Hết lòng với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân
08/10/2018 - 15:18

TĐKT - Giáo dục, cải tạo phạm nhân (PN) – một nghề đầy gian nan, vất vả, thậm chí phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc của bản thân, nhưng gần 30 năm nay anh đã lựa chọn và gắn bó với hành trình “gieo những mầm thiện trong con người mỗi phạm nhân” đầy gian nan, thử thách. Anh là Thượng tá Phạm Văn Nghị (sinh năm 1971), Bí thư Đảng ủy cơ sở, Giám thị Trại giam Thanh Phong – Cục C10 – Bộ Công an.

Từ người cán bộ quản giáo tâm huyết …

Vốn sinh ra và lớn lên ở quê hương Ninh Bình, nên sau khi tốt nghiệp Đại học cảnh sát nhân dân năm 1998, anh được điều động đến công tác tại Trại giam Ninh Khánh (tỉnh Ninh Bình), phụ trách công tác giáo dục, cải tạo PN.

27 tuổi, anh bắt đầu hành trình đánh thức những “mầm thiện” cho PN đang chấp hành án tại trại giam Ninh Khánh thông qua những bài giảng về quyền công dân, pháp luật, nội quy trại giam, đạo đức, lối sống, về chính sách đối với người đang chấp hành án tại các trại giam,…

Mới ra trường, tuổi đời còn trẻ, nhưng nhờ ham học hỏi kinh nghiệm của những thế hệ cán bộ cảnh sát trại giam đi trước và tinh thần tự học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cũng như những kỹ năng, phương pháp trong công tác giáo dục PN nên chiến sĩ trẻ Phạm Văn Nghị nhanh chóng trưởng thành, được lãnh đạo, chỉ huy và đồng chí, đồng đội tin tưởng, đánh giá cao. Anh được đề bạt, bổ nhiệm chức vụ Phó Đội trưởng, rồi Đội trưởng, sau đó là Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục của Trại giam Ninh Khánh.

Thượng tá Phạm Văn Nghị (sinh năm 1971), Bí thư Đảng ủy cơ sở, Giám thị Trại giam Thanh Phong – Cục C10 – Bộ Công an

Nhớ lại những ngày đầu nhận công tác, Thượng tá Phạm Văn Nghị chia sẻ: Dẫu biết rằng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học viên đều nhận thức đầy đủ những khó khăn của công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Nhưng thực sự chỉ khi chính thức nhận nhiệm vụ mới thấy được trách nhiệm, áp lực đè nặng trên đôi vai của người cảnh sát trại giam. Bởi giáo dục một người bình thường đã khó, giáo dục PN - những con người đã lầm đường, lạc lối trong nhân cách, nhận thức, hành động - còn khó khăn gấp bội phần.

Trách nhiệm trả lại những công dân lương thiện, có ích cho xã hội đòi hỏi những người cảnh sát trại giam như anh không chỉ thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, thực hiện các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải bằng cả trái tim, bằng lương tâm, lòng yêu thương con người và tinh thần nhiệt huyết.

“Từ chủ động tìm hiểu, nắm rõ lý lịch, hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân phạm tội của PN, người cảnh sát trại giam phải tiếp cận, dùng tình cảm, hành động cụ thể để cảm hóa, giúp họ hiểu biết về các quy định của pháp luật, nhận ra cái đúng, cái sai; từ đó làm chuyển biến nhận thức, hành động của PN. Vì vậy, dù nhà chỉ cách đơn vị chưa đầy 7 cây số nhưng số lần về thăm vợ, con và gia đình chỉ 1 lần/tuần. Niềm mơ ước của đứa con nhỏ được một lần bố đưa đến trường cũng chưa thực hiện được” – Thượng tá Phạm Văn Nghị chia sẻ.

…Đến khắc tinh của những phạm nhân “đầu sừng, đầu sỏ”

Giáo dục PN không chỉ là cảm hóa mà còn luôn sẵn sàng đấu tranh, loại bỏ những âm mưu, thủ đoạn, kế hoạch, hành động vi phạm nội quy trại giam, phạm tội mới ngay khi đang thi hành án phạt tù trong trại giam. Nhắc đến cán bộ Phạm Văn Nghị, nhiều PN “đầu sừng, đầu sỏ” cũng phải chấn chỉnh, thay đổi thái độ, hành vi. Anh được mệnh danh là khắc tinh của những đối tượng này.

