Chính trị - Xã hội

Chủ động đẩy mạnh triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2021 - 2022

TĐKT - Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), năm học 2020 - 2021, toàn quốc đã có khoảng hơn 18 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT, đạt trên 97%, tăng 1,6% so với năm học 2019 - 2020; trong đó có hơn 14,5 triệu người tham gia theo diện HSSV và 3,5 triệu tham gia theo nhóm khác. Nâng cao trách nhiệm trong phát triển BHYT HSSV Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2021 - 2022 đạt hiệu quả, phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành các Công văn số 2396/BHXH-TST và 2392/BHXH-TT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh) chỉ đạo tập trung triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2021 - 2022. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh chủ động triển khai bốn nội dung: Thứ nhất, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV năm học 2021 - 2022 trên địa bàn. Quan tâm huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV, nhất là những HSSV có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc ít người. Thứ hai, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hằng quý sơ kết, đánh giá và hướng dẫn triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2021 - 2022. Trong đó: Giao chỉ tiêu cho từng cơ sở giáo dục, gắn kết quả việc hoàn thành chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT của các nhà trường vào tiêu chí thi đua, khen thưởng hằng năm. Tăng cường tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT, tiếp tục hướng dẫn HSSV thực hiện cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm Xã hội số. Ngoài ra, BHXH các tỉnh cần chủ động phối hợp với các nhà trường hướng dẫn lập và gửi danh sách cấp thẻ BHYT HSSV theo hình thức giao dịch điện tử; phân công cán bộ kịp thời xét duyệt hồ sơ để cấp thẻ BHYT đối với HSSV đầu cấp và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT đối với các nhóm tham gia còn lại. Thứ ba, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Thứ tư, tổ chức đánh giá khen thưởng các cơ sở giáo dục và HSSV có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT HSSV năm học 2021 - 2022. Truyền thông bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với các sở, ngành, tổ chức hội - đoàn thể liên quan, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT HSSV năm học 2021 - 2022 tại địa phương. Trong năm học này, cần tập trung triển khai các nội dung truyền thông như: Ý nghĩa, giá trị nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng; thực hiện BHYT là tuân thủ pháp luật, là trách nhiệm công dân của mỗi HSSV; quỹ BHYT hỗ trợ y tế trường học thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV; quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong giai đoạn dịch Covid-19 đối với người có thẻ BHYT theo quy định, trong đó có HSSV; BHYT HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% và ngân sách địa phương hỗ trợ thêm (nếu có); ý nghĩa, tiện ích của ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số, đặc biệt là tính năng cho phép người tham gia (trong đó có HSSV) được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB thay thế cho thẻ BHYT giấy. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biễn phức tạp, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với các nhà trường tập trung phổ biến, truyền thông về công tác BHYT HSSV bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, cụ thể như: Tuyên truyền trực tiếp (gặp gỡ trực tiếp hoặc tổ chức hội nghị…); tuyên truyền gián tiếp (gửi tin nhắn qua điện thoại, qua ứng dụng VssID, tương tác qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hội nghị trực tuyến…); tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, standee…); tổ chức các buổi livestream tuyên truyền về BHYT HSSV trước thềm năm học mới và định kỳ hằng tháng… Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí trong ngành tăng cường truyền thông chính sách BHYT HSSV trên các kênh truyền thông của ngành; tăng cường tuyến tin, bài, phóng sự, video, Inforgraphic về BHYT HSSV trên Cổng Thông tin điện tử, Tạp chí và Fanpage của ngành; xây dựng, phát hành các sản phẩm truyền thông phù hợp và phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tuyên truyền về chính sách BHYT HSSV… Bước vào năm học mới 2021 - 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, đảm bảo tất cả HSSV được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo. Hồng Thiết

Ngành BHXH Việt Nam: Hướng tới số hóa 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

TĐKT - Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 2402/KH-BHXH triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của ngành BHXH Việt Nam. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công (DVC), lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ trong công tác giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. BHXH đề ra mục tiêu giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch Kế hoạch đặt ra 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cụ thể: 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở. 100% hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC. Đồng thời, giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch vào năm 2025.                                                   Để đạt được mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố (BHXH các tỉnh) trực thuộc trung ương và việc phối hợp giữa các đơn vị nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ Đề án, tập trung vào 5 nội dung công việc. Thứ nhất, xây dựng Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của ngành BHXH Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025. Thứ hai, tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, nhiệm vụ của Đề án và quy định của BHXH Việt Nam. Thứ ba, thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của ngành BHXH Việt Nam qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ đơn giản hóa TTHC và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trên môi trường điện tử và DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Thứ tư, thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC ngành BHXH Việt Nam với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ năm, gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác. Tại kế hoạch, BHXH Việt Nam cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc liên quan thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của quy định TTHC theo Kế hoạch kiểm soát TTHC định kỳ hằng năm để đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Tập trung theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC. Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc BHXH các tỉnh chủ động xác định trách nhiệm trong công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP bảo đảm hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa, lưu trữ điện tử theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, BHXH Việt Nam yêu cầu, Giám đốc BHXH tỉnh nâng cao tính chủ động trong đổi mới công tác chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn; chịu trách nhiệm về việc quyết định số lượng nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính theo mục tiêu Đề án, gắn với số hóa 100% hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa được cập nhật vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm phục vụ, công tác cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) luôn được ngành BHXH Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm hướng tới nền hành chính phục vụ. Những năm qua, với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ TTHC của ngành đang ngày càng được đơn giản hóa, giảm từ 114 TTHC (năm 2015) nay xuống còn 25 thủ tục. Đặc biệt, với việc triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” thay cho thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc từ ngày 1/6/2021 là bước đi phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Hồng Thiết

