Tự chủ trong giáo dục đại học – những vấn đề đặt ra
24/09/2018 - 14:08

TĐKT -  “Tự chủ trong giáo dục đại học - những vấn đề đặt ra” là nội dung được bàn luận sôi nổi tại Diễn đàn khoa học do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức. Tại đây, các chuyên gia giáo dục - đào tạo đã nêu lên nhiều vướng mắc trong tự chủ đại học và các giải pháp tháo gỡ.

Quang cảnh diễn đàn

Nội dung Diễn đàn tập trung vào các vấn đề thành lập hội đồng trường; trách nhiệm giải trình của các nhà trường; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; kinh nghiệm quốc tế trong thể chế hóa tự chủ đại học.

Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Làm rõ khái niệm tự chủ, cân nhắc bổ sung khái niệm tự chủ học thuật; làm rõ khái niệm giải trình, nội dung và phương thức giải trình với các trường; bổ sung chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; làm rõ cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường, đảng ủy, ban giám hiệu; cân nhắc các quy định về tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, tại Việt Nam, những vấn đề tự chủ đại học đã được đề cập đến từ những năm đầu của thế kỷ XXI nhưng không đi đến kết quả. Sau 5 năm nước ta thực hiện tự chủ đại học, đến nay mới chỉ có 14/500 đại học trên toàn quốc tự nguyện tham gia. Như vậy, tự chủ đại học tại nước ta vẫn chậm xác lập.

Lý giải về điều này, GS Nguyễn Ngọc Phú chỉ rõ: “Ngay từ khi có luật, nhiều vấn đề liên quan đến sự ăn khớp, nhất quán mối liên hệ giữa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học (GDĐH) và nhiều văn bản pháp lý khác đã được đặt ra. Riêng với Luật GDĐH, cho đến nay đã gần 5 năm luật chính thức thi hành, nhưng Luật có nhiều điểm chưa phù hợp, không theo kịp với tình hình. Bên cạnh đó, có luật rồi nhưng nhiều trường đại học vẫn không chịu thực hiện theo.

Ban Tổ chức cho biết, ý kiến của các chuyên gia được ghi nhận để gửi tới các nhà quản lý và giúp các nhà hoạch định chính sách tham khảo trong tiến trình sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Hồng Thiết