Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình
11/05/2017 - 00:00

Xứng đáng với niềm tin của chính quyền và nhân dân địa phương

Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, trải qua nhiều thăng trầm cùng đất nước, Hòa Bình có diện tích tự nhiên gần 4.600 km2, dân tộc thiểu số chiếm trên 72%. Tỉnh Hòa Bình không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn hấp dẫn nhờ nét đặc sắc trong phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc địa phương. Nơi đây được coi là cái nôi của dân tộc Mường nổi tiếng với 4 mường “Bi, Vang, Thàng, Động” và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Trong những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã có những bước khởi sắc trên mọi lĩnh vực của Tỉnh đến từ sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh.

Là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Sở luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý về VH,TT&DL, gia đình trên địa bàn, thể hiện từ những mặt như sau:

Trong công tác quản lý Nhà nước

Thời gian qua, Sở đã có những đóng góp đầy tâm huyết trong xây dựng, ban hành được hàng loạt văn bản các loại, Chỉ thị, Nghị quyết và các quy định quy phạm pháp luật, chương trình hành động, kế hoạch, quy hoạch và đề án trong lĩnh vực ngành.

Sở đã hoàn thành việc kiểm kê các di sản văn hóa trong địa bàn với hơn 200 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định quản lý trong đó có 41 di tích, danh thắng đã được công nhận di tich cấp Quốc gia và 37 di tích, danh thắng được công nhận cấp tỉnh, 768 địa chỉ di sản phi vật thể các dân tộc thiểu số trong địa bàn tỉnh. Sở đã tổ chức thực hiện được trên 10 đề tài nghiên cứu khoa học về di sản, di tích; tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn di sản Mo Mường và Nghệ thuật Chiêng Mường đề nghị Bộ VH,TT&DL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa Quốc gia. Trong đó, di sản Mo Mường được đề nghị Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp Bằng Bảo trợ và tiến hành xây dựng kế hoạch và lộ trình lập hồ sơ Di sản trình các cấp xem xét đề nghị tổ chức UNESCO thế giới công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể của Nhân loại.

Trong năm 2016, Sở đã tham mưu có hiệu quả cho UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030; tham mưu cho Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ II, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, công bố Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình và trao Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Mo Mường và Nghệ thuật Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Bộ phiên âm chữ Mường hiện đang triển khai phổ biến trong địa bàn tỉnh.

Active Image

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Hòa Bình

Hội Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng bảo trợ cho 20 nghệ nhân Mo Mường; Nhà nước công nhận 8 Nghệ nhân ưu tú và 1 Nghệ sĩ ưu tú đợt một giai đoạn 2016 - 2020.

Quản  lý tốt gần 200 cơ sở dịch vụ văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hoá trong địa bàn, hàng năm tiếp nhận trên 60 lượt đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và doanh nghiệp biểu diễn vào phục vụ trong tỉnh; thẩm định trên 500 thông báo dịch vụ quảng cáo, quản lý và giám sát trên 50 lễ hội truyền thống. Tiếp nhận hàng trăm đoàn nghiên cứu, báo chí vào tìm hiểu và khai thác văn hóa trong địa bàn. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng tổ chức tốt công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, lễ hội và du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Sở đã kịp thời nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị quảng cáo, 1 đơn vị truyền thông với số tiền 23 triệu đồng trong năm 2016. Công tác xã hội hóa đã đem lại những tín hiệu khả quan khi huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và tài trợ cho hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao các cấp; góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân.

Hoạt động tuyên truyền về các sự kiện văn hóa, văn nghệ diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú: treo panô, khẩu hiệu; tuyên truyền bằng xe chuyên dụng; trưng bày triển lãm tranh,... Sở đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật; nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, duy trì và phát triển trên 2.000 đội văn nghệ quần chúng trong tỉnh. Về tài chính được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/đội văn nghệ/năm. Trong năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức gần 13.500 buổi biểu diễn, phục vụ trên 4 triệu lượt người xem.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, đồng thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Sở đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, phổ biến phim, chiếu bóng với hơn 1.300 buổi chiếu hàng năm. Đặc biệt, đoàn nghệ thuật tỉnh đã tham gia biểu diễn động viên bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1, được Bộ Tư lệnh Hải quân và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã giúp xây dựng văn hóa đọc cho người dân. Tổ chức hàng trăm đợt trưng bày sách báo, mở cửa phục vụ 20.800 lượt bạn đọc với 61.500 lượt sách báo luân chuyển hàng năm.

Bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống, phát huy tiềm năng du lịch

Trân trọng tinh hoa văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, Sở đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phát triển các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Bên cạnh đó, nhằm tạo dựng đội ngũ kế cận, tạo điều kiện để giới trẻ thêm hiểu và yêu mến những giá trị truyền thống, Sở đã triển khai mô hình truyền dạy cồng chiêng, hát dân ca của dân tộc Mường tại huyện Kim Bôi thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Mô hình này được đánh giá cao và đã thực sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh.

Active Image

Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Mo Mường và Chiêng Mường

Sở cũng chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tổ chức, duy trì tốt các lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Các lễ hội Chiêng Mường, Chùa Tiên, Khai Hạ - Mường Bi, Xên Bản - Xên Mường Mai Châu, Lễ hội Đình Băng - Lạc Sơn,… diễn ra an toàn, văn minh, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Đặc biệt, năm 2016, tỉnh đã xác lập kỷ lục Guiness về màn trình tấu Chiêng lớn nhất Việt Nam với sự tham gia của 1.600 nghệ nhân.

Quản lý và khai thác tốt 41 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng cấp Quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh cũng được tiến hành tốt.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, Sở đã phối hợp quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hòa Bình; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo; quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ. Một trong những điển hình trong phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp phải kể đến mô hình “du lịch cộng đồng huyện Mai Châu” với doanh thu đạt trên 75 tỷ đồng năm 2016. Nhờ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch khoa học, mang tầm chiến lược của tỉnh, lượng khách du lịch đến với Hòa Bình không ngừng tăng, đạt 02 triệu lượt trong năm qua.

Chú trọng phát triển thể dục thể thao và công tác gia đình

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Sở đã phối hợp tổ chức các giải thể thao cấp huyện, cấp tỉnh; phát triển 670 câu lạc bộ thể thao. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 29% người tập thể dục thường xuyên; 22,6% hộ gia đình thể thao; gần 66.700 người đạt chế độ rèn luyện thể thao theo tiêu chuẩn. Quan tâm phát triển thể thao thành tích cao, trong năm qua Sở đã huấn luyện 62 lượt vận động viên; tham gia thi đấu 15 giải thể thao khu vực và toàn quốc; đạt 23 Huy chương Vàng, 32 Huy chương Bạc, 19 Huy chương Đồng.

Sample Image

Với mục đích nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân địa phương đối với công tác gia đình, hiện nay toàn tỉnh đã xây dựng được 1.422 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, phát triển gia đình bền vững; 837 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Hàng năm, Sở đã tổ chức tốt các hoạt động Hội thi chuyên đề Gia đình và tọa đàm chuyên đề. Năm 2016 đã tổ chức thành công Hội thi “Gia đình hạnh phúc”, đăng phát tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện Tháng hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình,...

Với các thành tích trên, hàng năm tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình đã được các cấp ghi nhận và khen thưởng, tô thắm truyền thống vẻ vang của ngành bằng nhiều thành tích: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua của Chính phủ; Cờ thi đua Bộ, Cờ thi đua của tỉnh, Cờ thi đua phong trào An ninh trật tự, nhiều Bằng khen của Bộ VH,TT&DL; Bằng khen của UBND tỉnh Hòa Bình; danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc;… Với tinh thần đoàn kết, sự chủ động, sáng tạo, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình sẽ không ngừng cống hiến, góp phần thiết thực vào sự  phát triển bền vững của vùng đất Hòa Bình mến yêu.