Dẫn lối về đời cho những người lạc vào “cơn say”
05/05/2021 - 15:22

TĐKT - Với thâm niên 18 năm tham gia việc cai nghiện heroin - ma túy cho học viên từ giai đoạn tiếp nhận, phân loại, ông Bùi Văn Chư, Phó Bí thư Chi bộ Y tế, Phòng Y tế và điều trị Methadone Cơ sở cai nghiện Ma túy số I tỉnh Hòa Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình đã góp phần vào việc cắt cơn ma túy, chữa trị cho 4.600 lượt học viên từ năm 2010 - 2019, giúp họ thoát những “cơn say” ma túy trở lại với cuộc sống đời thường.

Ông Bùi Văn Chư là một trong những nhân vật điển hình được biểu dương trong Lễ tuyên dương những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng tại Hà Nội.

Tâm sự với chúng tôi về những ấn tượng đầu tiên của mình khi trực tiếp tham gia công tác chăm sóc học viên, ông Bùi Văn Chư cho rằng chính những gương mặt hoảng sợ, nép mình sau những bức tường kiên cố của các học viên cai nghiện ma túy vẫn từng ngày đấu tranh với bản thân để thoát khỏi sự hành hạ của cơn nghiện và cố gắng học nghề để sau này có thể trở thành người có ích cho xã hội đã khiến ông mỗi ngày thêm cố gắng giúp họ hoàn thành khóa điều trị.

Ông Bùi Văn Chư trong giờ thăm khám cho học viên cai nghiện.

Là người tâm huyết với nghề, bản thân ông luôn quan tâm lắng nghe tâm tư học viên và gia đình, nắm rõ bệnh án và tư vấn dùng thuốc Naltrexone chống tái nghiện và thuốc Heantos 4 hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy cho học viên tự nguyện, thuốc có tác dụng cắt cơn êm dịu, học viên đỡ mệt mỏi, tin tưởng và yên tâm chữa trị cai nghiện.

“Việc giáo dục truyền thông về bình đẳng giới cho học viên, để họ nâng cao nhận thức và tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân là rất quan trọng. Hơn nữa tôi còn hỗ trợ tư vấn phòng, chống các bệnh lây truyền theo nhóm, tập trung cho học viên phòng tránh và hạn chế bệnh lây truyền như: Lao, viêm gan, nhiễm HIV/AIDS…”, ông Bùi Văn Chư chia sẻ.

Hiện nay, bệnh nhân nghiện ma túy tổng hợp như ma túy đá, phiến hồng, cần sa… có hiện tượng ảo giác là rất nhiều. Họ có những hành động ảnh hưởng bản thân và tính mạng của cán bộ điều trị trực tiếp cho họ, những biểu hiện anh chị cũng hay xảy ra, từ lời nói đến hành động đều mang tính tiêu cực, cộc cằn, thiếu tôn trọng người khác. Học viên nghiện heroin lâu năm, mắc nhiều bệnh lây truyền, bệnh nan y, sức khỏe yếu, tiền án, tiền sự chiếm tỷ lệ 60 - 70% không phối hợp chữa bệnh, liều lĩnh và lười lao động.

“Khi điều trị cắt cơn tạm ổn định, họ có thể nhận biết thì lại phát sinh tâm lý chán chường. Không ít học viên lúc này sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết. Do đó, chỉ cần cán bộ trực lơ là thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Nhưng không vì những khó khăn kể trên mà làm cho tôi chùn bước, buông xuôi, mặc kệ. Tôi luôn mềm mỏng động viên họ kịp thời và tự tìm các biện pháp hợp lý, để bảo vệ cho bản thân khỏi các nguy cơ phơi nhiễm HIV và không bị hành hung. Từ đó, đội ngũ y bác sĩ sẽ đem lại cách chăm sóc điều trị hợp lý cho bệnh nhân”, ông Bùi Văn Chư tâm sự.

Chia sẻ với chúng tôi, ông nói: “Học viên trước đây, quen sống tự do, giờ phải ở trong phòng khiến họ vốn đã bứt rứt vì thiếu thuốc, đôi khi trở nên hung hãn, ảo tưởng. Họ dùng tất cả những thứ trong tầm tay mình để tấn công y, bác sĩ chăm sóc. Với một học viên có độ tuổi trung bình từ 20 - 30, sức khỏe bình thường, tay chân lành lặn thì phải có 3 - 4 cán bộ cùng nhân viên y tế mới giữ chặt được tay chân khi họ lên cơn thèm thuốc. Chỉ sau 7 - 10 ngày tỉnh táo lại, họ lại hối hận, tìm gặp bác sĩ để nói lời xin lỗi. Bởi thế, chúng tôi luôn tin bản tính lương thiện vẫn còn tồn tại trong mỗi con người, chỉ là nhất thời họ bị “nàng tiên nâu” chi phối mà thôi”.

Điều khó nhất hiện nay khi chữa bệnh cho người nghiện chính là việc một người có thể sử dụng nhiều loại ma túy từ heroin, ma túy tổng hợp, cỏ Mỹ, bóng cười thậm chí là những chất ma túy tự chế rất độc hại như keo “con chó”... Việc điều trị vì thế phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. “Trước khi chữa bệnh, chúng tôi thường phải kiểm tra rất kỹ người bệnh sử dụng những loại ma túy nào để có phác đồ điều trị phù hợp. Có nhiều học viên thường nói dối, đòi hỏi chúng tôi phải thật gần gũi, tâm sự, họ mới nói thật, nếu không điều trị sẽ không hiệu quả”, ông Chư chia sẻ.

Những học viên rất cần sự chia sẻ, đồng cảm của gia đình và các y, bác sĩ.

Ngoài công tác chuyên môn, ông Chư và các y, bác sĩ nơi đây còn đồng cảm, chia sẻ với học viên, bởi chữa bệnh cho học viên cai nghiện là chữa bệnh ở tâm. “Đối mặt với khó khăn, tôi vẫn tự nhủ làm điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc làm theo y lệnh của bác sĩ mà phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, ăn uống, vật chất, tinh thần, động viên, giải thích những vấn đề họ chưa hiểu. Có sự quan tâm toàn diện như vậy, họ mới mau hồi phục. Bên cạnh đó là tinh thần, trách nhiệm của người bác sĩ đối với bệnh nhân, chúng tôi xem họ như người thân của mình. Bởi “cắt cơn” nghiện là giai đoạn khó khăn nhất đối với học viên về cả thể xác lẫn tinh thần”, ông Chư nói.

Không chỉ vậy, nhiều học viên khi vào cơ sở không nhận được sự quan tâm của gia đình hoặc bị gia đình bắt đi cai nghiện... nên thường rất bức xúc về tâm lý, thậm chí là có tư tưởng bỏ trốn, tự hủy hoại bản thân hoặc có các hành vi tiêu cực khác. “Tôi và những y, bác sĩ sẽ là người đầu tiên tiếp xúc, kiểm tra sức khỏe, phân loại đối tượng, xác định bệnh lý... để có hướng điều trị cho mỗi học viên. Rồi cũng chính những thầy thuốc từ từ tư vấn, cảm hóa, giúp học viên qua “cơn đau” của quá trình cắt cơn và tiếp tục theo dõi sức khỏe của họ suốt quá trình ở cơ sở” - ông Chư nhấn mạnh.

Với những thành tích đạt được trong giai đoạn 2010 - 2020, ông Bùi Văn Chư nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Giấy khen của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, được cấp trên tín nhiệm, nhân dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng.

Tố Như