Cần xây dựng kế hoạch tổng thể để ngăn chặn dịch hiệu quả

TĐKT - Ngày 12/8, đoàn công tác của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh Tây Nam Bộ do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở Y tế Vĩnh Long, tất cả các huyện thị xã của tỉnh Vĩnh Long đều có ca mắc COVID-19, trong đó huyện Tam Bình có số ca mắc cao nhất với 524 trường hợp. Hai khu công nghiệp trên địa bản tỉnh đã xuất hiện những ổ dịch với 173 ca mắc COVID-19. Quang cảnh buổi làm việc Về xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long là cơ sở xét nghiệm khẳng định tại tỉnh Vĩnh Long với 4 máy xét nghiệm công suất 2.500 mẫu đơn/ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã xét nghiệm cho 38.892 mẫu. Vĩnh Long có 143 cơ sở cách ly trên toàn tỉnh với năng lực tiếp nhận 9.478 người; hiện tại tỉnh đang cách ly 2.461 người. Công tác điều trị, toàn tỉnh hiện có tổng cộng 15 cơ sở điều trị COVID-19 với năng lực tiếp nhận 2.258 bệnh nhân, hiện tại đang điều trị cho 868 người, trong đó có 24 bệnh nhân nặng. Vấn đề tiêm vắc xin COVID-19, tính đến ngày 11/8, Vĩnh Long đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 được cho 171.878 người. Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long trong việc triển khai phòng, chống COVID-19. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh phát huy hiệu quả hơn nữa các tổ COVID cộng đồng. Bên cạnh đó cần lập các đoàn kiểm tra rà soát công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để sàng lọc nguy cơ nhiễm COVID-19 trong các doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh tăng cường điều trị ngoại trú để dành nguồn lực y tế cho công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Về xét nghiệm, tỉnh cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch xét nghiệm cụ thể trên địa bàn tỉnh và tận dụng các sinh viên y khoa trên địa bàn tỉnh để tham gia công tác lấy mẫu. Thứ trưởng đề nghị Vĩnh Long cần xây dựng kế hoạch tổng thể về tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin trong thời gian sắp tới. Các bệnh viện cần đào tạo nhân viên y tế để phân loại bệnh và có những phương án điều trị phù hợp và kịp thời. Thứ trưởng đề xuất Vĩnh Long nên xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tổng thể thực hiện Nghị quyết 86 của Thủ tướng Chính phủ để có thể ngăn chặn dịch bệnh đến trước ngày 25/8/2021. Tiếp thu những góp ý của Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cảm ơn những giúp đỡ của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Vĩnh Long. Ông đề nghị các sở, ngành của tỉnh nhanh chóng thực hiện các nội dung theo những góp ý của Bộ Y tế để khống chế dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó tỉnh quyết tâm sẽ chấm dứt được dịch trước ngày 25/8/2021. La Giang

Chính phủ thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất trong 5 năm tới

Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV, phiên họp lịch sử, đã tập trung thảo luận, thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất trên các lĩnh vực của đất nước 5 năm tới; đồng thời đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021; quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Ngày 11/8, Chính phủ khóa XV họp Phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Phiên họp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp. Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc tới các địa phương. Trong buổi sáng, Phiên họp thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Buổi chiều, Phiên họp thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021; tình hình và các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại năm 2021 Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp nêu những điểm lớn trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh trước bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tạo đột phá mới. Trên tinh thần thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ xác định 6 quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành giai đoạn 2021-2025. Từ mục tiêu tổng quát, Chính phủ xác định các mục tiêu cụ thể trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu. Để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu cho cả giai đoạn. Về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong tháng 7 do tác động của dịch bệnh với diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ kéo dài, nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị và xã hội, nhìn chung tình hình 7 tháng vẫn duy trì được một số mặt tích cực. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã huy động được khoảng 18 triệu liều vaccine để tiêm phòng miễn phí cho toàn dân. Đến nay, đã thực hiện hỗ trợ 12,1 triệu lao động và gần 376 nghìn người sử dụng lao động với tổng kinh phí hơn 5,7 nghìn tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng... Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ Phát biểu tại Phiên họp, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương bày tỏ đồng tình cao với các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Các đại biểu nhấn mạnh Báo cáo đã được chuẩn bị rất bài bản, khoa học, công phu, kỹ lưỡng, nội dung bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các chỉ đạo của Trung ương. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phương châm, định hướng cho Chính phủ nhiệm kỳ mới là: Quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Các đại biểu nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn thể hệ thống chính trị, của nhân dân, chung sức, đồng lòng thực hiện tốt phương châm “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết, “toàn dân, toàn diện chống dịch”. Theo các đại biểu, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã đúc kết đầy đủ kinh nghiệm chống dịch của các địa phương trong cả nước; đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng tình huống diễn biến dịch bệnh, trong đó có nhiều biện pháp mạnh, đột phá. Nghị quyết 86 cũng đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đưa ra mốc thời gian cụ thể cần đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh, do đó các bộ ngành, địa phương cần nỗ lực cao hơn nữa, phát huy tính tích cực, chủ động hơn nữa, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 theo đúng yêu cầu đề ra. Theo yêu cầu của Thủ tướng, các đại biểu phân tích rõ hơn về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, “chống dịch thành công mới có thể phát triển kinh tế -xã hội và phát triển kinh tế xã hội mới có nguồn lực chống dịch”. Các đại biểu cũng nêu các kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thực hiện mục tiêu kép theo phương châm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”, “sản xuất an toàn, lưu thông an toàn”, “ba lớp, ba trước, bốn tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”,… Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi và vươn lên sau khi khống chế được dịch bệnh, các đại biểu nhấn mạnh các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh; xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, ổn định; hoàn thiện thể chế quản trị phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng; phát triển thị trường lao động gắn với chăm lo cho nhóm lao động yếu thế; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông phải đi trước một bước; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ với sự liên kết, tương hỗ chặt chẽ, khắc phục tình trạng gia công, lắp rắp; tham gia, kết nối sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu,… Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu phải gắn phát triển kinh tế với văn hóa trong từng bước phát triển. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Đảng ta luôn rất quan tâm tới việc phát triển văn hóa, phát triển con người. Những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa đã mang “liều vaccine tinh thần” để nhân dân đồng lòng, đồng sức cùng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị vượt qua đại dịch. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm về văn hóa trong Nghị quyết Đại hội XIII và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang khẩn trương xây dựng để sớm trình Thủ tướng chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tới năm 2030 với các nhiệm vụ đột phá, khả thi. Các đồng chí Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở đấy”. Các địa phương phải động viên người dân khắc phục khó khăn, chung sức đồng lòng cùng chính quyền và cả hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh; chỉ cách ly F1, F0 tại nhà khi có đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, kiểm soát lưu thông an toàn, theo đúng quy định của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, bảo đảm vừa chống dịch vừa lưu thông hàng hóa; dứt khoát phải bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, chăm lo cho người yếu thế; đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng; cân đối kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch; phối hợp hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trong hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh… Các địa phương lưu ý rà soát các điểm xung yếu, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật tư để chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mùa mưa bão đang đến, tránh tác động kép từ thiên tai và dịch bệnh. Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trong lúc này, phải tập trung ưu tiên số 1 cho chống dịch, chống dịch thành công thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập 3 nội dung lớn của Phiên họp sau một ngày làm việc hết sức tâm huyết, trách nhiệm, sôi nổi: Việc thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội; về công tác phòng chống dịch; về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Về việc thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các ý kiến xác đáng của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong bài phát biểu hết sức quan trọng của Tổng Bí thư, Thủ tướng đặc biệt lưu ý những tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp, nhiệm vụ hết sức cơ bản, có tính chất định hướng cả trước mắt và lâu dài. Thứ nhất, phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thứ hai, phát triển bền vững, theo chiều sâu. Thứ ba, phát triển kinh tế hài hoà, hợp lý gắn với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường. Thứ tư, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là quan tâm an sinh xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị để cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ sáu, tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phải kiên định tư tưởng, lập trường, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thủ tướng nêu rõ, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, vì vậy, trong vòng 5 năm tới đây, việc tổ chức thực hiện phải được quan tâm hơn, đặc biệt ở cơ sở. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhanh chóng phát hiện các nhân tố mới, mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng, đồng thời khắc phục hạn chế, yếu kém để có sự phát triển tổng thể, toàn diện. Vừa phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, vừa phải mở ra không gian đổi mới sáng tạo để khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Với những vấn đề phát sinh, những vấn đề mới cần phải sửa đổi, bổ sung, phải kịp thời đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền theo trình tự pháp luật và nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự cộng tác, hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả cơ bản, tích cực. Về phòng chống COVID-19, so với các nước trong khu vực, chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình. Chúng ta đã ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn; nhiều tâm dịch được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường. Những nơi đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp cũng đang nỗ lực cố gắng thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Chính phủ ghi nhận, đánh giá các địa phương, đơn vị đã huy động tối đa các nguồn lực với sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt, một số nơi thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, mất cảnh giác, chưa ý thức được hết sự nguy hiểm của dịch bệnh, nên có nơi, có lúc chấp hành chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, đây là nguyên nhân chủ quan để dịch bệnh dây dưa, kéo dài. Việc thực hiện Chỉ thị 16 ở một số địa phương chưa thực sự nghiêm túc, thiếu kiểm tra, giám sát. Việc tổ chức “4 tại chỗ” có nơi chưa nghiêm túc nên khi tình hình phức tạp thì lúng túng, bị động, không đáp ứng yêu cầu. Thủ tướng nêu rõ hai điểm cần rút kinh nghiệm: Thứ nhất, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch. Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền phải tập trung kiểm tra, giám sát, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nghiêm các quy định, nhất là các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. “Mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ phòng chống dịch. Phải quán triệt điều này, nếu không sẽ thất bại”, Thủ tướng lưu ý. “Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình; đi theo mục tiêu, thời hạn cụ thể thì phải có giải pháp, tổ chức thực hiện thực sự nghiêm túc. Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc”, Thủ tướng nhấn mạnh. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ Nghị quyết này để triển khai. Người đứng đầu Chính phủ phân tích kỹ lưỡng một số yêu cầu, nhiệm vụ trong phòng chống dịch, theo yêu cầu chung nhất là “người phải cách ly với người, ‘ai ở đâu yên đó’, ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người’, cộng với các biện pháp xét nghiệm, 5K, vaccine, thuốc, công nghệ và các biện pháp khác”, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc, dập dịch tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình. Thủ tướng nhắc lại, xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch. Để thực hiện chiến lược vaccine, tới nay Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; tiếp, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine, đạt một số kết quả. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn rất khó khăn, cần tiếp tục triển khai tích cực, Bộ Ngoại giao thúc đẩy ngoại giao vaccine. Thủ tướng cũng lưu ý phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vaccine, “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất’. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết. Thủ tướng lưu ý có thể cắt bớt các quy trình, thủ tục về mặt hành chính nhưng phải bảo đảm yêu cầu về y tế, khoa học và chuyên môn. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, hướng dẫn về các công nghệ phòng chống dịch, phát huy cao nhất, hiệu quả của Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện. Nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên cơ sở kết nối với các nền tảng đã có, đặc biệt là nền tảng cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, phục vụ việc tiêm vaccine, truy vết… Thủ tướng lưu ý áp dụng các biện pháp khác như kết hợp giữa đông y và tây y, giữa y học, tâm lý học, xã hội học… trong công tác điều trị, phòng chống dịch. ‘Trong lúc chưa có đầy đủ vaccine và thuốc đặc trị thì vẫn phải bảo vệ được người dân, phòng dịch vẫn là chủ yếu, chiến lược, quyết định’, Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi thực hiện phong tỏa cách ly, không được để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân ở mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn an dân. Các bộ ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu này, ‘đồng chí nào không làm được là có lỗi với dân’, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, động viên để người dân nâng cao ý thức, thái độ và sự tin tưởng, tinh thần lạc quan, ủng hộ, tích cực cộng tác trong phòng chống dịch. Cùng với đó, khi thực hiện cách ly, phong tỏa không được để đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động, hàng hóa, lưu thông. Một số nơi đã thực hiện thành công các mô hình như ‘3 tại chỗ’, ‘một cung đường, hai điểm đến’, cần tiếp tục hoàn thiện các mô hình này. Tập trung khắc phục, giải quyết các khó khăn, các điểm yếu Về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng và tháng 7, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất tương đối ổn định. Thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ theo dự toán, lũy kế 7 tháng đạt 67,9% dự toán, chi ngân sách bằng 45% dự toán. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước đạt 55,7 tỷ USD (tăng 1,5%); tính chung 7 tháng đạt 373,36 tỷ USD (tăng 30,2%). Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách 7 tháng tăng 5,6% so cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8%. Trong 7 tháng, có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp tăng 0,8% và số vốn đăng ký tăng 13,8%; có gần 30 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 3,6%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Những điểm sáng này cần tiếp tục phát huy. Các tổ chức quốc tế cũng có những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam nhưng chúng ta không được chủ quan, thoả mãn. Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trong lúc này, phải tập trung ưu tiên số 1 cho chống dịch, chống dịch thành công thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn, chống dịch không thành công thì gặp khó khăn nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân. Đầu tư công là lĩnh vực có những hạn chế kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, coi đây là một động lực tăng trưởng kinh tế, thực hiện bằng mọi biện pháp và dứt khoát không để dây dưa, kéo dài, dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ. Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung khắc phục, giải quyết các khó khăn, các điểm yếu như chỉ số sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng giảm; chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao và dịch bệnh; sản lượng thủy sản tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm; cán cân thương mại 7 tháng ước nhập siêu; sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương dịch bùng phát và trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Thủ tướng nêu rõ 5 yêu cầu phải đạt được, giữ vững trong thời gian tới. Thứ nhất, cương quyết giữ được lưu thông hàng hóa. Thứ hai, bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ. Thứ ba, giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này. Thứ tư, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ năm, bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ công tác phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần ‘Anh bộ đội cụ Hồ’, là đội quân sản xuất, đội quân chiến đấu, đội quân công tác. Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò tuyến đầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế; phối hợp với các cơ quan triển khai các nội dung tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương ngày 08/8. Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương chi tiêu ngân sách để thực hiện các kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tài chính và chính sách tiền tệ, nếu cần thiết có thể lập tổ công tác đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Hai cơ quan tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ xét nghiệm, cơ sở vật chất, tiền lương, về giãn nợ, khoanh nợ, lãi suất… với các doanh nghiệp tổ chức thực hiện được ‘3 tại chỗ’, ‘một cung đường, hai điểm đến’. Bộ NN&PTNT và các địa phương tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh; tăng cường công tác bảo vệ rừng; phòng chống dịch bệnh trên gia súc. Bộ Công Thương, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông thị trường trong nước, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định, bảo đảm không để xảy ra thiếu hàng hóa tiêu dùng. Đẩy nhanh việc cấp mã QR cho phương tiện đi “luồng xanh”, cải thiện điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa, dịch vụ, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tích cực thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh, có giải pháp hiệu quả hạn chế nhập siêu. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các địa phương chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bám sát tình hình triển khai Nghị quyết 68, tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc mở rộng đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ theo khả năng. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương kết thúc năm học thành công, chuẩn bị tốt cho năm học mới 2021-2022, phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương, bảo đảm an toàn. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy, thực hiện tốt công tác quy hoạch; nhanh chóng đề xuất phương án xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… Bộ Nội vụ chủ trì việc thực hiện kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy tinh gọn và xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan, cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết của Quốc hội. Các ngành, các cấp, các địa phương đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu nhân dân, nhất là trong mua sắm phục vụ phòng chống dịch theo Nghị quyết 86. Về tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, chủ động, sáng tạo hơn và đáp ứng tình hình trong điều kiện hiện nay. Cùng với đẩy mạnh ‘lấy cái đẹp dẹp cái xấu’, ‘lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực’, cần tăng cường đấu tranh với các thông tin, luận điệu thù địch, xuyên tạc, sai sự thật. Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV, trong đó có việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội. ‘Các chỉ đạo, cơ chế, chính sách đã có đầy đủ nhưng cũng không thể nào phủ hết được các góc cạnh của thực tiễn, tình hình lại diễn biến rất nhanh. Do đó, các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải liên tục sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, quan trọng nhất là phát hiện kịp thời các mâu thuẫn, hạn chế, yếu kém, khó khăn để bổ sung, hoàn thiện dần, kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý’, Thủ tướng nêu rõ. Theo baochinhphu.vn

