Biểu dương các chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu
09/08/2019 - 14:55

TĐKT - Ngày 9/8, tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, biểu dương các chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện góp phần khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với công tác tôn giáo, cùng những chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chức sắc, chức việc các tôn giáo và đồng bào có đạo luôn đồng sức, đồng lòng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, đóng góp cả về vật chất và tinh thần, thậm chí hy sinh cả xương máu của mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam đã và đang chung tay cùng các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, biểu dương các chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mỗi tôn giáo ở nước ta tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau, nhưng đều tồn tại trong lòng dân tộc, lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo.

“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện đoàn kết tôn giáo ở nước ta. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành thực hiện thống nhất quan điểm về công tác tôn giáo, phát huy nguồn lực của tôn giáo trong đời sống xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong đó có những tấm gương điển hình là chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cuộc gặp mặt hôm nay là minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với các tôn giáo và chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta, nhằm phát huy các nguồn lực tôn giáo, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tinh thần chia sẻ, thấu hiểu của cuộc gặp hôm nay sẽ càng tác động tích cực đến đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo, thúc đẩy các hoạt động tôn giáo phù hợp với chính sách pháp luật của Nhà nước, với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu

Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến đến tháng 8/2019, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám, chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập.

Cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo; có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài... đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Dù mỗi tôn giáo đều có đường hướng và phương châm hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo”, luôn gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng.

Thông qua giáo lý khuyên răn con người sống hướng thiện, vị tha, bác ái, đặc biệt là những giá trị đạo đức sâu sắc, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người, nhiều khu dân cư có đông đồng bào tôn giáo đã trở thành điểm sáng về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Các tôn giáo cũng cùng với chính quyền, MTTQ các cấp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cùng chung tay chăm lo cho người có công, cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia khám chữa bệnh, dạy nghề,…

Mai Thảo