Anh đã lập được nhiều chiến công trong công tác, chiến đấu, trực tiếp phát hiện, chỉ đạo phá nhiều âm mưu chống phá, trốn trại, móc nối đưa đồ vật cấm vào trại, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm nội quy trại giam của phạm nhân, góp phần bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn trại giam.

Tiêu biểu nhất là năm 2015, thời điểm trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) xảy ra nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến các phạm nhân trong trại chỉ đạo ra bên ngoài gây án, Bộ Công an đã điều động anh đến tăng cường công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân tại Trại giam Nam Hà.

Anh đã chỉ đạo, đấu tranh ngăn chặn thành công vụ PN Nguyễn Hoàng Hải, sinh 1974, đang thi hành án phạt tù chung thân tại trại giam Nam Hà có ý định bắt cóc cán bộ làm con tin đòi yêu sách. Đây là một đối tượng phạm tội nguy hiểm, từng có 3 tiền án, với nhiều tội danh: Giết người, cướp tài sản, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, chống người thi hành công vụ, trốn khỏi nơi giam, cố ý làm hư hỏng tài sản, cố ý gây thương tích…

Hải là đối tượng đã từng trốn trại, tham gia bạo loạn, thường xuyên vi pham nội quy trại giam, bị xếp vào loại cải tạo kém, chống đối quyết liệt. Khi chấp hành án tại trại giam Xuân Lộc và trại giam Gia Trung, PN Hải được chuyển đến trại giam Nam Hà chấp hành án từ ngày 15/12/2013, sau đó được chuyển đến Phân trại số 2 - Trại giam Nam Hà quản lý.

Với cương vị là Phó giám thị phụ trách Phân trại số 2, anh Nghị đã bố trí giam giữ phạm nhân tại buồng giam số 2 (Khu I) và chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý giám sát đồng thời trực tiếp gặp gỡ giáo dục PN Hải. Tuy nhiên, PN Hải vẫn có hành vi vi phạm nội quy trại giam.

Đến tháng 7/2016 phát hiện PN Hải bàn bạc với PN Cường và Tuấn có ý đồ bắt cóc cán bộ y tế nữ, làm con tin đòi yêu sách. Do anh Nghị làm tốt công tác nắm tình hình và công tác cảm hóa nên PN Tuấn đã trực tiếp khai báo với anh toàn bộ âm mưu của PN Hải và đồng bọn.

Bản thân anh Nghị đã kịp thời chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ tăng cường canh gác, bóc tách, quản lý chặt chẽ từng đối tượng, sau một thời gian không thể thực hiện được âm mưu, thủ đoạn nên PN Hải và đồng bọn đã phải từ bỏ. Sau đó chính anh Nghị đã trực tiếp gặp gỡ giáo dục, đồng thời chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tăng cường công tác quản lý, giáo dục không để vi phạm.

Một vụ khác, tin báo của cộng tác viên bí mật đã cung cấp thông tin về PN Nguyễn Trọng Thể; sinh 1972, ở Hà Tĩnh, bị bắt ngày 9/9/2012 và phạt án 15 năm 7 ngày vì tội danh: Tàng trữ trái phép chất ma túy, có âm mưu móc nối với các đối tượng bên ngoài xã hội để đưa ma túy vào trại giam thông qua quà gửi bưu kiện. Đồng chí Phạm Văn Nghị đã chỉ đạo bộ phận trinh sát tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát chặt chẽ PN Thể.

Ngày 07/01/2016, qua kiểm tra gói bưu kiện gửi đến cho PN Thể đã phát hiện thu giữ 5,512 gam chất bột màu trắng được giấu trong hộp sữa Ông Thọ, trại giam đã tiến hành trưng cầu giám định, kết luận 5,512 gam chất bột màu trắng nói trên là hêrôin. Căn cứ kết quả giám định và đấu tranh khai thác, Trại giam Nam Hà đã hoàn tất hồ sơ chuyển giao PN Thể cho cơ quan cảnh sát điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật.

…Và một người lãnh đạo tài năng

Lập được nhiều thành tích trong công tác, Thượng tá Phạm Văn Nghị được Lãnh đạo Tổng cục VIII (nay là Cục C10), Lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng, đề bạt bổ nhiệm, điều động giữ chức vụ Giám thị Trại Giam Thanh Phong từ tháng 6 năm 2017. Với cương vị là Bí thư Đảng bộ cơ sở, Giám thị, người đứng đầu đơn vị Trại giam Thanh Phong, nhiệm vụ chính trị được giao là lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của đơn vị, quản lý hơn 650 cán bộ, chiến sĩ; quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo và hướng nghiệp dạy nghề cho gần 4000 phạm nhân. Đó thực sự là nhiệm vụ không hề nhẹ nhàng.

