Kiên trì ươm mầm xanh hy vọng nơi vùng cao
14/01/2020 - 09:02

TĐKT - Lớn lên trong một gia đình thuần nông, tuổi thơ phải sống chung với cái đói, cái nghèo, chứng kiến nhiều đứa trẻ không được học hành, thầy giáo người Mông Lý A Phông, giáo viên Trường Tiểu học Trung Sơn B, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, luôn mong ước mình sẽ đưa cái chữ trở lại bản làng, đến với các em học sinh vùng cao. Bởi theo anh, muốn phát triển kinh tế, thoát khỏi cái đói, cái nghèo thì điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải học để tăng sự hiểu biết, từ đó mới có thể thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy và hành động.

Vượt khó đi tìm cái chữ

Thôn Nhồi, nơi Phông sinh ra và lớn lên, nằm cách trung tâm xã Trung Sơn khoảng 16 km. Trong số hơn 400 nhân khẩu đang sinh sống tại đây, đồng bào dân tộc Mông chiếm quá nửa.

Mặc dù nhà nghèo nhưng Phông vẫn kiên trì tới trường, theo đuổi ước mơ học chữ. Phông chia sẻ: “Là người sinh ra và lớn lên tại đây, tôi thấu hiểu được những hoàn cảnh của người dân cũng như những khó khăn trong cuộc sống của gia đình mình. Chính vì điều đó, tôi đã nỗ lực đi học. Ngay trên ghế nhà trường, tôi đã xác định mục tiêu là đi học để đem cái chữ về bản, giúp các em học sinh có một tương lai tươi sáng hơn.”

Thầy giáo Lý A Phông cùng các em học sinh Trường tiểu học Trung Sơn B.

Những năm học phổ thông xa nhà vất vả, vừa phải đi gánh gạo để có tiền trọ học, anh vẫn nỗ lực học tập và tiếp tục thi đỗ vào Trường Đại học Hùng Vương. Sau khi tốt nghiệp đại học, Lý A Phông được phân công về Trường tiểu học Trung Sơn B dạy lớp cắm bản tại thôn Nhồi.

Phông cho biết: Trước năm 2013, nhiều học sinh ở thôn Nhồi, nhất là những em người dân tộc Mông thường xuyên nghỉ học để theo gia đình lên nương làm rẫy. Đa số các em học hết lớp 5 là nghỉ ở nhà. Tỷ lệ học lên THCS rất ít và gần như không có học sinh học THPT chứ chưa nói đến học trung cấp, cao đẳng, đại học. Phụ huynh thì bận rộn với việc nương rẫy, không quan tâm đến việc học hành của con em mình. Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, không cho con gái đến trường còn phổ biến. Đặc biệt, các em học sinh là người Mông và bố mẹ các em đều không thạo tiếng Việt, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc giảng dạy, giao tiếp đối với giáo viên, nhất là giáo viên vùng xuôi lên đây công tác.

Năm 2013 - thời điểm Lý A Phông về làm thầy giáo, thôn Nhồi không có đường, không điện, không trường học. “Lớp tôi dạy chỉ có từ 7 - 10 em, đều là con em đồng bào Mông. Là trẻ em vùng sâu, vùng xa, các em chưa hiểu, chưa nói thạo tiếng phổ thông nên việc dạy dỗ không đơn giản. Nhiều khi nhìn học trò nhỏ xíu, đến lớp với cái bụng đói, nhút nhát, tự ti… mà thương các em ứa nước mắt” - Lý A Phông tâm sự.

Thương các em, bằng tấm lòng của người thầy, người cha, thầy giáo Phông đã tìm mọi cách khắc phục, giảng dạy để các em dễ hiểu nhất. Nhờ thông thạo tiếng dân tộc, thầy dễ dàng tiếp xúc và trao đổi cởi mở với các em. Trong quá trình giảng dạy, nếu học sinh không hiểu thì thầy lại dạy song ngữ, vừa dùng tiếng Việt, vừa sử dụng tiếng Mông. Không chỉ dạy kiến thức, thầy giáo Phông còn rèn cho các em thói quen sinh hoạt sạch sẽ, vệ sinh, vun đắp cho các em ước mơ tốt đẹp.

“Thầy dạy em học toán và tiếng Việt, dạy em hát. Em rất thích học thầy Phông” - Em Vàng Thị Hà Ly, học sinh lớp 1C, Trường tiểu học Trung Sơn B, hồ hởi nói về người thầy đáng mến của mình.

