Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG): Chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ
11/06/2024 - 08:58

Thời gian qua, VRG đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), phát triển các giải pháp công nghệ mới song hành để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, nhanh hơn. Tập đoàn và các đơn vị thành viên đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các tập đoàn viễn thông trong nước để tìm hiểu mô hình CĐS và ứng dụng công nghệ số để tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra hiệu quả tối ưu cho việc điều hành đơn vị phát triển bền vững và duy trì tăng trưởng.

Ông Trần Công Kha, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tập đoàn phát biểu chỉ đạo cuộc họp về việc triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số

Xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VRG trong thời gian qua. Tập đoàn hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD).

VRG tổ chức tập huấn triển khai phần mềm đánh giá Bộ chỉ số chuyển đổi số của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DBI)

Hoạt động CĐS tại tập đoàn đạt nhiều kết quả tích cực như: Triển khai Hệ thống eOffice Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, đồng thời đã bổ sung, triển khai các hệ sinh thái văn phòng vào eOffice. Tích hợp và triển khai tính năng ký số Smart CA VNPT trong toàn tập đoàn. Triển khai phần mềm họp trực tuyến trong toàn tập đoàn. Triển khai hệ thống báo cáo số liệu tình hình SXKD trong toàn tập đoàn. Triển khai phần mềm Danh bạ điện tử trong toàn tập đoàn. Xây dựng phần mềm Quản lý nhân sự; nền tảng điện toán đám mây. Kết nối vào Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Trục liên thông văn bản quốc gia...

VRG xây dựng Hệ thống thông tin địa lý quản lý cơ sở dữ liệu đất đai vườn cây cao su (GIS VRG)

Đặc biệt, xây dựng Hệ thống thông tin địa lý quản lý cơ sở dữ liệu đất đai vườn cây cao su tập đoàn (GIS VRG); phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát hiện trạng ứng dụng bản đồ số quản lý vườn cây các đơn thành viên, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng hệ thống thông tin địa lý quản lý cơ sở dữ liệu đất đai vườn cây cao su; lựa chọn nhà thầu tư vấn hồ sơ đấu thầu, quản lý dự án và gói thầu chính dự án; phối hợp với đơn vị tư vấn lập báo cáo tiền khả thi chuyển đổi số tập đoàn. Cùng với việc tăng cường ứng dụng thông tin, công tác an toàn thông tin và an ninh mạng luôn được chú trọng, cảnh giác chặt chẽ theo đúng quy định… Tập đoàn hiện đang lựa chọn đơn vị tư vấn phù hợp xây dựng kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số cho tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Hướng đến chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ

VRG đặt một số mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tiếp tục phối hợp VNPT, Mobifone triển khai phần mềm quản lý phù hợp. Nghiên cứu và triển khai phần mềm Giao dịch hợp đồng được thực hiện trên môi trường số, các hợp đồng điện tử được định danh và ký số. Nghiên cứu và triển khai phần mềm quản lý, tuyển dụng, đào tạo, thi đua khen thưởng… của tập đoàn phải thực hiện trên môi trường số. Nghiêu cứu và triển khai phần mềm Ứng dụng hình thức định danh và xác thực qua các kênh giao tiếp trên môi trường số với khách hàng. Nghiên cứu và triển khai Sổ tay đảng viên điện tử. Nghiên cứu ứng dụng nền tảng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) trong quản lý sản xuất các nhà máy phù hợp với đặc thù chuyên ngành; vận hành, khai thác và hoạt động sản xuất. Nghiên cứu áp dụng được các ứng dụng/dịch vụ giúp thông minh hóa hoạt động sản xuất, vận hành chuỗi cung ứng (nhà máy thông minh, logistic thông minh, nông nghiệp thông minh, năng lượng thông minh); gia tăng trải nghiệm cho khách hàng cuối (nhận diện khách hàng VIP, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng)...

VRG đã triển khai phần mềm Danh bạ điện tử trong toàn tập đoàn

Mục tiêu đến năm 2030, tập đoàn thực hiện theo các chủ trương, đề mục của báo cáo tiền khả thi CĐS tập đoàn. Hoàn thiện và mở rộng các công cụ, ứng dụng phục vụ tập đoàn, hoạch định, thực hiện, kiểm soát và ra quyết định. Hướng tới là một hệ thống ứng dụng tập trung đa phân hệ gồm kế toán, phân tích tài chính, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho, hoạch định sản xuất, quan hệ với khách hàng... được tích hợp trong một kiến trúc tổng thể. Tiếp tục ứng dụng công nghệ mới (AI, Machine Learning, AR/VR, IoT,…) vào các hệ thống thông tin của doanh nghiệp. Ứng dụng tự động hóa trong quy trình sản xuất thông minh, vận hành nhà máy thông minh, xử lý đơn hàng, tự động làm báo cáo, công việc hiện trường. Nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các ứng dụng/dịch vụ giúp thông minh hóa hoạt động sản xuất, vận hành chuỗi cung ứng và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng cuối. Tất cả các ứng dụng trong toàn tập đoàn được triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây. Có trung tâm dữ liệu dự phòng đảm bảo tiêu chuẩn Uptime Tier III trở lên...

Thời gian tới, tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng 100% công nghệ số vào quản trị và vận hành với mục tiêu chất lượng, hiệu quả, tạo vị thế, luôn tăng trưởng và phát triển bền vững.

Ông Trần Công Kha, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tập đoàn cho biết: “Theo Chiến lược Công nghệ thông tin của tập đoàn giai đoạn 2020 - 2025 tại Quyết định số 305/QĐ-HĐQTCSVN ngày 07/7/2020 và Nghị quyết số 05-NQ/ĐU ngày 28/10/2021 của Đảng ủy Tập đoàn về thực hiện chuyển đổi số tại các đơn vị trong tập đoàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu thực hiện chuyển đổi số của tập đoàn là toàn diện. Qua đó đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, hình thành nên những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp để phát huy và duy trì vai trò của đơn vị, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số chung của tập đoàn”.