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Chiến dịch “Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức”

TĐKT – Ngày 11/8, nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Chiến dịch "Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức". Chiến dịch được thực hiện từ tháng 8 - 11/2021, cao điểm từ trung tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9. Hội Chữ thập đỏ phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội trao quà hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Chiến dịch "Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức" tập trung vào ba hoạt động chính: Hỗ trợ "Túi hàng gia đình Chữ thập đỏ" tại 20 tỉnh, thành phố, mỗi túi hàng trị giá 500 ngàn đồng, gồm thực phẩm, nhu yếu phẩm dành cho một hộ gia đình 4 người sử dụng trong một tuần và các vật dụng phòng, chống dịch (khẩu trang, xà phòng, nước sát khuẩn…); hỗ trợ suất ăn (30.000 đồng/suất) cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị trong các bệnh viện tại Hà Nội (bao gồm bệnh nhân điều trị ngoại trú tập trung tại các khu trọ xung quanh bệnh viện); hỗ trợ tiền mặt cho người lao động ngoại tỉnh mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn hiện đang ở trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ. Đối tượng hưởng lợi của chiến dịch là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ em mồ côi; người già neo đơn không nơi nương tựa, người vô gia cư; lao động ngoại tỉnh không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn, hiện đang ở trọ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có người mất do dịch COVID-19 hoặc chưa được nhận hỗ trợ từ các nguồn khác. Để triển khai chiến dịch, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xuất 4,3 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ 20 địa phương, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ 1,4 tỷ đồng; Hà Nội 700 triệu đồng; Bình Dương, Đồng Nai, mỗi tỉnh 300 triệu đồng. Đồng thời, 16 tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, mỗi tỉnh, thành được hỗ trợ 100 triệu đồng. Các tỉnh, thành Hội vận động thêm nguồn lực để lan tỏa và tăng hiệu ứng trong triển khai chiến dịch tại cơ sở. Lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ tham gia tuyến đầu chống dịch được hỗ trợ trang thiết bị phòng hộ (khẩu trang, nước sát khuẩn, tấm chắn, bộ PPE) đảm bảo an toàn khi tham gia hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch. Chiến dịch "Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức" nhằm kết nối hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của các tỉnh, thành Hội trong toàn hệ thống; nâng cao hiệu quả hỗ trợ và đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương. Đồng thời thông qua chiến dịch nhằm lan tỏa tinh thần "Chữ thập đỏ: Vì mọi người, ở mọi nơi"; toàn xã hội cùng chung tay chia sẻ, hỗ trợ những địa phương gặp khó khăn do dịch COVID-19. Phương Thanh  

Triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch trên phạm vi toàn quốc

TĐKT - Ngày 11/8, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã tổ chức họp báo công bố chính thức việc triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch phạm vi toàn quốc trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Giao diện website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/8/2021 và lãnh đạo Bộ Công an về việc thực hiện triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; tận dụng hệ thống máy móc, thiết bị sẵn có, không phát sinh kinh phí đầu tư mới, đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi qua các chốt kiểm dịch. Cụ thể, công dân thực hiện đăng ký khai báo y tế (qua máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet) trước khi đi qua trạm/chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa chỉ https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Phần mềm này tương tự như khai báo qua các ứng dụng của Bộ Y tế nhưng bổ sung thêm thông tin thường trú, lưu trú, tạm trú. Sau khi đăng nhập đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ cung cấp cho người dân một mã QR code để cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin. Tại các chốt kiểm dịch, cán bộ Công an sẽ đối chiếu thông tin công dân khai báo trên hệ thống và xác nhận thông tin công dân khi đi qua chốt kiểm dịch. Dữ liệu sau khi công dân kê khai được kiểm duyệt, xử lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo xác định chính xác thông tin công dân kê khai; thông tin này được thông báo về cấp phường/xã nơi công dân đi - đến, để quản lý kịp thời đúng thông tin và con người thực tế. Qua đó truy vết lộ trình di chuyển của công dân một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác nhất; tiết kiệm chi phí trong công tác phòng, chống dịch hiện nay. Đồng thời, cũng giúp cho công dân kịp thời cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh nơi công dân đi – đến, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Như vậy, với việc triển khai hệ thống trên, công dân có thể khai báo y tế trước khi đi qua các điểm chốt, không phải khai báo y tế trên giấy tại các điểm chốt một cách thủ công, giảm ùn tắc tại các điểm chốt/trạm kiểm soát dịch, tránh gây phiền hà, mất thời gian cho công dân. Đối với người không sử dụng điện thoại thông minh vẫn có thể kê khai qua giấy để cán bộ công an tập hợp nhập trường thông tin lên hệ thống. Đối với xe luồng xanh thì triển khai và kiểm tra trước khi xuất bến. Để triển khai toàn quốc, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an đã có Điện gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo, tham mưu với lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện phần mềm quản lý công dân vùng dịch tại địa phương từ ngày 11/8/2021. Hiện nay Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương hoàn thiện để triển khai các giai đoạn tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Cụ thể, giai đoạn 2 triển khai mở rộng việc thực hiện kiểm soát ra/vào tại các nơi đông người như siêu thị, bến tàu, bến xe. Giai đoạn 3, triển khai thực hiện quản lý người trong vùng dịch, công dân nhập cảnh phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phương Thanh  

