BHYT để cung ứng dịch vụ y tế không cần thiết, gây lãng phí quỹ BHYT… Về phía người bệnh, người bệnh mượn thẻ BHYT của người khác để đi KCB hoặc sử dụng thẻ BHYT đi KCB nhiều lần để lấy thuốc sử dụng không vì mục đích điều trị cho bản thân… Trước thực trạng trên, nhằm đẩy mạnh việc phòng, chống, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT, BHXH Việt Nam đã thường xuyên, chủ động nắm bắt tình hình và có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH địa phương tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là cơ quan điều tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, khi phát hiện các hành vi nói trên, ngành BHXH Việt Nam mới chỉ dừng lại ở hướng xử lý là thu hồi hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Các giải pháp ngành triển khai mới chỉ mang tính tình thế, chưa thực sự có công cụ đủ mạnh để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe các tổ chức, cá nhân có hành vi lạm dụng, trục lợi. Để góp phần giải quyết tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phòng, chống, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT…; phối hợp với cơ quan BHXH đẩy mạnh rà soát, chia sẻ dữ liệu nhằm ngăn chặn tình trạng NLĐ hưởng BHTN không đúng quy định và thu hồi số tiền hưởng về quỹ BHTN… Với Bộ Y tế, tăng cường chỉ đạo trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác KCB BHYT và thanh toán chi phí KCB BHYT; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm do gian lận BHYT của cơ sở KCB và người bệnh… Với UBND các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; nắm bắt tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp để có cảnh báo kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tỉnh đẩy mạnh: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra những đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong việc thu đóng, giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHTN; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; theo dõi, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện BHXH, BHTN, BHYT để đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia. La Giang  

Phát động cuộc thi toàn quốc "Cùng Đức Việt và O'Food thắp sáng những Ngôi sao buổi sớm" lần thứ IX

BTĐKT - Sáng 18/9, tại trường THCS Phan Chu Trinh, TP Hà Nội, đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi toàn quốc "Cùng Đức Việt và O'Food thắp sáng những Ngôi sao buổi sớm" lần thứ IX, năm 2023. Cuộc thi do chuyên đề "Những ngôi trường toàn diện", Tạp chí Thể thao và Cuộc sống, Công ty Truyền thông Văn hóa - Giáo dục Trạng nguyên phối hợp tổ chức. Mở đầu buổi lễ, tất cả các vị đại biểu, các thầy cô giáo, các vị phụ huynh và các em học sinh đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ 56 nạn nhân đã mất trong vụ hỏa hoạn xảy ra đêm 12/9/2023 tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. ThS. Phạm Thị Vân, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức phát động cuộc thi Tại lễ phát động cuộc thi, ThS. Phạm Thị Vân, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Qua 8 năm tổ chức, cuộc thi toàn quốc "Ngôi sao buổi sớm" đã thực sự trở thành một sân chơi nghệ thuật bổ ích, lành mạnh và lý thú. Đã có hàng trăm trường tiểu học và trung học cơ sở trên cả nước hào hứng tham gia cuộc thi. Từ cuộc thi này, rất nhiều em học sinh có năng khiếu nghệ thuật được các nhà trường và gia đình vun vén, chăm sóc, tạo điều kiện để trở thành những ngôi sao nhỏ lung linh trên bầu trời nghệ thuật. Cuộc thi cũng đã thật sự mang lại không khí tươi vui cho các em học sinh, đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng những ngôi trường thân thiện và hạnh phúc. Ngay tại lễ phát động, các em học sinh có năng khiếu nghệ thuật của trường THCS Phan Chu Trinh đã trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn. Với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và sự tích cực luyện tập của các em học sinh, những tiết mục văn nghệ dự thi đã tạo nên một bầu không khí vui tươi, sinh động, góp phần mang lại niềm vui trong trẻo cho các em học sinh sau những giờ học căng thẳng. Ban Tổ chức đã trao tặng các em nhiều huy chương vàng, bạc, đồng, giấy khen và quà tặng thú vị. Học sinh trường THCS Phan Chu Trinh trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn Nhằm tạo điều kiện cho đông đảo học sinh ở nhiều vùng miền trên cả nước được tham gia cuộc thi, Ban Tổ chức đã chọn một số trường học tiêu biểu tại Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định... để tiến hành thi trực tiếp. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn tạo điều kiện để các em được dự thi theo hình thức online, bằng cách ghi hình và gửi video clip về Ban Tổ chức. Trên cơ sở đó, các tiết mục nghệ thuật có chất lượng tốt sẽ được mời về Thủ đô Hà Nội dự thi chung kết toàn quốc vào tháng 11/2023. Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ chi phí ăn ở và đi lại cho tất cả các em ở xa được về Hà Nội dự thi chung kết toàn quốc, với các giải thưởng có giá trị: Đội Nghệ thuật xuất sắc: 80 triệu đồng; đội giành giải Nhất: 10 triệu đồng, cùng nhiều giải thưởng tập thể và cá nhân có giá trị. Bên cạnh đó, hai đội nghệ thuật có chương trình biểu diễn được khán giả bình chọn nhiều nhất trên Fanpage và Youtube sẽ được nhận giải thưởng 20 triệu đồng. Phương Thanh

