BTĐKT - Việc tổ chức và triển khai các hoạt động của cụm, khối thi đua đã tạo nên phương thức thi đua đa dạng, phong phú và là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình triển khai tổ chức phong trào thi đua từ trung ương đến địa phương. Đây cũng là điều kiện tốt để lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hơn nữa về trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và nhân dân tham gia, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như của các bộ, ban, ngành, địa phương.
Hoạt động cụm, khối thi đua có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng và trong cả nước nói chung. Trên cơ sở hoạt động của các cụm, khối thi đua, các cơ quan, tổ chức đơn vị đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua phạm vi toàn quốc hoặc của bộ, ban, ngành, địa phương, đồng thời phát động và triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung giải quyết những khâu khó, việc khó, những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất. Việc tổ chức hoạt động cụm, khối thi đua đã tạo ra những “sân chơi” với những thành viên tham gia tương đối đồng đều và có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ hoặc vị trí địa lý, điều kiện phát kinh tế, xã hội… từ hoạt động của cụm, khối thi đua, các cơ quan, đơn vị, địa phương có cơ hội cùng nhau trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, so sánh giữa các đơn vị, tìm ra những mặt còn tồn tại, hạn chế để có các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua.
Các đơn vị trong Cụm thi đuacác tỉnhđồng bằng sông Hồng ký kết giao ước thi đua năm 2023
Những năm qua, các cụm, khối thi đua thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thông qua nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và có ý nghĩa, như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức khảo sát, tham quan thực tế để tham khảo, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến; phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ... Công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, bình xét, suy tôn đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và các hình thức khen thưởng được thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, góp phần động viên các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, hoạt động của các cụm, khối thi đua còn có những bất cập, hạn chế: Các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua chưa đầy đủ, có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn; việc tổ chức cụm, khối thi đua chưa được triển khai động bộ và thống nhất tại các bộ, ngành, địa phương; chất lượng hoạt động của cụm, khối thi đua còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; việc xây dựng nội dung tiêu chí thi đua, bình xét, chấm điểm trong cụm, khối chưa thống nhất, một số nội dung, tiêu chí thi đua và cơ cấu điểm còn chưa phù hợp, bất cập, cứng nhắc; một số chỉ tiêu định tính, chung chung, khó kiểm tra, thẩm tra, gây khó khăn trong đánh giá, bình xét, chấm điểm giữa các thành viên trong khối; việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các cụm, khối thi đua chưa thường xuyên; việc bình xét, suy tôn đơn vị dẫn đầu để đề nghị tặng Cờ thi đua hoặc các hình thức khen thưởng ở một số cụm, khối thi đua còn có biểu hiện hình thức, mang tính luân phiên… Do đó, để đổi mới tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua ở nước ta trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện vừa là giải pháp, vừa là mục đích để đổi mới tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua. Bởi vì, đây là những chủ thể liên quan trực tiếp, có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng, nội dung, cách thức tổ chức và triển khai các hoạt động của cụm, khối thi đua ở các cấp, các ngành và trong cả nước. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thi đua, khen thưởng sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của cụm, khối thi đua, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đã đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng: “Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng... Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở”. Các cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua cần nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và việc tổ chức, hoạt động của cụm, khối thi đua trong tổng thể đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nói chung, gắn trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, nhằm phát triển phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua phải được thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương, thường xuyên, cụ thể, kịp thời, nhất là ở cấp cơ sở, nhằm tạo sự chuyển biến đồng đều ở các cấp, các ngành, các địa phương.