Hiện thực hóa ước mơ “đổi đời” nhờ cây sả java
28/06/2019 - 20:50

TĐKT – Sau nhiều năm tìm hiểu các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng bản địa, chàng trai người dân tộc Phù Lá Sẩn Xuân Trung đã mạnh dạn đưa cây sả java về trồng tại thôn Cốc Sâm 3, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô, trồng sắn, sả java được kỳ vọng sẽ mở ra hướng thoát nghèo mới, bền vững cho nông dân nơi đây.

Anh Sẩn Xuân Trung - Giám đốc HTX Minh Ngọc đưa nguyên liệu đã phơi khô vào chưng cất bằng phương pháp thủ công

Cốc Sâm 3 là thôn đặc biệt khó khăn của xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Những năm trước đây, bà con vẫn chưa tìm được hướng thoát nghèo bền vững do đất đai cằn cỗi, dẫn đến nhiều lao động vượt biên đi làm thuê trái phép. Diện tích đồi núi rộng lớn của Cốc Sâm 3 xưa kia um tùm cỏ dại, bị bỏ hoang do đất đai cằn cỗi.

Hệ số sử dụng đất đai ở quê hương lãng phí, kém hiệu quả đã khiến Sẩn Xuân Trung không thôi trăn trở. Sau nhiều năm tìm hiểu các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng bản địa, anh quyết tâm đưa giống sả đỏ, còn gọi là sả java (loại sả chuyên lấy lá để chưng cất tinh dầu) về trồng thử nghiệm trên đất đồi nhà mình.

Nhận thấy những ưu điểm vượt trội và lợi ích kinh tế của giống cây dược liệu này so với các loại cây trồng truyền thống, giữa năm 2018, hợp tác xã (HTX) Minh Ngọc do anh sáng lập bắt đầu mở rộng diện tích trồng sả lên 25 ha. Cuối năm 2018, HTX của anh thu hoạch lứa lá đầu tiên.

Sả được HTX thuê người dân cắt lấy phần lá, sau đó đem về chưng cất theo phương pháp thủ công. Trung bình cứ 1 tấn sả java sẽ chưng cất được 20 lít tinh dầu và được doanh nghiệp đến trực tiếp để thu mua theo hợp đồng ký kết trước đó. Tinh dầu sả java được nhiều người ưa chuộng vì những công dụng hữu ích của nó: có tác dụng đuổi muỗi, sát khuẩn, khử trùng trong gia đình… Ngoài ra còn dùng để làm gia vị, thảo dược.

“Mới gần 1 năm đi vào hoạt động, nhưng mô hình chế biến tinh dầu sả đem lại hiệu quả ngoài mong muốn bởi giá trị của nó cao hơn cây ngô từ 3 - 4 lần.” - Anh Sẩn Xuân Trung cho biết.

Học tập HTX Minh Ngọc, không ít hộ dân đã quyết tâm cải tạo ruộng đất để trồng sả, với hy vọng thoát nghèo bền vững ngay trên chính mảnh đất của mình. So với những cây trồng khác, cây sả java tốn ít công chăm sóc hơn và phù hợp với cả đồi đất cằn. Theo tính toán mỗi hec ta sả cho năng suất mỗi năm khoảng 30 tấn lá, chế biến 500 - 600 lít tinh dầu, đem lại giá trị gần 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mỗi gốc sả sẽ cho thu hoạch 6 năm.

Chị Giàng Thị Cú - thôn Phìn Giàng, xã Phong Niên chia sẻ: “Trước kia mình làm thuê bên Trung Quốc, vất vả lắm. Nhưng giờ không đi nữa. Ở nhà đi làm thuê cho HTX và trồng sả.”

Đồi núi Cốc Sâm 3 cằn cỗi xưa kia đã được phủ kín bởi màu xanh trù phú của sả java

Với những thành công bước đầu, hiện nay HTX Minh Ngọc đang mong muốn mở rộng vùng nguyên liệu lên gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh đó, HTX sẽ vận động, liên kết với các hộ dân trồng sả, sau đó cam kết đảm bảo đầu ra cho bà con.

Cấp ủy, chính quyền xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cây dược liệu này. Nếu thành công, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ra một số thôn bản vùng cao nhằm thay thế cho cây lương thực truyền thống kém hiệu quả. Quan trọng hơn, hy vọng rằng: Hướng đi này sẽ góp phần kéo giảm số lao động tự ý bỏ đi khỏi địa phương sang Trung Quốc làm thuê.

Không chỉ ở Phong Niên, tại huyện Bảo Thắng, mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã được nhân rộng tại các xã Phong Hải, Trì Quang... mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân địa phương. Tương tự, tại huyện Bát Xát, một số xã cũng đã triển khai mô hình trồng sả trên đồi dốc bạc màu và thu được hiệu quả cao.

Tuy nhiên, để phát triển mạnh loại cây dược liệu này, người dân cần được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cũng cần cam kết đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh dầu sả, giúp bà con yên tâm mở rộng diện tích trồng sả java.

Nguyệt Hà