Kinh nghiệm từ công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng trong quân đội hiện nay
11/01/2016 - 00:00

TĐKT- Kiểm tra, giám sát (KT, GS) là những chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng, bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được xác định đúng đắn và chấp hành triệt để. KT, GS là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trực tiếp góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Từ thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng và công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đã tổng kết: “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”.

Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở; là nơi trực tiếp quản lý giáo dục, rèn luyện, KT, GS đảng viên. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị cấp trên có đi vào cuộc sống hay không, một phần quan trọng phụ thuộc vào trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Để thực hiện đúng chức năng lãnh đạo, tổ chức cơ sở đảng phải được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao. Trong đó, làm tốt công tác KT, GS sẽ kịp thời phát huy ưu điểm; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm kỷ luật; trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác KT, GS, những năm qua, ở các tổ chức cơ sở đảng trong quân đội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác KT, GS. Công tác KT, GS của các tổ chức cơ sở đảng đã có những chuyển biến, tiến bộ, góp phần tích cực vào xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các đảng ủy đã chú trọng KT, GS việc chấp hành Điều lệ Đảng, Cương lĩnh Chính trị, đư­ờng lối, chủ tr­ương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nư­ớc, nhiệm vụ quân đôi và đơn vị; thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đảng viên; thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Học viện về thực hiện cuộc vận động “ba không” trong giáo dục - đào tạo, xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng và một số cán bộ, đảng viên chư­a nhận thức sâu sắc và đầy đủ về công tác KT, GS. Vẫn còn cán bộ, đảng viên cho rằng công tác KT, GS là không cần thiết, làm rối bận, ảnh hưởng đến công tác khác hoặc KT, GS là bới lông, tìm vết, không thật thoải mái khi được KT, GS dẫn đến đối phó, thiếu sự hợp tác, chưa tạo điều kiện cho chủ thể KT, GS, tính đấu tranh tự phê bình và phê bình còn thấp. Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay theo tôi cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở.

Đây là giải pháp cơ bản nhằm tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác KT, GS, trên cơ sở đó xác định trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng công tác KT, GS của tổ chức đảng. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, nội dung giáo dục phải toàn diện, song cần tập trung vào những vấn đề cơ bản sau: Giáo dục, quán triệt cho đội ngũ cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) và đội ngũ cán bộ, đảng viên về quan điểm, đường lối, nhiệm vụ chính trị theo quan điểm Đại hội lần thứ XI của Đảng; các quan điểm của Đảng về công tác KT, GS ...

Cấp ủy, UBKT, tổ chức đảng phải trực tiếp tổ chức học tập theo chư­ơng trình nội dung, thời gian quy định của cấp trên cho mọi đảng viên trong tổ chức đảng. Đối với cấp ủy viên và đảng viên là cán bộ các cấp phải đư­ợc th­ường xuyên học tập nghiên cứu những tài liệu về nghiệp vụ công tác KT, GS của các cấp từ Trung ư­ơng đến cơ sở.Cấp uỷ, UBKT, cán bộ, đảng viên phải tích cực, tự giác học tập, chủ động nâng cao trình độ của mình, nêu cao ý thức tự nghiên cứu, tự học tập biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; phải trực tiếp tham gia công tác KT, GS của tổ chức đảng để thấy rõ trách nhiệm cá nhân của mình trong thực hiện nhiệm vụ, trong xây dựng Đảng và tiến hành công tác KT, GS; khắc phục tình trạng lười học tập, lười nghiên cứu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Hai là,  phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Cấp ủy là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác KT, GS. Đại hội Đại biểu toàn Quân lần thứ IX đã xác định: “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với công tác kiểm tra, tập trung kiểm tra các nội dung trọng tâm, trọng điểm. Chủ động kiểm tra khắc phục các biểu hiện vi phạm, tiêu cực, xử lý nghiêm khắc những vi phạm”. Vì vậy, cần phát huy đầy đủ vai trò trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ)  là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến chất lượng công tác KT, GS của tổ chức đảng. UBKT đảng ủy là cơ quan chuyên trách của Đảng ở cơ sở, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng, thực hiện nhiệm vụ cấp uỷ giao, sự chỉ đạo, kiểm tra của UBKT Đảng các cấp, tham mư­u giúp cấp uỷ lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác KT, GS, thi hành kỷ luật của đảng.

Ba là, xây dựng, thực hiện tốt quy chế công tác kiểm tra, giám sát; phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình.

Quy chế làm việc của cấp ủy, UBKT là sự cụ thể hoá những nguyên tắc, quy định của Ban chấp hành Trung ương, Đảng ủy Quân sự Trung ương, tổ chức đảng cấp trên thành nhiệm vụ, quyền hạn, các chế độ công tác, các mối quan hệ và cách thức, ph­ương pháp giải quyết các mối quan hệ đó, quy định thời gian, nội dung, cách thức thực hiện các chế độ phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, tình hình, điều kiện cụ thể của tổ chức đảng và đơn vị để thống nhất thực hiện trong quá trình hoạt động của cấp ủy, làm cho các hoạt động đó đi vào nền nếp, có chất lượng.

Cấp ủy và UBKT, tổ chức đảng phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Muốn vậy, các cấp ủy viên, ủy viên UBKT phải thường xuyên dũng cảm tự phê bình và phê bình với chính mình, chủ động sửa chữa những khuyết điểm của mình; không nể nang, né tránh, “không thiên vị, không thành kiến”, mạnh dạn phê bình với đối tượng KT, GS để làm rõ ưu điểm, kết quả, khuyết điểm, sai lầm, vi phạm và nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến khuyết điểm, vi phạm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy.

Bốn là,  nắm vững và thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo, phương pháp cơ bản và quy trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát

Công tác KT, GS là hoạt động lãnh đạo và sinh hoạt của Đảng. Do đó, tiến hành công tác KT, GS phải quán triệt, thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo, phương pháp cơ bản và quy trình KT, GS. Trước sự phát triển nhiệm vụ của Học viện, và yêu cầu xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng đã có nhiều cố gắng trong quán triệt và thực hiện tư tưởng chỉ đạo, phương pháp và quy trình KT, GS góp phần quan trọng vào quá trình KT, GS của cấp ủy. Vì vậy, để chất lượng công tác KT, GS của TCCSĐ cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau: Nội dung của tư tưởng chỉ đạo công tác KT, GS có quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Trên cơ sở đó, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch KT, GS và tiến hành công tác KT, GS thường xuyên, có nền nếp, không thụ động chờ vụ việc xảy ra rồi mới xem xét, giải quyết; phải thường xuyên nắm vững tình hình hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, luôn coi trọng sự chủ động tự kiểm tra của tổ chức đảng và đảng viên.

Các giải pháp trên có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác KT, GS của TCCSĐ. Mỗi giải pháp có vị trí vai trò khác nhau, như­­ng có quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau, là điều kiện để tăng cường công tác KT, GS. Do đó, khi vận dụng thực hiện, phải tiến hành đồng bộ và kết hợp chặt chẽ các giải pháp, không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua một giải pháp nào. Quá trình thực hiện cần phân tích sâu sắc tình hình cụ thể của từng đảng uỷ ở từng giai đoạn cụ thể mà vận dụng cho phù hợp để phát huy cao độ mọi tiềm năng của đảng uỷ, UBKT, ủy viên UBKT, đội ngũ đảng viên nhằm tăng cường công tác KT, GS có chất lượng, hiệu quả cao.

Nguyễn Quang Chung