Tích cực chăm sóc trẻ mắc Covid-19

TĐKT - Trẻ bị nhiễm Covid-19 được chăm sóc như thế nào đấy là điều trăn trở nhất của tất cả mọi người. Để chăm sóc cho các em được tốt hơn cũng cần nhiều vấn đề lưu tâm. Xung quanh vấn đề này, BSCK II Nguyễn Trần Nam (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh là bác sĩ hiện đang tham gia điều trị ở Bệnh viện Dã chiến 4) đã có cuộc trao đổi với phóng viên. BSCK II Nguyễn Trần Nam Phóng viên: Được biết ông là bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân nhỏ tuổi, ông đánh giá thế nào về việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân dưới 6 tuổi nhiễm COVID-19 tại đây? BSCK II Nguyễn Trần Nam: Ngay khi được nhận nhiệm vụ về đây, chúng tôi đã bắt tay vào chuẩn bị các biện pháp thu dung, điều trị tốt nhất. Đặc thù Bệnh viện Dã chiến 4 không chỉ nhận người lớn mà nhận cả các em bé mắc trong gia đình. Có nhiều gia đình cả nhà đều bị và các em nhỏ cũng không tránh bị lây nhiễm COVID-19 nên các bé đã được đưa vào đây. Bệnh viện luôn tạo mọi điều kiện để các em được chăm sóc tốt nhất có thể. Phóng viên: Thưa bác sĩ, việc chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 diễn ra thế nào? BSCK II Nguyễn Trần Nam: Việc chăm sóc em bé có đặc thù khác hơn so với người lớn. Như là cần chế độ chăm sóc về dinh dưỡng. Rồi các loại thuốc điều trị cho triệu chứng nhiễm bệnh cũng đều rất khác. Tiếp đó là sàng lọc các biến chứng nếu như có dấu hiệu xuất hiện. Hiện tại các loại thuốc điều trị rất thuận lợi bởi Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh có đầy đủ để điều trị trong trường hợp phát hiện biến chứng nặng. Và tiến hành các bước tiếp theo. Phóng viên: Ngoài vấn đề điều trị thông thường thì còn cần chú ý đến điều gì nữa không thưa bác sĩ? BSCK II Nguyễn Trần Nam: Lưu ý nhiều đến triệu chứng, liên quan đến nâng đỡ về dinh dưỡng, cần có chế độ riêng. Đối với những em quá nhỏ thì có cháo, sữa do bệnh viện và các mạnh thường quân hỗ trợ. Bên cạnh đó còn hỗ trợ về tâm lý. Với các gia đình có bố mẹ bị chuyển biến nặng thì chúng tôi sẽ huy động người cùng phòng đang chưa có biểu hiện nặng hỗ trợ chăm sóc các em bé. Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết hiện tượng biến chứng ở các em bé nhiễm COVID-19 có thường xuất hiện không? BSCKII Nguyễn Trần Nam: Các biến chứng ở trẻ em ít hơn so với người già, người có bệnh nền. Tuy nhiên ở một số trẻ em có bệnh lý béo phì hoặc bệnh lý mạn tính cũng phải chú ý. Đối với các trường hợp đó chúng tôi sàng lọc sớm để phát hiện biến chứng nhanh, nếu cần thiết có thể  chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh để chăm sóc cho phù hợp. Tuyệt đối không để chậm trễ trong việc điều trị. Phóng viên: Khi các bệnh nhi khỏi bệnh được xuất viện, về cách ly tại nhà, các em cần lưu ý điều gì đặc biệt? BSCKII Nguyễn Trần Nam: Bệnh nhân là em bé, biến chứng ít, nhưng có thể có nguồn lây cho người khác trong gia đình. Vậy nên chúng tôi theo dõi rất kỹ những em đủ tiêu chuẩn xuất viện mới cho về. Đảm bảo tiêu chuẩn xuất viện luôn tốt. Khi bệnh nhân nhi về, chúng tôi còn hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc để biết khi nào cần báo bác sĩ ngay. Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết tổng số trẻ em được điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 4 trong thời gian qua? BSCKII Nguyễn Trần Nam: Hơn một tháng qua ở đây có tổng cộng gần 600 trường hợp. Đến chiều ngày 10/8 có thêm nhiều em được xuất viện nên hiện tại chỉ còn hơn 200 bệnh nhi đang điều trị, chăm sóc một cách tốt nhất. Xin cảm ơn bác sĩ! Nguyễn Hân (thực hiện)    

Các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ xét nghiệm diện rộng để thu hẹp vùng đỏ

TĐKT - Ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác phòng, chống dịch. Theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, số ca bệnh dương tính với COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn tăng cao, dự kiến có thể lên đến 2.000 ca/ngày. Tình hình dịch bệnh trong cộng đồng từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, khu nhà trọ công nhân vẫn có nguy cơ cao, đã ghi nhận không ít ca bệnh liên quan đến khu vực này. Toàn cảnh buổi họp Tỉnh đang khẩn trương thực hiện việc xét nghiệm diện rộng, tập trung trước tiên tại khu vực vùng đỏ để bóc tách triệt để các ca dương khỏi khu vực này; nâng công suất xét nghiệm mẫu đơn lên 20.000 mẫu/ngày; làm đồng bộ nhiều giải pháp, hy vọng mục tiêu đến ngày 1/9 kiểm soát dịch trên địa bàn. Đại diện Đồng Nai cũng thông tin hiện tại gần 2.000 doanh nghiệp trong các khu/cụm công nghiệp của tỉnh đang thực hiện “3 tại chỗ”, khoảng 10 ngày gần đây không xuất hiện các ổ dịch lớn, các ổ dịch nhỏ đều khoanh ngay. Tuy nhiên, vẫn còn thực trạng nhiều doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu về giãn cách, phân luồng. Việc xét nghiệm sàng lọc đầu vào chưa triệt để, chưa đảm bảo giãn cách. Tại cuộc họp, đại diện Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai đã đề nghị Đồng Nai nếu qua kiểm tra thực tiễn ở các doanh nghiệp “3 tại chỗ” chưa đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, cần tạm dừng hoạt động. Tỉnh phải cương quyết với tình trạng này nếu không sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh tiếp. Đại diện tỉnh Bình Dương cũng cho biết trong thời gian tới số ca bệnh trên địa bàn có thể gia tăng hơn hiện nay, do tỉnh tiến hành xét nghiệm diện rộng trên địa bàn. Hiện Bình Dương thành lập trung tâm điều phối phản ứng nhanh để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận hơn 11.000 ca bệnh, trung bình mấy ngày gần đây tăng khoảng 500 ca/ngày; hơn 70% không có triệu chứng, 5% bệnh nhân có diễn biến nặng. Tỉnh đã lên kế hoạch tầm soát trên diện rộng tại 4 huyện nguy cơ cao, theo phương án làm từng huyện, kết hợp cả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và PCR để triệt để bóc tách F0 trong khu vực vùng đỏ. Tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước cũng dự báo số ca mắc gia tăng. Cả hai địa phương này đều đang thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà; nỗ lực nâng công suất xét nghiệm để bảo vệ vững chắc vùng xanh, thu hẹp dần các vùng vàng và đỏ. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên đề nghị các địa phương nghiên cứu tiếp thu các khuyến nghị của các Tổ công tác Bộ Y tế hỗ trợ địa phương cũng như các chuyên gia của Bộ Y tế về các vấn đề xét nghiệm, điều trị, sử dụng nhân lực… Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đặc biệt tại vùng vàng, vùng đỏ, tận dụng “thời gian vàng” này cùng với xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách nhanh, triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng, đặc biệt tại khu vực vùng đỏ. Trong công tác xét nghiệm, các địa phương cần có chiến lược xét nghiệm hợp lý, kết hợp hài hòa giữa test nhanh kháng nguyên và PCR; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch nói chung, xét nghiệm, truy vết, tiêm chủng vaccine, phân tầng điều trị… nói riêng. Thứ tưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải quyết liệt thực hiện chủ động “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch, đặc biệt đẩy nhanh thiết lập các trung tâm, khu vực điều trị hồi sức tích cực (ICU), chuẩn bị chủ động về oxy. Trong công tác tiêm chủng, các địa phương cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm, “vaccine về đến đâu tiêm ngay và đảm bảo an toàn”, tránh tình trạng tiêm chậm, nhận vaccine chậm nhưng vẫn đề xuất phân bổ thêm vaccine. Cũng tại cuộc họp, Bộ Y tế thông tin, Bộ đã có quyết định cấp 700.000 test nhanh cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… cần liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy để nhận test nhanh tại kho dự trữ của Bộ ở phía Nam. Bên cạnh đó, trong thời gian qua Bộ Y tế đã cấp phát, phân bổ, điều chuyển nhiều máy thở, máy thở HFNC, trang thiết bị và vật tư chống dịch cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. La Giang

