Hơn ba thập kỷ cùng thế hệ trẻ kiến tạo các giá trị xã hội tốt đẹp - Kỳ 1: Người lan tỏa mạnh mẽ phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam
05/05/2022 - 15:48

TĐKT - Năm nay đã ngoài tuổi ngũ tuần, trên mái tóc đã điểm vài sợi trắng hoa râm, nhưng nhiệt huyết với các hoạt động cộng đồng và phong trào thanh niên vẫn “rực cháy” trong con người giảng viên, doanh nhân Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1971), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tài năng và Khởi nghiệp, Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn nhân lực Chất lượng cao (CiT Edu).

Kỳ 1: Người lan tỏa mạnh mẽ phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam

Nếu như GS.TSKH.NGND Đỗ Trung Phấn – Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được coi là người đầu tiên khởi xướng phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam thì anh Nguyễn Đức Thuận – Thủ lĩnh đầu tiên của Hội Thanh niên vận động hiến máu TP Hà Nội là người có vai trò quan trọng trong việc phát triển và lan tỏa mạnh mẽ phong trào ấy đến tận ngày nay.

Trong không gian sáng tạo của Trung tâm Đào tạo Tài năng và Khởi nghiệp, đặt ở ngõ 72 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), anh thanh niên thế hệ 7X say sưa kể lại với chúng tôi và nhiều bạn thanh niên trẻ tuổi khác trong Câu lạc bộ như Trần Thanh Huy, Trần Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Tố Uyên…về những năm tháng tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết với phong trào hiến máu tình nguyện của mình.

Anh bảo, đến với hiến máu tình nguyện là nhân duyên trời định, cách đây gần 30 năm, khi còn là sinh viên năm thứ 3 hệ bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội được thực hành tại Bệnh viện Bạch Mai, mà người trực tiếp hướng dẫn là GS.TSKH.NGND Đỗ Trung Phấn – Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Anh Nguyễn Đức Thuận (bên phải) đã tham gia hiến máu và vận động hiến máu từ năm 1993

Thời điểm đó tại Việt Nam, khái niệm hiến máu tình nguyện hay hiến máu nhân đạo còn khá xa lạ, thậm chí nhiều người có cái nhìn kỳ thị. Trong khi, các quốc gia trên thế giới đã thực hiện vận động thường niên được ít nhất 2% dân số tham gia hiến máu, phục vụ rất tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thì tại nước ta lúc bấy giờ, cả năm chỉ có khoảng hơn 120.000 lượt người tham gia hiến máu, đáp ứng được khoảng 5 đến 7% nhu cầu máu điều trị. Thêm vào đó, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS lúc đó bắt đầu hoành hành dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng khan hiếm, thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước.

“Hàng ngày, khi theo chân thầy Phấn thăm khám, điều trị bệnh nhân tại các khoa, phòng trong bệnh viện Bạch Mai, tôi có cơ hội tường tận hơn về thực trạng ấy. Hình ảnh bệnh nhân nằm hàng dài chờ có máu để mổ; rồi cảnh người nhà bệnh nhân, không kể đêm hôm, kéo nhau đến chân bệnh viện, xếp hàng để chờ cho máu; thậm chí là cả những ca bệnh tử vong vì nguyên nhân không có đủ máu để truyền… hầu như ngày nào cũng diễn ra ở bệnh viện. Càng ám ảnh, day dứt, tôi càng hiểu rõ hơn về sự cần thiết của hiến máu tình nguyện.”  - anh Thuận kể.

Anh Nguyễn Đức Thuận (thứ 3 từ phải sang) được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt tôn vinh vì những đóng góp quan trọng trong phong trào hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện

Dưới sự gợi ý và dẫn dắt của thầy Đỗ Trung Phấn, anh Thuận đã đầu tư thời gian đi sâu vào tìm hiểu về lĩnh vực máu; quyết tâm dành tâm sức, cùng với người thầy của mình tìm cách gây dựng và phát triển đội ngũ tình nguyện vận động hiến máu tại Việt Nam, với mong mỏi có thể giúp đỡ nhiều hơn cho những bệnh nhân mắc bệnh về máu.

