Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hóa: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số theo hướng bền vững
29/05/2020 - 15:04

Như Thanh là huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 37 km, tổng diện tích tự nhiên 58.829 ha, dân số 94.906 người, có 3 dân tộc chính: Kinh chiếm 56,78%, Mường 22,24%, Thái 18,23%, còn lại là các dân tộc khác. Có 13 xã và 1 thị trấn, 165 thôn, bản, khu phố. Có 9 xã thuộc khu vực III (đặc biệt khó khăn) và 1 thôn đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn 2014 - 2019, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Như Thanh tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ II, năm 2014.

Quang cảnh Đại hội Đại biểu các DTTS huyện lần thứ III, năm 2019

Huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình các chương trình dự án, đặc biệt là Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 cho vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, huyện ban hành các Đề án phát triển nông lâm nghiệp, tập trung chỉ đạo hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tích cực và đúng hướng. Các chương trình, dự án được nhà nước hỗ trợ đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.

Toàn huyện có 13/14 xã, thị trấn có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã, xã còn lại đang đầu tư nâng cấp; 100% xã, thị trấn có trụ sở làm việc được xây dựng khang trang; 100% số xã và thôn bản được sử dụng điện lưới quốc gia; số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 67% năm 2015 lên 93% năm 2019; tăng từ 3/16 xã nông thôn mới năm 2015 lên 8/13 xã năm 2019.

Xã chuẩn Quốc gia về y tế tăng từ 10/17 xã năm 2015 lên14/14 xã năm 2019. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 16,69%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,56 triệu đồng năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,3% năm 2014 còn 6,3% năm 2019. Đến nay, toàn huyện có 116 người uy tín hoạt động ở 116 thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống; có 1.279/4.465 đảng viên là người DTTS đang sinh hoạt tại 290 chi bộ... Đặc biệt, năm 2019, có 2 xã (Cán Khê, Mậu Lâm) và thôn Tân Long (xã Hải Long) đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào DTTS vào Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố vững chắc,…

Lý giải về thành công này, đồng chí Đinh Xuân Hướng - Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết:“Đạt được kết quả trên, trước hết là sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của địa phương một cách sát, đúng; nhất là trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc trong 5 năm qua. Thông qua hoạt động tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách, đồng bào DTTS đã có nhận thức sâu sắc hơn về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tình cảm và niềm tin của đồng bào DTTS đối với cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng. Đồng bào đón nhận chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước bằng sự đồng thuận, từ đó cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, tích cực chủ động hơn trong xây dựng cuộc sống và có nhiều đóng góp hơn cho cộng đồng”.

Trong đồng bào DTTS cũng xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiêu biểu như các xã đặc biệt khó khăn đã vươn lên thoát nghèo xây dựng thành công nông thôn mới: Xã Cán Khê, Mậu Lâm; hay các xã có phong trào xây dựng nông thôn mới sôi nổi như Xuân Phúc, Yên Lạc và Phúc Đường là những xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới trong năm 2019; những thôn còn nhiều khó khăn có nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo như: Thôn Tiến Tâm, xã Mậu Lâm; thôn Tân Long, xã Yên Lạc; thôn Xuân Cường, xã Xuân Khang; thôn 2, xã Cán Khê; thôn Khả La, xã Thanh Tân; thôn 2, xã Xuân Phúc; thôn Thanh Sơn, xã Thanh Kỳ...

Đại biểu Quách Văn Bộ - DT Mường - Bi thư Chi đoàn thôn Đồng Mọc, xã Mậu Lâm nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2019

Về kinh tế, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình DTTS có hướng đi đúng đắn, tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội. Điển hình như gia đình ông Quách Văn Lưu, dân tộc Mường ở thôn 6, xã Xuân Du; ông Bùi Xuân Quang, dân tộc Mường, thôn Đồng Trung, xã Yên Lạc; ông Hà Văn Thiết, dân tộc Thái, ở thôn 8, xã Cán Khê; ông Quách Văn Hồng, dân tộc Mường, ở thôn Phượng Xuân, xã Xuân Khang; thanh niên Quách Văn Bộ, dân tộc Mường, thôn Đồng Mọc, xã Mậu Lâm; ông Lương Trung Kiên, thôn Thanh Sơn, xã Thanh kỳ; ông Vi Văn Minh, thôn Cây Nghia, Xuân Thái... và rất nhiều các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu, xuất sắc.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì việc gìn giữ phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm: Duy trì văn hóa lễ hội của người dân tộc Thái như lễ hội Sết booc mạy thôn Mó I, xã Xuân Thọ, lễ hội Kin chiêng booc mạy thôn Roọc Răm, xã Xuân Phúc; ông Lô Đình Ước, dân tộc Thái, ở thôn Roọc Răm, xã Xuân Phúc được phong tặng là Nghệ nhân dân gian về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Thái. Năm 2019, người Thái Như Thanh vinh dự có vận động viên Lương Văn Thao (xã Xuân Thái) đạt Huy chương vàng nội dung chạy tiếp sức 4 x 400m nam tại SeaGames 30…

Hoạt động lễ hội của người Thái xã Xuân Phúc

Với những thành tựu quan trọng đạt được, bước sang giai đoạn 2019 - 2024, huyện Như Thanh sẽ tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS theo hướng bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng DTTS để phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách sự chệnh lệch mức sống hiện nay; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các vùng kinh tế trên địa bàn huyện; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ là người DTTS; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo về an ninh trật tự, quốc phòng - an ninh.