Mối quan hệ giữa kinh tế, pháp luật và quản lý trong phát triển xã hội
14/08/2019 - 12:48

TĐKT – Sáng 13/8, tại Hà Nội, Viện Kinh tế, Pháp luật và Quản lý (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Mối quan hệ giữa kinh tế, pháp luật và quản lý trong phát triển xã hội”. TS. Phùng Thảo, Viện trưởng Viện Kinh tế, Pháp luật và Quản lý và GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện kinh tế, pháp luật và Quản lý chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phùng Thảo nhấn mạnh: Kinh tế, pháp luật và quản lý là những phạm trù vô cùng rộng lớn, nhất là trong kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, mối quan hệ giữa các phạm trù nói trên, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước ban hành nhiều bộ luật, nhiều chính sách, có nhiều giải pháp, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức kinh tế xã hội đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp, song vẫn là không đủ để nền kinh tế nước ta với nhiều thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) vẫn còn gặp nhiều rào cản khó khăn, đồng thời pháp luật cũng còn khá nhiều kẽ hở...

Đây là cuộc hội thảo đầu tiên của Viện Kinh tế, Pháp luật và Quản lý nhằm trao đổi, thảo luận giữa các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành với sự tham gia của một số đại biểu là các nhà hoạt động xã hội, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để bước đầu thống nhất nhận thức về mối quan hệ giữa kinh tế với pháp luật và quản lý trong phát triển bền vững và hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Từ đó đề xuất các khuyến nghị, phương hướng và giải pháp giải quyết mối quan hệ đa chiều, phức tạp mà chủ đề hội thảo đã xác định.

Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo: Ba lĩnh vực kinh tế, pháp luật và quản lý đều liên quan trực tiếp tới phương hướng, mục tiêu của đổi mới và phát triển ở nước ta, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới thể chế, cơ chế và chính sách, đổi mới phương thức huy động các nguồn lực và phân bổ nguồn lực cho phát triển. Để đạt được mục đích đó, tất yếu phải nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế, pháp luật và quản lý.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, từ những hiểu biết chung về kinh tế, pháp luật và quản lý, để tập trung nghiên cứu vào mối quan hệ giữa ba lĩnh vực, ba thực thể này, cần giới hạn vấn đề, xác định rõ những điểm khu biệt. Đó là các giới thuyết khoa học cần thiết cho nghiên cứu.

Về kinh tế, tập trung làm rõ vai trò của kinh tế thị trường hiện đại mà chúng ta đang xây dựng, đang nỗ lực định hình nó trong phát triển, hiện đại hóa đất nước thông qua đổi mới và hội nhập.

Về pháp luật, tập trung làm rõ vai trò của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, trong quản lý kinh tế - xã hội, trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa tương thích với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về xã hội, liên quan trực tiếp tới phạm trù quản lý. Đây là phương diện xã hội (nghĩa hẹp) trong cấu trúc tổng thể của xã hội (nghĩa rộng). Quản lý nói ở đây là quản lý các vấn đề xã hội, từ cơ cấu xã hội đến chính sách xã hội và an sinh xã hội, vận động và biến đổi trong nền kinh tế thị trường, trong tác động, chi phối của thể chế dân chủ - pháp quyền.

Thứ hai, tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học cũng nêu lên những hướng tiếp cận khác nhau về mối quan hệ này để từ đó nhận biết các hình thái biểu hiện của quan hệ; các thuộc tính, đặc điểm của quan hệ; các cấp độ, phạm vi của quan hệ chi phối lẫn nhau đều tham chiếu vào mục tiêu phát triển, phát triển bền vững xã hội và con người; đánh giá thực trạng giải quyết các quan hệ đó ở nước ta từ thực tiễn đổi mới và hội nhập; những vấn đề đặt ra (tình huống và nghịch lý) cần được phát hiện để xử lý.

Nội dung thứ ba mà các đại biểu đề cập, trao đổi đến là về những đề xuất, khuyến nghị các giải pháp, các điều kiện nhằm nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ. Đâu là khâu đột phá? Đâu là yêu cầu bức xúc, trước mắt, đâu là yêu cầu cơ bản, lâu dài?

Ngoài ra, các đại biểu còn đề cập tới các khía cạnh khác liên quan đến chủ đề và hướng đích của hội thảo, góp phần làm rõ thêm bản chất, nội dung mối quan hệ theo những lý giải riêng của mình: Có thể vận dụng quan điểm của các nhà kinh điển Mác xít, đặc biệt là tư duy và tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào để nhận biết và giải quyết mối quan hệ; có thể tiếp thu kinh nghiệm giải quyết mối quan hệ trong phát triển từ trình độ và phương pháp quản lý của các nước tiên tiến như thế nào, vận dụng vào Việt Nam; ba chiều cạnh của phát triển bền vững mà thế giới đang quan tâm là kinh tế - xã hội và môi trường.

Với Việt Nam, ngoài ba chiều cạnh đó, chiều cạnh chính trị (thể chế) và văn hóa có vai trò quan trọng ra sao trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị.

Việt Nam đang chú trọng phát triển kinh tế tư nhân với những nhận thức mới, đang ra sức siết chặt kỷ cương, luật pháp, đề cao đạo đức trong xây dựng Đảng, giáo dục đạo đức công chức và kỷ luật công vụ để đáp ứng đòi hỏi mới của phát triển đất nước. Điều đó có tác động như thế nào tới việc giải quyết mối quan hệ kinh tế - pháp luật - quản lý hiện nay...

Mai Thảo