Việt Nam tặng công trình ‘4 nhất’ cho Lào

Tiếp tục chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, sáng 10/8/2021, tại Thủ đô Vientiane, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane chủ trì Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, Nhà Quốc hội Lào sẽ là nơi khởi nguồn, xác lập các quyết định quan trọng cho phát triển đất nước Lào độc lập tự chủ, tiến lên thịnh vượng - Ảnh VGP/Đức Tuân Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là món quà của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em, được đồng chí Thongloun Sisoulith đánh giá có 4 cái nhất "hiện đại nhất, hài hòa bản sắc dân tộc nhất, vững chắc nhất, có giá trị đầu tư lớn nhất". Chủ tịch nước tin tưởng, Nhà Quốc hội Lào sẽ là nơi khởi nguồn, xác lập các quyết định quan trọng cho phát triển đất nước Lào độc lập tự chủ, tiến lên thịnh vượng. Nơi đây sẽ luôn là một biểu tượng bền vững của tình cảm đoàn kết đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước chúng ta. Chủ tịch nước cũng biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm, không quản ngại khó khăn, dịch bệnh của các đơn vị trực tiếp tham gia Dự án phía Việt Nam và Lào với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động hai nước đã ngày đêm miệt mài làm việc trên công trường để công trình bảo đảm chất lượng cao, thi công an toàn, đúng tiến độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội Lào và các bộ, ban ngành của hai nước; đặc biệt là những nỗ lực, quyết tâm của Bộ Xây dựng Việt Nam với vai trò chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án của Việt Nam và Lào, các đơn vị tư vấn phía Lào và Việt Nam, Tổng thầu Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng và các thầu phụ, nhà cung cấp vật tư, vật liệu của Lào... Phát biểu đáp từ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Lào vô cùng vinh dự và tự hào đón nhận món quà quý giá và hết sức có ý nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, đó là công trình Nhà Quốc hội Lào - tòa nhà 4 nhất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cho biết, Tòa nhà Quốc hội tọa trong khuôn viên khu đất linh thiêng, tôn kính của người dân Lào đó là Thatluang Vientiane, là biểu tượng của quốc gia và là linh hồn của cả dân tộc. Tòa nhà Quốc hội mang vẻ đẹp hành tráng, bề thế và sẽ là nơi tổ chức các kỳ họp của Quốc hội, các sự kiện quan trọng cấp quốc gia; là nơi để các thế hệ người dân Lào nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan, du lịch. Đây cũng là trụ sở của cơ quan lập pháp, nơi quyết định hệ thống, chế độ chính trị, xây dựng Hiến pháp và thông qua luật cũng như xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời là nơi làm việc của đại biểu quốc hội và bộ máy của Quốc hội, đại diện cho quyền lợi của nhân dân Lào. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao mô hình Nhà Quốc hội mới tặng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh VGP/Đức Tuân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cảm ơn Bộ xây dựng Việt Nam, Ban quản lý dự án Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng Việt Nam các cơ quan hữu quan khác của Lào và Việt Nam đã tập trung mọi sức lực, trí tuệ và tay nghề tinh xảo của mình vào việc xây dựng công trình. Mặc dù trong thời gian qua phải đối mặt với tình hình lây lan của dịch bệnh COVID-19, gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng với sự quyết tâm cao của các cơ quan đơn vị của hai bên nên công trình vẫn bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chính thức đưa vào sử dụng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nói: “Tôi thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào xin nhận món quà quý giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em trao tặng với niềm tự hào sung sướng và Nhà Quốc hội này sẽ luôn trường tồn cùng với dân tộc Lào”. Mặc dù Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trên tinh thần đồng chí, anh em thân thiết, Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí  để giúp đỡ Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào xây dựng tòa nhà Quốc hội mới. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane: “Tòa nhà Quốc hội mới có quy mô lớn với vẻ đẹp rất nguy nga, trang nhã, có tính mỹ thuật, kiến trúc độc đáo mang phong cách đậm chất Lào, chất lượng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế và xây dựng. Ngoài ra, công trình này được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới, tạo điều kiện tốt nhất cho các đại biểu Quốc hội cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Quốc hội Lào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình; tiến hành các kỳ họp định kỳ của Quốc hội". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thực hiện nghi thức khánh thành và bàn giao công trình - Ảnh VGP/Đức Tuân Được khởi công từ tháng 7/2018, công trình Nhà Quốc hội mới của Lào được xây dựng trên nền nhà Quốc hội cũ tại Quảng trường That Luang - trung tâm thủ đô Vientiane. Tổng diện tích khu đất khoảng 23.400m2, trong đó diện tích xây dựng khoảng 7.171m2 bao gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi. Công trình trên có tổng vốn đầu tư xây dựng gần 112 triệu USD, được giao cho Bộ Xây dựng làm Chủ đầu tư dự án, Binh đoàn 11 - Bộ Quốc phòng làm Tổng thầu thi công. Nhà Quốc hội Lào mới được xây dựng theo hình dạng và cách bố cục chủ đạo lấy cảm hứng từ lá Quốc kỳ của Lào, công trình này là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, họa tiết, hoa văn mang đậm bản sắc, phong tục truyền thống của Lào và các giải pháp công nghệ, thiết bị hiện đại, kỹ thuật, công nghệ quản lý thi công tiên tiến của Việt Nam. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì cho một số đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Quốc hội Lào có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo triển khai thành công dự án xây dựng Nhà Quốc hội Lào. Chủ tịch nước cũng chứng kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trao Huân chương Tự do hạng Nhất của Lào cho Bộ Xây dựng Việt Nam; Huân chương Tự do hạng Nhì của Lào cho Ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng và Binh đoàn 11 thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Theo baochinhphu.vn

