Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ
28/09/2020 - 11:34

TĐKT – Trong khuôn khổ chương trình Đại hội Thi đua yêu nước công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) toàn quốc lần thứ X, chiều 27/9, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Công nhân, viên chức, lao động thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, phát triển bền vững đất nước”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: Công tác thi đua - khen thưởng có vai trò và tác dụng to lớn đối với việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, hiện nay, nước ta đang chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vì vậy việc đổi mới phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng.

“Công đoàn - tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của CNVCLĐ - có trách nhiệm tổ chức các phong trào thi đua, động viên đông đảo CNVCLĐ tham gia tích cực vào các phong trào, nhất là phong trào sáng kiến, sáng tạo, thi đua phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong lao động, sản xuất, trong học tập, công tác để thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – Đồng chí Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Tại Toạ đàm, nhiều đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm ở địa phương, ngành; những mô hình hay, cách làm hiệu quả… trong tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong CNVCLĐ.

Qua các chia sẻ đó đã khẳng định, các cấp Công đoàn trong cả nước đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với chuyên môn không ngừng đổi mới về chất lượng, nội dung các phong trào thi đua, luôn lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu, gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã về trước thời gian kế hoạch, đưa vào vận hành trước tiến độ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao; nhiều công trình, sản phẩm mới được ra đời với năng suất, chất lượng vượt trội, thay thế cho hàng nhập khẩu với chất lượng ngang nhau và giá thành giảm….

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong công tác thi đua, khen thưởng của các cấp công đoàn. Cụ thể, trong khu vực sản xuất, kinh doanh, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã được CNVCLĐ tích cực tham gia nhưng chưa thực sự sâu rộng, có nơi chưa được quan tâm (một số liên đoàn lao động, công đoàn ngành hằng năm không có hồ sơ trình khen tặng Bằng Lao động sáng tạo), chưa gắn kết với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tập trung chủ yếu ở bộ phận công nhân có trình độ, có kinh nghiệm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhiều CNLĐ trẻ có sáng kiến nhưng lại không được công đoàn và doanh nghiệp phát hiện, tạo điều kiện để phát huy, ứng dụng, do đó chưa khơi dậy được sức sáng tạo và lòng nhiệt huyết của CNLĐ.

Trong khu vực hành chính sự nghiệp, các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã được các cấp Công đoàn phối hợp với chuyên môn tích cực triển khai nhưng một số nơi chưa rõ nội dung, chưa có tiêu chí cụ thể, chưa tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, ủng hộ của chính quyền nên hiệu quả chưa cao…

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tin tưởng, sau buổi Tọa đàm này, với các kinh nghiệm đã trao đổi, sẽ có nhiều mô hình mới, cách làm hay được tiếp tục học tập và lan tỏa với quyết tâm phấn đấu cao nhất để thực hiện mục tiêu của từng cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong CNVCLĐ giai đoạn 2020 - 2025, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu tuyên truyền rộng rãi kết quả, thắng lợi của Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ X. Mặt khác, giới thiệu, tuyên truyền các bài học kinh nghiệm được rút ra từ các tấm gương điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực để nhân rộng ra toàn xã hội.

"Trong bối cảnh tác động của COVID-19, cần tiếp tục thúc đẩy phát huy sáng kiến, sáng tạo, đổi mới trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Thi đua phải gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Phong trào thi đua yêu nước phải thường xuyên, liên tục, tự giác, gắn với việc làm của mỗi người" - đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, đổi mới hình thức thi đua khen thưởng phải hướng tới những hoạt động phù hợp với từng cơ quan, doanh nghiệp. Khen thưởng phải phát hiện được những điển hình, đánh giá đúng người, thành tích, khen thưởng phải dân chủ, công khai, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân rộng các điển hình tiên tiến.

"Qua công tác thi đua, khen thưởng phải góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ trình độ, phẩm chất, đạo đức đáp ứng yêu cầu của hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới" - đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Mai Thảo