Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang đem đến những tín hiệu tích cực trong sự phát triển chung của bức tranh nông thôn tỉnh Thái Nguyên. Bằng sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỉnh đã gặt hái được nhiều thành tựu, đem lại sự khởi sắc cho nông thôn, giúp nông nghiệp phát triển toàn diện và cải thiện đời sống của nông dân. Hiện tỉnh Thái Nguyên có 47,6% xã đạt chuẩn NTM, 13,3% xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 37,1% xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 2% xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí; 2 xóm được công nhận đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu.
Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn được đánh giá là có chiều sâu, sát với thực tế. UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai các nội dung chương trình: Phê duyệt danh sách các xã đăng ký đạt chuẩn NTM; phân bổ vốn ngân sách thực hiện chương trình; ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu, hộ gia đình NTM… HĐND, UBND tỉnh và các địa phương đã ban hành các cơ chế, cơ chế đặc thù để triển khai chương trình theo hướng phù hợp với đặc thù của từng địa phương và yêu cầu đặt ra.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 28,1% xã đã phê duyệt và 33,8% xã đang thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch NTM; 79,9% xã đã thực hiện cắm mốc chỉ giới quy hoạch; 70,5% xã đã phê duyệt Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020.
Xác định rõ việc nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân đóng vai trò quyết định tới thành công của chương trình, trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã tổ chức 2.043 hội nghị quán triệt, triển khai của UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể cho trên 139.500 lượt người; Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM biên soạn, in, cấp phát 90 pano, 4.500 áp phích, 2.400 cuốn bản tin NTM.
Thông qua các hoạt động này, ý thức, trách nhiệm làm chủ của cán bộ, đảng viên và người dân được nâng lên rõ rệt, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai chương trình.
Công tác đào tạo, tập huấn được các cấp, ngành chú trọng thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng NTM cho lãnh đạo, cán bộ; tổ chức đi thực tế học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại các tỉnh bạn…
Tỉnh đã tiến hành phân bổ các nguồn lực một cách khoa học, hợp lý, đem tới diện mạo tươi sáng hơn cho nông thôn địa phương. Hệ thống cơ sở vật chất không ngừng phát triển, ngày càng khang trang, sạch, đẹp.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng được 259,54 km đường giao thông các loại; 22,78 km kênh mương; 38 trạm biến áp; 43,35 km đường dây điện; xây mới 09 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 67 nhà văn hóa xóm; sửa chữa 57 nhà văn hóa, 91 phòng học, 24 điểm thu gom rác thải sinh hoạt. Việc dồn điền đổi thửa, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất tiếp tục được thực hiện tốt.
Hiện có 216 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 20.800 thành viên; 590 trang trại của tỉnh hoạt động ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Có thể nói, những bước đột phá của nông thôn Thái Nguyên đã đóng góp vào thành công chung của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của cả nước. Tin tưởng rằng, những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua là động lực để Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực tiến tới đạt mục tiêu xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại; nâng cao đời sống của người dân; thúc đẩy cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng xã hội ngày càng dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.