Tiền Giang khẩn trương tầm soát diện rộng không để dịch lây lan trong cộng đồng

TĐKT - Ngày 10/8, đoàn công tác hỗ trợ Bộ Y tế tại Tiền Giang đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Tiền Giang và 11 huyện, thị trên địa bàn tỉnh nhằm thảo luận và thông qua kế hoạch phân vùng nguy cơ, tầm soát diện rộng. Toàn cảnh buổi làm việc sáng 10/8 tại UBND tỉnh Tiền Giang (ảnh: Trung Sơn). Báo cáo tại cuộc họp, BS Trương Công Hiếu, thành viên đoàn công tác Bộ Y tế cho biết, dựa trên QĐ 2686/QĐ-BYT đánh giá vùng nguy cơ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, những huyện, thị có nguy cơ rất cao gồm: TP. Mỹ Tho, Thị xã Gò Công, huyện Châu Thành; nhóm nguy cơ cao bao gồm: Huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phước, huyện Cái Bè, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây và thị xã Cai Lậy; nhóm bình thường mới: Huyện Cai Lậy và huyện Tân Phú Đông. Đoàn công tác cùng với UBND Tiền Giang cũng thống nhất về quan điểm phòng, chống dịch sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (đến hết ngày 16/8/2021); tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ vùng xanh, giảm mức độ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 sau ngày 16/8/2021, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các vùng nguy cơ không để xảy ra ca mắc mới trong vòng 5 ngày sau đó chuyển sang trạng thái bình thường mới (vùng xanh). Về các biện pháp phòng, chống dịch đối với các phường, xã có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: Cơ quan ban, ngành cần phải siết chặt quản lý, tăng cường giám sát việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; thực hiện kiểm tra, tuần tra, giám sát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa; tổ chức xét nghiệm toàn bộ cộng đồng 3 lần cách nhau 3 ngày/lần để sàng lọc phát hiện F0, cách ly F1 để làm sạch cộng đồng, từng bước tháo bỏ phong tỏa và giảm mức độ giãn cách xã hội; Lấy truy vết F1, F2 của F0 làm nòng cốt để loại bỏ các chùm ca bệnh có liên quan khỏi cộng đồng. Liên quan đến công tác xét nghiệm, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch giao Sở Y tế phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) triển khai thực hiện xét nghiệm gộp mẫu bằng test nhanh kháng nguyên để phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Tiến hành giải gộp ngay bằng test nhanh đối với mẫu gộp test nhanh có kết quả dương tính, đưa ngay F0 đến khu chăm sóc F0 ban đầu, thực hiện khẳng định bằng RT-PCR đối với các trường hợp test nhanh dương tính. Mỗi đội xét nghiệm đặt tại một khu dân cư tách biệt với các khu vực khác đảm bảo giãn cách trong quá trình lấy mẫu diện rộng. Đối với xã, phường có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, mỗi hộ làm 1 test nhanh gộp 3 mẫu lấy từ các thành viên có nguy cơ cao nhất trong gia đình (3 người/hộ) làm xét nghiệm 3 ngày/lần, trong vòng 9 ngày. Đối với các xã, phường có nguy cơ, tổ chức lấy mẫu đại diện hộ gia đình (1 người có nguy cơ cao nhất/hộ) làm xét nghiệm 5 ngày/lần, mỗi hộ được xét nghiệm 2 lần trong vòng 2 tuần. Đối với các xã, phường bình thường mới, lấy mẫu khoảng 5% dân số cho đối tượng nguy cơ tại nhà trọ, chợ, đầu mối cung cấp thực phẩm, tạp hóa, ngân hàng… Mỗi đối tượng được xét nghiệm 1 lần trong vòng 9 ngày. Tùy theo nguồn lực địa phương, các xã, phường, thị trấn đánh giá nguy cơ theo QĐ 2686/QĐ-BYT tới từng thôn, ấp, khu phố, tổ dân phố để chọn địa bàn can thiệp ưu tiên, tránh lãng phí nguồn lực. Sau khi thực hiện sàng lọc cộng đồng, dựa trên kết quả sàng lọc và yếu tố dịch tễ đánh giá nguy cơ mà UBND xã, phường, thị trấn lên kế hoạch thực hiện xét nghiệm phù hợp với nguy cơ được đánh giá lại trên địa bàn. Bên cạnh đó, về công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cần thành lập các ban chỉ huy chiến dịch để điều hành hoạt động của các đội thực hiện công tác xét nghiệm tại cộng đồng, cơ cấu đội trưởng của mỗi đội lấy mẫu và xét nghiệm test nhanh kháng nguyên vào ban chỉ huy chiến dịch của từng xã, phường, thị trấn để đảm bảo thống nhất hoạt động. Các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện chiến dịch về ban chỉ đạo thành phố trước 17h30 hàng ngày, đồng thời báo cáo khẩn các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện về ban chỉ đạo tỉnh để kịp thời có phương án xử lý nhanh chóng và hiệu quả. Lắng nghe những ý kiến đóng góp của đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười khẳng định sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch mà đoàn công tác đã đưa ra, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh phải quyết tâm, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ truy vết, tầm soát diện rộng, kịp thời khoanh vùng xác định F0 để triệt tiêu hoàn toàn mầm mống dịch bệnh trong cộng đồng. La Giang    

Trang