Trại giam Thanh Phong hiện quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo và hướng nghiệp dạy nghề cho gần 4000 PN

Thượng tá Phạm Văn Nghị cho biết: Phần lớn đối tượng quản lý giam giữ ở trại giam Thanh Phong đều có mức án dài, nhiều tiền án, tiền sự, cầm đầu các băng, ổ, nhóm, nhiễm các bệnh HIV/AIDS, bệnh lao, lao kháng thuốc..., thường xuyên vi phạm nội quy trại giam, luôn tìm cách chống phá.

Trong đó: Mức án chung thân gần 150 PN; PN mức án trên 15 - 30 năm chiếm tỷ lệ cao; PN phạm các tội về ma túy chiếm trên 54%; PN có 1 tiền án trở lên chiếm trên 2/3 tổng số phạm nhân toàn trại… Vì vậy, công tác quản lý, giáo dục PN gặp không ít khó khăn, thách thức.

“Quản lý trại giam là quản lý đặc biệt, xác định như quả bom nổ chậm, có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Vì vậy, đòi hỏi cả người lãnh đạo, chỉ huy cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ lúc nào cũng phải tập trung trí lực, tinh thần, lực lượng cao độ, đặc biệt là công tác trực chiến. Ngủ cũng chỉ ngủ một mắt. Thần kinh lúc nào cũng căng như dây đàn, sợ nhất là những cuộc điện thoại lúc đêm khuya, hoặc giờ cao điểm thông báo về tình hình PN nổi loạn, đánh nhau, cấp cứu…”, đồng chí Phạm Văn Nghị bộc bạch.

Xác định không có khó khăn nào có thể làm con người chùn bước, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm và sự sáng tạo không ngừng, đồng chí Phạm Văn Nghị đã chỉ đạo phát động và thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua trong toàn đơn vị, nhất là các phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào "Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" gắn với phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc". Bản thân đồng chí luôn thực hiện tốt vai trò đầu tầu, gương mẫu, trách nhiệm, nêu gương của người lãnh đạo, chỉ huy, là hạt nhân trong xây dựng khối đoàn kết, thống nhất toàn đơn vị và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Đặc biệt, trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí cùng với tập thể cán bộ, chiến sĩ trại giam Thanh Phong đề ra và thực hiện nhiều kế hoạch, biện pháp, Nghị quyết sáng tạo, đúng đắn, phù hợp: Nghị quyết 911 về tăng cường công tác giáo dục PN trong tình hình mới; Nghị quyết 19 về ngăn chặn PN đưa điện thoại, ma túy, đồ vật cấm đưa vào trại giam; Nghị quyết 43 về đảm bảo an ninh, an toàn trại giam trong tình hình hiện nay…

Ngoài ra, đồng chí đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện chế độ, các chính sách đối với PN, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; tổ chức phát động các đợt thi đua trong PN toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, thi đua chấp hành nghiêm Nội quy trại giam. Hàng năm, chỉ đạo các đơn vị cơ sở chi bồi dưỡng, chế độ ăn thêm cho PN; khám, cấp phát thuốc men chữa bệnh, tiền thưởng cho PN từ 700 — 800 triệu đồng, ngoài ra cán bộ quản giáo phụ trách đội PN còn bồi dưõng từ 400 - 500 triệu đồng cho PN …

Với những nỗ lực đó, đến nay, tại Trại giam Thanh Phong, tỷ lệ PN cải tạo khá, tốt tăng lên trên 80%. Tình trạng PN cấu kết với các đối tượng bên ngoài đưa điện thoại, ma túy và đồ vật cấm vào trại giam mua bán, sử dụng không còn; tỷ lệ PN xếp loại cải tạo kém từ 17% (năm 2012) giảm xuống còn 2,8% tính đến 6 tháng đầu năm 2018 (vượt chỉ tiêu của Cục đề ra là dưới 5,7%)…

Thượng tá Phạm Văn Nghị trăn trở: Xã hội phát triển, “xã hội trong trại giam” càng phức tạp. Trách nhiệm trả lại cho xã hội những công dân lương thiện là rất nặng nề, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trại giam Thanh Phong không ngừng nỗ lực; tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nâng cao trình độ, chuyên môn và dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn nữa với nghề.

Mai Thảo