Ban đầu, để có những trải nghiệm thật và chính xác nhất về hiến máu, chàng sinh viên trẻ đã quyết định giấu gia đình đi hiến máu. “Nhưng phải đi đến lần thứ 3, tôi mới đủ can đảm cho đi những giọt máu của mình. Lần đầu, rồi những lần hiến máu sau đó, tôi thấy sức khỏe mình hoàn toàn bình thường thì thật sự hiểu hiến máu tình nguyện là việc nên làm” - Anh Thuận nhớ lại.

Sau đó, vừa lo việc học, anh vừa tích cực đi vận động các anh em cùng trường y, bạn bè cùng quê đất Tổ (Phú Thọ) ở Hà Nội cùng tham gia hiến máu. “Ngày đó, sinh viên trường y phải học cả ngày, tôi chỉ tranh thủ chiều tối tan học, kéo các bạn ra quán nước, tách từng người ra để vận động. Cứ vận động được ai, tôi lại trực tiếp đạp xe, chở thẳng đến Bệnh viện Bạch Mai để hiến máu. Có lần, mấy đứa chở nhau đi hiến máu xong, bị phụ huynh của một bạn sinh viên phát hiện, đã mắng, cầm que đuổi đánh vì không đồng ý cho con hiến máu. Nhiều người nghĩ, chắc là bệnh viện trả nhiều tiền cho tôi nên mới tích cực thế, chứ không ai tin tôi vận động hiến máu tình nguyện. Thậm chí, biết tôi đi hiến máu, mẹ đẻ còn viết thư nói rằng, nếu thiếu tiền học để mẹ gửi, đừng bán máu...” – Anh Thuận kể.

Khó khăn là vậy, nhưng may mắn được GS Đỗ Trung Phấn định hướng, sự ủng hộ của các thầy cô giáo trong trường Đại học Y Hà Nội; đặc biệt là sự thấu hiểu dần từ phía gia đình và sự tin tưởng, đồng hành của nhiều bạn bè, anh Thuận càng có thêm niềm tin về hoạt động hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện đầy ý nghĩa nhân văn mà mình đang làm.

Ngày 15/10/1993, anh Thuận đứng ra tập hợp, đoàn kết 13 sinh viên y khoa hiến máu tình nguyện đầu tiên của trường, thành lập CLB thanh niên vận động hiến máu tình nguyện trường Đại học Y Hà Nội. Với tinh thần tất cả vì người bệnh, các thành viên trong CLB dốc sức, dốc lòng cho công tác vận động hiến máu.

GS Đỗ Trung Phấn vẫn nhớ như in những buổi đào tạo, trang bị kiến thức về máu và kỹ năng vận động hiến máu cho sinh viên trong CLB: “Chẳng kể mưa nắng, cũng chẳng có một khoản hỗ trợ hay thù lao động viên nào nhưng Thuận và các sinh viên tình nguyện vận động hiến máu trong CLB rất say sưa, nhiệt huyết và sinh hoạt có kỷ luật, không chủ nhật nào vắng mặt. Nhiều hôm, cả thầy và trò mỗi người một chiếc bánh mỳ chay ăn qua trưa, nhưng ai cũng đoàn kết, hào hứng”.

Ngày 24/01/1994, tại Bệnh viện Bạch Mai, CLB đã đứng ra tổ chức thành công Ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên của Việt Nam với sự tham gia và cổ động của lãnh đạo Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Hội Chữ thập đỏ, Hội Sinh viên Hà Nội, các giáo sư, tiến sĩ trong ngành Huyết học và truyền máu; lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cùng nhiều sinh viên, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội và một số khách quốc tế. Từ 50 đơn vị máu thu được tại ngày hội, phong trào vận động hiến máu tình nguyện của sinh viên Đại học Y Hà Nội dần lan rộng ra các trường học khối ngành Y và khối sư phạm, các cơ quan, đơn vị, sau đó đến thanh niên cả nước đồng loạt hưởng ứng. Phong trào hiến máu tình nguyện, hiến máu nhân đạo trở thành 1 trong 3 cuộc vận động lớn của thanh niên toàn quốc thời bấy giờ.

