Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Mỹ Đức (huyện An Lão, TP Hải Phòng): Anh hùng trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình
24/01/2019 - 08:47

Được hợp nhất từ hai xã Mỹ Thái và Đức Lân từ năm 1950, xã Mỹ Đức nằm ở phía Đông Nam của huyện An Lão, có diện tích 9 km2 với 13.000 nhân khẩu. Là địa phương có truyền thống yêu nước, Mỹ Đức đã lập nhiều chiến công hiển hách, làm thất bại âm mưu đánh phá của địch, tạo tiếng vang lớn cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân và dân cả nước, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ vĩ đại của dân tộc.

Toàn xã có 46 cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; 288 liệt sĩ; 97 thương binh, bệnh binh; 199 gia đình cơ sở cách mạng; 28 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 146 thanh niên xung phong; 248 dân công hỏa tuyến; 3 di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp; 1 Khu truyền thống cách mạng Tứ Nghi.

 Để ghi nhận những cống hiến của nhân dân và lực lượng vũ trang xã cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều Huân, Huy chương Kháng chiến các loại.

Những năm tháng đấu tranh chống thực dân Pháp gian khổ nhưng vẻ vang

Từ thời Lê - Mạc, người dân vùng đất này đã tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại sự áp bức, cường hào. Đặc biệt, năm 1885, Đốc Trịch, Thống Ất đã tổ chức nhân dân nổi dậy đấu tranh chống Pháp, được vua Hàm Nghi tặng thơ khen. Mỹ Đức cũng là một trong những mảnh đất sớm giác ngộ Cách mạng khi có đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1930.

Từ đó, xã đã xây dựng cơ sở, giác ngộ hàng trăm người dân tham gia đánh sâu vào lòng địch, làm địch hao tổn lực lượng, hoang mang tinh thần; vận động nhiều binh lính bảo an đào ngũ mang vũ khí phục vụ cho cách mạng.

Mỹ Đức là địa phương có số người tham gia hoạt động trước 1945 và kháng chiến chống Pháp nhiều nhất toàn huyện An Lão. Khu Cách mạng Tứ Nghi được thành lập năm 1943 là cái nôi cách mạng sớm và lớn nhất của huyện, góp phần hình thành đệ tứ chiến khu Đông Triều, cùng lực lượng Cách mạng Câu Trung giành chính quyền ở huyện An Lão và tỉnh lỵ Kiến An.

Trong 09 năm kháng chiến chống Pháp, trên quê hương Mỹ Đức đã có nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh, nhiều gia đình cơ sở Cách mạng bị địch bắt, nhiều làng mạc bị đốt phá. Song, nhân dân và lực lượng Cách mạng của xã đã kiên cường, mưu lược, tổ chức nhiều trận đánh, chặn đứng âm mưu và làm thất bại nhiều trận càn, làm thiệt hại lớn lực lượng, gây hoang mang cho địch, tạo tiếng vang lớn cho cách mạng.

Tiêu biểu phải kể đến: Trực tiếp tổ chức đánh, chống càn 2 trận lớn và 4 trận phối hợp với lực lượng chủ lực của huyện tập kích và đánh công đồn, phá trại tập trung bốt Sái Nghi, diệt nhiều tề gian, tập kích đồn Nhóc, bốt Khuể; cơ sở cách mạng Sái Nghi phối hợp với cơ sở Câu Trung giành chính quyền tỉnh lỵ Kiến An; phối hợp với lực lượng chủ lực tập kết địch tại xã Kiến An, gài mìn dọc tuyến đường 211; chặn đứng âm mưu đổ bộ của địch tại bốt Khuể, làm Pháp thất bại âm mưu dồn dân; đào trên 3.000 mét hào liên thôn, chống bắt lính; đấu tranh buộc bang tá phải bồi thường cho dân khi không thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ;… Năm 1947, xã đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích tiêu thổ kháng chiến.

Chiến công đáng tự hào trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ

Sau năm 1954, nhân dân xã Mỹ Đức khẩn trương bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bổ sung lực lượng, chi viện cho chiến trường Miền Nam. Mỹ Đức cũng chủ động tiếp nhận cơ quan và nhân dân nội thành về sơ tán; hiến đất để xây dựng trận địa tên lửa, đào hầm kèo sẵn sàng chiến đấu; chủ động bù đắp thương vong sau mỗi trận đánh của Mỹ.

Cuối năm 1965 - 1966, xã tiếp nhận và bố trí đầy đủ nơi ăn ở, làm việc cho 12 cơ quan xí nghiệp và đồng bào, học sinh về sơ tán. Các đình, chùa là nơi tập kết vật tư, thiết bị quân sự; vườn nhà dân dùng để xây kho lương thực; chùa Sái Nghi dùng để xây kho đạn; 3 ha đất thôn Kim Châm, Lang Thượng dùng để xây trận địa tên lửa; xã đào 4.000 hố cá nhân, làm 1.232 hầm kèo; lực lượng chủ lực xây dựng 13 trận địa bắn máy bay, pháo cao xạ và 3 trận địa tên lửa. Xã thành lập lực lượng cơ động 209 thanh niên và dân quân.

Năm 1975, xã có 150 đơn tình nguyện vào chiến trường; nhân dân phát động giảm mức ăn mỗi người 1 kg thóc để thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, là địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào của toàn huyện.

Thành tựu sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhân dân Mỹ Đức bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Với tư duy sáng tạo trong phát triển kinh tế, Mỹ Đức đã trở thành điển hình trong khoán sản phẩm nông nghiệp, được báo cáo điển hình toàn quốc năm 1982; sớm xây dựng cánh đồng lớn năm 1980 và trong giai đoạn từ năm 1980 - 1982 đón nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương về thăm mô hình sản xuất nông nghiệp.

 Xã luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đứng ở tốp khá cao của huyện. Nhiều năm liên tục, Đảng bộ Xã đạt trong sạch vững mạnh.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, những người con Mỹ Đức trên mọi miền đất nước đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả Cách mạng, xây dựng quê hương Mỹ Đức phát triển xứng tầm.