Không ngừng lan tỏa, nhân rộng các điển hình tiên tiến
16/11/2020 - 12:36

TĐKT - Trong 5 năm qua (2016 - 2020) các phong trào thi đua yêu nước đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung và hình thức thi đua ngày càng đổi mới phong phú và đa dạng, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cổ vũ, động viên các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” chính là sự kiện lớn để ghi nhận, tôn vinh các điển hình, từ đó nâng cao hơn nữa tinh thần thi đua yêu nước. Đây cũng là thời điểm đặc biệt để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng, phát huy tốt vai trò của điển hình tiên tiến, nhất là việc nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở.

Tạo sức lan tỏa từ các phong trào thi đua

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động và chỉ đạo triển khai 4 phong trào thi đua trọng tâm trên cả nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Các phong trào này đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai xuống tận cơ sở, với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” có ý nghĩa hết sức quan trọng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện...  Nhiều chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh, phát triển đạt con số kỷ lục, như chỉ tiêu về sản lượng lương thực; chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản, hàng hóa; tỷ lệ độ che phủ rừng... Đặc biệt, thu nhập bình quân của người nông dân tăng cao; bộ mặt nông thôn được đổi mới, khang trang; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhiều... Đến 6/2020, cả nước có 5.177 xã (chiếm 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Với các giải pháp tổng thể và được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính toàn diện và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh nước ta còn nhiều khó khăn và thách thức, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được triển khai trên khắp các vùng, miền, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác của cấp ủy Đảng, chính quyền khi thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sự đồng thuận trong xã hội, tính tích cực, sáng tạo và nỗ lực của người dân, tạo được chuyển biến thiết thực đối với đời sống người nghèo.

Đặc biệt, các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực ủng hộ, giúp đỡ người nghèo; thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương; tổ chức cho các cơ quan, đơn vị đăng ký nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức; vận động hộ gia đình đăng ký thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Trong đó, có sự tham gia sâu rộng, sôi nổi và trách nhiệm cao của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ người nghèo bằng cả tấm lòng với các hình thức khác nhau, các sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; trên 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; nhiều xã, thôn đã bứt phá, chuyển mình, vươn lên trở thành những xã, thôn nông thôn mới trù phú, khang trang.

Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã đi vào thiết thực bằng nhiều biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các bộ, ban, ngành và địa phương thể hiện tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách bộ máy hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, đăng ký kinh doanh qua mạng, kê khai thuế điện tử, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký thành lập mới doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, quảng bá xúc tiến thương mại, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.

Sau hơn 1 năm kể từ ngày được phát động, phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã đạt kết quả tích cực, tạo những chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phong cách giao tiếp, ứng xử, thái độ hợp tác, tương trợ đồng nghiệp trong công việc; tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp có những tiến bộ rõ rệt. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, tham gia nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, năng lực; rèn luyện phong cách làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức ngày càng tốt hơn.

Tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến

Thời gian qua, công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến thường xuyên được chú trọng và chuyển biến rõ nét. Trong đó nổi bật là công tác tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước.

 Với vai trò là cơ quan tham mưu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thông tin truyền thông trong việc tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, như: Giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến cho các cơ quan thông tấn, báo chí; phối hợp xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng đưa tin tuyên truyền gương "Người tốt, việc tốt", xây dựng nội dung chuyên đề về thi đua, khen thưởng...

Từ năm 2015 đến nay, Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã giới thiệu hơn 2.000 tập thể, cá nhân điển hình cho các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh; các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đã đăng tải, phát sóng các tin bài, phóng sự về các phong trào thi đua yêu nước, các gương điển hình tiên tiến. Trên các ấn phẩm của Tạp chí Thi đua Khen thưởng luôn dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng, những tấm gương người tốt, việc tốt.

Tạp chí tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về các phong trào thi đua theo hướng bám sát từ cơ sở, từng đơn vị, từng cụm, khối thi đua. Ngoài việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục như: “Điển hình tiên tiến”, “Phong trào thi đua”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Gương sáng Thủ đô”, “Hà Nội Thi đua ái quốc”… từ năm 2019, nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của độc giả thời kỳ công nghệ số lên ngôi, Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo, giao lưu, tọa đàm trực tuyến về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt…, góp phần tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, để cái tốt ngày càng nhân rộng và lan tỏa trong xã hội. Qua đó, Tạp chí Thi đua Khen thưởng trở thành chiếc cầu nối, làm lan tỏa rộng rãi những điều nhân văn trong cuộc sống.

Điển hình là hai cuộc Giao lưu trực tuyến “Nhớ lời Bác dặn” năm 2019 và Tọa đàm “Kết nối và Lan tỏa” năm 2020 do Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức đã tạo được ý nghĩa nhân văn to lớn. Thông qua hai cuộc giao lưu, những tấm gương người tốt, việc tốt đã được gặp gỡ, chia sẻ với nhau về những việc làm ý nghĩa của mình. Họ cũng liên hệ, kết nối với nhau, cùng nhau triển khai, hiện thực hóa nhiều dự án, việc làm tốt.

Cổng thông tin điện tử Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương liên tục đăng tải các bài viết biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Trong 5 năm qua, Cổng thông tin đăng tải hơn 700 tin, bài và sản xuất 40 video clip tập trung vào những chuyên mục chính như: Các phong trào thi đua, Điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt, Xây dựng nông thôn mới, các trang chuyên đề như: “Chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương”, “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X… Lượng truy cập vào Cổng thông tin không ngừng tăng lên, thể hiện sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân đối với công tác thi đua, khen thưởng ngày càng lớn.

Ngoài ra, các bộ, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Tổ chức nhiều hoạt động để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình, thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh; tổ chức gặp mặt, nói chuyện, giao lưu với các điển hình tiên tiến; tổ chức các cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt; xuất bản tạp chí, tập san chuyên đề giới thiệu các điển hình tiên tiến, sáng tác ca khúc về thi đua... Qua đó nêu gương, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt, các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, biểu dương các điển hình, gương người tốt, việc tốt; xây dựng nhiều chương trình, chuyên mục chất lượng, chuyên sâu, chú trọng phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến từ cơ sở và trong các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa. Tiêu biểu là: Báo Nhân dân có chuyên mục “Người tốt, việc tốt”, Báo Lao động có chuyên mục “Bình dị mà cao quý”, Báo Hà Nội mới với chuyên mục “Nét đẹp người Thủ đô”. Đài Truyền hình Việt Nam mở các chuyên mục phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như chuyên mục “Dạy nghề”, “Bạn của nhà nông”. Đài Tiếng nói Việt Nam có chuyên mục “Những bông hoa đẹp”, “Cửa sổ nhân ái”… góp phần khích lệ, nêu gương, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả, điển hình tiên tiến thực sự tiêu biểu xuất sắc, có sức lan tỏa; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng, phát huy tốt vai trò của điển hình tiên tiến, nhất là việc nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở. Thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến.

Mặt khác, cần thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan thông tin truyền thông, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.

Tố Như