Từ chỗ chỉ có duy nhất một thành viên, CLB thanh niên vận động hiến máu trường Đại học Y Hà Nội do chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thuận làm thủ lĩnh dần phát triển mạnh mẽ, được nâng cấp thành Chi hội thanh niên vận động hiến máu TP Hà Nội (năm 1996) và được đổi tên thành Hội thanh niên vận động hiến máu TP Hà Nội (trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội) (năm 2000).

Đặc biệt, ngày 7/4/2000, Thủ tướng ra quyết định chọn ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò, cũng như đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào hiến máu tình nguyện, nhân đạo tại Việt Nam; ghi nhận những tâm huyết của thầy trò Đỗ Trung Phấn – Nguyễn Đức Thuận và những người hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện cả nước trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.  

Anh Nguyễn Đức Thuận là người sáng lập ra chương trình Lễ hội Xuân hồng

Nhìn lại chặng đường dài gây dựng phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam, GS.TSKH  Đỗ Trung Phấn chia sẻ: “Tôi thực sự hạnh phúc và cảm thấy tự hào khi đã chọn đúng người có đủ năng lực và tâm huyết để gánh vác sứ mệnh lan tỏa một phong trào nhân ái. Thuận đã dành hết đam mê và tâm huyết của tuổi trẻ để vận động hàng chục ngàn lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, tập hợp và đào tạo được hàng vạn tình nguyện viên tham gia vận động hiến máu tình nguyện, góp phần thắp sáng lên ngọn đuốc nhân ái trong cộng đồng xã hội. Thuận đã sáng lập ra nhiều mô hình vận động hiến máu ý nghĩa khác như: Câu lạc bộ 25 Việt Nam, Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm Việt Nam, Lễ hội Xuân hồng, Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”… Tất cả các mô hình hiện đang được duy trì tổ chức hàng năm, góp phần thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hoạt động hiến máu tình nguyện trên toàn quốc. Lượng máu tình nguyện thu được của cả nước đều tăng lên hàng năm, đã giúp ngành Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.”

GS.TSKH.NGND Đỗ Trung Phấn, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương là người đầu tiên khởi xướng phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam.

“Thuận và những tình nguyện viên vận động hiến máu, tuy không trực tiếp khám và phẫu thuật cứu sống bệnh nhân, nhưng những giọt máu của họ và của những người họ vận động hiến máu, đã và đang góp phần làm hồi sinh sự sống cho hàng triệu người bệnh. Đó là điều thực sự đáng trân quý nhất” - GS.TSKH Đỗ Trung Phấn nhấn mạnh.

Anh Trịnh Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu TP Hà Nội cho biết: Đến nay, dù đã thôi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Máu từ tháng 9 năm 2009, chuyển sang công tác ở một lĩnh vực khác, nhưng anh Thuận vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ, thường xuyên quan tâm truyền lửa, tư vấn, chia sẻ về các hướng đi, mô hình hay cho tổ chức Hội hoạt động phù hợp hơn, bắt kịp trong giai đoạn mới.

Nhờ đó, liên tục từ năm 1996 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ, Hội Thanh niên vận động hiến máu TP Hà Nội vẫn không ngừng phát triển, mở rộng; được Trung ương Hội LHTN Việt Nam xếp loại Đơn vị xuất sắc, Hội LHTN Hà Nội xếp loại là Đơn vị dẫn đầu thi đua; là tổ chức tình nguyện đầu tiên tại Việt Nam được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2019).

Kỳ 2: Khởi nghiệp từ sự tử tế và lòng nhân ái

Mai Thảo