Đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua
09/08/2022 - 11:27

TĐKT - Thực hiện Quyết định số 911/QĐ-BNV ngày 28/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023 của Bộ Nội vụ và Công văn số 183/VKH-QLKH ngày 22/6/2022 của Viện Khoa học tổ chức nhà nước về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã thống nhất giới thiệu Thạc sĩ Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tổ chức và hoạt động cụm, khối thi đua góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng”.

Khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp ký kết giao ước thi đua năm 2022

Cùng tham gia thực hiện đề tài, có: ThS Nguyễn Tú Anh (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng); ThS Vũ Mỹ Linh, ThS Mai Thị Lan Hương, CN Đặng Quang Hiệp, ThS Bùi Quang Đức, ThS Trần Thị Bằng (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương).

Đề tài được triển khai nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2024 - 2030.

Các nhiệm vụ chính của đề tài là: Nghiên cứu cơ sở khoa học, quan điểm, chủ trương và các quy định của pháp luật về việc tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua; đưa ra khái niệm, nội dung, phân tích đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng, từ đó làm rõ các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua; quá trình triển khai việc tổ chức cụm, khối thi đua đến nay. Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua giai đoạn 2017 - 2022; những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc tổ chức hoạt động của các cụm, khối thi đua của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương) tổ chức.

Từ đó, đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cụm, khối thi đua, góp phần nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; đặc biệt khi triển khai Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2024), trong đó có quy định về phạm thi đua theo cụm, khối do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tổ chức. 

Đối tượng nghiên cứu là tổ chức và các hoạt động của các cụm, khối thi đua. Phạm vi nghiên của của đề tài là tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các bộ, ngành, địa phương tổ chức. Theo đó, đề tài tập trung đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua giai đoạn 2017 - 2022 và đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua giai đoạn 2024 - 2030 và những năm tiếp theo.

Tổ chức thi đua theo cụm, khối là một chủ trương của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chỉ đạo thực hiện từ năm 2006 và đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai trong cả nước. Việc tổ chức các cụm, khối thi đua được thực hiện trên cơ sở sự phân chia tương đối giữa các đơn vị, địa phương có chức năng, nhiệm vụ hoặc điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tự nhiên tương đồng; các đơn vị, địa phương trong cụm, khối cùng nhau phối hợp tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Từ năm 2010, việc tổ chức cụm, khối thi đua làm cơ sở để đề nghị tặng Cờ thi đua đã được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nền nếp trong phạm vi cả nước.

Để các bộ ngành triển khai thực hiện tốt chủ trương của Hội đồng và các quy định của pháp luật về nội dung nêu trên, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (cơ quan thường trực của Hội đồng) theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua trong cả nước.

Trên cơ sở quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua ở trung ương và các bộ, ban, ngành địa phương đã được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức phong trào thi đua và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

Việc tổ chức và triển khai các hoạt động của cụm, khối thi đua đã tạo nên phương thức thi đua đa dạng, phong phú và là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình triển khai tổ chức phong trào thi đua từ trung ương đến địa phương. Đây cũng là điều kiện tốt để lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hơn nữa về trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và nhân dân tham gia, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các bộ, ban, ngành, địa phương và của đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, hoạt động của các cụm, khối thi đua còn có những bất cập, hạn chế: Các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua chưa đầy đủ, có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn; việc tổ chức cụm, khối thi đua chưa được triển khai động bộ và thống nhất tại các bộ, ngành, địa phương; chất lượng hoạt động của cụm, khối thi đua còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; việc xây dựng nội dung tiêu chí thi đua, bình xét, chấm điểm trong cụm, khối chưa thống nhất, một số nội dung, tiêu chí thi đua và cơ cấu điểm còn chưa phù hợp, bất cập, cứng nhắc; một số chỉ tiêu định tính, chung chung, khó kiểm tra, thẩm tra, gây khó khăn trong đánh giá, bình xét, chấm điểm giữa các thành viên trong khối; việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các cụm, khối thi đua chưa thường xuyên; việc bình xét, suy tôn đơn vị dẫn đầu để đề nghị tặng Cờ thi đua hoặc các hình thức khen thưởng ở một số cụm, khối thi đua còn có biểu hiện hình thức, mang tính luân phiên…

Xuất phát từ yêu cầu thực tế nêu trên, để nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua; đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cụm, khối thi đua trong cả nước việc lựa chọn đề tài “Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng” vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Từ đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các vấn đề về lý luận, cơ sở khoa học, cũng như nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với phương thức tổ chức thi đua cụm, khối thi đua, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong những năm tiếp theo, đặc biệt trong quá trình triển khai Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) trong đó có quy định về hình thức và phạm vi thi đua theo cụm, khối do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức.

Phương Thanh