Thêm nhiều góp ý về dự thảo Luật Giáo dục
09/04/2019 - 14:42

TĐKT - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã có nhiều đóng góp và ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục tại Hội thảo góp ý kiến Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần phải bổ sung lại Điều 1, đó là “Luật Giáo dục quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục; quyền, trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với hoạt động giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục”.

Quang cảnh hội thảo

Còn tại Điều 2, thì cần lược bỏ những từ ngữ có nghĩa trùng lặp, cụ thể: Chỉ chọn 1 trong 2 cụm từ “có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc “ hoặc “trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”;

Bỏ toàn bộ cụm từ “hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân” vì “nhân cách, phẩm chất, năng lực” trùng lặp với “đạo đức, tri thức, năng lực thẩm mỹ và nghề nghiệp”. Ngay trong cụm từ “nhân cách, phẩm chất, năng lực” thì “nhân cách” cũng bao hàm cả “phẩm chất” và “năng lực”.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến như về mục tiêu giáo dục, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đều có mục tiêu chung là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phát triển con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, năng lực thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, biết phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng nhu cầu phát triển của bản thân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Các cấp học và trình độc đào tạo này chỉ khác nhau về mức độ thực hiện mục tiêu chung, không khác nhau về bản chất. Đó không phải là căn cứ để phân biệt về quyền tự chủ.

Về sách giáo khoa, cơ sở giáo dục phổ thông được quyền chọn sách giáo khoa. Trong tương lai, cơ sở giáo dục phổ thông có thể biên soạn sách giáo khoa riêng. Như vậy, thực chất không có gì khác biệt với cơ sở giáo dục đại học.

Còn về hội đồng trường, theo các đại biểu những quy định về hội đồng trường trong Dự thảo Luật về cơ bản không khác quy định hiện hành. Đối với trường công lập, hội đồng trường vẫn chỉ đóng vai trò hình thức nếu chưa giải quyết được vấn đề quan hệ với cấp ủy. Nên quy định hội đồng trường do bí thư đảng ủy hoặc bí thư chi bộ làm chủ tịch.

Ngoài các quyền đã quy định trong dự thảo Luật, hội đồng trường có quyền: Tổ chức bầu hiệu trưởng hoặc lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng khi cần thiết; công nhận các kết quả bầu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với hiệu trưởng; phê chuẩn phó hiệu trưởng hoặc miễn nhiệm phó hiệu trưởng theo đề nghị của hiệu trưởng hoặc theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm khi cần thiết.

Đối với trường tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm trường có vốn đầu tư nước ngoài, không nên quy định đại diện nhà đầu tư được bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp. Chỉ có trường tư thục hoạt động vì mục đích lợi nhuận mới thực hiện cơ chế hoạt động của doanh nghiệp: Bầu đại diện nhà đầu tư vào hội đồng quản trị theo tỷ lệ vốn góp; hội đồng quản trị thực hiện quyết định của đại hội cổ đông; đại hội cổ đông và hội đồng quản trị quyết định các vấn đề theo tỷ lệ vốn góp.

Các ý kiến tâm huyết của đại biểu tham dự Hội thảo sẽ được Quốc hội xem xét và đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) trong thời gian sắp tới.

Hồng Thiết