Ngày hội Đông y năm 2023: Gắn kết và lan tỏa vì sức khỏe cộng đồng

BTĐKT – Nhằm tôn vinh và lan tỏa các giá trị cao đẹp của nền y học, dược học cổ truyền trong việc duy trì và nâng cao sức khỏe cộng đồng, từ ngày 27 đến 29 tháng 10 năm 2023, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Đông y TP Hà Nội phối hợp với một số đơn vị tổ chức Ngày hội Đông y năm 2023.   Hội Đông y TP Hà Nội triển khai các hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện Đây là sự kiện có quy mô và ý nghĩa quan trọng, được tổ chức trong dịp Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hội Đông y thành phố Hà Nội (7/11/1960 - 7/11/2023) Với chủ đề “Vì sức khỏe cộng đồng”, Ngày hội Đông y 2023 hội tụ tinh hoa của nền y học, dược cổ truyền Việt Nam, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò quan trọng của đông y trong việc duy trì và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, phổ biến, giới thiệu kiến thức, phương pháp, bài thuốc, sản phẩm, dược liệu quý,... trong cuộc sống hàng ngày để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể trạng cho người dân. Sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực diễn ra tại ngày hội. Cụ thể: Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Hội Đông y thành phố Hà Nội (07/11/1960 - 07/11/2023); Lễ phát động phong trào: Vì Sức khỏe cộng đồng; khai mạc Triển lãm Đông y năm 2023: Hội tụ, chia sẻ và phát triển; ra mắt giao diện mới Trang thông tin điện tử của Hội Đông y thành phố Hà Nội https://hoidongyhanoi.vn/; Hội thảo chuyên đề: Kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; giao ban Cụm Đông y số III, Trung ương Hội Đông y Việt Nam. Đặc biệt, trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, ban tổ chức phối hợp với các phòng khám đông y uy tín, các lương y, bác sĩ, thầy thuốc tiêu biểu tiến hành khám và tư vấn, điều trị bệnh miễn phí dự kiến cho hơn 3.000 người có công với cách mạng, người cao tuổi, nhân dân cùng du khách quốc tế. Bên cạnh đó, thông qua chương trình, Ban tổ chức tặng Bằng khen của Trung ương Hội Đông y Việt Nam; tặng chứng nhận và biểu trưng của Hội Đông y thành phố Hà Nội cho các tập thể, cá nhân, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu nhằm ghi nhận đóng góp to lớn của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y, dược cổ truyền trong sự nghiệp chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, cũng như trong sự nghiệp phát triển ngành Y tế Việt Nam. Mai Thảo      

Trang