Nữ doanh nhân luôn vì Hà Giang phát triển
24/10/2017 - 11:37

Trong số hơn một nghìn doanh nghiệp của tỉnh Hà Giang đang hoạt động trên khắp lĩnh vực của đời sống xã hội, những “bóng hồng” doanh nhân không nhiều. Thế nhưng, họ vẫn luôn tỏa sáng, khẳng định bản lĩnh trên thương trường. Ngoài thành công trong sự nghiệp, họ còn có tấm lòng bao dung, hướng thiện, tích cực tham gia hoạt động từ thiện, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung, Giám đốc Công ty TNHH - Tổng công ty Gia Long là một tấm gương tiêu biểu như thế.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa cho đại biểu điển hình tiên tiến Giám đốc Nguyễn Thị Lan Dung

Xín Mần là một huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Người dân ngoài trồng ngô, câu dong riềng, nuôi vài con gà đem ra chợ bán chẳng biết làm gì hơn nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.  Đó là diện mạo của huyện Xín Mần trước khi chị Lan Dung quyết định đầu tư vào mảnh đất này.

Chọn mảnh đất miền Tây Xín Mần, địa bàn khó khăn nhất của tỉnh để “gây dựng cơ đồ”, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung, Giám đốc Công ty TNHH – Tổng công ty Gia Long đã tạo được thành công lớn. Công ty TNHH – Tổng công ty Gia Long và đồng bào Xín Mần như có duyên nợ với nhau, cứ việc gì mang lại lợi ích cho người dân là làm, không cần biết lợi nhuận nhiều hay ít. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện với số tiền đóng góp hàng tỷ đồng, tạo nhiều công ăn, việc làm cho lao động địa phương.

Đầu tiên chị đầu tư vào xây dựng đường sá. Có những đầu điểm khó khăn, địa hình chênh vênh, không có nước, không có doanh nghiệp nào dám nhận nhưng chị đã đứng ra nhận, như đầu điểm xây dựng đường ra mốc 172. Nhiều người đánh giá những việc làm của chị là liều lĩnh, kinh doanh không hiệu quả, nhưng bản thân chị khi quyết tâm đầu tư đã nghĩ đến lợi ích dài lâu của địa phương hơn là lợi nhuận trước mắt của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lan Dung, Giám đốc Công ty TNHH - Tổng công ty Gia Long

Cơ sở chế biến Lâm sản của Công ty TNHH – Tổng công ty Gia Long

Nhận thấy cả huyện không có lấy một nơi ăn nghỉ, mỗi khi có cán bộ lên công tác phải gửi vào nhà dân, có đám cưới, hội nghị, họp hành phải huy động mọi người đi mượn bàn ghế, bát đũa trong dân. Bởi thế, chị mạnh dạn xây dựng khách sạn Gia Long để giải quyết nhu cầu ăn, nghỉ, hội họp cho huyện mỗi khi cần. Cứ như thế, chị bám sát tình hình địa phương, cái gì thiếu, chưa có chị lại quyết tâm mang về cho huyện.

Đang làm xây dựng, thấy nông sản của người dân khó tiêu thụ, chị Dung đầu tư nhà máy sản xuất miến dong hoành tráng, bao tiêu toàn bộ nguyên liệu với giá cao hơn thị trường. Các mặt hàng nông sản của nông dân Xín Mần được Công ty TNHH – Tổng công ty Gia Long thu mua, chế biến, trở thành hàng hóa, đã và đang có chỗ đứng trên thương trường.

Trước tình hình cả huyện không có một trạm xăng, những người có xe máy phải đi hơn 40 cây số ra Hoàng Su Phì để mua xăng, chị đã mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu để người dân thuận tiện trong việc mua bán, đi lại.

Với tư duy sắc sảo, nhạy bén, khi nhìn những cánh rừng già nguyên sinh bạt ngàn, đứng trước những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như bãi đá cổ Nấm Dẩn và Thác Tiên Đèo Gió, chị lại trăn trở với giấc mơ làm du lịch sinh thái, để Xín Mần trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà của tỉnh Lào Cai.

Gần hai mươi năm gắn bó với mảnh đất Xìn Mần, chị Lan Dung đã coi đây là quê hương thứ hai của mình. Giờ đây, điều kiện vật chất đã đủ đầy nhưng chị chưa bao giờ có ý định “dứt tình” với mảnh đất này.

Một Xín Mần nghèo khó, buồn tẻ, lạc hậu mấy chục năm trước nay đã thay da đổi thịt rất nhiều. Khách du lịch đến với Xín Mần đông vui, tấp nập, những con đường núi ngoằn nghèo, trơn trượt nay đã bằng phẳng, chắc chắn. Người dân Xín Mần hăng hái lao động sản xuất để cung cấp nông sản cho nhà máy hoặc xúng xính trong bộ quần áo công nhân... Cuộc sống của bà con giờ đây đã khấm khá lên rất nhiều, số hộ đói, hộ nghèo còn trên đầu ngón tay, từ trung tâm đến các bản làng đều dễ dàng bắt gặp những phương tiện giao thông, sinh hoạt đắt tiền mà trước đây có mơ họ cũng không nghĩ đến. Tất cả những đổi thay đó đều gắn với những cống hiến thầm lặng của chị Nguyễn Thị Lan Dung, một người phụ nữ đầy nhân duyên với quê hương Xín Mần.

Để có được thành công trong sự nghiệp kinh doanh, chị Nguyễn Thị Lan Dung đã trải qua không ít khó khăn, thử thách. Bản thân chị sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở quê lúa Thái Bình. Để lo cho cuộc sống, chị phải bươn chải lên tận Hà Giang xa xôi để làm ăn. Sự năng động, dám nghĩ dám làm, cần cù chịu khó đã mang đến cho chị sự may mắn trong công việc kinh doanh và gây dựng được một doanh nghiệp phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của huyện Xín Mần. Chị đã trở thành niềm tự hào của người dân Xín Mần, một “Bông hồng vàng” tiêu biểu trong cộng đồng doanh nghiệp xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế nơi vùng sâu, vùng xa.

Những kết quả đạt được sẽ là động lực để chị tiếp tục vững bước chèo lái doanh nghiệp phát triển, đồng hành cùng bà con nông dân xây dựng quê hương Xín Mần giàu đẹp hơn.