Bản lĩnh khởi nghiệp của chàng trai khuyết tật Phan Sơn Hương
03/11/2017 - 14:23

TĐKT – Khởi nghiệp là việc không phải của riêng ai, không phải riêng của một tầng lớp nào. Khởi nghiệp không phân biệt giàu nghèo, sang hèn; không phân biệt trí thức hay nông dân… Khởi nghiệp chỉ phụ thuộc vào lòng đam mê, dám nghĩ, dám làm của mỗi người. Điều đó thật đúng với chàng trai khuyết tật xứ Huế Phan Sơn Hương (sinh năm 1985), hiện là Giám đốc Công ty Marketing online và in ấn, tại ngõ 509 Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hương sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp rất nghèo khó, lại không may mắn như bao người khác do mắc phải di chứng chất độc da cam từ người cha nên bị khuyết tật chân phải, không đi được và gù lưng. Nhưng hoàn cảnh ấy không hạn chế được những ước mơ hồng trong sâu thẳm con người của Hương.

Dù mặc cảm về ngoại hình nhưng Hương chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Do đó, trong cuộc sống, Hương luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn. Đầu tiên là quyết tâm tập đi bằng chính đôi chân của mình, rồi sau đó, Hương nỗ lực học tập và thi đỗ vào trường Đại học Nghệ thuật Huế (nay là Đại học Mỹ thuật Huế).

Anh Phan Sơn Hương, Giám đốc Công ty Marketing online và in ấn  (áo trắng) trao đổi cùng đồng nghiệp.

Nhưng vì nhà nghèo nên năm 2006, Hương đã chọn học nghề tại Huế với chuyên ngành về công nghệ thông tin. Cũng từ đây, cuộc đời Hương bắt đầu sang trang mới. Thế giới công nghệ thông tin đã mang đến cho anh những cơ hội, kiến thức toàn cầu.

Năm 2009, Hương tình cờ được biết đến “Dự án Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật” do trường ESTIH phối hợp với tổ chức CRS (cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ USAID) tài trợ. Anh đã lựa chọn, thử sức học làm lập trình viên.

Sau 2 năm nỗ lực học tập, tốt nghiệp, Hương đến gõ cửa từng công ty để xin việc nhưng tất cả những gì anh nhận được là cái lắc đầu do sự hạn chế về hình thể và nghi ngờ khả năng làm việc của Hương.

Tưởng chừng chàng trai ấy sẽ mặc cảm, nản chí rồi bỏ cuộc. Nhưng anh biết ở Việt Nam, đã có nhiều người khuyết tật thành công với lĩnh vực công nghệ thông tin. Điển hình như Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, một người khuyết tật nặng chỉ bằng “một ngón tay mở ra thế giới” nhờ công nghệ thông tin. Bằng nghị lực của mình, Nguyễn Công Hùng vẫn tự học để đến năm 21 tuổi (2003), anh mở Trung tâm tin học dành cho người khuyết tật; sáng lập website www.nghilucsong.net với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới… Đó chính là động lực để Hương vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn thuở ban đầu, nung nấu ý chí, quyết tâm tìm kiếm con đường để đi đến thành công cho riêng mình.

Năm 2014, anh mạnh dạn đứng ra vay 400 triệu đồng từ gia đình, người thân và họ hàng để làm vốn thành lập Công ty cổ phần Ngân Hà Xanh chuyên về mảng in ấn, thiết kế đồ họa, marketing online và SEO.

Chia sẻ về lý do anh lựa chọn mảng kinh doanh này, Hương cho biết: tôi nhận thấy, công nghệ thông tin với những ứng dụng tiện ích của máy tính và mạng máy tính đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người trong các hoạt động. Đối với những người khuyết tật, công nghệ thông tin như cái tay, cái chân của người khuyết tật vận động, cái tai của người khiếm thính, con mắt của người khiếm thị. Tôi nghĩ, mình cần phải chia sẻ tiện ích này với nhiều người cùng cảnh ngộ; cùng họ sử dụng công nghệ thông tin như công cụ hữu ích giúp người khuyết tật tự lập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Nghĩ là làm, anh đã hướng dẫn, tạo công ăn việc làm ổn định cho các bạn cùng hoàn cảnh với mình có cơ hội được tiếp xúc với ngành đồ họa. “Bản thân mình tìm việc đã khó, các bạn khác còn khó hơn nên mình đã mở lớp dạy đồ họa thực hành miễn phí bằng những sản phẩm thực tế xã hội đang cần, sau khi học xong, mình sẵn sàng nhận các bạn vào làm việc tại công ty...”, anh Hương thành thật.

Năm đầu khởi nghiệp, anh đã tạo công ăn việc làm cho 9 bạn khuyết tật. Ngoài việc trả hết nợ, anh Hương còn tự tích lũy một khoản tiền đủ để duy trì công ty. Đến năm 2015, anh mở rộng phát triển công ty, sắm thêm trang thiết bị và nâng cao chuyên môn về thiết kế banner, backdrop sự kiện; thiết kế catalogue; sản xuất quà tặng.

Nhờ được thiết kế và sản xuất một cách thủ công, tỉ mỉ nên các sản phẩm của công ty anh đều được đánh giá cao về mặt chất lượng. Đặc biệt, công ty đã đào tạo và tạo công ăn việc làm cho 14 người khuyết tật. “Điều đáng mừng, có nhiều bạn học xong về làm cộng tác viên, nhân viên cho công ty, có những bạn đã tự thành lập công ty cho riêng mình” - anh Hương phấn khởi chia sẻ.

Năm 2016, anh Hương muốn công ty có tên tuổi, được nhiều người biết đến, nên đã thành lập công ty cũng với tên gọi đó với tư cách pháp nhân. Năm đó, Ngân Hà Xanh đã ký được rất nhiều hợp đồng với các đối tác và thu hút khá nhiều người khuyết tật đến học và làm việc.

Đến nay, sau 3 năm khởi nghiệp, ngoài việc ký được nhiều hợp đồng với các đối tác, Sơn Hương đã có được một khoản vốn kha khá hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, anh đã cùng người vợ (đồng cảnh ngộ) gây dựng sự nghiệp, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 50 bạn khuyết tật ở khắp TP Hà Nội với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng.

Phan Sơn Hương chia sẻ, thời gian tới đang ấp ủ nhiều dự định nhằm phát triển công ty mạnh hơn nữa để có thể tạo thêm nhiều công ăn việc làm và chỗ ở miễn phí cho những người kém may mắn khác trong xã hội.

Bác Hồ từng nói, một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn thuyết. Câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai khuyết tật giàu nghị lực Phan Hương Sơn chính là thông điệp thực tiễn thuyết phục nhất để giới trẻ hôm nay suy nghĩ, học tập và noi theo; đồng thời một lần nữa khẳng định rằng “Khởi nghiệp không còn là câu chuyện của riêng ai”.

Mai Thảo