Mỗi khi có học sinh nghỉ học giữa chừng, thầy Phông lại lặn lội đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học, thuyết phục phụ huynh cho con trở lại trường. Những ngày mùa đông thời tiết giá rét, sương mù dày đặc che hết cả đường đi cũng không làm chùn bước chân người thầy giáo trẻ.

Nhờ sự kiên trì và trái tim yêu nghề của thầy Phông cùng các thầy cô giáo cắm bản ở thôn Nhồi, từ năm học 2013 - 2014 đến nay, các em học sinh đã đi học đông đủ và thường xuyên đảm bảo sĩ số. Học sinh tự tin, hiểu biết hơn, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt việc học tập và rèn luyện ngày càng tăng. Đặc biệt, hiện thôn Nhồi có 9 học sinh người Mông có trình độ văn hóa 12/12, trong đó có 5 người trình độ đại học, 1 học viên đang thực tập sinh tại nước ngoài, 2 người có trình độ cao đẳng, 1 người có trình độ trung cấp.

Hết mình vì thôn, bản

Không chỉ dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho công việc giảng dạy, thầy giáo Lý A Phông còn là một “cây dân vận khéo” của xã Trung Sơn. Cùng là người Mông và là một tấm gương sáng của thôn nên anh được bà con tin yêu, quý mến.

Ông Đinh Văn Lúa, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, huyện Yên Lập cho biết: Là một đảng viên trẻ, ngoài việc dạy học, đồng chí Phông còn cùng với khu dân cư vận động bà con nhân dân phát triển kinh tế xã hội, giúp đồng bào dân tộc Mông định canh, định cư.

Tại các buổi sinh hoạt, các buổi họp thôn, Lý A Phông luôn mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến, tuyên truyền cho bà con về việc ổn định nơi cư trú, không di cư tự do để có thời gian phát triển kinh tế cho gia đình; tuyên truyền bà con giữ mối quan hệ đoàn kết trong thôn cũng như với các anh em dân tộc khác trong vùng 6 khe của xã Trung Sơn, cùng nhau học hỏi và phát triển kinh tế theo hướng đổi mới…

Với đặc thù 100% hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nhồi theo đạo Thiên Chúa, Phông còn chủ động phối hợp với Ban hành giáo vận động, hướng dẫn các hộ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất và thực hiện tốt phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước”.

Anh thường xuyên vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ các hộ nghèo, người già neo đơn trên địa bàn.

Không dừng lại ở đó, anh thường xuyên vận động nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ các hộ nghèo, người già neo đơn trên địa bàn. Ở khu Thành Xuân, xã Trung Sơn có gia đình ông Phùng Xuân Khánh và vợ là bà Dương Thị Lứu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Khánh là bộ đội xuất ngũ. Sau này ông đi lao động không may bị thương ở tay rồi bị nhiễm trùng. Ông bà chỉ có một con gái lập gia đình xa quê. Hai ông bà sống trong một căn nhà lụp xụp, không thể che được những cơn gió, những tháng ngày giá rét của mùa đông. Cảm thương trước gia cảnh của ông, tháng 10 vừa qua, thầy giáo Phông đã liên hệ với các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, quyên góp tiền, ngày công lao động để xây dựng cho ông bà một căn nhà ấm cúng…

Giờ đây, thôn Nhồi đã có nhiều đổi thay. Những con đường bê tông trải dài khắp thôn xóm, trường học kiên cố, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại đã về tới tận thôn bản. 100% số hộ đồng bào Mông đã định cư ổn định, biết thâm canh lúa nước, trẻ em đến tuổi đều được đến trường. Trong niềm vui chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của thầy giáo Lý A Phông.

Nhờ những nỗ lực, cống hiến trong những năm qua, thầy Phông đã được Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc huyện Yên Lập giai đoạn 2014 - 2019.

Năm 2016, anh được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam chứng nhận là giáo viên trẻ cắm bản tiêu biểu; năm 2018 vinh dự là 1 trong 170 đoàn viên thanh niên tiên tiến của tỉnh làm theo lời Bác. Năm 2019 tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Yên Lập, anh vinh dự được tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình hành động và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện lần thứ II năm 2014.

Phương Thanh